SINH MỆNH CHAM, HÔM NAY & NGÀY MAI 10. Hành động 1. Thái độ nghiêm cẩn [trong suy tư & nghiên cứu]

Chơi, nhưng không phải vì thế mà ta cứ mặc sức thả cánh diều bay bổng. Con diều cần đến sợi dậy, sợi dây gắn chặt nó với mặt đất.
Nhằm hạ thấp/ chối bỏ công trình của tôi, vài vị đã phải viện tới biện pháp thấp nhất: “nhà thơ làm nghiên cứu”. Họ không hiểu rằng tiếp cận với một vấn đề, Inrasara-thi sĩ đã làm cuộc siêu hóa để thành Inrasara-nhà khoa học nghiêm cẩn đáo để.
Phê bình thơ Việt đương đại, thao tác đầu tiên của tôi là nghiên cứu: sâu và rộng, để có cái nhìn toàn cảnh. Sau đó, mới lập hồ sơ từng vụ; rồi đối sánh đánh giá. Bày món “Phê bình Lập biên bản”, tôi muốn đặt nền móng khoa học cho thao tác phê bình, để nền phê bình không bị vướng vào bình và tán ngoài văn bản, như lâu nay nó đã.

Bài “minh định” với TS Nguyễn Văn Huy vừa rồi, riêng một chi tiết nhỏ: Thời điểm Fulro Chàm tan rã, tôi đã mất non một tuần khảo sát. Tôi đi gặp và hỏi chuyện 20 người trong cuộc.
Lạ, là không ai nhớ chính xác! Gia đình người bị nạn, con lớn hay người vợ cũng không ghi luôn. 40 năm rồi còn gì. Dẫu thế nào, không có gì là không thể.
Anh Th. khiêng người bạn bị mất, kể: Anh phải khiêng đi theo chiều ngang, để tránh gió Đông cực mạnh giữa trời hanh khô. Ở Phan Rang, đó là thời tiết quen thuộc từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 2 năm sau. Nghĩa là vào khoảng cuối năm 1976 đầu năm 1977 Dương lịch.
Chú Kh. kêu, mi cứ truy thứ Hai mồng Một tháng Chạp lịch Cham là trúng phóc; còn năm nào thì chú không nhớ.
Anh Tr. kể, đầu hôm ra đi, tụi anh bước đạp lên gốc rạ mới cắt, thì đích thị là mùa vụ trước hoặc sau Tết Nguyên đán không quá mươi ngày.
Anh Ng.: Anh là người đưa tiễn nó, Sara nhớ là hai hôm sau đã là 30 Tết rồi.
Kết nối 4 chi tiết, tôi khẳng định được: Chính là ngày 14-2-1977 Dương lịch.

Về Vụ “bắn trâu”, dù trước đó có ghi chép các chuyện kể, nhưng tôi chưa để tâm nhiều, và nhất là chưa hề đề cập đến nó. Rồi đầu năm 2017 tình cờ đọc phải một bình luận của CPK ngày 13-10-2015 sai bậy, tôi quyết vào cuộc.
Để lập Hồ sơ, tôi phải lục lại chuyện kể của 6 người trong cuộc [người làm lịch sử] từ nhiều năm trước đó. Sớm nhất là tháng 10-1970, năm tôi học lớp Đệ Lục Pô-Klong, sự kiện gây chấn động cả cộng đồng Cham khi ấy.
Anh BD – người duy nhất sống sót trở về – được mời qua Boh Bini để kể chi li sự vụ; và khi biết chắc con mình đã mất, gia đình mới tổ chức Đám tang mời Baic Thơ đến làm lễ.
Sau đó, tôi hỏi chuyện 4 gia đình có người thân mất [kẻ chịu đựng lịch sử], rồi lập danh sách 11 người mất; và, bên cạnh lần tìm đến “hồ sơ gốc”, tôi còn đi thực địa nữa.
Cuối cùng tôi có được Hồ sơ 20 trang A4 với đầy đủ chi tiết và hình ảnh.
Một sự kiện chưa “sử gia” nào đề cập trước đó, nhưng chính lổ hổng này là đất để nhà văn làm việc. Văn học lấp đầy khoảng trống lịch sử, là vậy.

Để tránh hổng chân, đoán mò và nói bừa, mỗi diễn ngôn cần đặt trên ba chân kiềng:
[1] Tài liệu nguyên ủy: sử liệu, nguồn tiếp nhận gốc. Thế nhưng nếu chỉ tập trung vào [1], bạn là tín đồ thuyết Duy sử không hơn không kém.
[2] Biểu hiện trong đời sống, tín ngưỡng… qua khảo tả chuẩn xác. Còn nếu tin vào khảo tả không thôi, bạn chỉ là nhà nghiên cứu thuần túy.
[3] Tri thức dân gian: qua tục ngữ, truyện cổ, Damnưy… Chỉ bám vào mục này, bạn trở thành đồ đệ của thứ Triết lí Hổng chân: suy diễn và suy diễn.
Thiếu một trong ba, diễn ngôn kia bị đặt vào thế chông chênh dễ đổ.
(Minh triết Cham, 2016).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *