1. Thơ mất giá. Và, nhà thơ cũng đang mất giá khắp nơi. Còn hơn thế, nhà thơ là thứ danh vị buồn cười. Hắn là nhà thơ, phát ngôn đính kèm cái chỉ chỏ như thể thế giới vừa xuất hiện thêm một quái vật giữa dòng đời tất bật.
Lơ mơ, ngơ ngáo, nhếch nhác, chập cheng, vô trật tự, vô nguyên tắc, tùy hứng và tùy tiện cùng bạt ngàn hình dung từ tiêu cực khác được gán cho nhà thơ. Thế nên, tránh xa là tốt nhất.
Bao nỗi ấy, vì đâu?
Nhà thơ hôm nay bị đồng hóa với sự thả nổi tình cảm và đòi hỏi thân xác thay vì chế ngự giác quan và bản năng; bởi thế, hắn phó mặc cho những vụn vặt của “trần gian” thao túng, thay vì tìm hướng thượng cõi siêu việt. Về nghề nghiệp, chính quan niệm sáng tác thuộc bản năng, thế nên nhà thơ ít chịu trui luyện trí tuệ; hệ quả: Nhà thơ nhiễm thói quen dùng các từ làm sẵn (thơ second hand) thay vì nỗ lực sáng tạo ngôn từ mới.
Từ dễ thỏa mãn đến bị khinh thường, cách nhau chỉ nửa bước chân.
2. Truyền thống Ấn Độ đòi hỏi thi sĩ tôi luyện nghệ thuật thơ đạt tới một cấp độ tuyệt cao. Nhà thơ là hiện thân của thông tuệ, tiên tri thấu thị. Để thành nhà thơ, hắn buộc trải qua sáu bậc tôi luyện:
Svabhava: cảm tính thuộc bản năng.
Carana: cảm tính hướng thượng.
Abhyasa: sự tinh luyện về sử dụng nghệ thuật ngôn từ.
Yoga: tham thiền nhập định để đạt đến hòa hợp với Thượng đế.
Adrsta: sự kế thừa tài năng từ tiền kiếp.
Visistopahita: ân sủng đặc biệt được làm chủ tài năng của người thông tuệ và tiên tri phi thường.
Do đó, nhà thơ Ấn Độ ngày xưa bị/ tự buộc tuân thủ kỉ luật rất khắc khe về giờ giấc sinh hoạt cũng như các lề luật đối xử với cuộc sống, chữ nghĩa.
3. Vũ Hoàng Chương: Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa…
Thế nào đi nữa, nhà thơ là kẻ lạc loài khỏi đám đông quần chúng. Bất kì đâu, bất cứ thời đại nào. – Không sai.
Thi sĩ là kẻ mộng tưởng, thay vì sống thực tế; đầu óc luôn bay bổng với trăng sao, thay vì bám bàn chân vào mặt đất.
Bởi cảm tính hướng thượng, thay vì kèn cựa so đọ ăn thua với thế giới cõi người, hắn sống với cõi siêu việt.
Là kẻ kế thừa tài năng từ tiền kiếp, nên lối suy nghĩ của hắn vượt khỏi thói thường của người thiên hạ đang sống quanh hắn.
Là kẻ sáng tạo ngôn từ, thay vì dùng chữ làm sẵn dễ tiêu thụ, hắn luôn nghĩ từ mới để diễn đạt ý tưởng hắn, qua đó ngôn ngữ thi sĩ khác thường đến dị thường.
Cuối cùng, thi sĩ là kẻ dự tri tương lai; hắn phải sống hết mình với chính niềm tin bắt gặp/ tìm thấy.
Ai đích thị là thi sĩ, hôm nay?…