Khám phá lớn nhất của tôi là khám phá về Tình Yêu 02. YÊU CHỮ

TĐ AymonierP-01TĐ AymonierP-02

Tôi là kẻ mê chữ, và yêu âm vang của lời.
Tôi mê chữ ngay khi còn chưa biết… chữ. Thuở lên 4, tôi được ông ngoại [là tác giả trường ca nổi tiếng Ariya Rideh Apwei] dạy thi phẩm gay cấn nhất trong văn chương cổ điển Cham: Ariya Glang Anak. Tôi thuộc, sau đó dò để mò nhìn/ đoán chữ qua văn bản viết tay.
Biết chữ, tôi bắt đầu chép chữ [ca dao, thơ, văn…] bằng nhiều loại chữ khác nhau. Tiếng Cham, tiếng Việt, tiếng Pháp.
Tôi lang thang qua các palei tìm chép văn bản cổ Cham trong hơn chục cuốn vở 100 trang; tôi hai lần chép Dictionnaire Cham – Français của Aymonier. Tôi chép thơ, chép Kinh Phật, chép mấy chương triết học cháy bỏng của Nietzsche, Heidegger…
Mùa Hè 1975, làm Từ điển Việt Cham tôi chép cả mấy trăm trang Từ điển Việt Pháp, để làm; hay khi viết cuốn Văn học Cham khái luận năm 1992, tôi vài bận sao chép bản thảo của mình đến 400 trang mà không chút ngán.

Yêu chữ, khiến tôi yêu cả nét chữ. Của Pô Adhya Chakhog, của ông Kadhar Gammuk hay Huỳnh Phụng ở Chakleng, của Lâm Gia Tịnh chép Ariya Glang Anak (bản Trung tâm Văn hóa Chàm), và cả chữ của yut tôi: Jaya Hamu Tanran.

Chính nhờ tình yêu chữ mà tôi thông thạo văn bản cố Cham thuộc nhiều palei, nhiều gru khác nhau ở nhiều thế hệ chép Akhar thrah khác nhau.
Tôi học ở nhiều thầy, để có thể: giải mã lối Gal di G pôic L, jal di L pôic G, giải quyết cách giấu chữ padaup akhar của quý ông Cham, vượt qua các lối viết tắt, vân vân.
Đó là học có thầy, còn gặp trường hợp thiếu thầy hay không có thầy thì sao? Tôi bày các bạn trẻ bí quyết:
Dùng văn bản chuẩn [văn bản của Trung tâm Văn hóa Chàm khi xưa, hay của Sara hiện nay], đọc đối chiếu với từng trang văn bản chép tay cổ, để tìm ra thói quen viết của chủ sở hữu văn bản ấy. Chỉ cần đọc qua 3-4 tác phẩm thì mọi chuyện sẽ thông ngay.
Khi đã làm quen với cách viết đó, bạn có thể đọc bản chép tay khác của vị kia dễ dàng, dù tác phẩm đó chưa/ không có bản chuẩn, nghĩa là bản văn chưa được hiện đại hóa.

Phương pháp đó còn áp dụng cho các lối viết thuộc nhiều vùng/ gru/ thế hệ khác nhau.

*
Trích Hàng Mã Kí Ức (2011):
Dân tộc Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Bia Võ Cạnh (Nha Trang) – năm 192 sau Công nguyên, là bia kí đầu tiên bằng chữ Phạn ở Đông Nam Á. Cũng vậy, bia Đông Yên Châu cuối thế kỉ thứ tư, là minh văn bằng chữ bản địa có mặt sớm nhất khu vực. Chăm hãnh diện về nỗi đó, nên ông bà rất quý sách. Chữ là chữ của thần thánh, tuyệt không ai được phép dùng giấy có chữ viết làm giấy loại hay giấy vệ sinh. Akayet Um Mưrup là tác phẩm truyền bá tôn giáo Islam vào xã hội Chăm, nhưng Chăm Bà-la-môn chưa hề có ý đốt nó đi khi bắt gặp nó trong ciet sách gia đình. Không được phép truyền, nhưng không hủy.
Huyền thoại về kho sách cổ cất giấu trong các hang núi vùng Phan Rang, Phan Rí từ thế kỉ mười bảy đến thế kỉ mười tám được truyền tụng trong dân gian Chăm như một ám ảnh. Nhiều người biết đến nó nhưng không ai biết đích xác nó như thế nào hay ở đâu. Xa hơn, cuối thế kỉ thứ mười, giai đoạn Lưu Kì Tông làm vua vương quốc, hàng chục chiếc tàu của hoàng tộc Chăm sang đảo Hải Nam lánh nạn, chở theo đầy sách. Gần ngàn năm không ai dùng đến, sách đã mục đến không thể giở đọc được. Vẫn chỉ là những nghe và kể lại. Gần đây, năm 1985, tình cờ người ta khám phá thấy kho sách Chăm với ba ngàn văn bản bị bỏ rơi từ thế chiến thứ II trong một hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương. Toàn bộ tư liệu được đưa về kho lưu trữ bên Pháp. Nhưng mãi đến lúc này, chưa tìm đâu người để đọc và phân loại chúng. Cũng chỉ là nghe nói khác!
Người Pháp, do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, là người đi đầu trong sưu tầm và nghiên cứu văn bản Chăm. Với hơn 250 bi kí thu thập được từ đầu thế kỉ đến nay, năm 1995 Claude Jacques làm cuộc tập kết thành Études épigraphiques sur le pays Cham dày dặn 330 trang oai vệ. Đó là minh văn trên bia đá được sáng tạo bằng hai thứ tiếng Sanskrit và chữ Chăm cổ từ thế kỉ thứ ba đến thế kỉ mười lăm nằm rải rác suốt dải đất miền Trung, xưa từng là khu vực phát triển phồn thịnh của văn hóa – tôn giáo Champa.
Tưởng người Pháp, trong thời gian xâm chiếm Việt Nam, đã “vơ vét” của dân tộc này hết rồi. Nhưng không! Chăm từ thế hệ này sang thế hệ khác, vẫn còn lưu giữ ciet sách gia đình. Gần như mỗi gia đình trí thức đều có ít nhất một ciet sách. Hai mươi năm đi vào các làng mạc, tôi đã chép tay khoảng 300 văn bản, trong đó hơn trăm thuộc phạm trù văn chương. Sau đó, năm 1994, Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm – Ninh Thuận cũng đã chụp được từng ấy bản nữa. Đấy là ta còn chưa có chương trình lớn và toàn diện. Cuốn sách treo mòn kí ức mãi đón chờ những bước chân. Kiên nhẫn và miệt mài…

Sách Chăm được chép trên giấy bản Tàu, trước kia, trên những miếng lá buông ghép lại với lỗ để xỏ dây xâu thành tập. Thời Pháp, cha ông dùng giấy xi măng, dù thô nhưng khá bền. Sách được cất vào ciet paung (như rương đan bằng tre lát), treo trang trọng lên xà ngang ngay giữa nhà. Định kì hàng tháng, với lễ vật đơn sơ, chủ gia làm lễ rước xuống mang hong nắng. Sách lâu ngày không dùng tới gọi là akhar bhaw sách hoang, rất không hay cho người sở hữu chúng.
Bhaw, tiếng Việt là hoang. Không phải như hoang trong từ bỏ hoang, nghĩa là không được chăm sóc, sử dụng một thời gian, chứ không vĩnh viễn. Ở nghĩa này, Chăm có từ biluw, trong từ hamu klak biluw ruộng bỏ hoang, kamei biluw phụ nữ chưa chồng. Còn bhaw là hoang mãi mãi, hoang vô phương cứu chữa. Mưtai bhaw chết hoang, chết không có ai ngó tới, không được hưởng các nghi thức tín ngưỡng cần thiết. Bạn chết một lần trong đời, khi bị chết hoang, cái chết không xảy ra lần nữa cho ta cứu vãn sai lầm phạm phải. Vĩnh viễn phải chịu án.
Akhar bhaw cũng vậy. Chữ – sách không được làm lễ mang xuống phơi nắng, không được đọc tới, chúng trở thành hoang! Có thể tháng sau hay năm tới ông sẽ ngó ngàng tới, nhưng thứ chi khác thì được, với chữ thì đừng hòng: Chúng đã thành hoang! Đây là quan niệm độc đáo và rất trí tuệ. Kẻ sĩ một ngày không đọc sách, soi gương, mặt mũi chẳng ra làm sao. Một ngày thôi đã vậy, nói chi cả tháng sách bị bỏ hoang. Bạn đã ứng xử với nó thế, nó tỏ thái độ với bạn ngay: Nó quay sang hành bạn! Làm cho bạn điêu đứng vì nó, gia đình bạn hoạn nạn bởi nó.
Mùa thu năm 2002, Cei Halim Mưh phán: Bởi gia đình đang bỏ mặc cho akhar bhaw sách hoang nên sách hành akhar bbơng! Đúng sai không biết. Thế là ngay tuần sau, cả bốn ciet sách với bao công lao cả mồ hôi lẫn nước mắt của ông bà bị con cháu làm lễ đơn sơ, vội vã, để nửa đêm mang thả xuống sông Lu. Tất cả! Chữ bị trả về với sông nước, cát bụi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *