Quảng Đại Tuyên: Bước đầu tìm hiểu về triết lí âm dương thông qua hình ảnh cánh diều Chăm

Đã đăng Tagalau 12.

Nằm trong cái nôi văn minh nông nghiệp Đông Nam Á, cũng như nhiều tộc người khác, người Chăm cũng hội tụ đầy đủ những giá trị văn hóa chung của khu vực. Đồng thời trong quá trình sinh sống, họ hình thành cho mình những nét văn hóa đặc trưng riêng để phù hợp với môi sinh của họ. Chính điều này đã tạo nên một Đông Nam Á với nền văn hóa thống nhất và đa dạng. Mỗi giá trị văn hóa của tộc người Chăm đều có mối liên hệ mật thiết với giá trị văn hóa chung của các tộc người khác trong khu vực. Thả diều là một nét văn hóa lâu đời của người Chăm, nó không chỉ là trò chơi truyền thống mà còn là một phong tục có từ lâu đời, ẩn chứa trong đó chiều sâu tâm nguyện của nhân dân, ý nghĩa triết lý Chăm cũng như cơ sở tư tưởng của nền văn minh Đông Nam Á.

Người Chăm gọi diều là kalang, từ vừa đồng âm vừa đồng nghĩa với loại chim diều (hâu). Nhiều tộc người ở Đông Nam Á có tên diều giấy trùng với tên loại chim diều hâu như ở Campuchia, diều giấy và chim diều đều là Khlen, ở Malaysia gọi diều là layang, người Thái gọi là kula, người Mơnông gọi là Khang, người Êđê gọi là Hlang, người Raglai gọi là kala (kalat)… Ở người Việt, diều giấy và chim diều vừa là đồng âm vừa là cùng nguồn gốc. Diều có vị trí đặc biệt trong văn hóa của nhiều tộc người ở Đông Nam Á. Ở Campuchia, xưa kia, khi có gió mùa đông Bắc về hàng năm, các nhà sư thường thả một hoặc hai chiếc diều bay lơ lửng trên các chùa. Việc thả diều có ý nghĩa cầu sự bình yên tốt lành cho muôn vàn sinh linh. Hễ có chiếc diều bị rơi thì nhà chùa phải làm lễ xua đuổi tà ma và cầu an. Ở Thái Lan có tục đấu diều. Nhà vua trực tiếp tham dự cuộc đấu này. Người ta bố trí người chơi làm hai phe, diều đực gọi là Kula, diều cái là Pak kaw. Diều đực có nhiệm vụ làm đứt dây diều của đối phương. Diều cái có hình dáng nhỏ và thon theo hình thoi, có đính những dải dài để quấn quanh dây của diều đực, nhằm bảo vệ mình, hạn chế sức công phá của diều đực (1). Riêng người Chăm, diều không chỉ có vị trí đặc biệt trong sinh hoạt dân gian mà có ý nghĩa rất quan trọng trong lễ nghi của một số dòng tộc(2) Theo quan niệm của đồng bào Chăm, cánh diều sẽ là sợi dây liên lạc hai thế giới âm, dương để báo cáo tình hình làm ăn cũng như sức khỏe của con cháu cho tổ tiên biết, đồng thời cầu xin tổ tiên ban phúc lành năm tới.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu về tính triết lý của hình ảnh cánh diều trong sinh hoạt văn hóa của tộc người Chăm. 

1. Các loại diều truyền thống của người Chăm

Người Chăm có 6 loại diều chính gắn với đặc điểm riêng của mỗi loại:

– Diều hình tròn (kalang aia harei): tượng trưng cho mặt trời. Đây là loại diều thông dụng nhất của người Chăm.

– Diều bán nguyệt (kalang aia bilan tâh baoh): tượng trưng cho hình ảnh mặt trăng bán nguyệt.

– Diều hình tứ giác (kalang baoh tanâh): tượng trưng cho mặt đất vuông.

– Diều hình trăng khuyết (kalang kan wang): tượng trưng cho hình ảnh trăng lưỡi liềm và các vì tinh tú trên trời.

– Diều đực (kalang tanaow): tượng trưng cho hình ảnh người đàn ông. Cái đuôi tượng trưng cho đôi chân và xarong của người đàn ông. Cái đầu có sáo kawao tượng trưng cho cái khăn quấn trên đầu. Hai bên diều có gắn hoa tai, tượng trưng cho hình ảnh cái taibri trên chiếc khăn lễ của các vị chức sắc. Hai thanh tre ốp phía dưới thân diều tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam.

– Diều cái (kalang binai): tượng trưng cho hình ảnh của người phụ nữ. Hình ảnh từng chi tiết của diều cái cũng tượng trưng giống hình ảnh của diều đực. Tuy nhiên, ở diều cái không có thanh tre ốp tạo nên 2 hình tam giác ở dưới thân diều – điều này giúp phân biệt rõ giữa diều đực và diều cái.

Mỗi chiếc diều tượng trưng cho mỗi hình ảnh khác nhau trong nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Chăm. Nó chính là nét văn hóa hiện hữu phổ biến nhất của tộc người này mà chúng ta thường thấy. Thả diều – một loại hình trò chơi truyền thống của tộc người Chăm không chỉ mang ý nghĩa là một trò chơi giải trí thông thường, mà sâu xa hơn, đó chính là ước vọng của con người.

Thông qua những loại diều này, chúng tôi nhận thấy hình ảnh vũ trụ quan sinh động cũng như tính triết lý âm dương thật thú vị. Có thể nhận thấy 3 quan niệm khác nhau của người Chăm thông qua hình ảnh những chiếc diều:

– Tính lưỡng hợp (mặt trời – mặt trăng): Diều hình tròn kalang aia harei

– Diều bán nguyệt kalang aia bilan tâh abaoh.

– Vũ trụ quan sinh động (quả đất – mặt trăng – các vì tinh tú…): Diều hình tứ giác kalang baoh tanâh – Diều hình trăng lưỡi liềm kalang kan wang

– Âm – dương: diều đực kalang tanaow – diều cái kalang binai.

 

2. Triết lý Âm – dương (Yin – Yang) của người Chăm thông qua hình ảnh cánh diều

Tư liệu cổ Chăm có ghi lại rằng, vũ trụ ban đầu là một cõi hư vô elak, tối tăm mù mịt gồm có hai phần: phần trên là cõi hư vô thuộc về trời akal và phần dưới thuộc về đất tanâh riya. Sau đó vũ trụ sinh ra thần trời Pô lingik – thần đất Pô tanâh riya, thần mẹ Pô Inâ – thần cha Yang Amâ. Từ đó thần trời kết hợp với thần đất; thần mẹ kết hợp với thần cha mà sinh ra muôn loài vạn vật(3). Như vậy, việc phân chia thần trời – thần đất, thần cha – thần mẹ để rồi cuối cùng hợp nhất các cặp đó lại với nhau chính là sự khái quát hóa lần đầu tiên, là tiền đề để hình thành cấu trúc lưỡng hợp, tín ngưỡng phồn thực trong văn hóa Chăm. Chúng ta thấy hình ảnh của những cánh diều Chăm luôn luôn là sự tồn tại của hai mặt: Âm – dương (diều đực – diều cái), lưỡng hợp (diều hình tròn – diều hình bán nguyệt), vũ trụ quan (diều hình tứ giác – diều hình trăng khuyết)… Tuy phân chia như vậy nhưng các yếu tố trên không tách rời mà luôn gắn liền với nhau trong một thể thống nhất.

Từ xa xưa, người Chăm đã biết làm nông nghiệp và sống hòa hợp với thiên nhiên. Họ nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa. Người nông dân cày ruộng cầu mong trời mưa đúng thời vụ, đó là nguyên nhân có các lễ tục cầu mưa, cầu đảo… nhưng khi mưa nhiều, không thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, họ lại cầu mong trời khô tạnh.

Chim diều là một loại chim phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á. Chim diều thường xuất hiện nhiều vào mùa khô; sống ở nơi cao ráo đối lập với không khí ẩm ướt. Chính vì thế, mà người nông dân đã xem diều như là “sứ giả mang đến sự khô ráo khi thấy chúng xuất hiện trên bầu trời.

Tục thả diều chủ yếu được thực hiện sau mùa mưa vào khoảng tháng 11 – 12 Chăm lịch, cầu mong tạnh ráo, cầu gió mát trăng thanh. Lúc bấy giờ nông nghiệp cần khô ráo để thu hái, phơi phóng. Lúc này, cánh diều thực hiện vai trò của nó: Đem lại tiết trời khô hanh cho người nông dân phơi phóng nông sản. Cánh diều lúc này chính là sứ giả mang đến những điều tốt đẹp trọn vẹn của mùa màng.

Người Chăm luôn mang theo tâm thức phồn thực với ý niệm âm dương giao hòa, tạo sự sung mãn cho con người và vạn vật; mang theo thế lưỡng phân – lưỡng hợp về sự tách ra để trưởng thành và gắn lại để trường tồn. Duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với văn hóa nông nghiệp, hai việc này càng bội phần hệ trọng. Để duy trì cuộc sống, cần cho mùa màng tươi tốt. Để phát triển sự sống, cần cho người sinh sôi. Hai hình thức Âm dương tương ứng, Âm dương giao hòa là nguyên nhân cơ bản tạo nên sự biến hóa, phát triển của sự vật là sự giao cảm của âm dương “Trời đất có cảm nhau, vạn vật mới hóa sinh”, “giống đực, giống cái  kết hợp tinh khí mà vạn vật sinh nở, biến hóa(4) . Hình ảnh cánh diều Chăm mà điển hình là diều đực kalang tanaow và diều cái kalang binai chính là chiều sâu tâm tưởng của người Chăm: Mmong ước được sinh sôi, duy trì và phát triển cuộc sống.

Triết lý Âm dương – tín ngưỡng phồn thực hoặc cấu trúc lưỡng hợp là một tư tưởng phổ biến được biểu hiện trong văn hóa Chăm. Dựa trên hình ảnh của các loại hình dáng chiếc diều, chúng ta nhận thấy được sự hòa hợp các yếu tố: trời – đất, đực – cái, đất – nước, mặt trời – mặt trăng, không trung – mặt đất, hình tròn – hình vuông… các cặp đôi trên luôn có tính chất trái ngược nhau nhưng người Chăm luôn đặt chúng bên cạnh nhau, hòa hợp nhau tạo thành một thể thống nhất. Có như vậy thì mới mưa thuận gió hòa; con người, cây cối, vật nuôi mới sinh sôi nảy nở; sức khỏe dồi dào, an khang nhân thịnh, con cháu đầy đàn.

Môi trường sống của người Chăm với một bên là dãy Trường Sơn, một bên là Biển Đông đã hình thành nên môi sinh: núi – đồng bằng – biển. Điều kiện tự nhiên này đã hình thành cho người Chăm nghề nông và nghề đi biển. Và chính môi trường này đã hình thành nên tư duy cặp đôi luôn hiện hữu trong đời sống của tộc người Chăm. Họ luôn phân chia sự vật thành hai nửa: trời – đất, đực – cái, vùng cao – vùng thấp, ngày – đêm, sáng – tối… sự vật ấy được họ tách ra (lưỡng hợp) nhưng rồi lại gắn vào, liên kết, chuyển hóa lẫn nhau để trường tồn, phát triển. Đặc trưng này không chỉ có riêng trong nền văn hóa Chăm mà nó là cơ sở chung của nền văn hóa Đông Nam Á. Thế nhưng ở người Chăm, đặc trưng văn hóa này rất phổ biến, điển hình trong đời sống văn hóa vật chất (nhà cửa, ẩm thực, trang phục…) và văn hóa tinh thần (tín ngưỡng, lễ hội, truyện thơ…)  và cánh diều của Chăm chỉ là một minh chứng trong sự đa dạng, phong phú đó.

Quan niệm phồn thực hay triết lý Âm dương là một đặc trưng khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á. Đây là nền tảng tư duy của văn minh nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á với những hoạt động thực tiễn của đời sống kinh tế xã hội, văn hóa lúa nước với việc trồng cấy lúa và trở thành tư tưởng quán xuyến của huyền thoại, lễ tiết và cấu trúc xã hội ở Đông Nam Á. Và dĩ nhiên, nằm chung trong khu vực văn minh lúa nước, tộc người Chăm đã tiếp thu được những nền tảng tư duy của khu vực thông qua những giá trị vật chất và tinh thần mà họ còn duy trì cho đến ngày nay. Diều Chăm chính là sự nhận thức về vũ trụ quan, nhân sinh quan dựa vào sự tiếp thu có sáng tạo trên cơ sở của nền văn hóa truyền thống Đông Nam Á.

Tài liệu tham khảo

Chu Xuân Diên. 2002. Cơ sở Văn hóa Việt Nam. TP Hồ Chí Minh: NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hiến Lê. 1992. Kinh dịch –  Đạo của người quân tử. Hà Nội: NXB Văn học.

Sakaya, 2003. Lễ hội truyền thống của người Chăm. Hà Nội: NXB Văn hóa Dân tộc.

Trần Ngọc Thêm. 1999. Cở sở Văn hóa Việt Nam. TP Hồ Chí Minh:, NXB Giáo dục.

Sông Lam. 2008.Phong tục thả diều của đồng bào Chăm”, báo Dân tộc & Phát triển (số 5).

Thanh Nguyên, “Ý nghĩa của tục thả diều”, www. Simplevietnam.com

 

 

(1) Thanh Nguyên, Ý nghĩa của tục thả diều, http://www.simplevietnam.com/article/view/id/119

(2) Hàng năm, cứ đến thượng tuần tháng 11 (Chăm lịch), dòng tộc Pô Yang-Ing tỉnh Ninh Thuận làm lễ thả diều papan kalang Pô Yang-Ing để tưởng nhớ về Ngài và cầu xin Ngài phù hộ độ trì cho con cháu.

(3) Tư liệu cổ Chăm, Tìm hiểu về vũ trụ thuở hồng hoang của ông Mâduen Hán Phải (70 tuổi), thôn Chung Mỹ, TT Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

(4) Nguyễn Hiến Lê, 1992, tr 234

____

 

Bút danh khác: Isvan

Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm – Ninh Thuận

 

 


2 thoughts on “Quảng Đại Tuyên: Bước đầu tìm hiểu về triết lí âm dương thông qua hình ảnh cánh diều Chăm

  1. Bài này có ý mới và ý hay, nhưng so với Âm Dương của Tàu e chưa được chuẩn chăng? Triển khai hướng khác tôi cho là hợp lý hơn.

  2. Theo tôi lại khác với “Mân”, văn hóa Chăm vốn “đậm chất” tính Âm – Dương (Yin – Yang). Âm – Dương tồn tại ở tất cả trong văn hóa Chăm. Đây là một mảng mới trong nghiên cứu văn hóa Chăm.
    Thử tìm hiểu xem?
    Tóm lại, tôi thấy bài này là một hướng đi mới và nó làm tính Âm – Dương trong văn hóa Chăm. Nhiều tác giả không dám sử dụng thuật ngữ “Âm – Dương” là vì không hiểu được tính chất âm – dương trong văn hóa Chăm.

Leave a Reply to Ngak pui Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *