Đọc MA NET, tác phẩm của Đặng Thân,
NXB Văn học và Công ty Sách Bách Việt, H., 2008.
Từ “Vào rừng mơ” đến “Ma net” là một quá trình, quá trình chuyển đổi cách viết, từ văn bản hiện đại đến văn bản hậu hiện đại. Từ rừng mơ đến rừng xà nu qua “Hiếp” cũng là một quá trình, quá trình từ khổ luyện cho đến đại ngộ. Không phải tiệm mà là đốn. Quá trình kia phải được coi như một sát-na, hay nó chuẩn bị cho sát-na hoát ngộ. Chúng ta khuynh hướng coi trọng thành quả hơn là tiến trình.
“Vào rừng mơ” được thể hiện qua lối độc thoại nội tâm, câu chuyện phát triển theo dòng ý thức với vài giọng kể khác nhau, đan xen, chồng lắp, tự phát và ngẫu hứng. Tiến trình phát triển câu chuyện [từ đó, phát triển sự thể] dù tiệm tiến, trật tự thứ lớp nhưng đầy ý thức. Đậm ý thức nữa là khác. Ngay mối tình đầu [tưởng] khờ khạo thơ mộng, nhân vật ý thức về nó, về từng chi tiết, từng biến chuyển sự thể vô tâm đến nhẫn tâm. Tác giả cũng thế. Ở đó ta thấy nỗ lực vượt ra khỏi lối kể truyền thống hiện thực/ lãng mạn của tác giả.
Ý thức là đau khổ, một tội lỗi. Nhất là ý thức quá. “Cái sự ngộ của quân trí thức bao giờ cũng lòng vòng mất thì giờ” . Nhưng không thể không ý thức.
Con người không đến thế gian này để được vui sướng. Không có sự bất công nào trong đó cả vì ý thức được thủ đắc bởi kinh nghiệm thuận và nghịch mà mỗi người phải đảm nhận. Nhưng cái ý thức đột khởi này được cảm nghiệm trong suốt cả cuộc đời, là một niềm hân hoan lớn lao đến nỗi người ta phải trả giá nó bằng bao năm đau khổ
(Dostoievski, Tội ác và hình phạt, NXB Nguồn sáng, Sài Gòn, 1973).
Nhất là thời hậu hiện đại. Ý thức càng bị con người hậu hiện đại đẩy đến tận cùng, rơi tõm về phía bên kia của đau khổ. Continue reading →