Nguyễn Văn Tỷ: Thắc mắc về “Vấn đề nghiên cứu văn hóa Chàm” của Nguyễn Thành Thống

Lời thêm của Inrasara:
Lẽ ra Sự cố văn hóa Nguyễn Thành Thống đã kết toán ở đây như thông báo, bất ngờ sáng nay chúng tôi vừa nhận được bài phản hồi của Nguyễn Văn Tỷ – một trí thức kì cựu hiểu biết sâu sắc các vấn đề văn hóa xã hội Chăm, cộng tác viên Tagalau, nguyên Trưởng Ban Ban Biên soạn sách chữ Chăm, tác giả bài thơ nổi tiếng “Su-on Bhum Cam”,… Nên, xin mạn phép độc giả Inrasara.com cho lên bài này.
Các phản hồi còn lại sẽ được đưa vào mục Phản hồi (do Sara hay tác giả trực tiếp post lên). Chỉ xin lưu ý là câu hay đoạn nào lời lẽ nặng nề không cần thiết hay phê phán cá nhận thì sẽ được lượt bỏ.
Kính chúc quý độc giả vui vẻ, bình an.
Inrasara.

Nguyễn Văn Tỷ
(Chế Vỹ Tân)
Thắc mắc về “Vấn đề nghiên cứu văn hóa Chàm” của Nguyễn Thành Thống

Phan Rang, ngày 15 tháng 9 năm 2009

Gởi NGUYỄN THÀNH THỐNG
Tôi đã đọc kỹ bài “nghiên cứu” của ông. Tôi rất lấy làm ngạc nhiên vì ông không xa lạ gì đối với người Chăm nhưng lại có kiểu cách nói đầy ác ý và chủ quan.
Nhà thơ INRASARA và các anh em khác cũng đã có những ý kiến phản bác rất cụ thể rồi. Nhưng tôi không chắc là ông Thống tự thấy mình “nói trạng quá nhiều”, “biết một nói mười” và “không biết vẫn nói” (chữ của ông Thống) nên mới có một số thắc mắc sau đây xin nói cụ thể vừa để làm sáng tỏ vấn đề vừa mong ông Thống trả lời để cho các độc giả thoả mãn.

1/ Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có văn bản qui định rất rõ về cách gọi tên các dân tộc thiểu số. Ở Tỉnh ta thì phải gọi “người Thượng” (ở vùng cao) là người Raglai (theo cách nói, cách gọi của họ) chứ không được gọi là người MỌI như trước kia, vì danh từ Mọi này mang tính cách khinh khi và mạ lỵ người dân tộc đó. Còn người Chàm thì phải được gọi là CHĂM (theo đúng cách họ xưng hô với nhau) chứ không được gọi là Chàm hay Hời, vì như vậy là khinh khi và chà đạp họ. Hôm nay, tại Ninh Thuận cũng như khắp nước Việt Nam, tôi chưa gặp một người nào (dù là người dân quê, mù chữ) gọi người Raglai là Mọi và người Chăm là Chàm hay Hời… Nhưng trong suốt 12 trang lớn bài này, ông Thống chỉ dùng danh từ “Chàm” để chỉ người Chăm. Như vậy là ông Thống cố ý khinh khi, mạ lỵ dân tộc Chăm chúng tôi?

2/ Ông Thống nói kiểu Thầy bói sờ voi, “không biết vẫn nói” và “biết một nói mười”.

a/ “Vấn đề chữ viết Chăm hiện nay (…) viết sai và viết thiếu nguyên âm đầu và âm tiết đầu (…) viết rất tuỳ tiện lúc thừa lúc thiếu (…) Đáng lẽ ra phải theo lối viết đã ổn định, lối viết ở bia kí. Chúng tôi muốn nói đến lối viết chữ Chàm hiện đại” (trang 08)
Thưa Gru Thống, gru là sư phụ của người Chăm chúng tôi, chúng tôi xin cám ơn. Xin Gru hãy làm ơn dạy người Việt Nam hôm nay viết chữ phổ thông theo cách viết chữ Nôm xưa kia thì… rất là “có ích” ạ, thay vì quan tâm dạy trí Chăm thức viết chữ Chăm. Đúng là “chó nhảy đầu cọp”!

b/ Ông viết “Nhưng từ năm 1832, năm Lê Văn Duyệt từ trần, chính sách tàn bạo của Minh Mạng nhằm thẳng tay trừng trị nhân dân Champa về tội theo Lê Văn Duyệt đã tiêu diệt hoàn toàn nền văn học viết của Chàm. Tất cả chỉ còn lại một hình thức văn học truyền miệng, được lưu truyền một cách lén lút. Tất cả những gì gọi là văn học viết của Chàm, trừ văn bia – đều biến thành văn học truyền miệng. Mãi mãi về sau này, vào cuối thế kỷ XIX, một số người Chàm “trí thức” mới bắt đầu ghi lại dưới hình thức chữ viết một số thơ ca, trường ca, gia huấn ca, ca dao, truyện cổ,…” trang 10)
Ông Thống ơi! Qua đoạn văn trên, ông khiến cho các trí thức Chăm vừa ngỡ ngàng, vừa ôm bụng cười! Sau 1832, ông có biết hàng chục tác phẩm có giá trị ra đời như: Ariya Kalin Thak Wa, Ariya Twon Phauw, Ariya Po Parơng, Hatai Paran, Ar Bingu 1, Ar Bingu 2, vv…? Và sau năm 1900, có cả chục Ariya nữa mà nhà thơ Inrasara đã liệt kê biểu ông? Thế mà ông đòi làm gru để dạy đời cho các thí thức Chăm à?! Trước khi nói đề nghị ông nên uốn lưỡi 7 lần!

c/ Ông lại phán: “Thực tế là người Chàm hiện nay chỉ viết (thơ, văn) bằng tiếng Việt. Ở nước ngoài thì những Chăm Kiều có thể viết tiếng Anh, tiếng Pháp nhưng tuyệt đối họ không viết tiếng Chàm” (trang 11)
Xin ông Thống hãy đọc lại tuyển tập TAGALAU từ số 1 đến số 10 và đếm thử mỗi số như thế có bao nhiêu bài thơ viết bằng tiếng Chăm (akhar thrah)? Chăm kiều vẫn có người viết tiếng Chăm như Cahya Mưlơng (thường có thơ Chăm trên Tagalau) ông Đạt Lãnh và bà Phú Thị Mận vẫn viết bằng tiếng Chăm đấy!! Thế mà ông dám nói bừa một cách quá chủ quan và vô trách nhiệm là “tuyệt đối họ không viết tiếng Chăm”! Ông có ác ý gì đấy?

d/ “CụThiên Sanh Cảnh chỉ tham gia một thời gian rất ngắn trong những ngày đầu (…) nếu cụ tham gia từ đầu đén cuối công vệc biên soạn tự điển này (G.Moussay) thì cụ sẽ không để nhiều sai sót về từ nghĩa Chàm trong cuốn từ điển đó như vậy”.

Lại nói liều nữa! Sự thật cụ Cảnh vào thời gian cuối có bận công việc riêng không có mặt thường xuyên, nhưng họp cuối tuần và định kỳ cũng vẫn có cụ. Bằng chứng cụ Cảnh không rút lui (như ông Thống nói) là trong hàng ngũ tác giả (7 người) vẫn có tên cụ Thiên Sanh Cảnh. Ông Thống giải thích ra sao về sự kiện này?? Ông Thống chỉ giỏi “nói trạng” và nói mò!!

3/ Ông Thống là người Kinh (không nói được, viết được chữ Chăm rành rọt), ông chỉ theo học một người Chăm (có lẽ chẳng ra gì nên ông mới viết ra bài tồi tệ như thế này) mà dám huyênh hoang những điều không thể tưởng tượng nổi.
– Ông chê bai, khinh bỉ tất cả các trí thức Chăm (dĩ nhiên trừ gru của ông) từ các tác giả mà tự điển G. Moussay (“chỉ là các giáo viên tiểu học – chữ Việt chứ không phải chữ Chăm” “về từ nghĩa, các tác giả nhầm lẫn và sai lạc trong rất nhiều từ, gây bất ngờ cho người đọc”) đến các tác giả của cuốn Từ điển Chăm – Việt của Bùi Khánh Thế (“các tác giả chưa nắm vững các từ nghĩa tiếng Chăm và yếu kém về thành ngữ và cách nói đặc thù của tiếng Chăm. Thật ra đây quả là chuyện đội đá vá trời” (trang 8), đến Lưu Quang Sang (“tiếng Chăm chỉ sơ sài“), Inrasara (“quá nhiều không những thiếu sót mà con sai trật nữa…”), Po Dharma (“lộn chuồng nói leo, lôm côm“) và Ban biên soạn sách chữ Chăm (“trình độ tiếng Chăm quá hạn chế…“) vv…
Có người nói ông Thống đang say xỉn trong lúc viết nên không làm chủ được mình, xin ông hãy xác nhận lại cho rõ!
– Đối với văn hoá Chăm, ông Thống bỉu môi, cười khảy khi nói: “toàn bộ “gia tài” chỉ có thế!” (trang 11). Nói về văn học Chăm của tác giả Inrasara (cây cổ thụ về nghiên cứu Chăm của Việt Nam) ông Thống vẫn giữ giọng chê bai, khinh bỉ : “Tác giả không có và không đọc nhiều tài liệu về văn học Chăm, có đâu mà đọc!” (trang 11). Ồ! Tôi xin hỏi ông Thống: ông có đọc Văn học Chăm 1 của Inrasara chưa? Thế là ông phạm tội “dốt mà làm vẻ hay chữ” rồi đấy!

4/ Ông là người Kinh có học gốc Ninh Thuận, ông nói quá nặng lời và vô trách nhiệm như thế đối với trí thức Chăm, ông có hiểu là ông đang phá hoại “khối đại đoàn kết dân tộc” mà Đảng đã dày công xây dựng hay không? Hãy suy nghĩ lại.

5/ Suốt 12 trang bài viết, ông Thống viết về văn hoá Chăm như một nhà “thông thái” về Chăm học. Vậy những việc ông phê bình, chỉ trích, chà đạp người khác, ông dám đối mặt thảo luận không? Cụ thể, tôi sẽ đứng ra xin phép chính quyền địa phương tổ chức trao đổi về văn hoá Chăm giữa ông và các người sau đây tại một địa điểm do ông chọn và ngày tháng do ông ấn định:
– Một là với các tác giả Tự điển Chăm – Việt – Pháp của G. Moussay
– Hai là với nhà thơ Inrasara
– Ba là với các cán bộ Ban Biên soạn sách Chữ Chăm – Ninh Thuận
– Bốn là với Nguyễn Văn Tỷ, đại diện trí thức Chăm.
Xin ông hãy trả lời. Nếu ông thoái thoát với bất cứ lý do gì thì chúng tôi cho ông “lại dùng bài tẩu” và xem ông chỉ là kẻ tiểu nhân.

Xin chào ông.

5 thoughts on “Nguyễn Văn Tỷ: Thắc mắc về “Vấn đề nghiên cứu văn hóa Chàm” của Nguyễn Thành Thống

  1. Qua bài viết Thiên Hựu Nguyễn Thanh Thống về vấn đề nghiên cứu văn hoá Chăm, giới tri thức và cả cộng đồng Chăm hết sức căm phẫn, nhóm ba nhóm bảy, trà tam rượu tứ bàn tán. Tôi xin ghi lại và chân thành trao đổi với anh.
    Bản thân tôi trước đây rất tình cảm với anh Thống bởi anh là người ngưỡng mộ văn hoá Chăm, như ông tìm chữ. Nhưng khi anh công bố tài liệu về văn hoá Chăm, tôi rất căm phẫn và đánh giá anh không cao, bởi anh không nhìn lại mình khi chỉ thích người khác và nhất là các nhà khoa học có tầm cỡ đã có công sưu tầm, đi tìm sự độc đáo đa dạng một thời của nền văn hoá Chăm như: G Cabaton – E Amonier – G Moussay – J Acdines – Po Dharma, Bùi Khánh Thế, Thành Phần, Inrasara… với ý hạ bệ để tôn vinh cụ Thiên Sanh Cảnh người đã ra đi, và Sử Văn Ngọc là bậc thầy hiện nay, là người uyên thâm thông thạo về văn hoá Chăm là điều không thuyết phục chút nào.
    Từ khi tư liệu Nguyễn Thành Thống lên trang Web Ganesha skj.VN nhiều độc giả tri thức Chăm rất phẫn nỗ và có ý kiến trên trang web. Thành Eh Ai phản bác kịch liệt phân tích từng câu từ, vạch trần việc làm đen tối của anh Thống, quần chúng rất tâm đắc và nguôi lòng. Sai lầm về học thuật đã đành, anh Thống còn tỏ ra bất tận nhân tình trong quan hệ cộng đồng anh em với nhau, mâu thuẫn trong lý giải và phán rằng chờ đến khi ai cần, có thời gian mới lý giải là điều không mang tính xây dựng.
    Lịch sử đã quên đi nhưng chính anh đã phán là phong trào Tây Sơn, Lê Thánh Tôn, Minh Mạng đã tàn sát người Chăm và huỷ diệt một nền văn hoá Chăm, chỉ còn một số đền tháp, bia ký, tượng điêu khắc, còn văn hoá phi vật thể chỉ còn lại dưới hình thức truyền miệng, anh nói như thế có lợi cho ai? Khi tôn cụ Thiên Sanh Cảnh anh cho là người uyên thâm là cha đẻ người dịch thuật gần như hầu hết… còn anh Sử Văn Ngọc hôm nay là bậc thầy (gru) và Sử Văn Ngọc cũng không phải là người sinh ra cùng thế hệ sinh ra chữ Chăm mà chỉ là người của ngày nay.
    Anh hạ bệ tiến sĩ Po Dharma là người Chăm chính hiệu không biết cũng nói, lộn chuồng nói leo, nói khoác còn anh có lẽ là khoác lác, khoác bao bố, khoác bao tải chắc. Có cần phải mang trâu thịt để đọ sức với trâu cày không?
    Với G Moussay chỉ là linh mục người pháp mới học chữ Chăm, không phải là chuyên gia số 1 về ngôn ngữ và chữ viết Chăm nhưng thực tế ông đã tập trung trí thức Chăm sáng lập Trung tâm văn hoá Chăm, soạn Từ điển Chăm – Việt… còn anh và gru Sử Văn Ngọc đã làm được gì? Anh Ngọc hơn 10 năm tại Trung tâm văn hoá nghiên cứu chuyên đề tài lễ hội Chăm thực tế anh cũng chưa xác định được triết lý sâu sắc đâu là nét đẹp đâu là tệ trạng để các vị chức sắc tham khảo, thật ra anh chỉ hoàn thành phần khảo tả việc này đã có trong tư liệu.
    Inrasara sinh ra và lớn lên trên vùng đất Chakling quê hương Po Klong Girai quê hương Ong Pasa Muk Chakling, từ Banơk Pasa Bara Chakling (đập Nha Trinh), đó là công trình thế kỷ lưu danh đến hôm nay. Anh Phú Trạm là tên gọi không chỉ được cộng đồng Chăm mà cả cộng đồng dân tộc Việt Nam, có khi cả khách nước ngoài cũng đều biết đến và kính mến… văn hoá Chăm là dòng chảy sôi sục trong anh từ lúc còn bé, chính giọng Ariya, giọng vãi chài… tiếng trống ginăng, trống baranưng,… hồn Saranai đã đưa anh đi khắp các làng Chăm đến Tajuh Halau Klau Bimong (Bảy thánh đường ba đền tháp) ở Phan Rang. Không những thế anh còn đến tất cả các đền tháp ở Miền Trung đất nước Việt Nam, đã un đúc nên một con người mà tác phẩm văn học Chăm, văn hoá chăm, sáng tác nghệ thuật… và anh đã trở thành nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình lý luận văn học đó là niềm tự hào cho cả dân tộc Chăm, còn khuyết điểm anh cũng đã từng nói: “Điều tôi biết chỉ là giọt nước phần chưa biết là cả đại dương” Bruk dray thau yau ia tha kanhjoh, bruk ka oh thau yau ia di jalidi, “Nước trong ly là ly nước trong chai là chai không là tất cả”. Còn phần thưởng là sự an ủi trong chính mình và độc giả đang nghiên cứu góp ý chân thành.
    Anh Thống thì cho rằng quyển sách Inrasara viết không những thiếu mà còn sai trật… bởi 2 lý do. Một là không có hoặc không đọc được tài liệu về văn học Chăm,… Hai là tác giả hoàn toàn tự học về văn hoá Chăm và hình như không gặp được bậc thầy như cụ Thiên, gru Sử Văn Ngọc là thô thiển vô cùng Còn trung tâm trao giải thưởng anh lại cho rằng: nghe ra rất là thế giá, bởi các nhà nghiên cứu dính dáng đến trường Đại học Sorbonne thực tế trung tâm này giá trị văn chương học thuật thì ít mà chính trị thì nhiều… cho nên nhiều người ngộ nhận cứ cho là to tát lớn lao vinh dự lắm không biết cũng hùa theo ở đây anh đánh giá độc giả quá thấp.

    Phần kết luận
    Như đã trình bày ở trên dư luận cộng đồng Chăm rất hoang mang bàn tán.
    Lịch sử đã khép kín nhà nước đang có chủ trương lớn phục hồi văn hoá truyền thống, trùng tu sửa chữa các đền tháp đưa vào tua du lịch văn hoá, thánh địa Mỹ Sơn trở thành di sản văn hoá thế giới, nhà nước tiếp tục tiến hành tìm kiếm phục hồi các đền tháp, văn hoá phi vật thể đang chôn vùi. Tiếng Chăm, và việc dạy chữ Chăm được phát sóng trên đài truyền thanh truyền hình, cán bộ, công an được học chữ chăm, mở lớp hè học cho giáo viên, chữ tiếng chăm được đưa vào bậc tiểu học và trường Dân Tộc Nội Trú, tại trường Đại Học Quy Nhơn, trường Cao Đẳng Sư Phạm Ninh Thuận cũng đang có chương trình học tiếng Chăm… Trung tâm văn hoá chăm được xây mới với quy mô bề thế hơn, tại các làng xã chăm, nhà văn hoá chăm được xây dựng; tác phẩm về văn hoá Chăm được in ấn phát hành thành sách đã đưa văn hoá chăm về tận địa phương châm. Vấn đề suy nghĩ và lo âu của nhà nước và lãnh đạo tỉnh ta là làm thế nào để đào tạo nhân sự, các trung tâm văn hoá hoạt động như thế nào có hiệu quả và thiết thực trong khi trí thức người chăm được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ, nhà thơ, nhà văn, đạo diễn… vì kinh tế thị trường đã vào TPHCM để phục vụ, gần đây Thạc sĩ Trương Văn Món rất trẻ có năng lực tâm đắc với văn hoá Chăm lại cũng phải ra đi… lãnh đạo Tỉnh ta đang nghiên cứu có chính sách chung để chiêu hiền đại sĩ. Thì tại Ninh Thuận địa phương chúng ta có những người uyên thâm tài cán như: Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống, Sử Văn Ngọc lại bỏ lăn lóc ngoài mưa ngoài nắng như vậy có hợp lý không? Có thực không?
    tiếp phần 2…
    Mưgru Akhar

  2. tiếp kì 1…

    Thưa anh Thống! Quần chúng đang suy nghĩ ”Đứng trước cử toạ là người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, là trí thức với nhau cả, có cả sự hiện diện của cả những thế hệ bậc thầy, là đàn anh có tầm cỡ nhưng anh lại ngang nhiên rao giảng như Thánh sống, như cha nhà thờ trong thánh đường, như bậc thầy trên bục giảng hay trên cả bục thành rào? Là diều khó thuyết phục. Cho dù anh còn cả một kho tàn tư liệu sống chưa công bố.
    Với nhà nước một tổ chức được xem là đầy quyền lực thế mà anh vẫn ngang nhiên phản bác, một việc làm thật can đảm đó là: Hội Đồng Thẩm Định: Thạc sĩ, tiến sĩ… và cả công trình nhà nước khi trách nhiệm được giao cho Ban Biên Soạn…, sai, sót là điều cần được góp ý, song anh và cả bậc thầy anh là trí thức… nhưng chưa thực tâm góp phần xây dựng cụ thể và hiệu quả để mang lại hữu ích cho cộng đồng là điều đáng tiếc… Với văn hoá chữ Tiếng Việt qua hàng ngàn năm văn hiến, chữ viết, văn hoá việt, sách giáo khoa vẫn được chỉnh sửa, góp ý hằng năm trong chương trình dạy học. Thế mà các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu vẫn luôn luôn được đưa ra thảo luận, thẩm đinh lại.
    Ban biên soạn chữ Chăm thành lập từ năm 1978 đã tập trung toàn bộ có chọn lọc toàn là giáo viên trí thức người Chăm thông thảo về chữ tiếng Chăm qua nhiều thế hệ, nhân sự Ban biên soạn thì thiếu và yếu nhưng đã soạn được 05 bộ sách giáo khoa ở bậc tiểu học mà Bộ Giáo Dục là chủ biên là một sự cố gắng vượt bậc còn khuyết điểm là điều tất nhiên không thể tránh khỏi. Đó là trách nhiệm chung của cả cộng đồng trí thức Chăm và của nhà nước, trong tổng kết 30 năm của BBS cái khó là không đủ sách giáo khoa, sách giáo khoa soạn để học 2 tiết nay giảm còn 1 tiết, giáo viên dạy chuyên còn kinh phí thầy dạy phụ thuộc vào kinh phí nhà trường tính tỷ lệ trên đầu học sinh, chất lượng học sinh khó đạt được. Hiện nay Bộ giáo dục có chủ trương, có kinh phí nhưng việc biên soạn in ấn chưa thống nhất với nhau việc chỉnh sữa… chữ viết từ vựng chữ Chăm thì đa âm tiết trong khi đọc lại phát âm quá đơn giản quá thành đơn âm, Ban biên soạn không biết chỉnh sửa như thế nào cho phù hợp với chữ chăm cổ và chữ chăm mới của Ban biên soạn với yêu cầu là làm thế nào cho các em tiếp thu nhanh và học dễ nhớ và thuyết phục là điều không đơn giản chút nào do đó yêu cầu đặt ra là giới trí thức chăm, người có trách nhiệm ngồi với nhau bàn như thế nào cho thoát… Cổ nhân có câu:
    “Abih dom phun rai chak janưk oh thau
    Mưyah kamlah pwơc biyau, panwơc birau nan mưng thiam”
    Có nghĩa:
    “Tất cả sự phát triển như thế nào chẳng có ai thấu rõ
    Nếu bàn cãi ta hãy trao đổi và thống nhất với nhau cho thoát”
    Để giải quyết sự mâu thuẫn trong dư luận, vấn đề nghiên cứu văn hoá Chăm. Với BBS, cơ quan hữu trách nên có ý kiến và chỉ đạo cụ thể việc chỉnh sửa chữ tiếng Chăm, in sách, việc đầu tư dạy chữ chăm lâu dài hiệu quả. Vấn đề chính là trí thức và cộng đồng người Chăm nên ngồi lại với nhau tìm biện pháp hữu hiệu nhất để hoá giải.
    Cổ nhân có câu: “Khi gặp phải khó khăn ta hãy nhìn thẳng vào bản chất sự việc và trầm tĩnh sẽ tìm được cách giải quyết” (Tuk gok kan chađah, dray gilac mong tapak athal bruk ngak, bloh giđang hatai mưng boh jalan nao mai tapa truh)
    Tôi xin được góp ý và chân thành cảm ơn.

    15-9-2009
    Mưgru Akhar

  3. chuyện trò cùng Nguyễn Thành Thống…

    Qua hai bài phản hồi rất xuất sắc của Inrasara và Trà Vigia, ai cũng thấy anh Thống khó có khả năng phản biện. Vì sao vậy? vì anh sai mười mươi rồi còn cãi vào đâu được nữa! Ở đây, qua câu chuyện Nguyễn Thành Thống, tôi muốn đề cập tới một vấn đề khác, tế nhị hơn: quan hệ giữa người với người.

    Nguyễn Thành Thống có thể là một nhà nghiên cứu ngôn ngữ giỏi, nhưng rất kém về mặt con người.Hình như anh chưa học và chưa hiểu tất cả mọi dân tộc đều bình đẳng. Không phân chia lớn /nhỏ hay ít/ nhiều. Riêng với tôi, Chăm có thể là một dân tộc còn ít người chứ chưa bao giờ là một dân tộc nhỏ. Dân tộc ấy đã từng có một nền văn hoá lớn, di sản văn hoá mà Champa để lại cho nước Việt hôm nay là vô cùng lớn lao, không ai có thể phủ nhận những giá trị của điêu khắc và đền tháp Champa. Ngay trong lĩnh vực âm nhạc, Giáo sư Trần Văn Khê sau cả cuộc đời nghiên cứu về âm nhạc dân gian đã phải thốt lên: ” Nhạc Việt đã nhuốm màu Chàm. ”

    Người Chăm cổ còn để lại nhiều di sản văn hoá tâm linh như tục thờ Bà, thờ Cá Ông mà những lưu dân xưa đã kế thừa, truyền lưu đến tận hôm nay nhưng chúng ta vẫn chưa nghiên cứu và hiểu biết hết.

    Mới đây thôi, ở xã Mai Phụ huyện Lộc Hà, xã Cẩm Huy huyện Cẩm Xuyên, xã Kỳ Trinh, Kỳ Châu, Kỳ Ninh, Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, người ta vừa phát hiện đến 20 giếng cổ Champa.( http://vovnews.vn/Home/Phat-hien-20-gieng-co-Champa-o-Ha-Tinh/20099/121183.vov )
    Nếu cứ theo mốc lịch sử xưa ghi lại thì địa đầu Champa từ tỉnh Quảng Bình, thế thì 20 giếng cổ Champa ở đất Hà Tĩnh chắc là của….người Việt?

    Nói thế để minh chứng rằng lịch sử không thiếu chuyện nhầm lẫn, ngay như chuyện Huyền Trân công chúa và vua Chế Mân ( Jaya Shinhavarman III ), ngay chính sử đã hư cấu và thêu dệt theo cách nhìn hẹp hòi phiến diện, để sau này hậu thế cứ lần mò suy diễn, mãi mãi vẫn không thể biết sự thật mà những nhân vật lịch sử đã vĩnh viễn mang theo…

    Dù sao cũng còn những nhận định công tâm như nhà sử học Phạm văn Sơn viết trong Việt sử toàn thư:

    ” Duy việc Trần Khắc Chung lập mưu đưa Huyền Trân trở về nước sau khi Chiêm Vương qua đời, dù muốn sao ta cũng phải nhận là một việc bất tín đối với Chiêm Thành. Thì phản ứng của nước Chiêm là lẽ dĩ nhiên và chính đáng.
    Còn người Việt đã thắng một canh bạc không lương thiện lắm lại còn ra bộ não nùng xót xa. ”

    Tôi không là nhà nghiên cứu như Nguyễn Thành Thống, nhưng tôi vô cùng yêu quý văn hoá và dân tộc Chăm. Phải biết đặt mình trong tâm thức, hoàn cảnh lịch sử thì mới hiểu người Chăm đã phải chịu bao cay đắng, thiệt thòi. Và thật bất nhẫn khi nói về Chăm như giọng điệu của anh Thống: Chăm không biết gì, ngay cả đến chữ Chăm.
    Đó là một nhận định vô cùng sai lầm và nghiêm trọng, tôi cực lực phản đối lối tư duy hẹp hòi thiển cận, nhìn những dân tộc anh em ít người như những sinh thể thiếu hiểu biết, lạc hậu và tối tăm. Đó là lối suy nghĩ của tàn dư thực dân, phong kiến và không thể chấp nhận trong thời đại toàn cầu hoá như hiện nay.

    anh Thống hãy thử một lần giả sử mình là một người Chăm, cứ giả sử thôi. Rồi suy nghĩ về tất cả: lịch sử, dân tộc. Tôi tin anh sẽ vỡ ra nhiều điều, để sau này có viết điều gì về một dân tộc khác, phải biết khiêm cung, lễ độ. Đó là điều cần phải có trước tiên ở một người trí thức. Mọi cái hiểu biết đều đứng sau yêu cầu này.

    Lịch sử nước Việt chưa một lần xin lỗi người Chăm dù quá khứ đã gây ra nhiều đau thương cho dân tộc này. Đó là điều, theo tôi- rất đáng xấu hổ! Tất nhiên chúng ta không làm ra lịch sử nhưng vẫn liên đới và trách nhiệm với nó. Quá khứ nào chẳng xuyên suốt tới hiện tại và cả tương lai. Hãy học cách cư xử với nhau trong tình người và sự tôn trọng. đó mới là điều quý nhất.

    Le

  4. HT
    Đáng lẽ sau Đính chính và giải thích đàng hoàng và tế nhị cũng khá dông dài của anh Sara, ô Thống làm theo chỉ dẫn của Trần Can là xong rồi. Đằng này ngài cãi lại là nhà thơ Inrasara đã cắt vụn câu văn ngài để phê phán, nên mới dính tiếp đòn của Trà Vigia. Mà tay Trà này thì thôi, sắc lẹm và đầy trí tuệ.
    Rồi thì đến phiên thầy Tỷ đòi kéo ngài đến đối chất thì ô Thống chỉ có nước tắt đài. Thôi cho em xin, thầy chớ đẩy ông vào thế kẹt vây. Để ngài còn nghiên cứu chữ Chăm trên bia kí phục vụ đồng bào đồng chí và các bạn. Đề nghị của thầy thì quá to, em chỉ xin giơ tay có ý kiến như vầy: Thầy ở Phước Nhơn, ô Thống ở Nha Trang. Hay hai vị hẹn gặp nhau ở một địa điểm trung lập như Ba Ngòi chẳng hạn để nói chuyện đi. Tiện với lợi cả đôi đường, nhé.
    Tình ý của LE và Trần Can (TC viết vài bài rất khá trên web này) bà con Chăm quý lắm. Được như vậy, đi Kate cứ là mâm cao cỗ đầy với tiếng cười mà đãi. Còn mang tâm nặng nề như ô Thống thì cũng cỗ đầy mâm cao, nhưng ngài dùng một mình đấy. Đìu hiu lắm!
    Đa tạ!
    HT

  5. Cảm ơn bạn HT, nhưng tại hạ còn kém cỏi lắm. Thích văn hoá Chăm nhưng chưa hiểu biết bao nhiêu. Còn phải học hỏi nhiều ở các bạn.
    Trong comment của bạn Le, có một câu hay quá:
    ” Chăm có thể là một dân tộc còn ít người, chứ chưa bao giờ là một dân tộc nhỏ”
    Đúng quá, dân tộc nhỏ thì làm sao có cả một nền văn hoá lớn, hoan hô bạn Le.

Comments are closed.