Khám phá lớn nhất của tôi là khám phá về Tình Yêu 01. YÊU LÀ BIẾT LẮNG NGHE

Ramưwan vừa qua, tôi được dịp hội kiến một con người rất… đáng kể.
Thành Thảo dân Phước Nhơn, nguyên Hội đồng Tỉnh Ninh Thuận cũ. Hưu, ông ẩn tuyệt đối. Không ai muốn gặp ông, nguyên do: chán, bởi ông nói quá nhiều; và ông càng không muốn gặp ai, vì chẳng ai biết nghe ông.
Thập niên 1980, tôi 3-4 lần ghé ông chơi, sau đó gần như đứt tịt. Mãi 36 năm sau…
Đúng, ông nói nhiều, và nói liên tục, nói không cần biết người đối diện có nghe hay không. Người ta tránh ông là phải, tôi thì không. Ngược lại, tôi thích. Hai bận nói chuyện qua non hai tiếng đồng hồ, ít nhất tôi nhận được 3 thông tin bổ ích từ ông, để đính chính lại cái biết của tôi: Về đất Trường Pô-Klong, về 9 sinh linh Cham ở Pabblap bị giết thời Việt minh, và về tổ chức Katê Cham.
Ông nói, và tôi nghe. Nghe, nhận thông tin, và nói lời cảm ơn ông.

Yêu, có nghĩa là biết lắng nghe. Dù ta không nhận được thông tin mới nào, nhưng ít ra ta hiểu và cảm thông được với sinh linh đang nói, nếu ta biết nghe.
Người ta không biết nghe, không chịu nghe. Hơn nửa đời hư, tôi đụng phải bạt ngàn kẻ ham nói. Nói, và chỉ có nói. – Tội!
Năm 2008, Hội Nhà văn Thành phố đi thực tế Cà Mau. Buổi cán bộ Ban Tuyên giáo thuyết về lịch sử cách mạng Đất Mũi, dưới hội trường non 30 nhà văn, hầu như không ai nghe cả, nói chi ghi chép. Mạnh ai làm chuyện riêng, hay quay lại tán gẫu với nhau, mặc cho vị thuyết giả kia đang hào hứng với bài thuyết giảng đầy thông tin của mình.
Chúng ta không muốn nghe những gì ta không quan tâm, cũng có nghĩa là không biết nghe.

Cũng Ramưwan này, tôi 20 bận bị bà con 5 palei, cả bà con từ hải ngoại về hỏi về vụ NVT-TP: – Chắc chắn Sara là người hiểu rõ hai vị, biết chuyện rõ nhất, nhưng lại là người ít nói nhất; nay sẵn dịp gặp, xin Sara nói rõ quan điểm của mình…
Tôi ậm ừ cho qua. Bởi ở đó, rất nhiều người biết qua loa, hay không biết gì cả nhưng vẫn… nói. Vụ này, tôi gặp nhiều người thuộc hai cả “phe”, gợi mở, rồi lắng nghe họ nói. Lắng nghe, và thấu hiểu.

Người ta nói, và không ý thức mình đang nói gì, càng không ý thức lời nói mình tác hại đến ai hay không.
Amư Klủn là diễn viên hài Cham nổi tiếng, từng đóng góp rất lớn trong việc lôi cuốn khán giả đến với các Đêm văn nghệ Cham; nhưng qua đợt lưu diễn xin tiền hỗ trợ xây Trường Pô-Klong thập niên 1970, hầu như sau đó hiếm ai ở Pô-Klong [cả thầy lẫn trò] ghé thăm ông. Tại sao? Bởi ông sống vô danh, nên không có gì để nói.
Tôi hai lần tìm đến thăm ông cũng vậy, ông không có gì để nói. Nhưng với tôi, cái cười và ánh mắt ông đã nói nhiều, rất nhiều.
Nửa năm sau cuộc gặp lần cuối ấy, ông mất. May cho tôi!

Tết năm 2003, mang tập thơ Lễ Tẩy Trần Tháng Tư qua nhà anh bạn Hà Văn Thùy tặng – tập thơ vừa nhận Giải thưởng lần hai của Hội Nhà văn Việt Nam, đang rất nóng. Anh chê quá xá chê, tôi lắng nghe, và cảm ơn anh bạn văn thân mến.
Tôi nhớ anh nêu một ý: – Mình đã lang bạt nhiều, từng nốc bao nhiêu là loại rượu, nhưng chưa hề nghe hay đọc đâu đó có loài “rắn hổ mang biển”. Một loài chưa xuất hiện trên trái đất, chưa từng có mặt, sao Sara lại đưa vào thơ?
Tôi hỏi lại anh: – Thế có họa sĩ Trung Hoa chuyên vẽ các loài ông chưa từng nhìn thấy, các loài chưa từng có mặt trên đời, là sao? Có phi thực tế không?
Yêu – lắng nghe – giải minh – để hóa giải vấn đề, là vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *