Inrasara: VĂN CHƯƠNG – TIẾNG NÓI TỪ ĐƯỜNG BIÊN

[Bài phát biểu tại Sàn Art, Sài Gòn, 6-7-2016]
2016-7-San Art-07
Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên

Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới
.
(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài tân hình thức, 2006)

1. Sự chọn lựa của tôi
Tôi vô chính phủ từ trong trứng, có nghĩa tôi là sinh thể không thể bị định hướng.
Ngay từ tuổi tìm học – tuổi 15 – tôi đã ý thức mạnh về tự do và dân chủ. Ý thức và hành động. Tôi tự do và dân chủ trong đời sống thường nhật, được thể hiện ngay cả với con cháu trong nhà.
Dân chủ thì cần đến đối thoại. Khác với nhiều diễn giả, trên các diễn đàn, tôi dành cho khách thính nửa thời gian đối thoại, tranh luận. Continue reading

Inrasara: NHÀ PHÊ BÌNH CỦA THẾ HỆ

Phát biểu tại Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV: “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016” – Hội Nhà văn Việt Nam, Tam Đảo, 6.2016.
Dự kiến là thế, nhưng do trục trặc rất ư hậu hiện đại, nên tác giả của nó vắng mặt ở diễn đàn lớn [và… loạn] này.

1. Sao gọi là nhà phê bình của thế hệ?
Mỗi thế hệ sáng tác cần có nhà phê bình của mình, một người theo dõi toàn cảnh, ghi nhận và đánh giá các tác phẩm ra đời trong thời đoạn văn học nhất định.
Không phải họ không đọc, và không thể đánh giá tác phẩm của thế hệ đi trước, mà bởi thế hệ nhà văn đó đã có người làm rồi, và có thể đã làm khá tốt rồi. Trong khi đó, các sáng tác mới nhất của thế hệ đượng đại chưa được ghi nhận. Hơn nữa, ở ngày hôm nay bao nhiêu khuôn mặt mới xuất hiện và cho ra đời bao nhiêu tác phẩm mới lạ; đọc tất cả chúng là điều bất khả, ngay cả với người yêu văn học nhất. Thế nên, một nhà phê bình chỉ có thể bao quát một thể loại, thậm chí một trào lưu ở một thời đoạn nhất định. Và không thể khác, nếu hắn muốn làm tốt công việc của mình.

2. Đối tượng phê bình của tôi
Cá nhân tôi, với tư cách một người làm phê bình cũng thế.
Tôi vẫn theo dõi tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, nhưng thể loại ưu tiên của tôi là thơ. Thơ, tôi vẫn đọc Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, cùng các nhà thơ chống Mỹ và thế hệ nhà thơ hậu chiến, song đối tượng phê bình chính của tôi là nhà thơ thời Đổi mới, hậu Đổi mới, và nhất là các sáng tác ngoại biên.
Sáng tác ngoại biên, có thể kể: Tác phẩm của nhà thơ Dân tộc thiểu số, các sáng tác của người Việt hải ngoại, thơ của cây bút chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà thơ cư trú ở vùng sâu vùng xa ít được biết đến, văn chương mạng, và cả các tên tuổi xuất hiện ngoài luồng. Continue reading

Inrasara: VỀ ĐÂU, PHÊ BÌNH HẬU HIỆN ĐẠI VIỆT NAM?

Tham luận “Một số vấn đề lý luận và phê bình văn học thời kì Đổi mới”,
Đại học Hùng Vương – Phú Thọ, 14-4-2016

1. “Hoàn cảnh” hậu hiện đại Việt Nam
“Hoàn cảnh” hậu hiện đại the postmodern condition Việt Nam khác với thế giới, khác từ truyền thống đến hiện tại, nên nó sản sinh ra hậu hiện đại Việt Nam khá đặc thù.
Truyền thống, tính “hậu hiện đại” postmodernity có sẵn trong đời sống Việt Nam. Thượng đế đã chết của Nietzsche không khác mấy Phùng Phật sát Phật của Thiền sư Vân Môn; hay “Phật là Phật, anh là anh. Anh đâu cần làm Phật, Phật đâu cần làm anh” của Tuệ Trung Thượng Sỹ. Song hành với tính nghi ngờ ngôn ngữ của các bậc trí huệ (Phật giáo), trong dân gian là tính không tin truyền thông đại chúng (“Nhà báo nói láo ăn tiền”), tính không tin trung tâm quyền lực (“Phép vua thua lệ làng,” “Hơi đâu lo mấy chuyện cung đình”), tính giễu nhại những bài ca phổ biến, khôi hài, xỏ lá mấy chuyện xem như quan trọng, tính hầm bà lần.
Chủ nghĩa hậu hiện đại postmodernism vào Việt Nam như là một cơ duyên và cơ hội.
Hiện tại, xã hội Việt Nam hiện tại tồn tại cùng lúc đặc tính các dấu vết của nhiều thời kì lịch sử khác nhau của nhân loại: hậu hái lượm, tiền nông nghiệp, phong kiến, bán công nghiệp xã hội chủ nghĩa, hậu thực dân, hậu sụp đổ phe xã hội chủ nghĩa, hậu chiến cùng các hệ lụy của nó [như Bắc – Nam, vượt biên và Việt kiều, tàn dư chế độ tiền tư bản và hậu cộng sản], hiện đại và hậu hiện đại… tất cả đang tác động đến các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Continue reading

Inrasara: THƠ – TIẾNG THỞ DÀI MỎI MỆT

1. Trần Hữu Th., sinh tại Điện Bàn – Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại TPHCM. Làm thơ từ năm đầu cấp III Trung học. Dự Hội nghị viết văn Trẻ lần thứ 4. Có nhiều thơ đăng trên các báo địa phương và Trung ương. Đã xuất bản 3 tập thơ riêng, và có thơ được tuyển vào 15 tập thi tuyển. Giải B (không có giải A) 5 năm Văn học Nghệ thuật tỉnh.
Nguyễn Văn H.. Các bút hiệu khác: Văn Thanh, Gió Lang Thang. 32 tuổi Đảng. Phó giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo. Nguyên Ủy viên BCH Hội VHNT Thanh Hóa. Tham gia Lớp tập huấn viết văn của Hội Nhà văn Trung ương năm 1990. Các thi phẩm:… Giải thưởng đạt được:…
Đó là hai tiểu sử [giả định] những người làm thơ Việt Nam ưa dùng được ghi ở bìa gấp hay bìa bốn tập thơ. Continue reading

Inrasara: HÀNH ĐỘNG TRONG CHÂN TRỜI KHẢ THỂ

1. Tôi biết gì?
Thuở Trung học, tôi rất trung bình. Đất nước thống nhất, như chuột sa chĩnh gạo, tôi cầm được suất “ưu tiên” cho ngồi giảng đường. Tôi hết cử nhân, rồi qua Liên Xô lấy phó tiến sĩ hữu nghị. Tôi được cho vào lò đào tạo một chiều, như thể loài ngựa bị che hai bên mắt để cứ thẳng đường mà đi. Tôi chẳng thấy cái gì khác ngoài tri thức quý ngài giáo sư [cũng bị che mắt] từ mấy giáo trình bị tẩy sạch đến không còn đất cho tự do suy tư, phản biện. Vậy thì, hỏi tôi có đáng ưỡn ngực không?
Vì hoàn cảnh, tôi buộc thôi đại học dở chừng, trở về quê nhà. Nhưng bởi tình yêu tri thức, tôi mày mò đọc thêm. Tôi như ếch đáy giếng, được con trùng nào rớt xuống là tôi đớp không chút ngại ngần. Gặp sách nào cũng ngấu nghiến, bắt được thầy nào cũng học. Vài ngàn cuốn sách qua tay tôi, nhưng hoàn toàn không hệ thống. Kiến thức tôi bập bõm trúng trật, thì rõ rồi. “Chúng ta vỡ lòng mốc bụi dĩ vãng”, một nhà văn nói thế. Mốc bụi như vậy, ở đó mà tôi dám vênh mặt với người hàng xóm!
May mắn hơn, tôi sinh ra trong gia đình khá giả, thời cuộc thuận buồm xuôi gió được đào tạo trường Tây, qua đại học chính quy Mỹ, giật lấy bằng tiến sĩ chính hiệu. Tiếng tây tiếng u đủ đầy. Nhưng tri thức có nghề kia có là cái biết đích thực không? Hay hỏi cách sâu thẳm hơn: tôi biết gì, ngoài chuyên môn của tôi? Mà ngay cả cái chuyên môn kia cũng ra từ một lò, theo một trường phái, qua kiến thức giáo sư hướng dẫn. Nghĩa là nó vẫn bị quy định. Nói một cách hình ảnh thì ngay cả thứ ếch ngồi đáy giếng kia, có thấy một góc trời nhỏ hẹp nào đó, thì góc trời kia cũng đầy mốc bụi, xộc xệch qua mắt nhìn méo xẹo. Cái biết đó mà vỗ ngực với đời thì ngực kia lép xẹp là cái chắc! Continue reading

Inrasara: 30 ĐỔI MỚI, CÁC TRÀO LƯU THƠ VIỆT Ở ĐÂU, VỀ ĐÂU?

Hội thảo” Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới: thực trạng và triển vọng.”
Viện Văn học, Hà Nội, 28-5-2015

Tìm trào lưu thơ Việt ở đâu?
Có thể sử dụng hạn từ “trào lưu”, “phong trào” hay “xu hướng” thơ, tùy mức độ phát triển và tác động của “dòng” thơ ấy vào quần chúng, cộng đồng văn học, thậm chí chỉ ở phạm vị hạn hẹp, là những người sáng tác với nhau. Ở đây, tôi tạm dùng từ “trào lưu” để chỉ xu hướng thơ mới gồm một nhóm người nhất định cùng sáng tác theo một hệ mĩ học [nhỏ hơn: ý hướng, vài hình thức biểu đạt…] với mục đích chung nhất, qua đó lôi cuốn một số người đi theo, ủng hộ.
Thơ Việt sau 30 năm đổi mới đã nảy ra nhiều trào lưu mới với nhiều cách biểu hiện và xuất hiện khác nhau. Một khi văn hóa internet phát triển cùng nhiều quan điểm sáng tác và xuất bản khác nhau, khi văn học trong nước và hải ngoại phần nào đó đang xu hướng “hợp lưu”, để tránh sự thiếu khuyết, người nghiên cứu cần có cái nhìn toàn cảnh mới bao quát được vấn đề. Nhìn toàn cảnh thơ Việt sau 30 năm đổi mới qua con mắt hậu hiện đại là lối nhìn giải trung tâm, coi các phong trào thơ ngoại vi là những dòng chảy quan trọng không chút kém cạnh so với thơ dòng chính, để tạo thành một hợp lưu là thơ Việt, nói chung. Thơ của các nhà thơ ở vùng sâu vùng xa hay thơ người Việt ở nước ngoài, thơ in photocopy hay thơ đăng lên mạng, thơ của các nhà thơ là người dân tộc thiểu số hay thơ nữ, thơ của người làm thơ chưa là [hay không muốn là] hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tất cả! Chính lối nhìn mở này mang khả tính khai phóng và thông dòng mọi trào lưu thơ Việt, 30 năm qua.
30 năm, thơ Việt có bao nhiêu trào lưu? Continue reading

Inrasara: VĂN CHƯƠNG TAN RÃ

[& về những ảo tưởng bị đổ vỡ]

Phân rã, không còn hạn định ở không gian và ý hệ phân định địch ta rõ ràng như thời trước 75; cũng không còn thuộc phạm trù chính trị bạn thù như thập niên sau đó; càng không phải ở quan điểm văn chương [thuần túy] như thời Đổi mới, mà là cái gì nhỏ lẻ hơn, vụn vặt đời thường hơn, nên tệ hại hơn. Một tan rã thuộc hàng vô tiền [khoáng hậu] trong lịch sử văn học Việt Nam.

1. Năm 1987 khởi động cho sự tan rã ấy qua sự xuất hiện của Nguyên Ngọc trong tư cách Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Tổng biên tập báo Văn nghệ. Ở đó cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với non trăm văn nghệ sĩ vào tháng 10-1987 được xem là bước ngoặt.
Cởi trói, phong trào đổi mới tiểu thuyết và cách tân thơ nở rộ. Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Dương Hướng… nổi lên như những hiện tượng sáng giá, đẩy bao tên tuổi cũ với lối viết cũ vào hậu trường.
Tình trạng kéo dài đến đầu năm 1990, khi Hữu Thỉnh thay Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, tờ báo của Hội Nhà văn bị giới lãnh đạo chính trị cho là đi chệch đường quá xa, cần định hướng lại. Phe bảo thủ dần dần thắng thế và lật ngược thế cờ. Các tác phẩm đổi mới bị phê phán, đỉnh điểm là tiểu thuyết Nỗi Buồn chiến tranh của Bảo Ninh – giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1992 bị mang ra mổ xẻ. Continue reading

Inrasara: 7 THÓI TẬT KHÁC CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC HÔM NAY

Qua tiếp nhận những phát hiện của người đi trước và bằng quan sát của mình về hiện tình sinh hoạt văn học Việt Nam đương đại, tôi đã một lần gọi tên mười căn bệnh phê bình(1). Sinh hoạt phê bình văn học Việt Nam mấy chục năm qua đầy tràn các căn bệnh như thế với nhiều biến thái và biến tướng. Các bài viết kia cuối cùng được tập hợp lại trong một cuốn sách dày trên dưới 300 trang, rồi kêu đó là “tập lí luận – phê bình”: Cảm nhận, Cảm luận, Tản mạn… gì gì đó. Đọc suốt tác phẩm, độc giả không thấy đâu là tư tưởng nền tảng của nhà phê bình, mà chỉ thấy bao nhiêu giai thoại nhảm nhí, trích đoạn tùy tiện, nhận định vu vơ vô bằng, cùng muôn ngàn ý kiến nói theo từng xuất hiện nhan nhản trên đủ loại báo phổ thông.
Hôm nay xin bổ sung 7 thói tật mới/ khác. Continue reading

Inrasara: CÒN AI TIN VÀO NHÀ VĂN VIỆT NAM NỮA KHÔNG?

tạp chí Tia Sáng, 8-7-2015
1. Xã hội nào bất kì, muốn tự thức để tiến bộ, cũng cần đến sự phản biện. Một phản biện đích thực: trực diện, mạnh mẽ, và đầy trí tuệ. Không phải lối phản biện “dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, hay như ở Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương, các diễn giả lên giảng bài, sau đó đưa địa chỉ email: “ai có thắc mắc gì cứ gửi điện thư cho tôi”. Mà là trực diện.
Xã hội Việt Nam hôm nay nảy sinh nhiều vấn đề nóng cần đến sự phản biện. Đâu đó đã có những phản biện, tội – ở đó nhà văn, nhất là cánh nhà văn thuộc Hội Nhà văn Việt Nam ít dự cuộc hơn cả. Trong khi nhà văn là kẻ phản biện xã hội.
Không phải các “nhà” khác không phản biện xã hội, nhưng chính nhà văn là người phản biện xã hội toàn diện nhất, và nhất là – cần thiết cho sự khai mở tư duy sáng tạo của hắn nhất. Continue reading

THẾ NÀO LÀ NỀN VĂN HỌC TỰ DO 5&6

5. Một nền văn học không thể nào tự đầy đủ cho nó. Nó cần biết đến thế giới bên ngoài, giao lưu và tương tác. Trở ngại ngôn ngữ đòi hỏi đến dịch thuật. Thế kỉ XIX trở về trước, dịch thuật đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi một đất nước, một vùng lãnh thổ. Không tiếp cận nền văn hóa khác [trong đó có văn học] thì không thể có cái mới. Đất nước mãi ở lại với cũ kĩ và lạc hậu.
Cả ở thời hậu hiện đại, dù ngoại ngữ đã thành quen thuộc trong vài bộ phận công chúng của nhiều đất nước, nhưng đại đa số vẫn không khả năng đọc nguyên tác, cho dù tiếng Anh phần nào đó trở thành ngôn ngữ quốc tế, và đại bộ phận tác phẩm, các công trình khoa học giá trị được diễn đạt qua ngôn ngữ này, công việc dịch thuật vẫn rất cần thiết. Continue reading