Yêu có nghĩa là biết/ dám chiến đấu, để bảo vệ.
ròn văn học về thơ, và sẵn sàng dấn mình tranh luận bảo vệ thơ, khi thơ bị xâm phạm, bị lợi dụng, bị phân biệt đối xử qua nhiều hình thức khác nhau.
Tôi yêu thơ. Thơ tiếng Cham, Việt, Pháp, Anh. Là một sinh linh Cham sống trong đất nước Việt Nam, tôi thường xuyên đi lại với thơ Cham và thơ Việt.
Riêng thơ Việt, là thơ đương đại – từ mở cửa, 1986. Nhấn về cái mới. Ở nhiều góc độ, khu vực hay vùng miền: Thơ Bắc Nam trước và sau 1975, thơ trong/ ngoài nước, Dân tộc thiểu số/ đa số, nam/ nữ, là và chưa là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam…
Yêu, và đọc thưởng thức vậy thôi. Phải đến khi văn học mang ra đời và phát triển mạnh vào đầu thế kỉ XXI, tôi mới tập trung “lập biên bản”. Qua đó, có thể nói tôi khá rành về bản thân nó, và các ngóc ngách sinh hoạt xung quanh nó.
Yêu thơ, và tôi được [nàng/ chàng] thơ yêu lại. Tôi được tặng bạt ngàn bản thảo thơ, tập thơ, quen mênh mông người thơ, và nhận được non trăm bài thơ bạn thơ viết tặng.
Dù ý thức sâu thẳm thơ không là gì cả, là thứ vô ích nhất trong những thứ vô ích trên trần đời. Nhưng đã yêu thì phải nhập cuộc hết mình. Nhập cuộc đầy trách nhiệm.
Yêu, có nghĩa là biết/ dám đấu tranh bảo vệ.
Thơ vốn được xem là nghệ thuật đỉnh cao. Đáng lẽ ở đó phải diễn ra những trận đấu lớn – trận đấu ở những đỉnh cao, trận đấu đầy yêu thương giữa những người khổng lồ, như Heidegger nói – để đưa thơ trở về với yếu tính của nó. Đáng buồn là, ở những trận chiến tôi trải qua, hiếm khi tôi hân hạnh nhận được tâm thế và môi trường đấu chiến đó.
Quanh đi quẩn lại chỉ là những va chạm lẻ tẻ, nhỏ vụn đầy hời hợt. Và chơi xấu, và bỏ bóng đá người, và quy chụp, và đủ thứ chuyện ngoài lề. Rất chán!
Dẫu sao, khi có phát ngôn sai bậy về thơ: Phi thơ và phản thơ bằng cách nịnh bợ quan thơ, núp lô cốt truyền thống tấn công trù giập suối nguồn tươi trẻ của thơ, dựa hơi quyền lực các loại công phá tinh thần tự do của thơ, làm vẩn đục môi trường hòng cấm cản các loại thơ xuất hiện và có mặt công bằng và sòng phẳng; ở đó một khi kẻ phát ngôn là người viết có danh phận, tôi không thể không phản kháng.
Thẳng, quyết liệt, nên lắm lúc gay gắt. Để phơi bày sự thật.
Yêu, thì không thể làm khác.
*
Chuyện vui 1.
Hôm qua tranh cãi với ông nhà văn [trước đây có lẽ sống ở Đông Âu]. Ông này đã đại chủ quan cho rằng: “Tôi theo dõi, lắng nghe thơ cách tân từ đầu thập kỉ 90, ngay từ khi các anh chị ở VN chưa hề có điều kiện”.
Để bảo vệ sự thật, tôi muốn [và 3 bận thách] lôi ông lên diễn đàn để làm cho ra chuyện:
1. Ông bảo: “anh chị ở VN chưa hề có điều kiện”, là sao? Không nói chuyện ở các nơi khác, riêng Sài Gòn, tôi kê ra hầu ông:
Ở ngoài kia, tạp chí Văn học ra số đầu tiên vào năm 1988, sau đó là tạp chí Hợp lưu: tháng 10-1991, tạp chí Thơ: năm 1994 tại California; còn tạp chí Việt ra lò lần đầu tại Úc vào đầu năm 1998. Thêm một số tạp chí khác: Thế kỉ 21, Văn, Diễn đàn Paris…
Đại đa số các báo kia có mặt ở Sài Gòn ngay khi xuất bản, sau đó chúng được nhân bản photocopy chuyền tay nhau đọc. Sinh viên, người yêu văn chương, dân viết lách. Ở đó không ít người tham gia viết bài. Nghĩa là ngoài có gì trong đã có nấy.
Vụ “chê” này mà đưa lên mặt báo, ông nhà văn này chỉ có nước từ chết đến bị thương với người Sài Gòn!
2. Ông nổ: “Tôi theo dõi, lắng nghe thơ cách tân từ đầu thập kỉ 90”. Tôi hỏi: Đâu là vật chứng? Bài viết, dấu vết tranh luận hoặc tác phẩm ông đâu, bày ra đi? Hay ông chỉ nghe hơi nồi chõ?
Tự mình nói mình tin, mình rung đùi. Ừ, tự sướng thì chả chết ai, hà cớ lại lên gân tăng cường sướng kia bằng cách chê “anh chị ở VN” thiếu thông tin?
Kết. Tranh luận, tôi luôn danh chính ngôn thuận, ở đây xin miễn nêu tên bởi không phải chuyện thắng thua cá nhân, mà chỉ muốn cho những ai “thiếu thông tin” [mà ưa nổ] biết:
– Dân viết lách Sài Gòn chưa bao giờ thiếu thông tin, dù đất nước XHCN có đóng cửa kín tới đâu đi nữa.
– Tinh thần người Sài Gòn đúng nghĩa luôn yêu chuộng, cưu mang, hướng vọng tự do văn học nghệ thuật, dù bị cấm đoán, tù đày hay… chết.
Chuyện vui 2.
THƠ CỔ ĐỘNG BẦU CỬ (năm lớp Năm, tôi cầm cờ đi đầu đọc bài thơ này, nay chợt nhớ, ghi lại, có thể sai chút ít)
Ăn trầu cho thắm môi xinh [át ti hò lờ…]
Yêu anh yêu cả mối tình quốc gia
Ngày 11 tháng 9 Sáu ba
Đi bầu Quốc hội cho ta đi cùng
Nước nguy nhà cũng chẳng còn
Đi bầu Quốc hội bảo toàn cả hai
Bầu người có đức có tài
Vì dân tranh đấu không nài gian nguy…
THƠ TUYÊN TRUYỀN
… Thương người như thể thương thân
Người ta lạc bước khó khăn đến nhà
Đồng tiền bát gạo đem ra
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên
Nay ta ở chốn bình yên
Còn người tàn phá chẳng nên cầm lòng
Tiếng rằng ngày đói tháng đông
Thương người bớt miệng bớt lòng mà ra
Miếng khi đói, gói khi no
Của tuy tơ tóc nghĩa so nghìn trùng.