Inrasara: PHÊ BÌNH ‘NHÂN’

1. Tiếp nhận phát hiện của người trước + sự quan sát hiện tình sinh hoạt văn học VN đương đại, tôi đã thử nêu và phân tích: “10 căn bệnh phê bình văn học hôm nay”. Sau đó còn thêm: “Phê bình văn học: rên rỉ và đổ thừa”, và vài nhỏ lẻ khác.
Nhân [lưu ý: “phê bình nhân”] Phạm Lưu Vũ “luận tí về đọc văn”, và nhân Paul Nguyễn Hoàng Đức còm rằng:
“người Á Đông chưa có môn phê bình nghệ thuật, mà chỉ ở mức bình tán (tôi chắc chắn về điều này, và sẵn sàng so găng với tất cả những ai dám viết về phê bình như một tiểu luận 300 chữ)”, nên mới có Stt này góp vui.

2. Mấy năm trước Paul Nguyễn Hoàng Đức vài bận nhắc đến so-găng-thơ, nay anh thêm món so-găng-phê-bình, thì quả đích thị tay cừ. Thú thật, tôi rất khoái.
Ở các diễn đàn mở [chứ không đóng hay khép hờ, hoặc mở he hé như ở Hội Nhà văn], tôi luôn khơi mào cho tương tác, trao đổi, tranh luận. Thế nhưng, VN ta cố lắm chỉ dừng lại ở tương tác và trao đổi, cả ở Cà phê thứ Bảy, hay Bàn tròn Văn chương.
Nhớ năm 2015, tại Hội thảo Hội đồng LLPB VHNT Trung ương tại Sài Gòn, 1 giáo sư + 1 giáo sư tiến sĩ kiêm nhà thơ + 1 nhà báo nổi tiếng chê mạt thơ Bùi Giáng-“giai đoạn sau”. Tôi mới viết một bài trao đổi ngắn, tính tranh luận trực diện với 3 vị ngay hội trường, Ban chủ trì hứa, nhưng khất rồi khất, cuối cùng… hết giờ (vụ này tôi có kể lại ở web nhà).
Tại sao có vụ “dám” ở đó? – Bởi đây là vấn đề TƯƠNG ĐỐI CỤ THỂ, không khó phân định đúng sai.

Tháng 5-2017 vừa qua, Nguyễn Văn Thọ còm như đinh đóng rằng:
“Tôi theo dõi thơ cách tân từ đầu thập kỉ 90, ngay từ khi các anh chị ở VN chưa hề có điều kiện”. “Văn học mạng của anh em hải ngoại bàn về vấn đề cách tân đã rất xa và rất lâu, khi ở VN sau những năm 2000 mới có nhiều thông tin.”
Tôi mới thách anh có dám tranh luận với Sara không, ở bất kì đâu, tùy anh chọn? Anh hãi, nên kêu tôi trẻ con! Bởi tôi biết chắc mình sẽ cho anh KO ngay từ vòng gửi xe. Biết được thắng thua, bởi đây là sự việc RẤT CỤ THỂ.
Còn so-găng-phê-bình thì chung chung quá, so-găng-thơ càng mơ hồ bao la nữa.

3. Dĩ nhiên, sự thể nào bất kì dẫu chung chung đến đâu vẫn có thể đánh đấm được, nếu ta chịu và biết phân định sàn đấu, phân loại hạng cân, vân vân.
Tội, VN ta không truyền thống phê bình. Ngoài vài khuôn mặt đáng nể, phê bình ta “bình tán” là chính, và dị ứng với phê bình [mang tính] khoa học các loại. Từ đó nảy nòi bao nhiêu căn bệnh khác. Khen hay chê của ta luôn tùy hứng và tùy tiện.
Ví dụ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cật cực khen thơ Đồng Đức Bốn, chỉ mỗi thứ ông chê: ĐĐB ít chữ. Để chứng minh ông sai, tôi mới mang 5 nhà thơ cùng thời ra cân đong đo đếm, mới vỡ ra rằng chữ trong bụng ĐĐB chả thua kém ai.
Năm 2006, nói chuyện ở ĐH Sài Gòn, một sinh viên trách tôi: Sao lục bát ĐĐB mới thế mà nhà thơ không khen lại đi khen cánh Mở Miệng? Tôi hỏi:
– Mới, hay lắm. nhưng mới ở đâu, mới thế nào? Bạn trẻ im, tôi tiếp:
– Bạn đã đọc lục bát Phạm Thiên Thư, lục bát Bùi Giáng chưa? Và lục bát Cham nữa…
– Dạ chưa.
– Chưa, thì bạn chưa đủ thẩm quyền bàn về lục bát!
Nữa, có nhà phê bình ban phát cho một nhà thơ lá cờ đầu “cách tân” thơ Việt đương đại, tôi hỏi: Ông đã quán xuyến toàn cảnh thơ Việt chưa? Cách tân, đâu là thơ Nhân văn Giai phẩm? Thơ Tự do miền Nam trước 75 ở đâu? Cả thơ của người Sài Gòn cùng thời nữa?

4. Phê bình văn học có vài hình thức, chức năng, ý hướng khác nhau, nhưng ta cứ nghĩ bình và tán cho kêu, là xong. Để chữa dứt điểm căn bệnh này, tôi mới bày ra Phê bình Lập biên bản.
PBLBB gạt thẳng tay loại phê bình ngoài lề, tán mấy riêng tư với mớ giai thoại nhảm. PBLBB ý hướng kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, do đó thao tác của nó đầy tính khoa học; bên cạnh nó quyết giải trừ tâm phân biệt đối xử, để nền văn học chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học, cả ở vùng [bị xem là] ngoại vi. Đích thị là một thứ đa nguyên văn học.
PBLBB có 3 hình thức: Biên bản Bàn tròn Văn chương, Biên bản Lập chậm, là 2 bước tạo đà cho Phê bình [như là] lập biên bản. Là phê bình tác phẩm, [nhóm] tác giả hay trào lưu văn chương Việt đương đại. PBLBB “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả-tác phẩm để đánh giá chính tác phẩm đó. Chỉ ở hình thức thứ ba này, tác phẩm văn chương mới được nhận diện công bằng nhất có thể, từ đó nhà phê bình nói lên được cái hay, cái dở của nó.
Sau đó, tôi còn triển khai Hồ sơ Biên bản so sánh nữa. Thao tác so sánh làm bật lên tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của các tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu… khác nhau. Cạnh đó, phê bình bước đầu mở ra cho người đọc nhận diện các khai phá mang tính kĩ thuật của mỗi tác phẩm, [nhóm] tác giả hay trào lưu văn chương Việt đương đại.
Nhớ: TẤT CẢ CHỈ LÀ CHUẨN BỊ, ĐẶT NỀN MÓNG CHO PHÊ BÌNH NHƯ LÀ PHÊ BÌNH.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *