Tiếng Cham tinh nghĩa. NGHĨA TRANG CHỮ

“Làng tôi vừa dựng lên một ngọn đồi

làm nghĩa trang chôn xác chữ

ngày mai”

(Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, 2006).

– Thôi, đừng quay gì về anh nữa em à, – tôi nói với Thu biên tập viên đài VTV3 tại TPHCM.

– Nhà thơ, quanh đi quẩn lại mấy thứ vặt vãnh, chán chết.

– Anh tin em đi, em thấy thứ độc mà các nhà đài trước đó chưa nhìn ra. – Tôi nghe tiếng Thu qua điện thoại di động.

– Nhưng anh đã có đến chục phim riêng rồi, còn manh nào đâu cho em khai thác với khám phá.

Trên đường về Ninh Thuận, Thu đưa cho tôi kịch bản đọc trước. Tôi không nói gì. Đến khi Thu đòi xem nghĩa trang chữ, tôi dẫn em đến đứng trước Hầm Mỹ.

– Hôm qua mình quay cảnh này rồi mà.

– Em cứ cho máy chạy lượt nữa đi, nghĩa trang chữ nằm dưới đó đấy!

Hôm qua tôi hỏi Jaka có biết thành ngữ ‘Yau jwak ia haluh’: “[Dứt] như đạp lỗ mội” không? Không biết là chắc rồi. Cũng như phần đông thế hệ trẻ Cham hôm nay không biết ‘[ajah] man’, ‘cabbôn’ [ajah], ‘[takuh] truuk’… Vì sao?

Vì môi trường sống ấy không còn, con người thôi làm mấy thao tác đó nữa. Ngôn từ không được dùng thì chúng chết. Mỗi ngày, mỗi tuần…

Kí ức tôi động đậy cục cựa, gây nhớ. Ngôn từ xưa cũ từ sâu thẳm cứ bật ra. Tôi biết chắc không còn ai xài đến chúng nữa. Vì chúng không còn cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày.

Kabao talah anih’: “[Bởi rán quá sức] con trâu bị vỡ [cái] lực trụ [của nó]” (‘anih’ nghĩa đen là “chỗ ở”, “nơi cư ngụ”, “vị”…), là cụm từ không thể dịch ra tiếng Việt.

Nó chết đã đành, vì ngày nay không còn môi trường nông nghiệp với xe trâu chất nặng cho cặp trâu kéo nữa. Ngay đặc ngữ ‘mưk takai’: “bắt giò”, “bắt bẻ” cũng đã chết. Chúng chết, không có ai đưa tiễn vào nghĩa trang chữ, “mà kẻ đi về có một tôi”, ở đó.

Và tôi khóc…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *