Quảng Đại Tuyên: Quan hệ nhạc cụ Chăm…

QUAN HỆ GIỮA NHẠC CỤ TRUYỀN THỐNG TỘC NGƯỜI CHĂM VÀ CÁC TỘC NGƯỜI MÃ LAI – ĐA ĐẢO Ở TÂY NGUYÊN

Trong thành phần 54 dân tộc Việt Nam hiện nay, có 5 tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai – Đa Đảo, bao gồm các tộc người: Chăm, Êđê, Giarai, Raglai, Churu. Các tộc người này thuộc loại hình nhân chủng Indônesien, có tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô – Pôlynesien trong họ ngôn ngữ Nam Đảo. Hiện nay dân số của 5 tộc người này có trên 600.000người, chiếm tỷ lệ gần 1% dân số của Việt Nam và trên 0,23% tổng số dân các tộc người Mã Lai – Đa Đảo ở Đông Nam Á.
Những tộc người này vốn được hình thành và phát triển lâu đời trên các địa bàn của núi rừng nam Trường Sơn – Tây Nguyên và vùng đồng bằng ven biển Trung bộ.
Trong quá trình sinh sống, các dân tộc này ngoài đặc điểm chung về nền tảng văn hóa và nguồn gốc Mã Lai – Đa Đảo thì các dân tộc này đã có sự giao lưu rất rõ rệt về kinh tế – văn hóa – xã hội. Chính vì vậy, các tộc người này có sự tương đồng rất lớn về nhiều mặt, đặc biệt là về văn hóa. Tuy nhiên mỗi tộc người lại có những thang bậc khác nhau về trình độ phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội. Mặc dù vậy nhưng các tộc người Mã Lai – Đa Đảo cũng đã có sự đóng góp đáng trân trọng vào quá trình dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Các tộc người Mã Lai – Đa Đảo có tiềm năng và sự phát triển nghệ thuật rất to lớn. Họ là những người có năng khiếu về nghệ thuật mang dấu ấn đặc trưng của tộc người Mã Lai – Đa Đảo.

1. Nhạc cụ truyền thống tộc người Chăm

Người Chăm là một tộc người có nền âm nhạc rất phong phú và đa dạng. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử nền âm nhạc của tộc người Chăm cũng phát triển một cách đặc biệt, vừa mở rộng phạm vi ảnh hưởng sang các vùng, các tộc người xung quanh, vừa học hỏi, tiếp nhận nền âm nhạc của các tộc người khác. Chính điều này đã tạo nên một kho tàng âm nhạc dân gian Chăm vô cùng độc đáo và giàu bản sắc.
Trong nền âm nhạc Chăm, nhạc cụ truyền thống đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng Chăm. Hầu hết các lễ hội, lễ nghi, tín ngưỡng tôn giáo của tộc người Chăm đều không thể thiếu nhạc cụ truyền thống.
Hệ thống nhạc cụ truyền thống Chăm được chia làm 2 loại:
Một là, các nhạc cụ đã thất truyền như đàn champi, kaping, đàn rabap…các nhạc cụ này chỉ còn được ghi nhận qua các văn bản cổ của người Chăm và trong các ký ức người già.
Hai là, nhạc cụ hiện đang tồn tại như đàn kanhi, kèn xaranai, trống baranưng, trống ginơng… những nhạc cụ này hiện được người Chăm sử dụng rất phổ biến trong các sinh hoạt văn hóa của mình.
Dựa trên các tiêu chí về về hình dáng, nguyên tắc phát âm, cấu trúc, tính năng âm nhạc… mà người Chăm đã có sự phân loại theo hệ thống cụ thể như sau:
– Nhóm gõ: bao gồm những nhạc cụ có màng rung và nhạc cụ tự thân vang:
Ginơng: trống đôi 2 mặt, Baranưng: trống 1 mặt, Hagar praung: trống lớn 2 mặt, Hagar xit: trống nhỏ 2 mặt, Ceng đap (sar): chiêng bằng, Ceng tathuw: chiêng có núm, Grong: lục lạc, Chụm chọe
– Nhóm hơi: Kèn xaranai, Axơng: tù và, Waw: sáo, Kadait: tù và sừng trâu
– Nhóm dây: Đàn kanhi: làm bằng mai rùa, Đàn champi, Đàn kaping, Rabap: đàn bầu.
Trong hệ thống nhạc cụ trên, có 3 loại nhạc cụ được cộng đồng Chăm thường được sử dụng và xem như chủ đạo là kèn saranai, trống paranưng, trống ginăng.

2. Nhạc cụ truyền thống của các tộc người Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên

Có thể nói mỗi dân tộc ở Tây Nguyên có những nét đặc trưng riêng dựa trên nền tảng văn hoá bản địa. Nhạc cụ truyền thống của các tộc người ở Tây Nguyên cũng như vậy. Trước tiên đó là sự tương đồng về một số loại nhạc cụ, đồng thời cũng có những nhạc cụ truyền thống đặc trưng của tộc người mình. Các tộc người theo ngữ hệ Mã Lai – Đa Đảo cũng không phải là ngoại lệ. Hều hết những sáng tạo về nhạc cụ truyền thống của người Tây Nguyên đều dựa vào môi trường tự nhiên. Các chất liệu để chế tác nhạc cụ thường được lấy từ tự nhiên như tre nứa, lá, da thú, gỗ, đất, vỏ bầu khô… Các vật liệu để chế tác nhạc cụ ở Tây Nguyên cũng có sự tương đồng mang yếu tố quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Những nhạc cụ này là nhạc cụ dân gian nên chưa có một chuẩn rõ ràng, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người đi trước.
Nói đến âm nhạc Tây Nguyên, người ta thường nhắc đến nhạc cụ gõ. Nhạc cụ gõ cũng là hiện tượng âm nhạc hoá âm thanh và tiết tấu của cuộc sống lao động , mà đặc trưng ở đây là giã gạo chày tay, cây đàn tơrưng nước, tơrưng gió, klong pút…đều có gốc gác từ những dụng cụ đuổi thú trên nương rẫy.
Các nhạc cụ truyền thống thường thấy ở các tộc người Tây Nguyên nói chung và tộc người Mã Lai – Đa Đảo nói riêng đều là những sáng tạo của chính tộc người đó. Riêng duy nhất nhạc cụ cồng – chiêng không phải là sản phẩm do chính những tộc người ở đây sản xuất. Những cồng – chiêng này thường được mua từ người Việt ở miền trung, người Khmer ở Campuchia, người Lào… Tuy cồng – chiêng không phải do tộc người ở đây sản xuất nhưng họ lại là những bậc thầy về khả năng chỉnh âm của chiêng. Và họ (pô ching) chính là những người có khả năng cảm nhận và điều chỉnh tiếng chiêng cho phù hợp với sắc thái, tâm lý và sở thích của tộc người mình. Cồng – chiêng được xem là nhạc cụ tiêu biểu nhất không chỉ của riêng tộc người Nam Đảo mà ở tất cả tộc người ở Tây Nguyên. Phải nói là trong bất cứ nghi lễ, lễ hội hay sinh hoạt nào của tộc người Tây Nguyên lại không thể không có âm vang của cồng – chiêng. Điều này cho thấy tuy không trực tiếp sáng tạo ra cồng chiêng nhưng những tộc người ở đây có khả năng cảm nhận cồng chiêng, và cồng chiêng có vai trò, vị trí đặc biệt trong các sinh hoạt, lễ hội, lễ nghi của các tộc người ở đây.
Ngoài những nhạc cụ truyền thống trên thì ở Tây Nguyên còn được biết đến bởi những bộ đàn đá cổ xưa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bộ đàn đá mới được phát hiện ở Tây Nguyên có cấu trúc hoàn toàn phù hợp với cấu trúc phổ biến của dàn cồng chiêng các tộc người Êđê, Raglai, Mnông, Bana… .
Như vậy, có thể thấy các nhạc cụ truyền thống của tộc người Nam Đảo nói riêng và các tộc người ở Tây Nguyên nói chung khá đa dạng, tận dụng mọi điều kiện sẵn có của tự nhiên để tạo ra các nhạc cụ có tính năng và hiểu quả cao.

3. Mối quan hệ giữa nhạc cụ truyền thống của tộc người Chăm với nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên

Các dân tộc Mã Lai – Đa Đảo trong quá trình sống đã có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa lẫn nhau kể cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần. Tuy nhiên trong số các dân tộc nói trên, tộc người Chăm có trình độ cao hơn về nhiều mặt từ cách thức xã hội, nghệ thuật, chữ viết… Do đó, văn hóa Chăm có sự ảnh hưởng mạnh mẽ sang các vùng, các tộc người xung quanh và lẽ dĩ nhiên, trong đó có thể có sự ảnh hưởng qua lại của các nhạc cụ truyền thống giữa các tộc người.
Hệ thống nhạc cụ của người Chăm khá đa dạng. Tuy nhiên, trải qua quá trình sử dụng thì đã có một số ít nhạc cụ đã thất truyền và chỉ còn tồn tại ở các tộc người như Raglai, Êđê, Giarai, Churu…
Trong các loại nhạc cụ hơi của các tộc người Raglai, Êđê… đáng chú ý là loại kèn bầu mà người Raglai gọi là rơkle, loại lớn hơn gọi là kuwach, còn người Êđê gọi là đinh năm, người Churu gọi là rơkel. Rơkle được cấu tạo từ 6 ống nứa nhỏ, có lưỡi gà, được gắn vào quả bầu khô và hàn kín bằng sáp mật ong. Rơkle cho 6 âm thanh tương ứng với các âm như: đô, rê, mi, son, la, si. Kèn của người Raglai, Giarai, Êđê…giống nhau ở chỗ có 6 ống: 4 ống hàng trên đảm nhiệm phần giái điệu, 2 ống ở phần dưới đảm nhiệm phần bè, đệm. Ngoài ra, còn phải kể đến tawao (Raglai), tawao còn thấy ở người Êđê với tên là đinh buôt chôc (ống khóc) hoặc đinh buôc mu-ing (ống hát), người Giarai gọi là vô-ông, người Chăm gọi là wao, người Churu gọi là kwao. Đó là chiếc sáo dọc có 4 lỗ, tiếng tawao trong sáng, mượt mà, bay bổng rất thuận lợi cho việc diễn tả tình cảm con người.
Một nhạc cụ hơi khác là kèn awach (tên gọi theo của người Raglai), người Chăm gọi là kadait. Awach là loại nhạc cụ được làm bằng sừng trâu, bò hay dê rừng. Sừng được cắt thủng hai đầu, đầu nhọn được dùi bằng lỗ nhỏ thông với phần rỗng của sừng để làm lỗ thổi, đầu lớn dùng sáp mật ong để đắp thành cái bầu nhỏ, có tác động cộng hưởng. Tiếng awach rất trầm, có độ vang xa. Awach không tham gia vào diễn tấu với các nhạc cụ khác mà chủ yếu vào công việc kêu gọi, ra hiệu lệnh hoặc gây không khí huyên náo.
Trong bộ dây, có 1 nhạc cụ đáng chú ý là đàn goong rel (theo tiếng Giarai). Tùy từng vùng, từng tộc người có tên gọi khác nhau. Người Raglai gọi là chapi hoặc chaping, người Chăm gọi là champi. Ngoài ra còn có k’ny, loại nhạc cụ dây kéo của Giarai, Êđê tuy nhiên, k’ny không có bầu cộng hưởng như đàn kanhi của người Chăm. Khi chơi đàn để khuếch đại âm thanh, người ta dùng 1 sợi dây, 1 đầu dây buộc vào dây đàn, đầu kia buộc vào 1 mảnh mo măng tre có hình tròn. Nghệ nhân phải ngậm toàn bộ mảnh tròn này vào miệng sao cho 1 mặt của nó sát vào hàng răng cửa và giữ cho dây tơ căng. Ở loại nhạc cụ này, người nhạc công thay đổi khẩu hình của mình làm biến dạng âm sắc của cây đàn. Âm lượng của k’ny rất nhỏ, âm thanh được phát ra nghe rất độc đáo, gần giống giọng của con người.
Riêng bộ gõ của các tộc người Nam Đảo có rất nhiều nhạc cụ khác nhau. Cụ thể như hơgơr praung (tiếng gọi của người Raglai, Êđê), người Raglai gọi là sagar, người Chăm gọi là hagơr praung, người Churu gọi là sơgơr. Hagơr praung là lọai nhạc cụ có ống lớn thuộc loại nhạc cụ không định âm có âm thanh trầm, vang xa. Hầu hết các tộc người Nam Đảo dùng trống xưa kia đều tin rằng, tiếng trống mạnh mẽ, linh thiêng. Vì thế, nhiều nơi trống được cất giữ cận thận, chỉ đưa ra đánh vào các ngày hội và lễ.
Một loại nhạc cụ màng rung đáng chú ý khác là hơgơr tăk m’lia (hơgơr păk) là danh từ của tộc người Giarai để chỉ một loại trống nhỏ thường dành cho cá nhân sử dụng. Loại trống này không phổ biến ở các dân tộc Tây Nguyên. Đây là loại nhạc cụ giống hagơr xit của người Chăm. Hơgơr tăk m’lia có âm thanh 1 bên trầm có màu âm đục, 1 bên cao có màu âm vang thanh thoát hơn. Hai mặt có âm thanh khác nhau nên để diễn tả những tình cảm lắng đọng, sâu sắc.
Nói đến cồng – chiêng (theo cách gọi của người Việt) hoặc ching – ceng (người Raglai), knah – ching (người Êđê), hoặc ceng đap – ceng tathuw (người Chăm) có nghĩa là chỉ hai loại: cồng có núm và chiêng bằng không có núm. Tuy nhiên, cũng với hai loại nhạc cụ này người Chăm có cách gọi ngược lại, nếu như cồng có núm được gọi là ching hay knah thì người Chăm gọi là sar. Còn chiêng gọi là cheng.
Cồng và chiêng là hai loại nhạc cụ rất đặc thù ở Việt Nam và Đông Nam Á. Vùng Tây Nguyên được xem là một trong những trung tâm cồng chiêng của Đông Nam Á. Hầu hết các tộc người cư trú trên địa bàn Tây Nguyên đều có dàn cồng chiêng của riêng mình. Có tộc người có đến 2-3 dàn chiêng cho các nghi lễ khác nhau. Người Êđê có chiêng knah, gồm 6 chiêng không có núm, 3 chiêng có núm và 1 hơgơr. Người Raglai có 1 dàn chiêng aráp, người Giarai, Chăm H’roi… có dàn chiêng trum. Âm thanh của cồng – chiêng trầm, vang vọng. Ching – cheng được sử dụng rộng rãi trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt âm thanh của nó là ngôn ngữ giao tiếp với thế giới siêu nhiên.
Hệ thống nhạc cụ người Chăm rất đa dạng và phức tạp. Trong đó, có một số nhạc cụ có tên gọi, cấu tạo và chức năng tương tự như các nhạc cụ của các tộc người cùng ngữ hệ Nam Đảo ở Tây Nguyên. Đó là đàn bầu rabáp, kèn sừng kadait, sáo waw, trống hagơr, ceng – ching… nhưng đồng thời người Chăm cũng có những nhạc cụ rất độc đáo như kèn xaranai, trống ginơng, baranưng và đàn kanhi.
Các tộc người thuộc ngữ hệ Mã Lai – Đa Đảo có sự tương đồng rất lớn trong văn hóa nghệ thuật qua một số loại hình nhạc cụ truyền thống. Sự tương đồng này trước tiên do những mối quan hệ gần gũi về nguồn gốc văn hoá Mã Lai – Đa Đảo, tiếp đến là do môi trường sống ngày xưa của các tộc người này khá gẫn gũi và giống nhau. Đặc biệt là quá trình sống, sinh hoạt và giao lưa tiếp biến văn hoá chính là yếu tố đặc biệt tạo nên sự tương đồng này.
Ngày nay, để tìm hiểu về hệ thống nhạc cụ Chăm không thể không tìm hiểu qua nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên để có những so sánh, đối chiếu và trong tương lai cũng có thể phục hồi lại một số nhạc cụ đã thất truyền của người Chăm. Đây cũng là sự góp phần vào việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Như vậy, nhạc cụ truyền thống của người Chăm và các tộc người Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên có mối quan hệ rất gần gũi nhau khôngchỉ về cấu trúc, hình dáng, chức năng mà cả âm thanh, thang điệu. Tuy nhiên, mỗi tộc người lại có những nhạc cụ đặc trưng của riêng mình. Điều này cho thấy được yếu tố thống nhất trong đa dạng về các loại nhạc cụ truyền thống của tộc người Chăm với các tộc người Mã Lai – Đa Đảo ở Tây Nguyên.

_______________________
Tài liệu tham khảo

1. Đào Huy Quyền, Nhạc khí dân tộc Jrai và Bahnar, NXB Trẻ 1993.
2. Đào Huy Quyền, Nhạc khí dân tộc ở Gia Lai, NXB Giáo Dục, Hà Nội 1998
3. Đình Hy – Trượng Tốn, Nhạc cụ truyền thống tộc người Chăm, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Ninh Thuận, 1996.
4. Hải Liên, Vai trò của âm nhạc trong lễ hội dân gian Chăm Ninh Thuận, NXB Âm Nhạc, Hà Nội 1999.
5. Lê Ngọc Canh – Tô Đông Hải, Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 1995
6. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, NXB Trẻ 2004.
7. Nguyễn Văn Huy (chủ biên), Bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam, NXB Giáo dục, 1997.
8. Nguyễn Tuấn Triết, Lịch sử phát triển xã hội các tộc người Mã Lai – Đa Đảo ở Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2000.
9. Phan Xuân Biên, Người Chăm ở Thuận Hải, Sở Văn hóa thông tin Thuận Hải, 1989.
10. Viện Dân tộc học, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (các tỉnh phía Nam), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1984.

*
Tagalau 09.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *