VỀ CHỦ NGHĨA AO LÀNG.8 – LÀM CHÀM THÌ KHÓ hay, TỪ CHỦ NGHĨA AO LÀNG ĐẾN CÁI NHÌN MỞ

[Châm ngôn hậu hiện đại: “Think globally, act locally”]

Về hậu hiện đại, mươi năm trước, tôi viết:
“Trong đời thực, con người hậu hiện đại suy tư toàn cầu – hành động địa phương.
Môi trường thế giới đang bị hủy hoại khắp nơi, bạn biết. Bạn không than khóc nó, bạn cũng không lo lắng cho cả thế giới, mà hành động. Khi bạn biết quý cái cây ngoài ngõ nhà bạn, góp lời khuyên hàng xóm bạn chớ phá rừng, là bạn đã góp phần bảo vệ môi trường trái đất.
Nhà văn, bạn có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi vào đời sống thôn dã nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ để bảo tồn hồn vía dân tộc, cũng sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà ở làng mình để hỗ trợ chính quyền địa phương giải trừ tệ nạn xã hội.
Là bạn đã hậu hiện đại rồi” (“Nhập lưu hậu hiện đại”, Vanchuongviet, 28-5-2008)

1. Loạt bài “Về chủ nghĩa ao làng”, sinh linh Cham có phản ứng [Stt và qua tin nhắn riêng], là tín hiệu đáng mừng:
– Về “Tàu – Việt chả khác gì nhau, Cham nên vô can”, tôi đã “giải” ngay ở Stt-1 rồi: Đó là lối nghĩ vừa hỏng, vừa vụng.
– Ý kiến cụ thể hơn qua dẫn giải lịch sử. Ngày trước, Cham phò Minh Mạng bị Lê Văn Khôi cho theo ông bà; khi Minh Mạng bình định, ông quay lại quét gọn Chàm theo họ Lê. Vậy, giữa cuộc thế tối mò này, ta lấy bài cũ ra ôn tập lại: Chí thú làm ăn nuôi vợ con – để sống sót, là khôn hơn cả.
Thái độ tiêu cực thế không có gì sai!

Bài học rành rành ra đó: Thời hiện đại, 1975 – Việt Cộng Sản “giải phóng” miền Nam, bộ phận Cham “ngụy quyền” bị lãnh đạn, chừa lại kẻ Chàm nào có lí lịch “trắng”. Giả dụ mai này, 2025 chẳng hạn – Việt Cộng Hòa quay về, sinh linh lí lịch trắng cũng sẽ “lọt sàng”, có lẽ. Như ngày xưa, dúm mạng Chàm từng lọt sàng sống sót “dưới cái rây lịch sử khổng lồ” (thơ Inrasara) của Minh Mạng.
Làm gì? Theo hay không đi theo? Khó là vậy.
Làm người khó, làm kiếp Cham khó mươi lần hơn, không Chàm nào hiểu biết mà không thấm nỗi đó. Thế nên, tôi chưa hề phê bất kì sinh linh Cham nào vô tư hay im lặng. Tràn tình yêu thương nữa là khác.
[Ở đây là nói về đấu đá bon chen, không kể kẻ Cham tham gia cơ quan hành chính, bởi là việc chẳng đặng đừng – dù chế độ này hay nọ nắm quyền ở Việt Nam].

Với quần chúng thì vậy. Ngay cả Cham có vẻ “trí thức” [nghĩa là có tham gia bàn việc cộng đồng], và dù sự vụ liên quan trực tiếp đến quyền lợi Cham – nếu sinh linh ấy thái độ sống chết mặc bây, tôi cũng chả phiền trách.
2. Với quần chúng thì vậy. Ngay cả sinh linh Cham có vẻ “trí thức” [nghĩa là có tham gia bàn việc cộng đồng], và dù sự vụ liên quan trực tiếp đến quyền lợi Cham – nếu anh/ chị ta “vô tư”, tôi cũng chả phiền trách. Như năm ngoái tôi không có một lời trách dù rất nhẹ về thái độ trí thức im lặng của người bạn. Chuyện to con như Dự án Nhà máy ĐHN dễ bể nồi cơm bạn thì không nói, ngay mấy vụ nhí, như:
Đồng tộc anh bị nạn (chuyện Kut Boh Dana), anh vô tư.
Đất tổ (Ghur Darak Neh) đồng hương anh bị xâm hại, anh im lặng.
Đồng nghiệp anh (Trường Nội trú Dân tộc Ninh Phước) bị oan khuất, anh ngoảnh đi.
Tôi vẫn ừ, và no problem. Nhưng hà cớ khi tôi lên tiếng [và lên tiếng đến cùng], ít nhiều mang lại hiệu quả cho cộng đồng, anh lại mỉa mai rằng Sara có nói là vì quyền lợi riêng?
Khi ấy, tôi mới quay lại hỏi. Anh bạn âm thầm lỉnh đi mất, đương nhiên.

3. Nhưng lẽ nào một trí thức mà không có tiếng nói? Bởi dẫu sao, sống giữa lòng đất nước Việt Nam đầy tai ương, nguy cơ luôn rình rập, RÊN lên một tiếng không phải không cần. Bởi ở đó vẫn có lợi.

Lợi CHUNG đến lợi RIÊNG, ví dụ:
– Nền giáo dục Việt Nam lạc hậu ảnh hưởng con em các dân tộc Việt Nam, thì nó đâu có chừa Cham. “Suy nghĩ toàn cầu” đòi hỏi bạn hiểu về nó, để có thái độ mà “hành động địa phương”. Tùy vị thế, bạn vẫn có thể lên tiếng. Vậy, dù tiếng nói đó là cho CHUNG Việt Nam, ta vẫn làm lợi cho RIÊNG Cham.
– Môi trường sống Việt Nam tồi tệ, nó tác hại chung cho đất nước Việt Nam, trong đó có cả Cham. Lên tiếng, nếu tiếng nói bạn tạo được ảnh hưởng, nó vừa lợi cho Việt Nam, qua đó Cham cũng được hưởng sái.

Và ngược lại, RIÊNG lây qua CHUNG, ví dụ:
– Về Dự án Nhà máy Điện hạt nhân ở vùng đất Cham, ta rên lên là VÌ Cham. Tiếng rên ấy được trí thức trong nước và thế giới biết; bởi nó CŨNG lợi cho họ, họ sẽ ủng hộ ta. Nhiều tay vỗ nên bộp, nhờ đó việc dễ thành.
– Về Ghur Darak Neh bị lấn chiếm (hay Giếng Vuông Cham bị phi tang), ta nói là CHO Cham; nhưng vì điều ấy mang lợi chung [chứng cứ hải sử Việt Nam], trí thức Việt sẽ đứng về phía ta. Nhiều tiếng góp vào, từ đó ta được việc.

Kết luận.
Kẻ Chàm cần từ bỏ tinh thần “ao làng”, và có cái nhìn MỞ. Còn mở thế nào, thì tùy. Ngay ở Stt.1, tôi cũng đã kết rõ rồi :
“Trước sự kiện kia [và khác…], tôi không dại dột khuyên hay đòi hỏi bạn nên làm gì… Còn hành động cụ thể ra sao, mỗi cá thể có thái độ và hành động riêng, và trách nhiệm về hành động đó.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *