Cảm nhận Bangsa Champa

<img src=”http://lh6.ggpht.com/_XMsgaTO7_lA/TDahHgM5NsI/AAAAAAAAALo/yaf70ELxEMw/s512/BangsaChampa.jpg” alt=”Bangsa Champa”

1. Khái niệm “cội nguồn” là một khái niệm khá mơ hồ. Nhất là với Chăm – một cội nguồn cách xa. Có thể cách qua không gian và xa bởi thời gian. Không gian đó có thể là Phan rang / Phan rí, Panduranga / Châu Đốc, An Giang hay xa hơn: Việt Nam / Hoa Kì, Pháp, Malaysia,…
Thời gian đó có thể cả ngàn năm, một thế kỉ hay chỉ mới hôm qua, hôm kia. Biết đâu mà lần!
Nhưng với Chăm, “cách xa” thăm thẳm và vời vợi hơn có lẽ chỉ là xa cách trong lòng người, giữa hồn người. Một xa cách hầu như không thể lấp. Thương thay!

Vậy là có đứa con Chăm, tự ý thức được nỗi cách xa ấy, thử và quyết lên đường. Tìm về cội nguồn. Một lên đường đơn độc. Tư liệu: không, học vị khoa bảng: không, nhìn ra bốn bề xung quanh: không (Glang anak linhaiy likuk jang o hu – Nhìn trước ngó sau chẳng thấy ai người [Ariya Glang Anak]). Mục tiêu xa như muốn làm mất hút. Nhưng chàng thanh niên ấy đã ra đi. Bằng lòng tin, tay trắng và tâm thành.
Hãy nghe đứa con ấy bộc bạch:
“Đi từ những ray rứt từ thuở thiếu thời của một trong vài người Chăm đầu tiên được đi học trường phổ thông tại Việt Nam vào thời điểm các thôn ấp người Chăm vẫn còn khép kín, cách biệt với xă hội Việt bên ngoài, và trên cơ sở hành trang hiểu biết về “bangsa”do bản thân tiếp thu được không qua trường lớp, chúng tôi muốn đóng góp soi sáng vấn đề qua các bước đường đã đi qua, tạo thành một cuộc hành trình quay về với cội nguồn dân tộc Champa, nhân đó, cùng trao đổi các thông tin thu thập được về cội nguồn này trên cương vị là người Chăm.”

2. Hành trình đi tìm nguồn cội là hành trình ngược về nguồn. Từ nửa vòng trái đất, trong một đất nước giàu sang, ông tìm về nơi chôn nhau cắt rốn ông, dừng chân tại thành phố nuôi dưỡng tâm chí ông thời trẻ, rồi ngược về miền đất được xem như cái nôi của văn hóa Champa xưa, hôm nay là miền đất Panduranga nắng gió, nơi bà con anh em ông vẫn còn miệt mài bám đất bám làng. Hành trình gian nan nhưng đầy xúc động, lôi cuốn.

3. Qua những chặng đường tâm tư ấy, ông vẽ lại chân dung xã hội và con người Chăm, hôm qua và hôm nay. Những tên đất, tên làng, tên con người vô danh hoặc ít nhiều được biết đến, đang làm nên cộng đồng này. Với những tiểu tiết gần như rất đời thường, những con người sinh hoạt rất đời thường. Đời thường đến tầm thường, nhưng chính nó đã làm nên cái vĩ đại của cuộc sống.
Tôi gọi cuộc “tìm về nguồn cội cách xa” của Dohamide và Dorohiêm là một hành trình tâm tư. Nên đừng trách ông chỉ ngợi ca mà không bình luận. Có đứa con nào bao nhiêu năm xa cách nay trở về quê hương lại đi chê (dẫu nhẹ) cha mẹ hay anh em bà con xóm giềng đâu chứ!
Cũng không nên trách, đứa con ấy đã quên người này, bỏ sót khuôn mặt nọ trong kí ức mình.

Và, không thể không nói thêm: dù tác phẩm được viết như là bút kí, nhưng không phải vì vậy mà nó đánh mất sự nghiêm xác khoa học. Hơn thế, những ngồn ngộn chi tiết xã hội được tìm thấy trong cuốn sách chắc chắn sẽ là cứ liệu ban đầu rất đắc cho các công trình khoa học mang tính hàn lâm.

4. Từ Dân tộc Chàm lược sử đến Bangsa Champa là cuộc hành trình dài dặc.
Tôi đánh giá rất cao hành trình (công trình) này. Đồng tác giả không những vượt qua được vời vợi không gian, xa xăm thời gian; quan trọng hơn, hai đứa con Chăm ấy đã vượt qua hố thẳm cách ngăn của hồn người: khoảng cách của đức tin tôn giáo, ý hệ chính trị, định kiến xã hội, ngôn ngữ và tri thức, …Và, may mắn thay họ thoáng thấy khoảng sáng của cội nguồn Bangsa Champa. Thấy và, chỉ cho mọi người cùng thấy.

Swattik sidhik… Bình an cho tất cả mọi người!

Sàigòn, ngày 17-4-2005.

One thought on “Cảm nhận Bangsa Champa

  1. Sara than men,
    Bai Sara da viet Tim Ve Nguon Cuoi rat dac sac va tham thuy vo cung dang duoc suy ngam, nhat la doi voi nhung nguoi con mang hai dong mau, trong do co dong mau Cham. Tham chi nhung nguoi mang dong mau Cham do, ho chang biet noi tieng Cham than thuong cua ho, loi nay do cha me cua chung ma ngay ca cha me cua chung cung nhu chung no khong nhung toi doi voi ong ba to tien cua ho ma con co loi d/v dan toc Cham nua. That dau thay! Men chuc Sara nhieu suc khoe va nghi luc de cong hien cho cong dong Cham cua chung ta co mot y thuc tot cua su hieu biet, cua su khon ngoan tren can ban dao duc va phat huy gia tri Truyen thong-Van hoa luan ly cua van minh nhan loai.
    Than ai
    TNC, Hoa Kì, 12-7-2010.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *