Ngọc Ánh: Inrasara: Người canh chòi trên cánh đồng ngôn ngữ Chăm

Có một chàng sinh viên người Chăm bỗng “trở chứng” quyết tâm rời bỏ giảng đường Đại học khi mới học xong năm thứ nhất để hồi hương về vùng đất xương rồng, cát trắng Ninh Thuận. “Chàng ngông” ấy lang thang đi cày thuê, câu cá và rong ruổi trên khắp ngõ hẻm quê hương để sưu tầm những thứ được coi là “cổ lỗ sỹ” của dân tộc mình. Rồi “ngông” đột ngột xuất hiện trên thi đàn văn học Việt Nam và liên tục gặt hái được những giải thưởng danh giá trong và ngoài nước, tạo nên một cơn sốt trong làng văn học Việt. Chàng thi sỹ “ngông” sinh năm Đinh Dậu (1957) ấy chính là nhà thơ Inrasara, tên khai sinh là Phú Trạm.

*
Một buổi sáng, tôi giật mình tỉnh giấc bởi một hồi chuông điện thoại réo vang, Inrasara gọi đến thông báo sẽ dành cho phóng viên cả buổi sáng để cà phê và “tào lao” chuyện đời, chuyện thơ văn…
Sau gần một tuần ở Hà Nội với lịch làm việc dày kín mít, trông Sara vẫn phơi phới tràn đầy sức sống. Vẫn cái tướng mạo ung dung như một nhà hiền triết hơn là một thi sỹ với vầng trán cao thông thái, đôi mắt chim ưng sáng quắc, 2 tai to và bộ râu hình cánh cung luôn vểnh lên khi nói chuyện. Tôi đồ rằng, nếu ai đó mới gặp Sara lần đầu hẳn sẽ đoán con người này chẳng bao giờ biết buồn. Sara gọi tôi là bạn và xưng hô bằng tên mình khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi thêm phần cởi mở, thẳng thắn.

Xê dịch để sáng tạo
Inrasara tự nhận mình là con mọt sách. Mọt sách nhưng luôn xê dịch chứ không cặm cụi đóng khung một chỗ. Đi đâu, làm gì, anh cũng mang theo một “mớ sách” để đọc và ghi ghi, chép chép. Niềm đam mê này có lẽ được truyền lại từ người cha nông dân mẫu mực, hiền từ nhưng rất ham mê sách cổ nhân của anh. Bởi vậy, từ khi chưa cắp sách đến trường, nhiều đêm mấy cha con ra ngoài sân thôn hóng trăng thanh gió mát, được nghe cha ngâm nga Ariya Glơng Anak – một thi phẩm nổi tiếng trong dòng văn học cổ điển Chăm, Sara đã thuộc lòng.
Sara đọc rất nhiều sách. Từ Đông-Tây kim- cổ anh đều “ghiền”, nhưng đặc biệt “khoái” sách triết học. Có lẽ vì thế mà từ tuổi hai mươi, anh đã đắm mình trong tư tưởng triết học của 2 nhà triết gia: Nietzsche và Krishnamurti- lúc nào cũng ở trong tư thế của kẻ sẵn sàng vứt bỏ tất cả để lên đường nhập cuộc sáng tạo cái mới. Và cũng chính tư tưởng này đã trở thành động lực thúc đẩy chàng sinh viên năm thứ hai- Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tự gỡ bỏ cái mác “áo trắng thư sinh” để trở về làm “nông dân chính hiệu” ở plây (làng) Chăm nghèo Caklaing (Ninh Thuận) vào năm 1978. Sau đó, chàng lại tiếp tục từ bỏ Ban Biên soạn sách chữ Chăm- Thuận Hải sau 4 năm làm việc trở lại sống đời nông dân, để 7 năm sau nhận lời mời vào làm việc tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á, thuộc Trường Đại học Tổng hợp T.P Hồ Chí Minh. Lại cảm thấy bị gò bó trong một không gian văn phòng chật hẹp, bức bối, thui chột khả năng sáng tạo…, Sara quyết định vứt bỏ tất để đi tìm 2 chữ: Tự do. Vài đồng nghiệp lúc đó đã trách Sara dại dột hay kiêu ngạo. Song, mặc…, bởi chỉ có Sara mới tự hiểu mình cần gì, muốn gì.
Sau này, trong tập thơ Tháp nắng, xuất bản năm 1996, thi sỹ đã trải lòng thổ lộ nỗi trăn trở, dằn xé của cái tôi trong hành trình “thoát xác” để nhập cuộc sáng tạo cái mới:

Ơi người thi sỹ có màu mắt rất đen và mái tóc rất đen
Mãi ngủ gục êm đềm dưới mốc bụi của hành lang thư viện
Cẩn trọng bơi trong dòng đời hiện sinh
Mắc cạn bên này bờ cuộc chiến

Bao giờ?
Chúng ta trút gánh nặng lên đường
Con đường băng qua những buổi chiều thời đại

Canh giữ chòi trên cánh đồng ngôn ngữ
Tại cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận có lẽ hiếm có một người con nào ý thức sâu sắc về bổn phận, trách nhiệm của bản thân đối với di sản văn hóa của cha ông như Inrasara. Thủa còn học trung học ở thị xã Phan Rang, mỗi chiều thứ bảy, thay vì “xuất trại” (ký túc xá Pô-Klong) về quê như các bạn, Sara lang thang đến các làng Chăm khác như Phước Nhơn, Thành Tín, Văn Lâm, Hữu Đức… để lắng nghe bà con nói chuyện, nghe cãi vã nhau chỉ để lượm lặt từ ngữ, ghi chép vào cuốn sổ tay nho nhỏ luôn mang theo bên mình. Cuộc miệt mài sưu tầm ngôn ngữ và các văn phẩm của người Chăm được Sara duy trì trong nhiều năm. Trong tập thơ Tháp nắng, anh tự sự:

Một câu tục ngữ, một bài ca dao
Nửa bài đồng dao-một trang thơ cổ
Tôi tìm và nhặt/ như đứa trẻ tìm nhặt viên sỏi nhỏ
(những viên sỏi người lớn lơ đãng dẫm qua)
Để xây lâu đài cho riêng mình tôi ở
Lâu đài một ngày kia họ ghé đụt mưa- chắc thế
!

Cho đến khi lên TP. Hồ Chí Minh học đại học, Sara đã sở hữu trong tay hàng trăm bản văn phẩm viết tay và một va ly đầy… sách. Anh tâm sự: “Không ít bạn trách tôi mất thời giờ cho tiếng Chăm/ Có bao lăm kẻ đọc rồi ai còn nhớ”. Song, Sara tuyên bố: “Nhưng tôi muốn phí cả cuộc đời cho nó/ Dù chỉ còn dăm ba người/ Dù chỉ còn một người/ Hay ngay cả chẳng còn ai nữa” (Tháp nắng).
Gần 20 năm “bách nghệ mưu sinh”: từ nghề cày thuê, trồng nho, thú y, dạy học, kế toán, nghiên cứu đến kinh doanh…, lúc ở Ninh Thuận, lúc tá túc lên Sài Gòn, Sara “làm việc như điên” chỉ để “nuôi” việc viết lách. Thành quả suốt mấy chục năm miệt mài lao động nghiêm túc đó đã được làng văn, làng báo Việt Nam ghi nhận. Ấy là lúc Sara đã chính thức trở thành công dân Sài Gòn. Năm 1996, tập thơ đầu tay Tháp nắng ra đời lập tức giành được Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Tiếp đến là sự xuất hiện các tập thơ: Sinh nhật cây xương rồng (Giải thưởng Hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam-1998); Hành hương em (1999); Lễ tẩy trần tháng Tư (Giải thưởng Giải thưởng văn học Đông Nam Á- 2005); Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ Tân hình thức. Ngoài ra, Sara còn có mấy chục cuốn sách tiểu luận, phê bình văn học và nhiều công trình nghiên cứu văn hóa Chăm. Trong đó, công trình Văn học Chăm khái luận được nhận giải thưởng của Trung tâm Lịch sử và Văn minh Đông Dương thuộc Trường Đại học Sorbonne (Pháp).
Từ năm 2000 đến nay, được sự hậu thuẫn về kinh phí của bạn bè và Công ty TNHH INRAHANI (chuyên dệt và bán các sản phẩm thổ cẩm Chăm) do chị Trà Ma Hani (vợ Sara) quản lý, anh đã đứng ra chủ biên, tổ chức xuất bản được 9 tuyển tập các sáng tác-sưu tầm-nghiên cứu văn học nghệ thuật Chăm mang tên Tagalau (nghĩa là Bằng lăng). Mỗi tập Tagalau dày khoảng 250 trang, được xuất bản mỗi năm 1 hoặc 2 số tùy theo kinh phí và số lượng bài vở. Sara cho biết, trung bình in mỗi số Tagalau, anh lỗ khoảng 8 triệu đồng (in 1000 cuốn, bán khoảng 200 cuốn, còn lại là biếu, tặng). Lỗ nhưng vẫn làm bởi Sara muốn tạo một sân chơi, một diễn đàn cho những cây bút trẻ người Chăm cũng như các dân tộc khác (viết về người Chăm) thử sức.
Tagalau mới chỉ là một quà tặng nhỏ mà Inrasara dành tặng cuộc đời. Mới đây, anh vừa khai trương một Thư viện và nhà trưng bày INRA rộng 400 m2 tại nhà mình ở Caklaing (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận). Thư viện của anh chủ yếu để phục vụ bà con và học sinh trong các làng Chăm đọc sách, tìm kiếm tư liệu. Còn nhà trưng bày chủ yếu phục vụ khách tham quan du lịch với hàng trăm hiện vật văn hóa quý giá, từ chiếc xe trâu đến sách cổ trên lá buông, khung cửi dệt thổ cẩm, gốm Bàu Trúc… Inrasara cho biết, kế hoạch của anh từ nay đến cuối năm 2010 sẽ phấn đấu xuất bản khoảng 10 đầu sách. Hằng ngày, anh vẫn căm cụi miệt mài đọc, viết, sáng tạo như người nông dân Chăm vẫn miệt mài cày trên cánh đồng để dâng tặng cho đời những thửa ruộng lúa nặng trĩu bông.

_____
xem thêm:
http://cema.gov.vn/modules.php?name=Content&op=details&mid=117448925

One thought on “Ngọc Ánh: Inrasara: Người canh chòi trên cánh đồng ngôn ngữ Chăm

  1. “Hằng ngày, anh vẫn căm cụi miệt mài đọc, viết, sáng tạo như người nông dân Chăm miệt mài cày đất để dâng tặng cho đời những cánh đồng lúa trĩu bông.”

    Cám ơn chú Sara…đó là những gì cháu có thể nói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *