Ý kiến tạm kết thúc một trao đổi nhỏ

1. 4 năm đi qua, từ khi web Inrasara.com ra đời, có 3 sự kiện tạo nhiều dư luận hơn cả: Bài viết của Nguyễn Thành Thống, họa phẩm của Chế Kim Trung & tác phẩm của Hồ Trung Tú. Nếu sự kiện đầu web này nhận các bài viết phản biện dài, họa phẩm của nữ họa sĩ họa Chế được độc giả ưu tiên dành nhiều “phản hồi”, thì về công trình nghiên cứu của Hồ Trung Tú, cá nhân tôi tiếp nhận nhiều phone, email hơn cả.

Xin phép kể câu chuyện xung quanh họa phẩm họ Chế, chỉ như một cách để rút ra bài học.

Ngay khi bài viết của Trà Vigia được đăng lên, tiếp theo là các phản hồi, mấy ngày sau tôi nhận phone trao đổi từ anh Thành Chiểu – chồng của Trung, và là bạn học khá thân với tôi, phone của Chế Kim Trung, và cả anh Nông Quốc Bình – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam. Nữ họa sĩ cho hay có hỏi ý kiến vài trí thức với chức sắc Chăm, các vị bảo không vấn đề gì cả. Tôi nói đại ý:

– Tác phẩm ra đời, đoạt giải thưởng, nó cần được thông tin đến bà con. Đó là điều đáng mơ ước của bất cứ một nghệ sĩ nào. Tác phẩm mình được chú ý và bàn thảo. Cần thiết cho cả hai: người sáng tác và giới thụ hưởng nghệ thuật. Còn nếu ai có ý kiến khác thì phản hồi lại, để rộng đường dư luận.

Cuối cùng, tôi nhận phone từ một ông quan ở trung ương. Đại để ông gợi ý tôi nên gỡ bài xuống, bởi vấn đề dễ tạo dư luận không hay. Tôi nói: – Anh tin Sara đi. Tôi đủ bản lĩnh điều tiết các ý kiến mà không phạm vào 3 điều kiêng kị: đời tư của họa sĩ, khối đoàn kết dân tộc và hình ảnh lãnh tụ. Còn không, tất cả dữ liệu này đã được mạng thông tin toàn cầu lưu trữ, nếu tôi gỡ bài xuống, họ vào cuộc thì sự thể dẫn đến đâu không thể lường được.

 

2. Sự thể liên quan đến 3 chuyện trên nói lên điều gì? – Vấn đề tự do phát biểu (hay sáng tạo), tự do thảo luận, và trao đổi học tập. Cả 3, tôi là người đầu tiên “giới thiệu”.

– Bài viết của Nguyễn Thành Thống: tôi giới thiệu bài nghiên cứu của anh và viết bài tường giải.

– Họa phẩm của Chế Kim Trung: tôi đăng và giới thiệu bài viết của Trà Vigia.

– Tác phẩm của Hồ Trung Tú: tôi đăng “Lời giới thiệu” của mình, tiếp sau đó đăng bài phê bình của Jaya Bahasa.

Câu chuyện Nguyễn Thành Thống và Chế Kim Trung thì đã rõ rồi, riêng Hồ Trung Tú – sau bức thư và bài giải minh (anh nhắn tôi không nên đăng) – đã nghĩ Inrasara “so sánh” nhận định mang tính “phản tỉnh” của anh với ý kiến đầy sai lạc của ông “thực dân văn hóa” Philippe Papin, “đi vơ quàng di sản của người Chăm” (mục Phản hồi).

Về phía độc giả, bên cạnh các lời động viên và khích lệ đại để “cảm ơn anh Inrasara kịp thời giới thiệu cho bà con biết”, còn có vài ngộ nhận, nhẹ thì: “em quý trọng anh, nhưng anh nên cẩn thận hơn”, vừa vừa là: “tại sao nhà thơ lại sơ hở như thế nhỉ?”, thậm chí có người còn dùng từ nặng hơn nữa (hai chiều ý kiến này BBT đều không đăng).

 

Sau các phản hồi từ độc giả, cả 3 tác giả làm gì? Anh Thống tiếp nhận và có sửa chữa, họa sĩ họ Chế thì vẫn nghĩ mình đúng, còn Hồ Trung Tú “thực tình, nghe anh Inrasara nhắc về câu kết này, tôi có đọc lại và vẫn không nhận ra vấn đề gì, nên đã không sửa, và nay cũng vậy, tôi vẫn giữ nguyên ý này của mình”.

 

3. Vậy thôi!

Tôi không muốn “kể công” vì đã đưa ra cái “sai” của Nguyễn Thành Thống và Chế Kim Trung, cũng không muốn “chịu tội” vì đã giới thiệu cái “sai” của Hồ Trung Tú. Điều tôi muốn là, qua điều mình đọc và biết, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người cùng thấy, cùng thảo luận. Để hiểu và đả thông, nếu có thể – sửa sai.

Dẫn giáo sư Papin ra, không phải để “so sánh” với Hồ Trung Tú, mà là để mọi người biết rằng trong cùng thời điểm này vẫn có các nhận định khác nhau về Chăm và văn hóa Chăm. Còn nếu tôi không “giới thiệu”, nếu tôi “giấu” nó đi, thì chắc chắn các nhận định đó không được nhiều người biết đến. Bà con Chăm không có cơ hội “nói lại” với các tác giả. Và tác giả cũng đánh mất luôn cơ hội lắng nghe ý kiến phản hồi từ người đọc.

Kiến thức của cá nhân con người thì tràn giới hạn, nhận định trên nền kiến thức hạn chế kia càng đầy bất toàn. Cho nên, thành thật là điều đáng quý. Chỉ khi tác giả viết thật lòng mình, diễn tả đúng suy nghĩ của mình, thì độc giả mới có cơ may hiểu được tác giả. Còn nếu lời thành thật kia trái ý ta mà ta liền có phản ứng mạnh hay ném cuốn sách kia đi, thì ta tự chặt gẫy cây cầu tìm học.

Chỉ khi nào hai bên bình tĩnh ngồi lại, ta mới có cơ may nhận ra nhau trong sự hiểu biết và thông cảm thực sự.

Sài Gòn, 31-5-2011

 

 

 

 

 

2 thoughts on “Ý kiến tạm kết thúc một trao đổi nhỏ

  1. Theo tôi nhà thơ Inrasara viết đã rõ ràng lắm rồi. Không nên bàn cãi nữa, cũng không nên làm rộn anh ta nữa. Ý kiến của ông Tú cũng như của ông Tây ông Tàu nào đó chỉ là cá nhân thôi. Nó không đại biểu cho Trường Đại học này hay cho chính quyền nọ đâu. Tôi không muốn nói là tôi cảm ơn anh Sara mà chỉ hiểu rằng anh đã giới thiệu cho chúng ta đọc được tư liệu này. Nêu nhận xét kia hay thì ta học, không thì ta thôi. Nếu ta nói lại mà họ nghe thì hay, còn họ cho họ đúng cũng chẳng có sao cả. Tôi nghĩ thật lòng như vậy. Xin chúc mạnh khỏe tất cả.

  2. Thông báo!
    Bạn đọc thân mến
    Sau khi bài này đăng lên, ngoài phản hồi của Lưu Hoa như bạn đọc đã thấy, BBT có nhận được 5 “ý kiến” nữa (trong đó có phản hồi của Hồ Trung Tú). Tôi nghĩ lúc này, tác giả và người đọc cần bình tâm và lắng lòng lại suy nghĩ.
    Tôi viết bài “Ý kiến tạm kết thúc một trao đổi nhỏ” như một cách giải đáp thắc mắc về những điện thư, điện thoại, hay phản hồi không được đăng của độc giả từ các nơi. Chủ yếu là độc giả Chăm.
    Nên, sau “thông báo” này, rất mong độc giả và bà con, anh chị em cũng như Hồ Trung Tú cho phép BBT không đăng các ý kiến trên. Và ngưng “phản hồi” về đề tài này tại đây.
    Kính chúc mọi người sức khỏe và hạnh phúc.
    Inrasara.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *