Inrasara: KIỀU MAILY & ĐỊA DƯ CHÍ ĐẦU TIÊN VỀ LÀNG CHĂM

Đọc Palei Phước Nhơn của tôi, khảo cứu của Kiều Maily, NXB Tri Thức, 2017
đã đăng Bình Thuận cuối tuần, 21-4-2017
PhNhon 01PhNhon 03

Đây là một tin vui cho giới nghiên cứu, nhất là với những người quan tâm đến vùng đất làng palei Chăm và văn hóa Chăm, khi cuốn địa dư chí đầu tiên về một làng Chăm cụ thể được viết bởi đứa con của chính ngôi làng ấy: thi sĩ Kiều Maily, vừa phát hành.
Kiều Maily đã từng làm người yêu thơ ngỡ ngàng qua thi phẩm đầu tay: Giữa hai khoảng trống (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ in năm 2013), tập thơ đầu tay nhưng được Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam đánh giá là một hiện tượng thơ trong năm của Hội, và được trao giải cao nhất năm ấy.
Sau đó là tác phẩm nghiên cứu dài hơi, cũng là đầu tiên: Độc đáo Ẩm thực Chăm, do nhà Phương Nam in rất đẹp với giá bìa lên tới 200.000 đồng/ cuốn. Thì đủ biết công trình ấy được đánh giá cao như thế nào.
Hôm nay, cuốn địa dư chí Palei Phước Nhơn của tôi của tác giả nữ Chăm này lần nữa được trình làng. Ở Lời giới thiệu, dịch giả – nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn viết rất trang trọng:
“Kiều Maily với tập sách địa dư chí Palei Phước Nhơn của tôi tha thiết kể lại cho chúng ta lịch sử mảnh đất quê hương của cô cùng đời sống tôn giáo tín ngưỡng, người sống người chết với các lễ hội, những làng nghề, và những con người kiệt xuất là cuốn sách đầu tiên trong thể loại này do chính một người nữ của xã hội mẫu hệ Champa là một báo hiệu rất đáng mừng và trân trọng.
Những hình ảnh, tư liệu, bổ túc cho những kỷ niệm thiết thân tác giả công phu và tình nghĩa tìm về di sản của tổ tiên và những gì thương yêu nhất, chân thành nhất.
Sau cuốn Độc đáo ẩm thực Chăm và sách này, chúng ta trông mong tác giả Kiều Maily còn có những cống hiến về thảo dược, vũ điệu, trang phục của dân tộc Champa và mọi người Chăm ngày càng đóng góp thêm vào văn hoá của đại gia đình Việt Nam.”
Cho dù ở “Lời cảm ơn”, tác giả đã khá khiêm tốn khi giãi bày về việc làm của mình:
Palei Phước Nhơn của tôi là tác phẩm địa dư chí đầu tiên về một làng Cham Ninh Thuận, là làng có những nét văn hóa rất đặc thù. Vạn sự khởi đầu nan. Bởi thế, sau hai năm sưu tầm tư liệu, gặp gỡ và hỏi chuyện, ghi chép, thu âm và chụp ảnh, cuối cùng tôi đã hoàn thành cuốn sách mình hằng ấp ủ lâu nay.
Nhờ sự giúp đỡ về tư liệu của các chú, các bác (…) tác phẩm mới có hình hài như hôm nay. Vì vậy tôi chỉ coi đây như một công việc sưu tầm – biên soạn tiếp nối bước chân các bậc tiền bối đi trước còn dang dở”.

Thử đọc qua trang đầu tiên của tác phẩm: “Đoạn đầu Damnưy Po Klaung Kachait viết:
Ginwơr Mưtri Po Klaung Kachait
Ia Limaih waih Tapa Kluw
Patuw tamưn cơk đak bak yuw
Kwơc ribaung bơk banơk ka paran
Jalan riya praung jalan riya xit
Hamu Car Asaih Po mai dơh

(ghi theo trí nhớ ông Tài Năng Tín)
Nhân danh thần Shiva, Po Klaung Kachait từ đất Ia Limaih dời qua Tapa Kluw (Tân Mỹ), chọn mảnh đất có vạn ngọn đá (patuw tamưn) với dãy núi xếp hàng chập chùng để đào mương đắp đập cho dân làng (kwơc ribaung bơk banơk ka paran). Phía Đông có quốc lộ (jalan riya praung), phía Tây là tuyến đường sắt đi qua (jalan riya xit) [ông Tài Năng Tín còn cho biết vào năm 1914, thuở đó các công nhân hay đi vào làng cướp bóc gây nhiều khốn đốn cho dân làng]. Đó chính là Cánh đồng có dấu chân Ngựa nơi đặt đền thờ Po (Hamu Car Asaih Po mai dơh).
Chỉ qua ba cặp ariya lục bát Cham, nhà thơ đã khái quát được “lịch sử” hình thành palei Pabblap Biruw làng Phước Nhơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận”.

Tiếp đến, chỉ cần lướt qua bảng mục lục, độc giả cũng thấy được tầm bao quát của tác phẩm: Phần 1 và 2, tác giả khái quát “Lịch sử của Đất” với “Mương Cái Ribaung Jiaw qua Phước Nhơn”, các Đền và thần làng mà dân làng đang thờ cúng như Danauk Po Bia và Danauk Po Klaung Kachait và Danauk Po Biruw; tiếp đến là phần khái quát về “Đời sống tôn giáo tín ngưỡng” của Phước Nhơn với các công trình thánh đường Bà-ni lẫn Islam cùng lịch sử ra đời của nó, các lễ hội tiêu biểu như Ramưwan, Xuk Yơng, Karơh…
Phần 3 có lẽ là chương đáng nói nhất. Bởi Phước Nhơn chính là “Làng nghề thuốc Nam Cham” đã sản sinh các nhân vật như: Lượng Thị Dãnh, Nguyễn Hữu Tào, Tài Rài…
Địa dư chí về làng cũng không thể thiếu “các dòng họ” và các chức sắc tôn giáo hay những người có công với làng, và nhất là các nhân vật tiêu biểu. Ở đây hai nhân vật được tác giả kể tới, là Po Gru Dương Kế – nhà cải cách tôn giáo, và Nguyễn Văn Tỷ – trí thức đầu tiên và tiêu biểu của palei.
Phần Phụ lục với nguyên bản trường ca Po Klaung Kachait cùng bản dich Việt ngữ, với non trăm ảnh tư liệu trong đó không ít ảnh có tuổi thọ đến 60 năm mà tác giả sưu tầm được, đủ nói lên công phu của Kiều Maily với tư cách người làm công tác sưu tầm – biên soạn; còn với tư cách đứa con của làng, đủ hiểu nữ thi sĩ này đã dành cho làng mình tình cảm sâu đậm như thế nào!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *