Quan điểm cuối cùng của Inrasara 09. Trở về với MẸ ta thôi…

1. Khổng Tử viết:

Ta mười lăm tuổi để chí vào sự học, ba mươi tuổi tuổi thì trụ vững, bốn mươi thì hết ngờ, năm mươi biết mạng trời, sáu mươi nghe thuận tai, bảy mươi thì tùy lòng muốn mà vẫn không ra ngoài phép tắc.

Hơn nửa đời hư nhìn lại, phần nào đó, tôi đã đi theo dấu vết quan niệm về hành trình trí thức đời người của Đức Khổng Phu tử.

* Ba cùng trong thế giới Chăm, tại Cwah Patih, 2011.

15 tuổi – năm lớp Đệ Tứ, khi lờ mờ nhìn thấy con đường mình sẽ đi ngày mai, tôi khởi động hành trình học (“Thấy rồi mới tìm” – ai đã nói thế?). Học bằng đọc, đi, hỏi, suy nghĩ và viết. Không phải ý định lưu danh thiên cổ, mà là học. Các bài thơ, trường ca, chữ nghĩa giai đoạn này chỉ là dấu vết rơi lại của sự tìm HỌC, không hơn. Nó không đáng để góp mặt với đời.

30 tuổi, sau ba năm lập gia đình, tôi đã “trụ vững”. Dẫu sao, thời gian từ “trụ vững” đến “hết ngờ” kéo dài suốt mười năm của thử thách, kiểm nghiệm lại điều mình thấy, mình biết. Quả là dài, bậc Chí Thánh Trung Hoa đã tự buộc mình như thế. Dài, nhưng tối cần thiết. Để thân tâm ta tránh bị chao đảo giữa phong ba thời cuộc khi bị ném vào đời. Như là một cách tự chủng ngừa.

Nơi điểm giữa đó, năm 1992 – 35 tuổi, tôi mới ôm khối “trụ vững” kia dấn thân vào Sài Gòn, thử lửa. Và chỉ khi đã thật sự “hết ngờ”, – năm 1995-1996, tôi mới nhập cuộc chữ nghĩa: cho ra đời các tác phẩm của mình.

Đến đây, tôi quẹo sang tư tưởng Bà-la-môn về bốn cứu cánh của Đạo sĩ.

20 năm – từ 1992-2012 – với tư cách là nhà văn, tôi sống, làm việc và hành động hết mình cho chữ nghĩa. Sáng tác thơ, trường ca, tiểu thuyết, truyện ngắn; viết tiểu luận, phê bình, viết báo, trao đổi và luận chiến; nói chuyện và thuyết trình, nghiên cứu và dịch thuật, ca tụng, phản bác hay bênh vực… đủ cả. Ở đó, qua chữ nghĩa tôi, tôi đã gây ra bao nhiêu tội lỗi.

Sống có nghĩa là mang tội – tội lỗi bày ra

Không cho ta sám hối – càng không thể sẻ chia

Nó xóc ta cô đơn sòng bạc cuộc đời

(Lễ Tẩy trần tháng Tư)

Tôi coi đó là “công việc xã tắc”. Chìm nổi, bị dồi tung, lăn xốc, lên và xuống, hi vọng và tuyệt vọng… Nay công việc xã tắc đã xong, rũ bỏ mọi gánh nặng, cắt đứt tất cả liên quan máu mủ ruột rà, bạn dũng mãnh bước vào giai đoạn thứ ba: đi vào rừng vanaprastha.

Cuối năm 2012, tôi sẽ “đi vào rừng”…

 

2. Nguyễn Trãi có yêu nước không?

– Câu trả lời của tôi là: – Không. Ít ra không yêu nước như Lê Lợi.

Chắc chi thiên hạ đời nay

Mà đem non nước làm rầy chiêm bao

Nguyễn Trãi đã đặt non nước đối trọng với chiêm bao, trong khi chiêm bao của Lê Lợi được đồng hóa với “non nước “. Của bao nhiêu vĩ nhân hay không vĩ nhân khác gắn liền với “sự nghiệp” – về khoa học hay nghệ thuật, về thể thao hay kinh doanh, về tu hành hay truyền giống… Nghĩa là lập thân, lập công, lập danh. Nguyễn Trãi thì khác.

Chiêm bao, là chuyện xưa nay các bậc đạo sĩ hay thi nhân chân tính đã từng mơ mộng và thử nghiệm. Bùi Giáng:

Giã từ cõi mộng điêu linh

Anh về buôn bán với mình phôi pha (A. Rimbaud)

Nhưng kẻ đạo sĩ và thi nhân ấy có thân tứ đại lỡ sinh ra và bị đóng khung trong một “non nước” nào đó, nên hắn đã cùng nỗi “chiêm bao” của mình chịu nổi chìm trong cõi “non nước” kia. Đâu phải khi đã từng tin vào người “thiên hạ” để bị kẻ thiên hạ làm thất vọng não nề, ông mới “chắc chi”! Mà sự “chắc chi” xảy ra ngay từ buổi đầu vào cuộc.

Nguyễn Trãi không là anh hùng dân tộc. Ông là tư tưởng gia đồng thời là thi nhân chân tính lỡ sinh trong thời đại nhiễu nhương, buộc ông hành động. Kẹt, là ông đã không “dại” như Nguyễn Bỉnh Khiêm để sớm lui về ở ẩn:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao

nên đã phải chịu hệ lụy kinh khủng nhất của văn thần đồng thời là bậc khai quốc công thần triều đại: tru di tam tộc.

 

[Chuyện vui: Giả dụ một kiếp nào đó, tôi lần nữa hóa thân làm đứa con Chăm. Thời cuộc thuận lợi, tôi theo phò hột máu hoàng thân nào đó làm nên việc lớn. Khi biết công cuộc sắp thành, chắc chắn tôi không chơi “khôn”, mà học “dại” cáo bệnh mà kịp về, trước khi vương triều ổn định. Dĩ nhiên, nhận được tin, vị tân vương sẽ sướng mê lên, nhưng cứ vờ vịt đòi tôi ở lại. Đòi ở lại mà vẫn cho xe ngựa chở đến nhà tôi nghìn vàng, như thể muốn nhổ cái gai tôi khuất mắt sớm càng tốt.

Tôi sẽ ứng xử thế nào?

Ôm cả nghìn lượng thì, thứ nhất bị vua cho là đồ tham lam, thứ hai – đáng sợ hơn, kẻ độc tài nào cũng nghĩ hệt thế: hắn sẽ dùng số tiền lớn đó để chống lại mình sau này, nguy lắm. Còn nếu tỏ ra thanh bạch, tôi phủi tay hết thì đâu có đặng, – “khinh quân” là chữ hiện ra ngay trong cái đầu u ám đó. Thế là tôi đón nhận ơn mưa móc kia khoảng 30-50 lượng. Rồi thôi. Gửi vài đứa con ở lại thành giữ chức quan cỏn con nào đó, tôi kéo cả bầy đàn thê tử về quê. Nếu lúc đó mà có thêm “bà nhỏ” nữa thì càng tốt. – Hết chuyện].

 

3. Chủ nghĩa quốc gia hay chủ nghĩa quốc tế – hạn từ được hiểu theo nghĩa của Goethe -, thậm chí nuôi tham vọng làm anh hùng [văn hóa hay gì gì khác của] dân tộc, là điều rất xa lạ với tôi. Dù tôi hành động trong lòng dân tộc, và như thiên hạ đồn: – làm được nhiều việc cho dân tộc Chăm.

Trong Thư về chủ nghĩa nhân bản Letter on Humanism, Heidegger đã mượn chữ “Quê hương” trong bài thơ “Trở về Quê hương” của Hoelderlin để đặt nền tảng suy tư về sự lãng quên Tính thể. Ông lí giải: Quê hương ở đây phải được suy tư theo nghĩa tinh yếu, chứ không phải mang ý nghĩa ái quốc, tinh thần dân tộc hay một thứ chủ nghĩa quốc gia. Bởi:

Một cách siêu hình, mọi chủ nghĩa quốc gia đều là một nhân loại học, và như thế – đều là thứ chủ nghĩa chủ quan. Chủ nghĩa quốc gia không bị vượt bỏ bởi chủ nghĩa quốc tế, mà hơn thế, chủ nghĩa này chỉ là một sự trương nở và nâng cấp vào trong hệ thống…

Every nationalism is metaphysically an anthropologism, and as such subjectivism. Nationalism is not overcome through mere internationalism; it is rather expanded and elevated thereby into a system… (Frank A.Capuzzi, Letter on Humanism).

 

Trở về Quê hương và ở lại Quê hương như là cư ngụ tại Nhà. Ở đó, thi nhân sống khiêm cung, yêu thương và sáng tạo. Là Chăm, tôi không đi “nghiên cứu” lịch sử Brasil hay làm thơ bằng tiếng Tây Ban Nha. Tôi không thể yêu thương nhân loại mơ hồ nào đó, mà là sống hòa ái với sinh linh Chăm bên cạnh nhà tôi trong làng tôi nơi tôi đang sống.

“Khi tôi nhận biết ra tôi là Chăm sinh ra tại Caklaing trong đất nước Việt Nam sống bập bênh giữa hai thế kỉ hai mươi và thế kỉ hai mốt, tôi chấp nhận định phận tôi, từ đó tôi dự phóng và hành động trong chân trời khả thể. Tôi nghiên cứu văn chương và ngôn ngữ Chăm, sáng tác thơ tiếng Việt và tiếng Chăm, phê bình trong nỗ lực khai mở vùng đất cho nhiều trào lưu thơ ca cùng tồn tại, phát triển công bằng và lành mạnh. Dù vô nghĩa, và vô ích – trong vô cùng tháng năm giữa bát ngát vũ trụ này. Thức nhận như thế, tôi vẫn nỗ lực hết mình. Nỗ lực và hết mình mà không để cho bị cầm tù trong thế giới vây quanh” (Hòa giải và hóa giải ba loại nhà thơ hôm nay, tạp chí Sông Hương, 2010).

“Không để cho bị cầm tù trong thế giới vây quanh” nghĩa là tự do khỏi mọi tinh thần dân tộc cục bộ, chủ nghĩa ái quốc hẹp hòi hay chủ nghĩa quốc tế mơ hồ. Một hành động trong chân trời khả thể như thế thì nền tảng hơn mọi tình cảm ái quốc, đậm dân tộc tính hơn các chủ nghĩa quốc gia, và nhân bản tính hơn chủ nghĩa quốc tế đủ loại. Hơn ở đây không phải cộng vào để phình to ra mà là uyên nguyên hơn, nền tảng hơn.

 

4. Đầu tháng 10-2011, đi nói chuyện ở Đại học An Giang về, Jaka hỏi:

– Bao giờ cei về quê nhà?

Ý hắn: về sống hẳn ở palei. Tôi đã nêu ý này hai năm trước, hôm nay đột ngột Jaka hỏi lại. Hani gạt phắt:

– Cei về có mà suốt ngày ngồi với khách khứa.

– Mà mạk thì cả đống công chuyện ở Sài Gòn về sao mà về… – Lát sau, Hani nói.

– Không lo anh mất thì giờ đâu… – Tôi trấn an Hani.

Chruh đam đủ loại đam nè… bạn bè nè… bà con lối xóm nè… – Bà xã kể khổ.

Tôi bảo: – Chớ có lo vụ đó. Thằng Klu đã từng “mát” – mụk nó hãy nhớ cụm từ đó. Họ hàng bà con đã miễn cho thằng Klu mấy chuyện vặt đó từ khuya rồi, hôm nay họ lại sẽ tiếp tục chương trình miễn…

 

Tôi phải về. Nàng Kiều luận lạc 15 năm, tôi – đã 20 năm rồi còn gì.

Tôi về, rủ rê bà xã cùng về, hệt đạo sĩ Bà-la-môn. Không phải đi vào rừng vanaprastha. Còn rừng đâu mà vào! Mà là đi vào [rừng] lòng thế giới Chăm trở lại. Như thể phương cách hành xử của Bồ Tát: thõng tay vào chợ, thong dong giữa miền cuộc đời.

Cei làm văn chương Việt đủ rồi, trong khi Chăm còn bao nhiêu thứ để làm. – Jaka tiếp.

Nhưng tôi sẽ không “làm”. Đọc sách về Chăm hay điền dã nghiên cứu – không; phục vụ cộng đồng – không; hưởng thú điền viên – càng không, mà là – “kể”. Chăm có mênh mông chuyện kể nhưng không có nhà văn nào kể. Trong tôi còn tồn đọng cả đống câu chuyện kể mà chưa có thời gian lắng lòng lại để kể.

Về, là để kể.

 

Như vậy, ra Giêng, tôi sẽ treo website Inrasara.com. Nó vẫn có mặt, nhưng ở thế tĩnh.

Bài vở Tagalau 13 xong đâu đó, tôi giao lại cho Ban Tagalau Trẻ. Các bạn trẻ không phải chuẩn bị tinh thần nữa, mà hãy sẵn sàng tư thế tiếp nhận nó.

Hơn nửa đời hư, tôi đã làm bao nhiêu cuộc chia tay. Đau đớn, nhưng đầy khoái hoạt.

Đang ngồi giảng đường Đại học, tôi cắt cái rụp nhảy xe lửa hôi rình ra Nha Trang chui vào chùa tu thiền; ngồi cửa Phật đúng một tháng, tôi giã biệt ông Thầy lội bộ về quê cày ruộng. Đương kế toán trưởng Hợp tác xã Nông nghiệp ngon trớn, – nội trong ngày, tôi bàn giao toàn bộ sổ sách vào biên chế Ban Biên soạn sách chữ Chăm; để đúng bốn năm sau, tôi từ bỏ nó để tiếp tục làm kiếp nông dân. Hai năm đổ mồ hôi sôi nước mắt patuh ia hơp dơp ia drei dựng lên căn chòi tại Cauk, – qua một đêm mở mắt, cả làng đã thấy gia đình tôi dời đi. Từ xóm Dưới Caklaing, tôi cắt đứt nó để ra Cabbak Đon Ngauk mà không chút luyến tiếc. Cuối cùng, từ Cửa hàng Haly đang ăn nên làm ra, tôi quay lưng bỏ vào Sài Gòn. Còn bao nhiêu cuộc từ biệt nữa…

 

Cuối năm 2012, hoặc muộn lắm là sinh nhật thứ 57 – sớm càng tốt, tôi sẽ làm cuộc trở về. Rời bỏ, cắt đứt, lìa xa, chia li, tách rời, từ biệt,… Tôi sẽ vẫy tay giã từ nhiều nợ nần cuộc trần. Festival thơ quốc tế ở Ấn Độ tháng 2-2012, đi cũng được mà không thì cũng chả sao. Việc hiệp thương giảng dạy văn chương Việt Nam đương đại ở Đại học Mỹ cũng hết hấp dẫn tôi; nếu năm 2012 không trót chắc nghỉ chơi luôn. Cùng mấy hợp đồng nhỏ lẻ khác…

Mênh mông chuyện kể Chăm đang réo gọi tôi ở phía trước. Vậy thì, likuw drei thôi…

 

Sài Gòn, 3-11-2011

 * Sau bài này, tôi về quê, nên Inrasara.com tạm nghỉ 5 ngày.

4 thoughts on “Quan điểm cuối cùng của Inrasara 09. Trở về với MẸ ta thôi…

  1. Quan điểm này buồn quá, Inra ơi. Mặc dù ông có chen vào câu chuyện vui, nhưng nó buồn quá.

  2. Anh Inra tài là tài rồi (các thế hệ Chăm mình biết đến khi nào đoạt Giải Văn học ĐNÁ, hay được bầu là Nhân vật Văn hóa của Năm, hoặc giật được Giải thưởng Phan Chu Trinh?!)
    Anh Inra khôn khéo là khôn khéo rồi (hãy xem anh đã kéo Nguyễn Thành Thống và Hồ Trung Tú vào trò chơi chữ nghĩa của anh như thế nào cũng đủ biết)
    Nhưng anh Inra quá mâu thuẫn.
    Anh quyết liệt trong văn giới Việt bao nhiêu, thì anh nhún nhường (đến khờ khạo, chữ ông thầy của anh) với mấy sai lầm của trí thức Chăm bấy nhiêu. Anh viết “Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu” (in ở đầu Tagalau 12) rồi chính anh lại muốn bỏ cuộc dở chừng. Bỏ cuộc mà còn triết lý nữa mới kì.
    Theo tôi đó không là gì hơn là triết lý yếu đuối.

  3. Janhohka thân mến
    Không tiêu cực đâu, bạn à. MVừa từ quê vào có 3 ngày, mình đã phải gánh khối việc. Kê vài vụ nhé:
    1. Viết bài:
    – Tomas Transtromer, hành trình đi tìm ngôn ngữ mới cho thơ, báo Nghệ thuật mới
    – Hai con người – hai con đường – một đích đến, báo Nhân dân
    – Về một sự cố phân biệt đối xử cực đoan mới, Inrasara.com, 12-11-2011

    2. Trả lời phỏng vấn:
    – Văn chương mạng và sự tiếp nhận của công chúng văn học, Viện Văn học,
    – Ngôn ngữ hiện đại trong tác phẩm văn chương, báo Điện tử Tổ Quốc,
    – Chất Chăm qua tiếng hát Chế Linh, Đài RFI, 16-11-2011

    3. Chấm Giải thưởng Trịnh Hoài Đức – Đồng Nai, 2005-2010
    Chuẩn bị:
    – Bình luận tập truyện ngắn Lời tiên tri của giọt sương của Nhật Chiêu
    – Hội thảo Văn học dân tộc thiểu số, 18-11-2011 ở Lạng Sơn

    Nghĩa là quá nhiều chuyện ngoài lề, rút hết tinh lực của Sara rồi còn gì. Rút thôi. Về, để viết – là công việc chính của một nhà văn.
    Thân mến
    Sara

  4. Lâu quá rùi mới ghé thăm chú Sara lại, chú cảm thông cho cháu dại nhé.
    Cháu đồng ý với chú.
    Nghiên cứu thì ai cũng làm được, viết báo ai cũng viết được, chớ kể chuyện có duyên như chú Sara thì thôi, cháu chắc Chăm mình chưa có ai làm được đâu. Chú Trà Vigia thì viết siêu quá.
    Cháu mới đọc Hàng Mã Kí Ức: hay quá xá hay. Dễ hiểu. Duyên quá xá duyên.
    Hãy làm như chú dự định thôi. Không có yếu đuối đâu. Chú rất mạnh mẽ.
    Chú về sống với bà con Chăm thì vui lắm.
    Yêu chú Sara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *