Lê Thị Việt Hà: Hành trình cách tân thơ của Inrasara

Trích luận văn Thạc sĩ ngữ văn (Chuyên ngành Lí luận văn học)
Hành trình cách tân thơ của Inrasara, Đại học Vinh – 2009.


* Với Lê Thị Việt Hà tại Khu tưởng niệm Nguyễn Du, Vinh – 2009.

1. Inrasara là đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp, của biển khơi trùng trùng bão thét và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao (“Đứa con của đất”). Ông là nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, nhà phê bình văn học, nhưng trước hết ông là một nhà thơ. Với hai lần đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, giải thưởng văn học Đông Nam Á và nhiều giải thưởng khác, ông được coi là một hiện tượng trên thi đàn Việt với không ít những lời ngợi ca nồng nhiệt. Inrasara là tác giả của nhiều tập thơ, trong đó phải kể đến: Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ Tẩy trần tháng Tư
Khám phá đời sống văn hoá của các dân tộc thiểu số, thơ tiếng Việt của các nhà thư dân tộc thiểu số trước Sara đã có những thành công nhất định với Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Y Phương… Các nhà thơ vừa nêu đã thể hiện được tiếng nói riêng của dân tộc mình. Tuy vậy, theo khảo sát của Sara trong bài viết “Thơ dân tộc vừa đi vừa ngủ” [2] thì sau những nỗ lực đáng kể, những cây bút này dần bị hụt hơi hoặc bị “Kinh hoá”. Thơ họ dần xa với lối nói, cách cảm của dân tộc mình vì học Kinh nhiều quá. Và như vậy vô hình trung, thơ của các nhà thơ này một mặt đánh mất bản sắc, mặt khác lại không theo kịp người Kinh, nên rớt lại, đuối sức, như nhận định của Sara. Khác với các nhà thơ dân tộc thiểu số khác, là một người làm phê bình, Sara ý thức rất rõ về điều này. Nhờ thế, một mặt ông luôn hướng ra ngoài tiếp thu cái mới, mặt khác Inrasara luôn ý thức rằng phải giữ được cho thơ mình tiếng nói riêng của dân tộc Chăm đầy bản sắc.
Inrasara có nội lực thơ dồi dào. Ông viết bằng chính tâm thức Chăm với bao trăn trở. Dù viết bằng tiếng Chăm hay tiếng Việt, dù viết theo thể loại nào hơi thở Chăm vẫn luôn đẫm đầy trong thơ ông, đến nỗi dường như không cần một sự cố gắng nào, nó vẫn tràn ra một cách hồn nhiên, tự nhiên. Hơi thở Chăm hiển hiện trong đề tài, câu chữ và cả giọng điệu thơ.
Ngoài những mảng đề tài mà các nhà thơ khác cũng đề cập tới, có thể nói Sara dành nhiều tâm huyết cho những vấn đề liên quan đến dân tộc mình. Và cũng có thể nói, đó là mảng đề tài thành công xuất sắc nhất của ông, làm nên dư vị riêng của thơ Sara không thể lẫn với ai khác. Trong thơ ông, ta bắt gặp một không gian văn hoá Chăm rực rỡ sắc màu. Ấy là tiếng trống ginơng giục giã gọi mời những mùa lễ hội, ấy là điệu múa apsara níu hồn người, ấy là Tháp Chàm với bao nỗi niềm dâu bể, là lễ hội Katê tưng bừng, lễ tẩy trần linh thánh… Tất cả tạo nên không gian nghệ thuật thơ Sara, không gian văn hoá Chăm đầy huyền thoại.
Đọc thơ Sara thời kì đầu, độc giả như được đắm mình trong lễ hội làng Chăm. Dẫu đi đâu về đâu Katê vẫn là nơi những đứa con Chăm luôn hướng về quê nhà mỗi mùa lễ hội. Katê, với Sara là mùa của khát khao luyến ái, khát khao sum họp:

Mỗi tháng mỗi mùa chờ em về chẳng được
đành mong em về chỉ mỗi Katê sang

(“Tứ tuyệt buồn”)

Katê đi vào thơ ông với rất nhiều cảm thức: mùi mưa, chuyến mưa nồng nã Katê, gió Katê… đặc biệt Katê đi vào tâm cảm của Sara còn bởi sự quyện hoà của nhịp baranưng, với tiếng trống giơnng, điệu kamăng… tất cả tạo nên sự huyền nhiệm và một màu sắc riêng của lễ hội này:

Em về
nắng hanh lối mòn
điệu đuabuk
triền vai rung rinh màu thổ cẩm

(“Katê mới”)

Lễ Tẩy trần cũng được hiện lên qua thơ ông thật sống động. Hình ảnh nắng gắn với thầy chủ lễ già hiện lên ám ảnh lạ kì.

Nắng đã khởi động trên đồi tháng tư
Khởi động sớm hơn nhiều thế kỉ trước
Khi biển còn chưa thức giấc

(“Lễ Tẩy trần tháng Tư”)

Viết về lễ hội, Sara không rơi vào kể lể. Không khí của nó được tạo dựng bằng niềm đam mê vô cùng với nét đẹp văn hoá truyền thống. Ông đã truyền được cho người đọc niềm hào hứng và say mê, bởi những vần thơ ông đã chạm được vào cõi miền sâu thẳm, linh thiêng ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người dân Việt.
Không gian văn hoá đặc trưng Chăm cũng được hiển hiện trong tên làng, tên sông. Dòng sông Lu thao thiết chảy trong thơ Sara mang chở bao nỗi niềm. Sông Lu gắn với tuổi thơ. Sông Lu thác lũ và sông Lu bồi đắp phù sa, sông Lu ẩn cư miền sa mạc, sông Lu rời bỏ nguồn hành trình về phía biển… Hành trình của dòng sông ấy không chỉ là lối về với tuổi thơ của thi nhân mà còn là hành trình gian nan đi tìm cái đẹp, hành trình đến với nghệ thuật.
Tháp Chàm là một loại hình kiến trúc đặc biệt của người Chăm. Viết về nó, Chế Lan Viên và Văn Cao đã có những phát hiện mới. Đến Sara, tháp Chàm mới hiện lên với đầy đủ diện mạo, sắc thái của nó. Ông viết về tháp từ nhiều góc nhìn khác nhau: tự hào, kiêu hãnh với tháp nắng, ngậm ngùi xa xót bởi tháp hoang, tháp lạnh, huyễn tưởng với tháp mọc ngang trời… trong cái nhìn “tháp Chàm muôn mặt”. Có thể nói, Sara đã thổi vào tháp linh hồn người vì vậy nó có sức ám ảnh lạ lùng. Tháp là biểu tượng của văn hoá, của tâm hồn Chăm.
Viết về quê hương, nhà thơ dành cho nơi chôn rau cắt rốn của mình những vần thơ đặc biệt. Không tụng ca quê hương như lẽ thường tình của người đời:

Quê hương không có rặng dừa thơ mộng của ca dao
Quê hương không có cánh cò xa, không có bản tình ca thôn dã
Mây trắng. Mặt trời. Gió trùng dương. Đất. Đá

(Trường ca “Quê hương”)

Sara viết về quê mình với những vần thơ trĩu nặng nỗi buồn. Ông nói lên hiện thực xót xa về một miền quê nghèo đói, khắc nghiệt. Là quê hương ông đó với bốn mùa cát trắng hanh hao, là biển khơi trùng trùng bão thét. Là Phan Rang chứ không đâu khác, không thể khác. Đó là định phận, định mệnh không thể đổi thay… Nhưng không vì thế mà tình yêu đối với quê hương ít đi trong lòng của những đứa con tha hương ấy. Quê hương, trên hết là nơi vẫy gọi bước chân lãng du trở về. Quê hương luôn là nỗi niềm canh cánh nhớ mong:

Hôm nay về với nước mắt chảy dài
Em nhìn quê hương, quê hương nhìn em thầm lặng
Trên vầng trán chờ đợi đã hằn sâu. Im lặng
(Ngôn ngữ thành thừa nơi xứ cô đơn)

(Trường ca “Quê hương”)

Viết về những gương mặt Chăm, cuộc sống Chăm, thơ Sara có nhiều phát hiện. Ông nghiệm ra rằng nét bản sắc Chăm là chịu chơi ngay cả trong đau khổ. Đó là anh Đạm – người thơ tấp tểnh đi buôn, lận lưng ít nắng quê làm vốn, là Trà Viga với gương mặt đặc thù Chăm, là Trà ma Hani với điệu múa say người… Ngay những cuộc đời không có cả tên tuổi cho riêng mình như những người chị Chakleng hay những người mẹ Hamu Chauk cũng thế… Tên họ lẫn vào tên làng, tên xóm hay tên của quê hương. Và cả những nét vẽ tự hoạ về bản thân, Sara vẫn thật độc đáo và đẫm đầy chất Chăm. Không chỉ bởi hình hài của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao mà còn bởi những điều đã làm nên bản sắc:

Mê Heidegger, tin khúc nhạc dế mèn
chân trụ tính không, chân bám đời thường
yêu lời dân dã quê mùa, thích cả trường siêu thực

(“Tôi chẳng có gì trầm trọng lắm”)

Cảm thức về con người trong thơ Inrasara mang một dấu ấn riêng đậm nét. Đó là con người tha hương. Tha hương trở thành nỗi ám ảnh của con người thời hiện đại. Rời bỏ quê hương bước chân lãng du nhọc nhằn nơi xứ người:

Rời bỏ ruộng đồng quen thuộc, ngọn đồi thân thương
Dong buồm vào hải đảo mù khơi bất trắc
Người thuỷ thủ già không chở về mùa vàng thu hoạch
Chỉ thấy bay lả trên cánh buồm khoảng nắng khoan dung

(“Ngụ ngôn viết cho mình”)

Trở về, sau bao nhiêu năm bước chân trở nên xa lạ, hẫng hụt ngay trên chính mảnh đất yêu thương của mình :

Hai mươi năm canh tác miền tha hương
Trở lại quê nhà mùa đã vãn…
Ngày mai
Còn ai tha hương bụi bặm

(“Sông Lu và tôi”)

Thế nhưng tha hương mà không trở thành tha nhân. Quê hương vẫn có sức níu kéo lạ kì những bước lãng du:

Tha hương bao nhiêu năm vẫn nhịp đề huề
(“Đêm Chàm”)

Đó là những con người tha hương ngay trên chính quê hương, thiểu số ngay giữa lòng thiểu số… nhưng điểm dừng chân cuối cùng trong tâm thức họ vẫn là về, đều bước về plây.
Có thể nói, hình tượng con người tha hương không mới nhưng được Sara chú ý tô đậm trong giai đoạn sáng tác này. Hình ảnh bàn chân, con đường trở thành nỗi ám ảnh day dứt không nguôi trong thơ ông. Đó là những vết chân trầm, là những gót giày nện vào hẻm phố, là bàn chân chưa quên gốc rạ mang mang. Đi kèm với nó là hình ảnh con đường: con đường lửa thiêng, con đường băng qua những buổi chiều thời đại, con đường mịt mùng bão lốc, là con đường vẫn trầm vọng gọi. Con đường bế tắc, con đường vẫy gọi, con đường mòn… tất cả đều gắn với những chiêm nghiệm sâu sắc của nhà thơ về cuộc sống và nghệ thuật.
Tuy nhiên, tâm thức Chăm trong sáng tác của Sara không chỉ dừng lại ở đề tài, cảm hứng mà nó còn là sự kết tinh văn hoá Chăm. Do phạm vi bài viết nên điều này chúng tôi xin được sẽ trình bày trong một dịp khác.

2. Với hệ thống đề tài và nội dung trữ tình đó, Inrasara lựa chọn cho mình một hình thức thể hiện phù hợp, truyền tải được một cách hiệu quả nhất điều mà ông định nói. Theo thống kê của Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, “trong 5 tập thơ của mình, Sara chủ yếu sử dụng thể thơ tự do (100 bài/ 138 bài), ngoài ra còn sử dụng thơ lục bát 3 bài, ngũ ngôn 4 bài, thơ văn xuôi 4 bài, thơ tứ tuyệt 8 bài”.[4]
Những bài thơ lục bát của Sara chiếm số lượng không nhiều nhưng đạt đến độ nhuần nhuyễn. Thử sức với thể thơ này, Inrasara thể hiện sự điêu luyện trong gieo vần, ngắt nhịp:

Về đây rừng núi bao dong
Tháp trong nét cổ em trong dáng hiền

(“Em”)
Thể thơ năm chữ được Inrasara vận dụng linh hoạt, cấu tứ chặt chẽ, tinh gọn. Ở thể thơ này, ông “thường ngắt một khổ bốn câu theo truyền thống nhưng cũng có khi tách hai câu thành một khổ. Nhà thơ giữ nguyên đặc điểm năm chữ một dòng cùng với nghệ thuật cân đối thanh điệu hài hoà, nhịp nhàng bởi sự hô ứng bằng trắc:

Đôi khi giữa phố vui (B)
Tôi thương về plây cũ (T)
Đôi khi sau cuộc chơi (B)
Tôi chết trong hoài nhớ (T)

(“Hoài cảm”)

Tình cảm tha thiết kết hợp với độ nhuần nhị trong thanh âm của ngôn ngữ giúp ta hiểu thấu tân trạng của thi sĩ. Cảm xúc trong những câu thơ ngũ ngôn thường được dồn nén. Mỗi khổ thơ có xu thế trọn vẹn về ý. Điều đó cho thấy sự tài hoa trong cách dụng ngôn và tạo âm hưởng cho thơ của Inrasara, bởi số từ trong một câu, một dòng ít nên những bài thơ theo kiểu ngũ ngôn của ông thường khoẻ khoắn, rắn rỏi”[5]
Thơ tứ tuyệt của Inrasara vừa quen, vừa lạ. Ông nỗ lực làm mới một thể thơ đã cũ, tự do hoá một thể thơ vốn dĩ gò bó, thổi vào cho nó một sức sống mới. Đó là Glang Anak được mở rộng biên độ:

Glang Anak tuổi thơ tôi đã thuộc
Rồi qua mấy mùa hoang, tôi đọc lại trăm lần
Vẫn thấy mình cứ quẩn quanh đời chật
Tập thơ mỏng gầy lại mở tới mênh mông
.
(“Glang Anak”)

“Xa và gần”, “Tứ tuyệt buồn” còn được nới thêm số lượng câu thơ, tạo cho thơ sự phóng khoáng, thích hợp với việc diễn tả tâm hồn con người và những suy tư nặng trĩu của thời đại mới:

Em cứ trách anh mãi triết lí xa trong khi mắt mẹ buồn gần
(“Xa và gần”)

Tứ thơ mới lạ, ngôn ngữ không còn cầu kì, không bị lệ thuộc níu kéo bởi vần luật, những dòng thơ tuôn chảy cảm xúc, tự nhiên, hồn nhiên.
Tuy nhiên, sở trường của Inrasara có lẽ là ở thơ tự do. Ở đó ông tha hồ tung phá với những ý tưởng “mênh mông” của mình. Sara yêu âm vang của lời và đặc biệt chú trọng nhạc điệu:

… Tôi đi
lầm lụi lần theo bờ kí ức
phác thảo giáo đường em thánh linh.
Bỏ lại sau lưng những ngôi làng mệt nhoài
hàng cây đơn điệu, lối cỏ rũ buồn
tôi
ngọn gió, ngọn đồi và ngọn bấc
đi…

(“Hành hương em”)

Trường ca là thể loại quen thuộc của thơ chống Mĩ, việc Inrasara đến với thể loại dài hơi này giúp ta hiểu thêm một phương diện tài năng nghệ thuật của ông. Phải có một vốn sống phong phú, một hơi thơ dào dạt mới có thể thành công với thể loại này. Trường ca “Quê hương” 400 câu được Trúc Thông đánh giá “là một trong những trường ca hay nhất của thơ Việt hiện đại”. Ở đó từ ngữ tuôn đổ dễ dàng như suối nguồn… Những câu thơ giàu màu sắc tự sự, lối vắt dòng, ngắt nhịp tự do. Ví dụ:

Quê hương buồn. Quê hương yêu thương
Quê hương em lũ trẻ con chơi bẩn
Những bà mẹ gầy còm, cụ già râu trắng
Những cô gái quê gánh nặng áo vai sờn

(“Quê hương”)

“Nhịp điệu là năng lượng cơ bản của câu thơ”. Thơ Inrasara rất chú trọng cách ngắt nhịp. Đó là nhịp khoan thai trong thơ lục bát, nhịp rắn rỏi của thể ngũ ngôn, nhịp linh hoạt của thơ tự do. Điều cơ bản tạo nhịp là ở cách gieo vần và ngắt nhịp. Nhịp bên ngoài và cả nhịp bên trong tâm hồn. Khi chậm rãi với những lời tâm sự:

Tôi, đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
(“Đứa con của đất”)

Khi tắc nghẹn, tức tưởi với những nỗi đau không nói được thành lời:

Tắt ngọn lửa cuối cùng
Tắt tám mươi năm miệt mài đời đất
Cha đi

(“Dấu chân trầm”)

Đanh thép, chắc nịch, dứt khoát khi bày tỏ thái độ:

Quá khứ: dấu than, tương lai dấu hỏi
may mắn không là gánh nặng của ai cho ai
cứ hết mình trong hiện tại

(“Thái độ”)

Khi là nhịp dồn dập hối hả trong hoan ca:

em về/ nắng hanh lối mòn/ điệu đua buk/ triền vai rung rinh màu thổ cẩm
(“Katê mới”)

Việc sử dụng ngôn ngữ thơ rất được Sara chú trọng trong quá trình sáng tác. Ông cho rằng: “Thơ có thay hình đổi dạng bao lần hay lang thang lạc bước đến chân trời nào đi nữa, nó cũng phải trở về nơi nó xuất phát trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ”[2]. Kể về công việc làm thơ của mình, ông hé lộ: “Thường thì tôi bắt đầu một bài thơ qua gợi hứng từ chữ. Tôi thấy một chữ hay nắm lấy nó, tìm tứ và hình ảnh rồi khi bắt được nhịp thì bài thơ trào ra”[4]. Như thế với Inrasara, ngôn ngữ có vai trò dẫn dắt, khơi nguồn sáng tạo cấu tứ và hình ảnh, nhịp điệu thơ. Tự cho mình là đứng giữa đường biên giữa hai nền văn hoá Việt – Chăm, ngôn ngữ thơ Sara là sự điều hoà, dung hợp hai mạch nguồn văn hoá ấy. Riêng về tiếng Việt, thơ ông nhuần nhuyễn điêu luyện mà không phải nhà thơ người Kinh thành danh nào cũng có thể làm được. Ngôn ngữ thơ ông phong phú, đa dạng. Đó là lớp ngôn ngữ Chăm trong đời sống sinh hoạt hằng ngày như plây, klu, katê, ariya, kamăng, baranưng, xaranai… Với lớp từ này, Sara đã làm giàu có thêm vốn từ của thơ Việt. Đó còn là lớp “ngôn ngữ bác học” sang trọng được ông dùng khi nói về những vấn đề lớn lao của lịch sử hay những vấn đề linh thiêng như: suy tưởng, triều đại, định mệnh, linh hồn, binh đao, giáo đường, thánh linh… Đó cũng còn là thứ ngôn ngữ gợi cảm, gợi hình và tinh tế tài hoa với những kết hợp từ rất mới: thâm canh đời, niệm khúc kinh khôn ngoài lề đau khổ, nỗi mẹ bờ trưa vai nắng trĩu gầy… Ngôn ngữ dưới bàn tay Sara tài hoa khiến tất cả đều sống dậy, có hồn: cha thân trần quần quật cuốc nắng, phác thảo giáo đường em thánh linh, những môi hôn cháy màu nho chín
Cùng với việc lựa chọn hình ảnh là việc sử dụng tài tình các biện pháp tu từ khiến cho những câu thơ của ông giàu sức biểu cảm, đa tầng đa nghĩa… Biện pháp điệp từ, điệp cấu trúc được sử dụng thường xuyên đem đến cho người đọc những ám ảnh không dứt về đối tượng được nói đến. Ở trường ca “Quê hương” điệp khúc quê hương lặp đi lặp lại như một nốt nhấn. Bên cạnh đó lối so sánh cũng được vận dụng tài hoa. Sự vật qua nghệ thuật so sánh của ông hiện lên rõ nét, ánh lên vẻ đẹp nhiều chiều. Sử dụng hình ảnh thơ ám gợi trở đi, trở lại nhiều lần để tạo ấn tượng, tạo phong cách cũng là một điểm nổi bật trong sáng tác của Sara.
Thành tựu thơ Sara giai đoạn đầu phong phú, đa dạng, kết tinh ở nhiều bài thơ độc đáo như “Tháp nắng”, “Quê hương”, “Hành hương em”, “Ngụ ngôn của đất”, “Cái nhìn ngoái lại”… Tuy nhiên, tiêu biểu hơn cả cho phong cách Sara thời kì đầu theo chúng tôi là bài thơ “Nỗi buồn ứng trước”. Ở đó ta bắt gặp một tứ thơ quen mà lạ. Quen ở nỗi buồn xa em, nỗi buồn em quên… Nỗi buồn ấy thẳm sâu đến nỗi hơi thơ anh tắt lịm. Lạ ở chỗ nỗi buồn chưa xảy ra. Ấy là buồn ứng trước, buồn dự báo sự khác biệt của hồn thơ quá nhạy cảm và đa mang.
Bài thơ chia làm 4 khổ không cân xứng dự báo về một ngày em đi, em quên, em không còn nhớ, và rồi một ngày… anh không dám nghĩ đến… Tứ thơ triển khai từ niềm dự cảm của nhân vật trữ tình về một nỗi buồn không phải trong hiện tại, không phải đã xảy ra mà là nỗi buồn ứng trước. Phảng phất suốt bài thơ là một nỗi buồn. Nỗi buồn vì một sự ra đi kéo theo sự rời xa những gì thân thuộc nhất, kéo theo sự lãng quên những giá trị văn hoá dân tộc, kéo theo sự tắt lịm hứng thơ dào dạt trong anh.
Những thi liệu: cái Chạng gầy, klu, Plây, airya, kamăng, Katê, thổ cẩm… tạo không gian văn hoá Chăm rực rỡ sắc màu nhưng gắn với linh cảm buồn. Hình ảnh thơ giản dị, gần gũi nhưng đầy ám ảnh. Đó là hình ảnh người cha trong lao động khó nhọc- biểu tượng rực rỡ của quê hương:

Cha thân trần quần quật cuốc nắng

Hiện lên trong tâm trí người đọc là cảnh người cha cần mẫn với công việc cuốc đất dưới nắng Phan Rang. Hình ảnh thơ được khúc xạ bằng tình yêu thương, trân quý vô ngần của con đối với người cha nên xúc động. Câu thơ gợi sự trôi chảy của thời gian, gợi những suy tưởng miên man trong tâm hồn chủ thể trữ tình. Cha gắn liền với lời ru tuổi thơ con, lời ru rưng rưng hai đầu võng, lời ru trĩu nặng nỗi lo con ốm, lời ru nhọc nhằn thổn thức nỗi lo mất mùa. Giọt mưa khôn vợi buồn đầy hay giọt mồ hôi, giọt nước mắt thầm lặng của người cha? Vậy mà em sẽ quên, nỡ quên? Lời thơ với câu hỏi gợi nhắc kín đáo mà thấm thía. Cách kết hợp từ mới tạo nên cách diễn đạt đầy ám ảnh. Có thể nói, đây là những vần thơ tài hoa nhất khi viết về người cha trong văn học Việt Nam.
“Nỗi buồn ứng trước” còn là nỗi lo lắng về sự lãng quên những giá trị văn hoá tinh thần của lớp trẻ hôm nay. Quên câu ariya, điệu kamăng vốn nuôi em lớn, và em quên mình là Chăm… Câu thơ như một lời trách móc nhẹ nhàng:

Em quên mình là Chăm
như quên mình chưa có giấy khai sinh

Lối so sánh độc đáo nhằm khẳng định vững chắc nguồn mạch văn hoá dân tộc là dòng sữa nuôi em lớn. Biết tri ân là thứ làm nên giá trị con người.
Thơ Sara che chắn từ vòng xa vòng rộng, lo trước cả nỗi buồn chưa kịp đến, đón đầu nó. Chỉ có trái tim thuộc về Chăm, thức đập vĩnh viễn vì Chăm mới có thể viết những vần thơ chân thực và thấm thía đến thế.
Câu thơ tự do nhịp linh hoạt hồi hoàn theo cảm xúc. Bốn khổ thơ kết cấu điệp nhằm láy lại nỗi buồn. Nhưng ở mỗi khổ thơ nỗi buồn lại được nâng lên một cấp độ mới, cao hơn, sâu hơn. Thơ anh gọi hụt hơi ở khổ thơ đầu rồi đau đớn thất vọng đến tận cùng khiến hơi thơ anh tắt lịm ở khổ cuối. Đó là quá trình tiến triển của cảm xúc. Khổ thơ cuối chỉ còn lại ba câu thơ ngắn diễn tả rất thành công những nỗ lực cuối cùng của chủ thể trước khi hơi thơ tắt lịm. Hình thức vắt dòng thơ góp phần cho sự biểu đạt ý thơ trên trở nên sâu sắc.
Tóm lại, ta thấy bài thơ được triển khai bằng một nỗi buồn dự báo. Đó phải chăng là cái cớ để thi sĩ bộc bạch tình yêu tha thiết đối với những giá trị văn hoá dân tộc mình – cái nôi, nguồn mạch nuôi dưỡng hồn thơ ông. Thể thơ tự do nhịp linh hoạt, có vần nhưng không còn lệ thuộc vào nó, mạch cảm xúc tuôn đổ tự nhiên. Inrasara có khả năng lặn sâu vào đời sống dân tộc để khám phá ra những bí ẩn chất chứa trong đó. Đó là điều làm nên sức mạnh, làm nên nội lực của thơ ông.

3. Nhìn lại chặng đầu sáng tác của Sara, ta thấy đóng góp của ông thể hiện trên nhiều phương diện:
Với thơ dân tộc thiểu số, Inrasara tạo được giọng riêng độc đáo, vượt qua khỏi sự ngô nghê, ngọng nghịu giả vờ nhưng vẫn giữ được bản sắc, không bị Kinh hoá. Tiếng thơ ông lay tỉnh nền thơ dân tộc thiểu số đang vừa đi vừa ngủ. Ở lĩnh vực này thành tựu thơ ông đem lại sự tự tin cho thơ dân tộc thiểu số trong việc hoà nhập vào dòng chung của thơ Việt.
Đối với thơ Việt, Sara không những làm phong phú thêm hệ thống đề tài mà hơn hết còn góp phần mở ra một hướng mới trong quan niệm về thơ. Thơ không đâu xa xôi mà hiện diện ngay ở cuộc sống xung quanh mình. Sara nhìn đâu cũng ra thơ, cũng nhặt được ý tưởng cho thơ. Thơ xuất phát ngay từ cuộc sống xung quanh nếu anh sống đủ đầy với nó. Đặc biệt đóng góp của Sara ở giai đoạn này là nỗ lực tấn công vào hệ thống thi pháp cũ, đem đến cho người đọc một cái nhìn đa diện hơn về thơ và góp phần hình thành hệ thống thi pháp mới. Thơ có con đường đi riêng của nó, đó là con đường của sáng tạo nghệ thuật, không bị lệ thuộc bởi lĩnh vực khác. Cùng với các nhà thơ cách tân, cái nhìn về thơ của Sara giúp thơ Việt thoát khỏi sự loay hoay trước đó vì bế tắc đề tài, tạo cơ hội mở rộng tầm nhìn để hoà nhập vào dòng chung của văn học khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, ở chặng sáng tác này, thơ Inrasara vẫn còn có những dè dặt trong cách tân. Sáng tác của ông vẫn muốn tạo sự thăng bằng giữa thơ chính thống và thơ tự do để tìm độc giả và dễ được đồng cảm. Chọn cách đi vào nỗi niềm của dân tộc, chọn cách diễn đạt gần gũi và phần nào chiều theo quán tính của người tiếp nhận là bước đi cần thiết của một cây bút ngay từ đầu đã tiềm tàng khả năng đi xa. Đó là những bước đi vững chắc làm nền tảng cho những tung phá về sau.
Như vậy những thành tựu thơ Sara qua các tập Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng Tư đánh dấu một chặng đường, chặng định hình phong cách theo khuynh hướng “hậu lãng mạn”. Sang chặng mới, thơ ông có nhiều cách tân táo bạo, tuy nhiên người đọc vẫn tìm thấy ở đó một phong cách Sara nhất quán nhưng luôn miệt mài kiếm tìm cái mới, tiến dần về phía hậu hiện đại.

_______
Tài liệu tham khảo
[1] Inrasara (2006), Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, tiểu luận, NXB Văn Nghệ, TP HCM.
[2] Inrasara (2008), Song thoại với cái mới, tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.
[3] Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (2003), Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
[4] Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, Thơ Inrasara, Luận văn thạc sĩ Ngữ Văn, Trường Đại học Đà Lạt.
[5]Trúc Thông (1998), “Đọc Tháp nắng của Inrasara”, báo Văn nghệ, (27), Hà Nội

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *