Jaya Bahasa: Nỗi nhớ Bangsa Champa của nữ thi sĩ Chế Mỹ Lan

Trong sinh hoạt văn chương Chăm hiện nay còn khá thưa vắng giọng thơ nữ, sự xuất hiện của Chế Mỹ Lan trong làng văn nghệ Việt Nam như một đóng góp mới cho tiếng nói nữ quyền luận. Với tập thơ đầu tay Em & màu mây qua tháp, NXB Văn học, năm 2008, tác giả đã truyền cảm tới người đọc những tâm trạng thật sâu lắng và chất chứa đầy tình yêu quê hương xứ sở. Đó là nỗi nhớ và nỗi băn khoăn lúc nào cũng hiện hữu.
Được sinh ra và trưởng thành trong môi trường văn hoá Chăm truyền thống rồi một ngày bị “bứng” khỏi suối nguồn của dòng chảy, nên hồn thơ Chế Mỹ Lan rất giàu hình ảnh qua hồi tưởng của kí ức mong manh. Nhớ biết bao các di sản đền tháp Champa đứng hiên ngang giữa đất trời, chiếc áo dài của thiếu nữ Chăm khép nép mùa lễ hội Katê, cả tiếng Gineng, âm vang rộn ràng mãi trong lòng. Ai ra đi mà lòng chẳng muốn trở về? Cái đời thường như màu nắng chói chang của địa danh Phan Rang, mùi hương của sắc hoa trắng Champa hồi quy cùng cơn mưa mơ hồ giữa chốn phương trời Cali xa la.
Bởi thế, khi nhìn đám mây lênh đênh trên bầu trời nhà thơ tự nghi vấn đây có phải là màu của nỗi nhớ chăng? Thật kì lạ, người ta chỉ có thể mường tượng ra cảnh vật trong mơ hồ chứ có thấy được sắc màu bao giờ đâu. Nhưng với Chế Mỹ Lan, màu của nỗi nhớ chính là nỗi lòng luôn hướng về quê hương, về thời ấu thơ với đám trẻ quê rong chơi dưới bóng tháp cổ. Chợt nhìn thấy đám mây xếp tầng như hình tháp mà bồi hồi trỗi dậy những hoài niệm xa xưa khiến lòng xót xa.

Màu mây trắng hay màu của nỗi nhớ
Tháp miệt mài đánh bạn với thời gian
Rừng không còn hoang, người vẫn biệt mù
Tháp đứng mãi cho đến ngày tận thế

(“Màu mây qua tháp”, tr. 41)

Là nữ nhi khi được mang diện chiếc áo dài Chăm là niềm hạnh phúc. Hơn thế nữa, vẻ đẹp của người con gái được lấp lánh lên từ bộ phục trang kín đáo, duyên dáng, gọn gàng, quyến rũ và tràn đầy sức sống đã được nhà thơ miêu tả thật sinh động. Ban đầu là vẻ đẹp toàn thân đến cổ xuống vòng quanh eo, có nhãn quan tinh tế mới nhận ra điểm lôi cuốn tìm ẩn từ bộ trang sức mang lại.

Áo dài ôm kín châu thân
Cổ tròn thoát nét thanh tao diệu kỳ
Ngực căng nhựa sống kiêu kỳ
Eo thon co gọn nhu mì lưng ong

(“Ao Dhai Chăm”, tr. 39)

Một lẽ tự nhiên, khi không còn sinh sống ở nơi chôn nhao cắt rốn thì mảnh đất nơi ta sinh ra còn đọng mãi trong lòng và càng đẹp, thân thương mỗi khi nhắc lại. Có phải thế chăng mà cái nắng Panduranga vẫn còn là huyền thoại, vẫn còn là niềm kiêu hãnh trong suy tưởng nhà thơ. Trong khi đó, hàng ngàn người đang sống chung với nó đang tắm mình hàng ngày có tự hỏi mình ngày mai nắng sẽ tắt đi. Tác giả đã mượn hiện tượng thiên nhiên để nói lên điều băn khoăn về thực trạng các di sản văn hoá Chăm đang trên đà suy vi.

Nắng Phan Rang đưa ta về huyền thoại
Mênh mông buồn tháp mãi đứng kiêu sa
Dòng người kia vô ý hay hững hờ?
Mà cứ đến rồi đi không lần ngoảnh lại

(“Nắng Phan Rang”, tr. 12)

Đến với làng Chăm vào mùa lễ Katê mới cảm nhận hết được không khí ngày hội vui, nghe tiếng Saranai mời gọi như nức nở tâm can, nghe tiếng Gineng dồn dập như kích động tâm trí khi thánh thót khi trầm bổng, hay bắt gặp đôi trai gái hẹn hò nơi bến nước.

Katê hôm nay lòng bao chứa chan
Kèn Xaranai giục tiếng trống Ginơng
Từ thôn xóm lên tháp cao, rộn rã
Gọi em vào cuộc lễ hội cùng anh

(“Katê mấy mùa”, tr. 58)

Cơn mưa thường mang đến cho con người một tâm trạng buồn-nhớ-cô đơn-lạnh lẽo. Nhưng cơn mưa đối với người ở phương xa thì nỗi buồn đó nhân lên bội phần. Chính ngây lúc đó, nỗi nhớ lại hiện về, nỗi buồn cứ mênh mang như sóng trùng khơi.


* Chế Mỹ Lan 2008 – ảnh CML cung cấp.
Mưa buồn trên bước tha hương
Làm ta day dứt nỗi thương nhớ người
Tiếng mưa nghe cứ rạc rời
Như ngoài phố lạ, như nơi hồn mình

(“Mưa”, tr. 23)

Chuyện tình yêu của Chăm Ahier và Chăm Awal đã trở nên bất hủ qua thiên tình sử Ariya Cham – Bini với kết cuộc đầy bi kịch bằng cái chết của đôi tình nhân trẻ như lời tố cáo đanh thép cho người đời đã chia cách đôi trẻ yêu nhau. Nay được Chế Mỹ Lan tô điểm thêm không phải là sự căm phận mà là sự băn khoăn, trăn trở khoảng cách tâm linh vô định hạn trong tình yêu chung huyết nòi.

Có ích kỉ chăng? có ích chi
Chung số phần mà phải xa nhau
Cùng máu thịt sao đành chia cắt
Chăm – Bini ấy đứa con Chàm ta

(“Chăm – Bini”, tr. 44)

Đi dọc khắp miền Trung Việt Nam ai cũng có thể bắt gặp các quần thể tháp Champa, nhưng có lẽ mỗi người tuỳ theo nhãn quan mà có cảm xúc, thái độ riêng khi chiêm ngưỡng tháp. Với Chế Lan Viên là không khí âm u đầy ma quái, với Inrasara là tháp nắng, hoang sơ. Riêng Chế Mỹ Lan là tâm trạng buồn tênh. Nỗi buồn này do cái vĩ đại của ngọn tháp mang lại, do sự xuống cấp của công trình theo thời gian mà khách thể chỉ biết xót xa.

Trên đồi cao tháp đứng buồn tênh
Tháng năm vẫn giữ tấm lòng thành
Rêu phong cứ phủ gầy thân tháp
Cay đắng em, xa xót nỗi mình

(“Tháp buồn”, tr. 31)

Bên cạnh các nhà thơ Chăm đương đại sớm có mặt trên văn đàn Tagalau, Chế Mỹ Lan cũng có sự đồng cảm về cội nguồn Bangsa văn hoá Champa. Mặc khác, chính hoàn cảnh sống thay đổi đã cho nữ thi sĩ một thế giới quan, một bút pháp riêng khi ngợi ca văn hoá Chăm. Bốn mươi tám bài thơ trong một tập thơ không đơn thuần chỉ là nỗi niềm riêng để trút bầu tâm sự với nhân thế mà còn thể hiện nỗi ưu tư về tình người, tình yêu quê hương, về những gì còn lại của văn hoá Chăm, sự chia lìa nghiệt ngã trong ý thức hệ tôn giáo.
Tóm lại, thi sĩ Chế Mỹ Lan qua tập thơ Em & màu mây qua tháp thật sự đã phơi bầy hết những đa phức xúc cảm chân thật, một chút hoài niệm về quê hương cách xa hoà lẫn vào niềm hy vọng sự bừng sáng ở tương lai để được trường tồn như ngọn tháp thách thức với thời gian. Tập thơ có giá trị giáo dục ý thức trân trọng, tôn vinh di sản văn hoá Chăm hay đơn giản là nhịp đập đồng điệu của hồn thơ Chăm chuyển tải biểu cảm tâm tư qua lăng kính ngôn ngữ tiếng Việt, để tự hào là Chăm không thiểu số với thiểu số lẻ loi./.

3 thoughts on “Jaya Bahasa: Nỗi nhớ Bangsa Champa của nữ thi sĩ Chế Mỹ Lan

  1. Một người bạn Chăm đã tặng tôi tập thơ này, tôi rất quý chị Chế Mỹ Lan.
    Thơ CML nặng tình yêu cố quốc, cảm xúc chân thật, dễ làm người đọc bâng khuâng.
    Gởi lời chào và lời cám ơn đến chị, CML nhé!

  2. ” Rêu phong cứ phủ gầy thân tháp
    Cay đắng em, xa xót nỗi mình…”
    Xin được làm quen bạn CML với 2 câu ấy .
    Riêng Miên Trà khi đến Mĩ Sơn :
    Tháp Chàm xưa ngó mặt chơi vơi
    Trăm năm cũ, bây giờ sáng lạ …
    Nếu được tác giả gởi tặng tập thơ thì vui biết mấy .
    Tel : 0905895940 ( thông qua BBT Tagalau)

Leave a Reply to Minh Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *