THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 57.

Đối thoại vui [buồn] về Cham mua vé hành hương đất Tháp
Thap 00
[Tháp hoang
khi bất chợt bác tiều phu nhớ
dân buôn lậu nhớ – nhà viết sử nhớ
hồn tháp đã bay xa
… (Inrasara, Tháp Nắng, 1996)]
Thap 03
*
– Mỗi Katê với Cabbur Cham lên tháp cúng tế, không mua vé thì hẳn rồi; đi theo đoàn hành hương Pô Nưgar hay Mỹ Sơn miễn là phải, chứ nếu đi lẻ 1-2 người, thì thế nào? Con dân đã đẻ ra tháp đi hành hương đất Tháp, phải bỏ tiền ra mua vé sao?
– Cham phải là người giơ tay tình nguyện trước tiên, hà cớ bác hỏi ngược đời thế? Là chủ nhân, các bác càng trách nhiệm với di sản tổ tiên mình hơn mọi mọi tộc người khác chứ.
– Chí phải, chí phải! Thử mổ xẻ từng món coi nào…

– Bày món trùng tu ra chào hàng trước nhé. Hỏi chứ, Cham có cần đến nó? Thứ gạch chưa 10 tuổi đã mốc meo, trong khi gạch tháp Chàm ngàn năm vẫn nguyên cái màu của thuở ban đầu lưu luyến ấy. Thêm vụ cảnh quan tháp cổ bị phá cho nát bét nữa…
Trùng tu thế kia ma nào mà ham.
– Bỏ mặc đó, ba cái tháp Chàm đổ từ khuya rồi còn gì…
– Sức mấy! Cứ làm như Cham thử: Đến mùa Katê hú cái chàng Raglai trèo lên dọn dẹp cây cỏ là đâu vào đấy. Ông có thấy tháp Chàm nghiêng ở đâu bao giờ chưa?
– Vụ đó để thời gian trả lời…
– Thời gian trả lời từ mấy trăm năm rồi, đợi chi nữa. Nữa, ví mà Văn hóa du lịch không mọc lên ồ ạt, còn lâu tháp Chàm mới biến tướng với xuống cấp như hiện tại.

– Nhà nước đổ cả đống tiền ra trùng tu, bán vé là để thu hồi vốn, còn phải dành tiền cho bảo tồn về lâu về dài nữa…
– Thì Nhà nước cứ trùng tu các tháp hoang đi, còn cả khối đó. Sao cứ nhè mấy tháp sống mà trùng tu, mà dựng cổng bán vé? Cái tháp hoang Ba Tháp nằm sát sườn Quốc lộ 1 kia kìa, đã trùng tu, đã quản xem có ông Tây bà đầm nào ghé? Lo cho Cham, hay nhân lễ lạt Cham ở tháp “sống” mà…?
Còn mớ tiền bán vé kia trôi về đâu? Hỏi mỗi năm ông Nhà nước chìa ra mấy đồng cho Cham làm Katê để kéo khách? Hãy trả lời các câu hỏi kia cho rốt ráo đi…

– Tháp Chàm là di sản Quốc gia, để cho Cham bác lo, có chuyện đến tai quốc tế, ai chịu? Có khi Cham còn mắng vốn Nhà nước ta với quốc tế nữa không chừng…
– Cham chịu. Ông tưởng Cham không dám ư?
Chế độ cũ, không là Cham, ai vào quản đây? Cham cứ quản theo kiểu của mình, lễ xong đóng cửa lại, bỏ đó; đến mùa lại lên, không xô bồ ồn ào, mới thiêng.
– Không trùng tu, không làm đẹp, hỏi bác chứ làm sao thu hút khách?
– Lại nghĩ theo tư duy Văn hóa du lịch rồi… Tháp có cần thu hút ai đến với mình đâu. Nó vẫn cô độc và kiêu hãnh với sương gió từ ngàn đời đấy thôi…
Còn ta kêu di sản Quốc gia, ta trùng tu, ta quản, ta bán vé… Ta kính Tháp hay khai thác Tháp cho kiệt tận đây! Nói vui chớ, ông Nhà nước có giỏi đi quản chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm đi… mấy thầy Chùa cầm hèo đuổi cho trối chết chớ đùa.

Dẫu sao Nhà nước đã lỡ rồi, thì cần giải quyết theo cái lỡ làng kia.
Tháp Chàm là CỦA Cham. Sinh linh Cham – đi chẳn hay lẻ, riêng hay chung – hành hương đất Tháp là để cúng tế, chứ hiếm khi họ có thừa bạc tiền mà du hí. Quý ông/ bà đại diện cho Nhà nước thử làm như Thái Lan hay Cambodia cói: Chém chặt khách ngoại quốc cho mạnh tay vào, riêng Cham thì MIỄN.
Miễn được cả cho mọi công dân Việt Nam thì càng tốt.
Chứ hỏi mỗi năm có bao nhiêu mống Cham đi hành hương? Gom mấy bạc lẻ này so với mang tiếng với người thiên hạ, có đáng không?
– Nói gì thì nói, Việt Nam ta còn nghèo, ta từng bỏ bao nhiêu tiền để trùng tu, theo tôi bán vé vẫn là hợp lí…
– Ông làm như người Khmer không bỏ tiền ra cho Angkor Wat… họ có bóp túi dân đâu nào… Kém Thái Lan thì còn ngó được, ai lại đi thua kém cả đàn em Cambodia!
Thap 03

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *