THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 67.

Lịch sử từ ngoại vi
[Thế giới ai mà nhớ đến Cham, sao mãi cất công truy tìm sinh lộ Cham Ahier-Awal!]
PO 01
Tất cả chỉ xảy đến một lần, nhưng vẫn còn lại mãi mãi trong vạn đại. Nếu không có gì mất thì chẳng có gì được. Chỉ còn lại những gì còn lại. Tôi là.” (Henri Miller, Phạm Công Thiện dịch).

Lịch sử thế giới có ai mà quan tâm tới đất nước Somali hay Nigieria, nếu nơi xó xỉnh kia không xảy ra khủng hoảng nhân đạo hay khủng bố; và có ai biết Cham tồn tại hay không, sao mãi cất công truy tìm sinh lộ Cham Ahiêr-Awal!
Dẫu sao đi nữa, Cham vẫn tìm, vẫn lên tiếng – khẳng định vị trí của mình trên mặt đất đầy đau thương, để làm nên ý nghĩa của vô nghĩa giữa vũ trụ bao la này. Đó chính là lịch sử…

1. Ở một Stt sáng nay, đề cập đến biên độ trí thức phản biện [kháng], bạn FB Trần Công Thanh còm: “Đừng gắng gượng nói nhiều về điều mà không được lịch sử thu nhận!
Khi tôi hỏi: “điều được nói nhiều” kia là điều gì?, và “không được lịch sử thu nhận!”, lịch sử là lịch sử nào?, bạn ấy im lặng.
Quan điểm sử học cũ, sử gia tiếp nhận văn bản gốc (sử liệu), tham khảo ghi chép của người trong cuộc để làm thành tác phẩm của mình; ở đó tài liệu gốc được xem là trung tâm. Quan điểm hiện nay nhấn mạnh nhiều ở ngoại biên, và bổ sung: Phản ứng từ bộ phận nhân loại chịu đựng lịch sử.
Đâu là “lịch sử” nhất trong các lịch sử kia?

2. Lĩnh vực văn chương chẳng hạn. Thử nhìn 3 góc độ:
Sinh thời, thơ Hồ Xuân Hương từng bị đối xử phân biệt, nhưng rồi 200 năm sau tác giả này là một hãnh diện của văn học Việt Nam với thế giới. Ở Mỹ, Leaves of Grass từng bị giới học thuật tẩy chay, nửa thế kỉ sau nó trở thành tiếng nói biểu tượng cho dân chủ Hoa Kì.
Trước đây, Mặc Vân Thi xã được lịch sử tô đậm, và được ca tụng tận trời, nay nó tồn tại ở góc khuất nào của kí ức người Việt yêu văn chương? Còn hiện tại, người làm lịch sử văn học cứ quyết hất bỏ Nhóm Mở Miệng cùng nhà xuất bản Giấy Vụn xuống cống rãnh; sự thể ra sao ngày sau, ai biết được!?
Chốn hiện thực xã hội chủ nghĩa, “Ngói mới” của Xuân Diệu còn được đưa vào dạy trong nhà trường, nay có ma nào còn nhớ? Trong khi “Phục sinh” của Thanh Tâm Tuyền bị giập cho tơi bời lá cỏ, hỏi hôm nay bài thơ nào đáng đọc hơn?

3. Các sự kiện lớn của lịch sử, là quan trọng. Sử gia ghi nhận và phân tích nó.
Còn những mảnh đời bất hạnh chịu đựng lịch sử, thì sao? Chúng không quan trọng ư?
Nhà văn là kẻ lưu giữ kí ức dân tộc, ghi nhận mọi sự cố nhỏ lẻ cùng tâm trạng, phản ứng vụn vặt của thân phận nhỏ bé không đáng nhớ kia.
Vì chúng quan trọng không kém!
Với Cham Ninh Thuận, nỗi bất an trước Dự án Nhà máy Điện hạt nhân là quan trọng.
Với Cham Awal, Ghur Darak Neh bị xâm hại, là nghiêm trọng.
Với Cham nói chung, trùng tu mất bản sắc Danōk Pô Inư Nưgar hay vụ nhang đốt trong tháp, là nghiêm trọng.

Quan trọng cả những sinh phận vô danh nhất.
Chuyện Anh T’Maung (Inrasara, Chuyện người đời thường, 2006):
… Từ quán càphê này sang khác mỗi ngày
chọn góc khuất có một người
ngồi viết tên con trâu, dòng sông, cánh đồng
bằng nét chữ rất nét vào cuốn sổ ghi rất đẹp
để làm gì không hiểu
Khi tất cả con sông bị lấp cánh đồng đã chết con trâu lần lượt rời bỏ đời cày
có người suốt ngày ngồi quán càphê lẩm nhẩm
không gì cả
chỉ những cái tên

Chuyện anh Phú Văn Hoanh (Inrasara, Chân Dung Cát, 2006)
Còn cha lẫn mẹ. Bảy chị em. Cả gia đình làm lụng nuôi hắn ăn học tận Đà Nẵng chưa hết năm hai hắn bỏ về còn tuyên bố một câu xanh rờn (rợn): Thiên tài thì chả phải để ai dạy dỗ cả. Tay này sau “giải phóng” bị công an xã cho nguyên cái bạt tai vì không viết ra hồn tờ khai lí lịch bản thân. Ai đời thời 75 mà khai mục bạn bè: Kết bạn với tất cả những ai yêu triết học trên thế giới. Đến khi công an xã chỉ cho biết thế nào rồi lại tiếp tục khai ở mục sở thích: Yêu Camus, mê Nietzsche và thích lang thang một mình dọc bờ mương để suy tư về bản thể của vạn hữu. Thì lãnh cái bạt tai vẫn còn là nhẹ.”

Các chuyện vụn vặt như thế kia, ai mà nhớ!
Cả câu chuyện Ông Phok Dhan Cơk, Nàng Hathaw hay Ông Biên Đưk…
Các hành vi, cử chỉ và lời nói họ bị người đời quên ngay khi họ còn sống, tuy thế nó nghiêm trọng với tôi. Chúng sống dai dẳng dưới thẳm sâu kí ức tôi, cựa quậy trong tôi, và buộc tôi ghi lại. Lần nữa, qua con chữ tôi – chúng sống. Chúng làm nên lịch sử của chữ nghĩa tôi, chữ nghĩa mà một ngày kia cũng sẽ tiêu mất, chắc chắn thế.
Nhưng tất cả là quan trọng với tôi. Bởi vì…
Tất cả chỉ xảy đến một lần, nhưng vẫn còn lại mãi mãi trong vạn đại. Nếu không có gì mất thì chẳng có gì được. Chỉ còn lại những gì còn lại. Tôi là.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *