SINH MỆNH CHAM, HÔM NAY & NGÀY MAI 08. Tinh thần 1. Học ngợi ca

Giữa xô bồ thời hiện đại,
làm sao Cham có thể trụ vững để có thể giữ mình là Cham?
Làm sao thế hệ trẻ Cham vùng sâu vùng xa có đất để khẳng định mình?
Làm sao có một ai đó để thế hệ con cháu tin tưởng, khi tất tần tật bị chúng ta đưa lên mạng xã hội chê bôi, khích bác?
Xuân Diệu: Em sợ lắm giá băng tràn mọi nẻo
Mênh mông và mơ hồ khắp xung quanh. Ngay tuổi tìm học, tôi đã suy nghĩ nhiều về nó. Không ít lần thất vọng muốn phó mặc, nhưng không. Giữa cuồng lưu cuộc sống hiện đại, vẫn còn một cọng cỏ hi vọng cho ta bấu víu. Đó là tinh thần… hậu hiện đại!
Tôi là nhà phê bình. Người làm phê bình thường bị cho là hay chê bai, tôi ngược lại – ca tụng. Khởi động, năm 1998, tôi ca tụng quý thầy ở Ban Biên soạn: “Nếu hạt lúa không chết đi…”. Sau đó tôi ngợi ca 28 nhân vật Cham, ngợi ca cả trăm người viết văn làm thơ tiếng Việt. Ngợi ca không mệt nghỉ. Rồi đến tận hôm nay, tôi vẫn tiếp tục.

Về Akhar thrah và tiếng Cham…
Tôi ca tụng Pram Dit Pram Lag [huyền thoại] và Pô Rômê [lịch sử]: là bậc TẠO NÊN Akhar thrah Cham. Ca tụng các tác giả Akayet Cham, trường ca Cham, tác giả Glang Anak, Poh Catôi, và cả các tác giả hiện đại đã góp phần PHÁT TRIỂN tiếng Cham.
Và, thay vì chê bôi thế hệ cha chú mình “thiếu chuyên môn”, tôi ca tụng Lưu Quý Tân, Thiên Sanh Cảnh, Lâm Nài, Lâm Gia Tịnh… là những người, với điều kiện tối thiểu, đã nỗ lực LƯU TRUYỀN chữ Cham cho con cháu. Không có họ – thế hệ chuyển tiếp đó -, chữ Cham tiêu tùng là cái chắc.

Nhìn sang tiếng Việt và chữ Quốc ngữ…
Alexandre de Rhodes đã sáng tạo chữ Quốc ngữ, là công lớn, nhưng đòi hỏi nó hoàn chỉnh ngay, là điều bất khả.
Hoàn chỉnh chữ quốc ngữ phải là công sức các vị tiếp bước: Nhà ngôn ngữ học người Việt, Từ điển Thanh Nghị, Hội Khai Trí Tiến Đức, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, vân vân.
Cuối cùng phát triển tiếng Việt là công việc của những nhà sáng tạo: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Tự Lực Văn đoàn, rồi các nhà văn hiện đại Việt Nam.
Thiếu một trong ba, ngôn ngữ một dân tộc hỏng hóc ngay!

Làm nhà phê bình, tôi ưu tiên ca tụng các tác giả trẻ còn vô danh, cây bút ở vùng sâu vùng xa, nhà thơ viết ở ngoại vi, tác phẩm in chui, in ngoài luồng, tác giả hải ngoại, nghĩa là những gì thuộc phía yếu, phía thiểu số. Để rồi 15 năm ngoảnh nhìn lại, không thể nói tôi không thành công.
Họ vui, và tôi vui.

Vậy tại sao tôi không thể ngợi ca, và tạ ơn mình nhỉ? Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002):
Và, dẫu không là cái đinh gì cả
nhưng tôi vẫn cần thiết có mặt
vậy nhé
tôi xin tạ ơn tôi
!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *