Trần Can: Văn 14 – Chakleng, hẹn một ngày…

Đó là một con người dễ mến nhưng có thể hơi khó gần khi anh ta chưa biết bạn là ai: nhà thơ Inrasara. Vì sao lạ lùng thế? – Anh ta yêu thơ và yêu dân tộc Chăm của mình đến say mê, nếu bạn chỉ ngồi nói chuyện khoe khoang danh tiếng hay tiền của, chắc chắn – anh ta sẽ… ngáp.

Tính cách Sara là thế, thoắt đang buồn có thể ngẫu hứng nói cơ hồ bất tuyệt. Đó là người của mê say, và chỉ say mê những gì mình thích. Có thể hợp hay không hợp với người này người nọ, chuyện đời thường thôi mà!

Một người đọc bình thường cảm nhận Sara cũng có cái thú vị riêng vì khác hẳn các nhà phê bình, vốn sành chữ nghĩa. Ý tưởng và câu chữ có thể thiếu trau chuốt nhưng nó chân thật bởi được viết từ những suy nghĩ của một tình cảm chân thật, không có tên tuổi để đánh bóng, không thù lao nhuận bút, và nhiều thứ không khác nữa…

Từ khi biết Sara, tôi lúc nào cũng dõi theo anh. Những lời thơ lay động hồn người của anh đã đưa tôi đến một cảm xúc mới, cảm ơn chữ nghĩa vì vẫn còn đẹp lung linh, vẫn còn cưu mang bao niềm thương cảm của nỗi đời & nỗi người.

Sara gợi mở về Chăm. Đặt lại dấu hỏi để mọi người tự tìm câu trả lời. Tôi cũng đã tìm câu trả lời của riêng mình để từ đó biết yêu thương Chăm. Biết yêu thương những mảnh đời lạc loài mà vẫn linh hiển lạ lùng. Như một quyến rũ bí mật mời gọi mà vẫn không thể khám phá đến tận cùng.
Tinh thần Chăm lớn lao & kì vĩ lắm. Không dễ chỉ nhìn bề ngoài mà đánh giá…

Nhà phê bình Inrasara (nếu có thể gọi thế) cũng rất độc đáo. Bản tính thẳng thắn và muốn đem lại cái mới thực sự cho văn học đã gây cho anh không ít phiền hà. Tôi không là nhà văn thơ chi cả nên chẳng sợ giới phê bình, vốn rất rành rẽ trong chuyện đấu đá chữ nghĩa. Hậu hiện đại có gì mà to tát, sao cứ phải tranh cãi mãi ai sai ai đúng? Trào lưu? hiện tượng hay trường phái? thì cũng hề chi! Cái gì hay sẽ còn ở lại, nhưng cuộc sống không thể thiếu tìm tòi, khai phá.

Đôi khi nhà thơ cũng bước sang lãnh vực xã hội. Đó là những lúc anh về Chakleng và nhận rất nhiều thông tin vui buồn từ chốn quê nhà. Ưu tư quá làm sao cưu mang hết? nhưng vẫn phải nói vì không thể đứng ngoài cuộc sống. Và còn biết bao điều chưa nói hết?
Khi mọi người còn buồn, ta làm sao vui?

Hầu như tôi đọc tất cả những gì về Chăm và có liên quan đến Chăm. Tôi muốn hiểu. Từ những chuyện vương phi Mị Ê trinh liệt xa xưa đến những Ariya Chăm tuyệt tác mà vẫn chưa được đưa vào Văn Học Sử (thật thiếu sót và buồn cho văn học nước nhà). Nếu được đề cử, tôi sẽ chọn Ariya Bini – Cam. Lời thơ long lanh như ngọc lồng trong một cuộc tình đầy buồn thương , phản ánh xã hội Chăm với bao nỗi ngổn ngang thuở ấy. Arya Bini – Cam chính là một tuyệt tác văn chương, không hề thua kém bất cứ thi phẩm cổ điển nào trên thế giới.

Vài người cho rằng Sara kiêu ngạo và hay tự đánh bóng mình. Họ chẳng hiểu gì cả. Như bài phê Chân Dung Cát. Đó không phải là phê bình mà là bươi chữ. Chỉ cần thử đọc Grabiel Garcia Marquez để thấy Sara viết tục chẳng nhằm nhò gì so với nhà văn Columbia đoạt giải Nobel văn chương năm 1982 này. Và tôi chưa bao giờ nghe ai chê Marquez là nhà văn dâm ô cả. Phê bình kiểu ấy chỉ làm… trò cười cho thiên hạ.

Chân Dung Cát vẫn là một tiểu thuyết lạ và đẹp. Dù nó có thể chưa được đón nhận nồng nhiệt như những tập thơ. Nó muốn làm mới tiểu thuyết, và cái mới bao giờ cũng khó khăn để đến với mọi người.

Tôi có một ước mơ nhỏ: một ngày đẹp trời nào đó lang thang Phan Rang, lang thang làng Chakleng đã quá quen dù chưa bao giờ gặp.Tôi đã yêu ngôi làng nhỏ bé này, ở đó có những người anh em Chăm, bình dị mà lớn lao. Bí ẩn và vô cùng nghệ sĩ.

Hẹn một ngày nào đó, Chakleng!

One thought on “Trần Can: Văn 14 – Chakleng, hẹn một ngày…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *