XUNG QUANH VẤN ĐỀ TÔN GIÁO BÀ-NI

Bài 1. TÊN GỌI BÀ-NI

Thế nào là Bà-ni? Nhiều người nghĩ chữ nghĩa thôi mà, “sao chẳng được”, tại sao cứ phải Bà-ni?

Thế nào là Bà-ni?

Trước hết xin lưu ý, Bà-ni, Hồi giáo Bà-ni, Hồi giáo cũ, Hồi giáo mới, Bà-la-môn, vân vân là các từ/ ngữ được DỊCH hay phiên âm sang tiếng Việt. Để gọi các thành phần “tín đồ” trong cộng đồng, người Cham phân biệt rất rành mạch: ‘Anưk Chăm, Anưk Bini’ và ‘Asulam’.

[1] ‘Bani’ là tiếng Ả Rập, theo Từ điển Aymonier: “les fils” nghĩa là “những đứa con trai” hàm nghĩa những đứa con trai của Mohammad. Nguyên gốc là vậy, chứ người Cham hiểu chữ ‘Bani’ hoàn toàn khác. Tiếng Bà-ni để chỉ một bộ phận tôn giáo của cộng đồng Cham Pangdurangga [Ninh Thuận và Bình Thuận].

[2] Từ ‘Asulam’ xuất hiện trong Sử thi Akayet Um Mưrup để chỉ người Cham theo Islam. ‘Asulam’ ít được văn bản Cham nhắc đến, giới bình dân [ở Phước Nhơn và An Nhơn] thường gọi người theo đạo Islam là ‘Jawa’.

[3] Cặp từ ‘Chăm/ Bini’ và ‘Anưk Chăm/ Anưk Bini’ có mặt khắp và vô số kể. Từ văn học viết như Trường ca Cam-Bini, Trường ca Bini-Cam, cho đến tiếng nói bình dân, như: ‘Xa-ai Chăm adei Bini’: “Anh Chăm em Bà-ni”.

Ngoài bộ phận Cham theo Islam ở Tây Ninh, An Giang và TPHCM, ở Ninh Thuận và Bình Thuận có Cham Bà-la-môn và Cham Bà-ni.

Cham Bà-la-môn còn được gọi là Cham ‘Ahiêr’, ‘Cham cuh’ Cham thiêu hay Bà Chăm; Cham Bà-ni còn được gọi là Bini, Bani, Cham ‘Awal’, Hồi giáo cũ, Hồi giáo Bà-ni. 

MINH ĐỊNH.

Chữ “Hồi giáo cũ”/ “Hồi giáo mới” xuất hiện sau năm 1960 và tồn tại trong thời gian ngắn rồi biến mất. Còn cụm từ “Hồi giáo Bà-ni” xuất hiện vào năm 1970 qua…

“vụ người Cham Bà-ni thôn Phước Nhơn, Huyện Ninh Hải, Tỉnh Ninh Thuận tổ chức biểu tình chống người Chăm Islam, toàn bộ bản báo cáo lên chính quyền cấp trên đều dùng từ ngữ Hồi Giáo Bà-ni (để chỉ người Bà-ni), chữ “Hồi giáo” (để chỉ người Islam)”. Ông khẳng định “đó là sai sót lớn”, bởi “Hồi giáo Bà-ni” không có cơ sở khoa học và hoàn toàn vô nghĩa. Vì không lẽ ta nói Islam Bà-ni!” (Nguyễn Văn Tỷ, (“Tìm hiểu vấn đề tôn giáo xưa và nay”, facebook CĐCBi, 30-8-2021),

“Hồi giáo Bà-ni” được sử dụng trong tên gọi “Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà-ni tỉnh Ninh Thuận” từ năm 2006, sau đó vì biết sai và nhất là khi bị thành phần xấu lợi dụng, Đại hội nhiệm kì 2016-2021 quyết thay đổi thành Hội đồng Sư cả Bà-ni Ninh Thuận.

Riêng chữ Bà-ni, Bani được dùng xuyên suốt ba thế kỉ qua từ khi xuất hiện Trường ca Bini-Cam thế kỉ XVII đến tận hôm nay, cả trong giới chuyên gia lẫn bình dân.

Nhiều người nghĩ chữ nghĩa thôi mà, “sao chẳng được”, tại sao cứ phải Bà-ni?

Đúng, không ít người nghĩ thế. Cho đến khi có sự cố, bà con mới vỡ lẽ và phản ứng – phản ứng mạnh. Đó là vào năm 2017 khi làm Chứng minh Nhân dân, người Bà-ni bị thay “Tôn giáo: Đạo Bà-ni” thành “Tôn giáo: Đạo Hồi”.

Rồi đợt làm Căn cước Công dân sau Tết Nguyên đán 2021, Tôn giáo Bà-ni biến mất, để thành “Hồi giáo” hoặc “Tôn giáo khác”. Tệ hơn nữa, khi Danh mục Tôn giáo của Ban Tôn giáo Trung ương tất cả tín đồ Bà-ni bị chuyển hết vào Hồi giáo! 

CĐCB đối thoại với Inrasara, bài-2.

BÀ-NI KHÔNG LÀ MỘT NHÁNH HỒI GIÁO, TẠI SAO?

Chuyện kể.

Trước 1975, ông bà Blood Tin Lành về Phan Rang, soạn sách dạy chữ Cham Latin, dịch vài chương Kinh Thánh in bằng tiếng Cham Latin phát cho Cham…; bà con cho ông bà đang ý định truyền Tin Lành vào Cham.

Ngược lại Cha Moussay ở Trung tâm Văn hóa Chàm, cũng soạn và in sách về văn hóa Cham, nhưng tuyệt không đá động gì đến Thiên Chúa giáo cả! Nhiều người thắc mắc, Cha trả lời: – Bà con Cham đã có đạo rồi [hành đạo giống đạo Chúa rồi], đâu cần ai phải truyền đạo nữa.

Có thể “chính trị” xíu, nhưng ở đây Cha nói hơi bị… thật. Tại sao? Bởi từ Kinh cho đến cách hành lễ, Cham ‘Ahiêr Awal’ khá giống… Công giáo!

Chuyển qua câu chuyện Cham hôm nay…

Câu hỏi:

Có tiến sĩ cho Bà-ni là một nhánh Hồi giáo, vậy mà một chức sắc Bà-ni nghe, và còn hơn thế, kêu: Bà-ni chính là Hồi giáo, do Cham mất nước và mất quan hệ với thế giới Ả Rập, nên hiều và hành lễ sai thôi.

Nhà thơ nghĩ thế nào về phát ngôn đó?

Tôi cho đó là nói mà không biết mình nói gì. Có 4 điểm chính để phân biệt tôn giáo này với khác: Đáng tối cao, thần thánh được thờ phụng; Kinh sách: gồm kinh, luận và luật; “Giáo đường”, chức sắc và tín đồ; Cuối cùng là tên gọi: sự chính danh.

Qua 4 điểm trên, và từ 4 cấp độ khác nhau mà tôn giáo có TÊN GỌI khác nhau.

Khác biệt 4 cấp độ…

[1] Tin Lành Việt Nam chẳng hạn.

Tất cả thờ chung một Chúa Trời – Dùng chung một Kinh Thánh tân ước – Có nhà thờ hệt nhau. Nhưng qua quá trình phát triển Tin Lành có nhiều hệ phái khác nhau với các khác biệt nhỏ lẻ, không quan trọng.

Họ vẫn được gọi chung là TIN LÀNH.

[2] Phật giáo [chỉ bàn về tông phái]

“Giáo chủ” là Đức Phật – Kinh sách [lắm lúc] khác nhau (kinh Phật vô số kể, năm 1982 tôi có bài thơ gọi đó là “rừng già kinh Phật) – Do khác về CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ mà họ được gọi bằng Tông phái khác nhau [ít nhất “10 tông phái lớn của Phật giáo”].

Tất cả vẫn là ĐẠO PHẬT.

[3] Đạo Chúa

Tin Lành và Công giáo, ở đây chỉ nêu 4 khác biệt:

– Cả hai đều lấy Kinh Thánh làm nền tảng giáo lý. Tin Lành không tin tưởng những điều nào ngoài Kinh Thánh. Công giáo ngược lại, ngoài Kinh Thánh còn có nhiều văn bản khác.

– Tin Lành chỉ tôn trọng chứ không tôn kính Mẹ Maria như Công giáo.

– Khác Công giáo, Tin Lành không thờ các tranh ảnh, hình tượng, không tôn sùng và thực hiện việc hành hương đến Thánh địa Jérusalem…

– Luật lệ và lễ nghi của Tin Lành đơn giản rất nhiều so với Công giáo.

Chỉ vậy thôi, họ có TÊN GỌI khác nhau: Công giáo, Tin Lành.

Trong khi Cham giữa Awal Bà-ni và Islam Hồi giáo tồn tại bao khác biệt LỚN.

[4] 5 cột trụ dựng nên ngôi đền Islam bị Bà-ni phá vỡ hoặc làm khác đi. Khía cạnh này tôi đã bàn nhiều, nay chỉ nêu 4 KHÁC BIỆT CHÍNH.

– Đấng tối cao

Islam: chỉ có một Allah và Muhmamad là sứ giả của Ngài.

Bà-ni thờ phụng cả 5 dạng: – Aulwah và các vị thánh – Các vị Thần Bà-la-môn – Pô Yang: vua, anh hùng liệt nữ được thần hóa – Muk kei Ông bà tổ tiên – và các Yang tiền tôn giáo như Pô Bhum… Là điều tối kị với Muslim.

– Kinh

Islam: Kinh Qur’an.

Bà-ni: rút từ kinh Qur’an vài chương, đoạn ngắn, ngoài ra ‘Halau janưng’ Bà-ni còn soạn ra các ‘danak’ hướng dẫn nghi lễ ghi bằng ‘Akhar thrah’.

– Hệ thống chức sắc

Bà-ni có hệ thống chức sắc riêng biệt là là ‘Halau janưng Awal’, cạnh đó còn thêm bộ phận chức sắc phục vụ cho cả hai hệ ‘Ahiêr Awal’ như Mưdôn, Kadhar… được gọi là ‘Halau janưng Ahiêr Awal’. Là điều Islam không có.

– Nghi lễ

Nhiều nghi lễ Cham Bà-ni không tồn tại trong cộng đồng Cham Muslim, ngoài ra Bà-ni còn kết hợp với Cham Bà-la-môn làm nhiều lễ chung, điều mà Islam tuyệt đối không bao giờ làm.

Từ 4 KHÁC BIỆT LỚN đó, BANI là một tôn giáo riêng.

Kết: Cham có 3 tôn giáo với TÊN GỌI khác nhau:

Cham” tức Cham Bà-la-môn, Bini hay BANI tức Cham Bà-ni, và Asulam là Cham Islam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *