Nguyễn: Đất Ghur, vấn đề lớn – quan tâm nhỏ

Gợi ý từ bài viết của nhà văn – nhà phê bình Inrasara

(Chuyên đề Ghur Cham Bini – bài 03)

Imun-Ghe.2

* Imưm Ghẹ & Inrasara tại Pabblap, 2010 – Photo Thanh Lê.

1/- Ngay khi vào bài, ông Inrasara cảnh báo về sự quan trọng cực kỳ của vấn đề khi ông phân biệt chi tiết về người Chăm khác người Kinh thế nào khi nói về quê hương:

Chăm: “Dar thok padok kiak”: [Nơi] chôn nhau, đặt [viên] gạch.

Kinh: “Nơi chôn nhau cắt rốn”.

Ông khẳng định: “Đứa con Cham cần hội đủ hai yếu tố tối thiểu đó mới thành con người, con người gắn liền bền chặt với quê hương”.

Phần thứ hai, cũng ngay dòng đầu, ông khẳng định lại lần nữa sự nghiêm trọng của vấn đề ở khía cạnh khác. Ông viết:

“Vấn đề tranh chấp đất đai đã và đang xảy ra, khắp cả nước, chứ không hạn định vài tỉnh thành nào. Tranh chấp đất tông đường, đất thuộc bộ phận tín ngưỡng cũng có. Riêng với đất đai thuộc sở hữu người Cham liên quan tới tâm linh, thì chưa. Chưa, nhưng vẫn âm ỉ, và có nguy cơ bùng nổ lúc nào không biết. Và khi bùng nổ, các bên chẳng biết đâu mà lường.”

Vậy mà không có người Chăm nào quan tâm. Không có trí thức làng Chăm nào quan tâm. Ông nhấn mạnh Phước Nhơn, là làng Chăm Bà-ni, lại là làng Chăm có nhiều “quan to”: TC làm quan to nhất tỉnh, TP có học vị cao nhất Chăm, NVT trí thức lớn hàng đầu Chăm. Vậy mà không có ai nói. Vậy mà cứ để cho ông Inrasara nói. Là sao? Ngay khi ông Inrasara đặt ra vấn đề, các vị cũng không ai nói tiếng nói trí thức của mình. Đó là vụ “hình sự”, nếu vụ chính trị chính em thì còn sao nữa!

Trong khi việc cỏn con như vụ Amasaty viết giới thiệu bậy bạ thơ CML mà ta cãi vã nhau ỏm tỏi. Hay vụ chữ Chăm mà ta chưởi nhau suốt 6 năm ròng còn hẹn chưởi nhau tiếp…

 

2/- Nhà văn Inrasara lần theo dấu chân lịch sử các Ghur Bà-ni, từ Phú Yên cho đến Ninh Thuận. Qua từng làng Chăm – dù chưa trọn vẹn, nhưng vẫn đủ nêu bật được vấn đề.

Chi tiết quan trọng nhất của vấn đề là Ghur ĐANG BỊ LẤN MỖI NGÀY rất dễ bị điêu luôn.

Ông Inrasara nói rất ư là cụ thể:

– Lỗi thuộc về lịch sử: người Chăm dời làng đi để cho Ghur bị bỏ hoang.

– Lỗi do tập thể vô trách nhiệm: của chung không ai xót.

– Lỗi do người Chăm không chịu làm tới nơi tới chốn: không xin giấy đỏ, không rào khuôn viên Ghur để ngừa trước những bọn tham lam vô lương tâm.

Ông viết một câu mà tôi rất khoái (ông in đậm):

“Ở đây, trách nhiệm thuộc bà con ta, chứ không còn thuộc chính quyền địa phương nữa. Ta không đau cho tổ tiên ta, thì hỏi ai “cưỡi ngựa” tới xót cho ta?!”

 

3/- Bài này ông Inrasara viết rất tâm đắc và đầy tình cảm.

Ông còn có cái nhìn xa hơn về tương lai, đầy tính nhân văn và tiên báo. Ông viết:

“Tại sao không thể biến Ghur Girai Neh làm một khu di tích độc đáo nhất của người Cham Bà-ni, để Ghur trở thành mảnh đất hành hương đúng nghĩa mỗi mùa Ramưvan? Cả các ngày lễ lớn khác của dân tộc?”

Ông còn cảnh giác về “người nào đó” lợi dụng ý tưởng và bài viết của ông để xuyên tạc ai đó. Ông nói cũng phải, vì thời gian qua đã xảy ra vụ tương tự rồi. Ông viết nguyên văn như sau: “Có nhiều ý kiến góp bàn về một vấn đề là cần, nhưng từ vấn đề đó bẻ sang hướng khác, thì không nên.”

