Hình ảnh phụ nữ chăm qua ca dao

Trong ca dao Việt, hình ảnh phụ nữ thường được ví với thân cái cò. Cái cò giữa mênh mông đồng bằng Bắc bộ ngày xưa hay Nam bộ ngày nay, cái cò bên bờ sông, trong ruộng lúa, trên bãi cạn…

– Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non…
– Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về

Cùng nỗi cô đơn ấy, cũng hoàn cảnh và tâm trạng ấy, nhưng môi trường sinh hoạt của phụ nữ Chăm lại khác biệt hẳn. Khúc ruột miền Trung mà đồng ruộng chỉ như một dải mặt phẳng mảnh mai, mơ hồ nằm vắt ngang qua với một bên là biển khơi, bên kia là rừng núi. Bởi thế, khi không được tung hoành biển cả như đàn ông, phụ nữ Chăm luôn gắn thân phận mình với rừng núi. Dù rừng có ban phát cái độ nhật:

Bbơng bauh kayuw, liah ia kakwơr
(Ăn trái rừng đỡ đói, liếm sương đêm qua ngày)

Nhưng rừng luôn thâm u:
Ơk kuw nau mưk danin
Glai lin tapin tian anưk kuw lipa
(Đói, ta đi kiếm củ nần
Rừng núi mịt mùng cho đôi con ta)

Và đầy dọa nạt:
Cơk glaung rimaung hơm hơm
(Núi cao hơi thú rợn người)

Ai có một lần đi vào rừng mới thấy hết cái dọa nạt kỳ lạ của rừng khi rừng về chiều. Thanh âm của rừng đồng loạt trỗi dậy. Cùng trỗi dậy với nó là âm khi của muôn thú đã chết qua hàng triệu năm, là linh khí của các đạo sĩ ẩn tu mà nắm tro tàn xương cốt vung vãi khắp rừng núi. Một sinh thẻ bé nhỏ gắn chặt với bao la núi rừng, phụ nữ chăm ra đi vào sớm mai với sự tự tin thế nào thì khi trở về lúc chiều tối trong nỗi bất an và lo sợ như thế.
Aw taik di drei, bbuk klauh di glai
(Manh áo rách trên thân mình,
Sợi tóc đứt vương cây rừng)

Nhưng rồi, họ lại phải ra đi vào ngày mai. Cái cơ cực luôn có mặt. Cơ cực bởi đa mang:

Dom siam ra mưk đung ba
Tamuh rak hala mưng jiơng bingu
O khin paik đa ka rayuw
O khin kauh dahluw đa ka lihik

(Ngọt lành ta nhận cưu mang
Bao công vun xới mới đâm cành trổ bông
Không dám hái sợ úa tàn
Không đành ngắt ngại mất oan giống loài).
Người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên người ta dễ lầm tưởng rằng chế độ gia đình này luôn ưu ái phụ nữ. Không hoàn toàn như thế! Trong Ariya Patauw Adat Kamei hay Kabbon Muk Thruh Palei, Bà tổ phụ luôn chất lên vai phụ nữ Chăm nhiều gánh nặng trách nhiệm, với chồng con trong gia đình và cả ngoài xã hội:

Hadip krah ngap hadah bbauk pathang
(Vợ sáng làm sang mặt chồng)

Còn ở ca dao, trong tình yêu đôi lứa, chúng ta chỉ thấy con gái Chăm thường nhận thiệt thòi về phần mình, luôn cưu mang tình yêu với sự bao dung độ lượng:

Hajan juk ppahik khơn đung
Đa ka rabbung nhjơp bauh hajan
Hajan mai kuw mưk đon tah
Đa ka taprah gauk cei rabbung

(Mưa đen, em xóe khăn bọc
E cho người tình phải giọt mưa rơi
Mưa, em gạt với nón cơi
Kẻo mưa giọt lạnh bay rơi trúng chàng)

Cuộc tình có thể là không may mắn – bởi hố cách ngăn tôn giáo quá lớn lao (Cam – Bani karei ia: Chăm – Bàni khác nước), bởi tàn dư chế độ tập cấp Bàlamôn hay bởi muôn ngàn hệ lụy khác mà những cặp tình nhân Chăm không thể hiểu – đã dẫn đến đổ vỡ, chia ly và cái chết. Nhưng tấm lòng thủy chung thì mãi mãi còn lại. Bởi thế, dù trong văn chương Chăm luôn hiện diện sự dằn xé, u uất của nỗi người đằng sau cái bất trắc của cõi vô thường, nhưng bao giờ nhân bản tính cũng bao trùm ấm áp.
Trung thành với chàng trai Bàni, cô gái Chăm đã phải chịu bao trận đòn roi, bao điều sỉ nhục để cuối cùng chỉ nhận lấy cái chết. Một sự bù đắp muộn màng: Chàng trai Bàni – sau khi sáng tác một trường ca kể lại cuộc tình này – đã nhảy vào giàn lửa để tìm hạnh phúc cùng nhau ở thế giới bên kia. Trong một tác phẩm khác, Mưh Rat đã vào núi ẩn tu khi trái tim nàng không được đáp ứng bởi một Sah Pakei quy phái, kiêu kỳ.
Có thể nói, đó là phong cách của các sáng tác bác học. Ở giới bình dân, dù tình yêu có chung nồng độ đó:
Anit amaik amư bbiah min
Anit ai mưdin anit klauh prưn
(Thương cha thương mẹ vừa thôi
Thương anh như muốn đứt đôi lá lòng)

Nhưng phản ứng của các cô gái Chăm ở đây vừa phải hơn, chừng mực hơn:
Kak tian kuw bbơng nhjơm phik
Cang ppo lingik jai mai wơk taum
(Ăn rau đắng nén nỗi lòng
Gió xô sum hợp chỉ còn mong ơn trời)

Tình yêu có mất đi, cô gái cũng chỉ ví thân mình như “con cua lột gãy càng” (arieng mat jauh ginraung) – nhận và yêu mệnh:
Urang yuw padai, klaung yuw ralơng
(Người ta như hạt thóc tròn
Con như lúa lép còn mong nỗi gì)

Chịu hy sinh bản thân cho trái tim người yêu tự do bay bổng, chịu lẩn mình trong khuôn viên cửa nhà cho chồng được mở mặt ngoài xã hội, chịu gắn bó với ruộng đồng, làng mạc cho đàn ông được vẫy vùng chốn phố hội xa xôi, đó là bổn phận đồng thời là một thiên chức cao cả của cả một đời phụ nữ Chăm.
Không phải điều ngẫu nhiên là dù người Chăm theo chế độ mẫu hệ nhưng trong suốt chiều dài lịch sử Champa đã không có vua – đàn bà. Càng không phải ngẫu nhiên khi không có hiện tượng đĩ điếm trong giới chị em Chăm, dù xã hội hôm nay đầy rẫy hình thức đồi bại với các hậu tố “ôm” của nó.
Ngày nay, môi trường đổi thay, kế sinh nhai buộc phụ nữ Chăm phải tha phương cầu thực. Nhưng dù có đi xa đến đâu, họ cũng luôn trở về nhà, về làng plây. Xung quanh plây Chăm thường có mặt ba hay bốn cái kut (nghĩa trang dòng tộc Chăm Bàlamôn theo họ mẹ) hay ghur (Chăm Bàni) nằm kín đáo dưới bóng cổ thụ trong khoảng rừng thưa – khiêm cung, nhẫn nhục và cảm lặng. Như thân phận phụ nữ Chăm tự gắn chặt cuộc sống mình với nó:
Khik kut khik tathat
(Giữ mồ giữ mả)
Chỉ đến khi nào – bởi chiến tranh, thiên tai hay dịch bệnh – không còn một phụ nữ nào trong tộc họ sống sót, kut mới trở thành kut hoang (kut jwa), và thời gian đến xóa dần dấu vết còn lại.
Cái cơ cực, lòng thủy chung, tâm nhẫn nhục của phụ nữ Chăm như là những nét đậm nổi nhất trên phông nền là dải đồng bằng miền Trung mỏng manh bị cắt ngang dọc hay nuốt chửng bởi điệp trùng rừng núi. Chúng đóng khung sinh mệnh phụ nữ Chăm ở lại trong cái plây bé nhỏ với những mái tranh thấp lè tè, tẻ nhạt. Ca dao Chăm luôn mang ở tự thân một nỗi buồn mênh mang là vậy.
Có thể vào thời xa xưa, dòng ca dao có những nhánh lạc quan trong sáng; có thể mai sau, nhiều khuôn mặt xuất sắc của phụ nữ Chăm bật nỗi ngoài xã hội, nhưng cái cơ cực, lòng thủy chung, tâm nhẫn nhục ấy, như là những hạt chuỗi định mệnh có mặt trong một sợi chỉ xuyên suốt quá khứ – hiện tại – tương lai của người phụ nữ Chăm như không bao giờ mất.

Tc.Văn nghệ Dân tộc và miền núi số 6.1997

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *