Ông bước chân xuống tàu
Thành Hoàng Đế rơi lại chấm buồn
Chồng lên âu lo phế tích
Vijaya ngủ không bình yên dưới mộ
Biển trào bọt bãi mùa giông tố
Tháp Chàm ứa lệ từ buổi hôn phối cô đơn
Đôi chân trần
Ông đi mãi đi hoài
Đi vào tương lai bất định
Mòn ngàn cây số
Trụ lại Sài Gòn bầm dập ban mai
Ông đi mãi đi hoài
Đi suốt chuỗi dài thương nhớ cũ
Trăm câu chuyện cổ
Trăm bài ca dao
Trăm điệu ru hỡi ru hời
Ông gói lại giữ nơi lòng
Ráo ướt bôn ba cuộc sống
Gia đình từ đó nẩy sinh
Cha mẹ nát ruột bầm gan
Bồng bế con bỏ nơi chôn nhau cắt rốn
Dấn thân đất rừng đất rẫy
Muỗi mòng sốt rét khai hoang
Ông làm sao bỏ cháu bỏ con
Lại thân thể già cưu mang cay đắng
Nhà Vĩnh biệt [ Bệnh viện Nguyễn Văn Học ]
Ông sống với từng xác chết
Kiếm đồng tiền mua mươi cân gạo
Đem về hơn trăm cây số xe than, ổ vịt ổ gà
Qua trạm, không biết bao lần lạy lục người ta
( nỗi đau ấy đến giờ cháu vẫn không thể xa
và ông ngủ chắc cũng không yên giấc)
Năm tháng vất vả chất chồng vất vả
Cha hụp lặn suối sông múc từng gàu cát
Mẹ cháy cả tuổi xuân thời trên đám lúa rẫy thiếu nước chết khô
Cơm độn khoai mì ( ngon ), độn bo bo ( tệ hơn )
Ông vẫn gìn lòng sớm trưa dạy cháu
Sống có nghĩa có nhân, dù đói dù nghèo không ăn cắp vặt
Biển đời mênh mông nam nhi chí tại…
( dù lúc ấy cháu không hiểu bốn phương là gì)
Nếu làm quan đừng bao giờ ăn hối lộ, tham ô
( dù lúc ấy cháu chưa ý thức được việc này)
Nhưng cháu luôn ghi nhớ
Câu hát xưa đi vào giấc ngủ
Quê hương xa một thời hoang phế
Âm thầm đi mãi đi hoài vào ký ức tuổi thơ
Tháng năm tham tàn quằn quại
Bệnh hoạn đè lên, tuổi già sụp xuống
Ông ra đi một ngày giáp tết
[ 27 tháng chạp 1979]
Nhà không có ai chỉ có mẹ và cháu thôi
Ba mươi bốn năm rồi
Nỗi buồn chưa yên nghỉ
Lòng cháu cũng chưa bao giờ nguôi thổn thức
Như đôi mắt ông thuở nào
Thâm trầm
Hư huyễn
Bài ca dao nhớ quê hương vắng
Gửi lại lành lạnh giọng buồn
Khúc điệu ru xưa