Thế nhưng khi ông viết: “Nhà văn “thấy trước”, tìm hiểu và giải minh giúp mọi người hiểu, chứ không giải quyết vấn đề.”

Tôi hoàn toàn không nhất trí với ý kiến này.  Đặt vấn đề đúng là đã giải quyết một nửa vấn đề rồi!

 

Coda:

– Tại sao đến bây giờ rồi mà các làng Chăm không có trí thức để lên tiếng về các vấn đề của làng?

– Tại sao đất Ghur là vấn đề lớn mà khi nhà văn – nhà phê bình Inrasara đặt ra rất hay rất đúng mà không có ai quan tâm? Vậy ta còn làm cái gì nữa!!!

 

 

9 thoughts on “Nguyễn: Đất Ghur, vấn đề lớn – quan tâm nhỏ

  1. Buồn cho thân phận Chăm và dân tộc Chăm luôn bị theo dỏi và quấy phá cho rối tung. Muốn sống bình yên cũng bị nghi kỵ.

    Nếu ai đó cố tình chia rẽ hay gây hiềm khích thì họ đã thành công qua bài viết của ông Nguyễn vừa châm chọc Amasaty vừa làm mích lòng CML. Chửi Amasaty ngu thì đã rành rành ra rồi, còn chê CML thì ko thẳng thừng nhưng nếu nói người viết lời giới thiệu tâng bốc quá lố một bài thơ, tức là nói thơ dở ẹt chứ còn gì nữa. Cho dù anh có dùng mọi từ hoa mỹ để phũ nhận là ko nói thơ CML dở nhưng cái lối phê bình Amsaty cũng đã ngụ chê thơ CML rồi. Ai khác chê thì ko nói chứ ông anh mình chê mình trước đám đông là thiếu nhả nhặn. Chưa thấu hiểu chuyện Nhân Tâm. Có thương anh cách mấy nhưng trong tâm cũng không ích trách cứ ông anh mình sao quá hời hợt, quá non nớt. Sao lại làm bẻ mặt em út trước người ngoài. Cho nên bây giờ cho dẫu Sara hay CML có tâm sự, có cười giởn với nhau đi nữa thì sự thân mật đó nó chỉ còn cao lắm là 75%. Như thế là ko được rồi. Tạm kết luận ở đây là ông Nguyễn đã thành công 25% trong việc làm “mích lòng” nhau.

    Nay cũng chính ông Nguyễn lại châm lửa vào bài viết của Sara về vấn đề mồ mã người Chăm bị lấn chiếm. Bài viết là kêu gọi người Chăm nên ra sức bảo vệ mồ mã ông bà. Nên khiếu nại, nên lên tiếng làm phân minh sự việc nhưng đọc kỷ thì thấy dụng ý muốn mấy người Chăm có tên tuổi hiềm khích và ghét Sara. Trong bài viết Sara không hề nói Phước Nhơn là xứ có “quan to” hay nơi chôn nhao cắt rốn của ông NVT, TP, vân vân… mà là chính ông Nguyễn tự đưa lên để nói. Nếu Sara có nói thì nói với ý khác chứ không phải trách họ sao không lên tiếng. Tôi chắc là không chỉ Chăm có máu mặt mới thấy đau lòng mà ngay cả thằng Chăm quèn thương giống nòi cũng áy náy, cũng hổ thẹn khi đọc bài viết cuả Sara mặc dầu anh không cần nêu tên tuổi. Cái đau đó là đau chung nó không nặng bằng việc tên tuổi của từng người bị nêu lên. Bảo đãm sẽ có khối người nhảy vào ăn thua đủ với bài viết và với Sara là người quá “quân tử” quá thẳng thắn (đến độ….) vì đã cho đăng bài của ông Nguyễn.

    Tôi xin Chăm drei đừng có trúng kế ai đó mà lại xông vào cải vả làm mất tình anh em đồng tộc. Trong chuyện CML tôi có email trách Sara sao lại đăng bài viết có ý xấu với em út mình và cám ơn Sara vì nghĩ là anh sẽ đóng lại phản hồi về bài viết của ông Nguyển, nhưng cũng không xong. Nên tôi nín luôn. Tôi xin đính chính một điều là tôi không hề kêu gọi hay khuyên Sara gở xuống vì đã có 1 người đọc trên mạng rồi thì không còn gì là bí mật được nữa.

    Tôi xin Chăm drei đừng có vào web của Sara để phản hồi rồi tranh cải nhau như về bài viết này của ông Nguyễn. Chúng ta nên im lặng. Bài nào trên mạng đáng thì đọc, còn không thì thôi. Đọc xong rồi quên luôn. Có như thế chúng ta sẽ vẫn còn là Chăm với nhau.

    Thử phân tách bài viết của ông Nguyễn ở đoạn này…. “Vậy mà không có người Chăm nào quan tâm. Không có trí thức làng Chăm nào quan tâm. Ông nhấn mạnh Phước Nhơn, là làng Chăm Bà-ni, lại là làng Chăm có nhiều “quan to”: TC làm quan to nhất tỉnh, TP có học vị cao nhất Chăm, NVT trí thức lớn hàng đầu Chăm. Vậy mà không có ai nói. Vậy mà cứ để cho ông Inrasara nói. Là sao? Ngay khi ông Inrasara đặt ra vấn đề, các vị cũng không ai nói tiếng nói trí thức của mình. Đó là vụ “hình sự”, nếu vụ chính trị chính em thì còn sao nữa!
    Trong khi việc cỏn con như vụ Amasaty viết giới thiệu bậy bạ thơ CML mà ta cãi vã nhau ỏm tỏi. Hay vụ chữ Chăm mà ta chưởi nhau suốt 6 năm ròng còn hẹn chưởi nhau tiếp…”

    Thấy không? Đọc xong đoạn văn trên các bạn có thấy toàn là lời nói khích tướng hay không? Đem mấy ông Chăm trí thức ra để đấu với Sara và nhân đó làm cho tiệt luôn vấn đề ngôn ngử Chăm và cùng lúc “chém gió” Amasaty và CML luôn. Ghê thật tay Nguyễn này là dân được đào luyện có đẵng cấp chứ không phải thứ thường đâu! Gặp đối thủ như thế thì cách hay nhất là chạy xa. Ở lại tranh cải chỉ tổ thua mà tức hộc máu thôi. Thế nhé hy vọng các mik wa, xaai cứ im lặng ngậm bồ hòn cho xong nhé.
    Vài hàng cho Chăm drei.

  2. Ông YC thân mến

    1/- Tôi là người viết phê bình, chứ không phải “công an” như vài kẻ độc miệng đổ cho tôi đâu. Tôi đã gửi nhiều bài phê bình nhưng ông Inrasara không đăng. Bài mới nhất về thơ TDT, ông Inrasara cũng từ chối, lí do là không đăng bài phê bình thơ người Việt.
    Nhưng kệ, ông muốn nghĩ tôi sao cũng được. Tôi chỉ muốn nói ông viết đoạn này rất sai:
    “Chửi Amasaty ngu thì đã rành rành ra rồi, còn chê CML thì ko thẳng thừng nhưng nếu nói người viết lời giới thiệu tâng bốc quá lố một bài thơ, tức là nói thơ dở ẹt chứ còn gì nữa. Cho dù anh có dùng mọi từ hoa mỹ để phũ nhận là ko nói thơ CML dở nhưng cái lối phê bình Amsaty cũng đã ngụ chê thơ CML rồi.”

    Tôi đưa ra thí dụ nhé. Thơ Chế Lan Viên rất hay, nhưng đâu phải nhà phê bình nào cũng bình luận hay đâu. Đó là tôi chưa nói cấp học sinh phổ thông. Có hàng trăm nhà phê bình thơ Chế Lan Viên, nhưng kể ra chỉ còn 4-5 người là viết hay.
    Thơ ông Inrasara hay thì ai cũng công nhận, nhưng có mấy nhà phê bình nào viết thật oách về thơ ông. Toàn là tán nhảm.
    Như ông Amasaty tán nhảm thơ CML. Đây là lỗi ở ông Ama này chứ không phải ở CML. Nếu tôi chê nhà phê bình đó ngu, mà suy luận tôi chê luôn thơ Chế L Viên, Inrasara kém là bậy lắm đó.
    Ông YC suy luận như trên là hỏng.

    2/- Còn ông muốn tôi nhận định về thơ CML ư? – Đó là loại thơ nhạt thếch! Không đáng bàn. Ông đi hỏi các nhà phê bình văn học mà coi?

    3/- Sao không bàn về vấn đề tôi đưa ra, mà lại đi nói chuyện khác? Tôi nhắc sơ qua chuyện ông Ama là để nhấn mạnh chuyện này thôi.
    Tôi cảm ơn ông Champa Ninh đã hiểu ttooi đáng kể, nhưng nói tôi khích trí thức Chăm chống ông Inrasara là chưa đúng đâu. Tôi nhấn mạnh làng Phước Nhơn có nhiều trí thức lớn, vậy sao để chuyện làng mình cho mỗi ông Inrasara lên tiếng? Các vị lên tiếng không hay hơn sao?
    Thân mến

  3. Nói cho công bằng, ông Nguyễn phân tách khá hay và thấu đáo vấn đề nhà văn Inrasara đưa ra. Phân tách thì có liên hệ mở rộng. Đoạn ông nhắc đến 3 trí thức làng Pabblap không phải khiêu khích họ chống nhà văn Inrasara đâu (thầy Tỷ là thầy và là bạn vong niên của Sara,…), cho nên anh YC xem lại, để hiểu nhau hơn.
    Tôi cám ơn ông Nguyễn về bài viết này.

  4. Viết thêm cho đủ ý: nếu bảo là khiên khích chống Inrasara, thì nhà văn Inrasara có quyền không đăng. Vì đó là ý đồ xấu. Nên tôi cho ông Nguyễn không có ý đó.

  5. Ước gì mỗi làng Chăm drei đều có trí thức lớn, trí thức đó dám cất lên tiếng nói của lòng dân. Tôi không cho là dũng cảm mà là chỉ cần biết yêu làng quê mình và cất lên tiếng nói. Tôi nể phục nhà thơ Inrasara vì lẽ đó.
    Tôi chỉ là người xa quê nhưng lòng vẫn mong về cố quận. Đất Ghur người Chăm Bini là thiêng liêng, cần phải gìn giữ cho muôn đời sau.
    Xin cho nói thêm về thơ chị CML, tác phẩm thì có người thích có người không thích, có người khen có người chê. Mà chị không là nhà thơ chuyên nghiệp, nên tác phẩm chị trung bình cũng là điều bình thường. Ở Việt Nam 90 phần trăm tập thơ in ra là thơ trung bình.
    Thuk siam!

  6. Ông Nguyễn rất cừ ở bài viết này, bác YC ạ. Có lẽ ông Nguyễn là người Kinh, nhưng ông nói rất tâm huyết về công việc của Chăm mình.
    Dù chưa gặp mặt, nhưng em rất mến bác, kính chúc bác sức khỏe, gia đình bình an.
    Kính mến

  7. Chào nhà thơ InRasara
    Rất cám ơn nhà thơ nêu lên vấn đề này. Xét về tâm linh ” Đất Ghur” là nơi an nghĩ bất khả xâm phạm. Khi tôi còn nhỏ , mỗi lần Ramuwan đi tạo mộ ở Cà Đú . Những người dân sống gần nơi này phóng uế rất bừa bãi gây mất vệ sinh nhưng mấy năm gần đây dân sống có ý thức hơn và nơi này sạch sẽ hơn
    Hiện tại, ở Ninh – Bình Thuận có hội đồng chức sắc BàNi mà nhà nước công nhận và hằnng năm gặp gỡ lãnh đạo Tỉnh
    Nhà thơ đã lên tiếng về vấn đề này rồi thì nhà Thơ liên hệ với hội đồng để giải quyết luôn.
    ****** Như vậy, kết quả sẽ tốt đẹp hơn
    Chúc sức khoẻ

  8. Bạn đọc phạm quy ước về ngôn từ. Thứ hai nữa là lạc đề qua Điện hạt nhân. BBT xin phép cắt bỏ.
    Thân mến.

  9. Khu đất ghur dara anaih và ghu kaduk là nơi an nghỉ của tổ tiên 3 làng Chăm Bà Ni đó là An nhơn, Phước Nhơn, Lương Tri, khu đất này không thuộc quyền sở hữu của làng nào, dòng họ và cá nhân nào. Việc một số người có ý định đòi nhà nước bồi thường di dời liệu có thuận buồn xuôi gió không, Đây là di tích cổ cần phải bảo tồn và gìn giữ. Hay nhất chúng ta phải làm thủ tục để chính quyền sở tại cấp được sổ đỏ và quyên góp tiền để xây tường rào bảo vệ. Hàng năm dịp Ramưwan bà con người Chăm Bà Ni các làng đi tạo mộ chung có ý nghĩa và mang tính chất lịch sử nhân văn hơn.
    Rất mong bà con Chăm vì mảnh đất liêng thiên của tổ tiên ông bà chúng ta chung sức quyên góp tiền bạc để xây tường rào bảo vệ khu đất này.

Leave a Reply to Nguyễn Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *