Hệ thống chức sắc Halau Janưng tôn giáo tín ngưỡng Cham
Cham có 4 hệ thống chức sắc Halau Janưng tôn giáo tín ngưỡng. Lạ là các thành viên của cả bốn [nhất là Ahiêr và Awal] hành các lễ vừa tách bạch vừa trộn lẫn khó biện biệt.
Trước tiên là tôn giáo tín ngưỡng bản địa, mà đại diện là Ông Kadhar và Mūk Pajau. Dù là hai giới tính khác nhau, nhưng trong các lễ liên quan, họ có thể thay thế cho nhau. Tục ngữ Cham:
Mưtai Kadhar dok Pajau: Mất ông Kadhar thì còn bà Pajau.
Tạm gọi Ông Kadhar và Mūk Pajau là: 1. Halau Janưng bản địa.
Cuối thế kỉ thứ II, nội dung bia Võ Cạnh ở Nha Trang ghi nhận có dấu Ấn Phật giáo ở Champa. Đồng lúc Ấn Độ giáo, Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa cùng xuất hiện và tạo ảnh hưởng ở Champa, dù đó là vương quốc mà Ấn giáo được coi là quốc giáo.
Đến thế kỉ thứ VIII, Phật giáo Đại thừa phát triển mạnh mẽ (qua chứng tích Phật viện Đồng Dương VIII-X), buộc Ấn Độ giáo ở Champa thay đổi thái độ [như tại chính quốc Ấn Độ, Bà-la-môn giáo – để cạnh tranh với Phật giáo – phải chuyển thành Ấn Độ giáo, từ đó mới đánh bật Phật giáo ra khỏi quê hương của Đức Cồ Đàm], để sau đó tái chiếm giữ địa vị độc tôn.
Độc tôn chưa bao lâu, thì Islam đến (tk XI). Đến, tạo ảnh hưởng và giành được thế đứng từ tk XIV. Để phải qua ba thế kỉ xung đột, Pô Rômê mới hóa giải Islam thành Awal, và hòa giải với Ấn Độ giáo thành Cham Ahiêr.
Ta có 2: Halau Janưng Ahiêr và 3: Halau Janưng Awal.
Qua ảnh hưởng Mã Lai, từ thế kỉ XVII lễ Rija phát triển mạnh ở Champa. Để phục vụ cho các lễ nghi tín ngưỡng mới, Cham còn tạo ra hệ Halau Janưng mới, với cặp đôi Ông Mưdôn và Mūk Rija. Đó là 4. Halau Janưng Ahiêr-Awal, mà tôi tạm dịch là hệ phái Giữa.
Ngoài ra Cham còn có “hệ” khác, dân Ao Jūk (áo đen) không thuộc thành phần chức sắc tôn giáo nào vẫn có thể đảm nhiệm để làm nhiều việc liên quan đến tín ngưỡng cộng đồng. Đó là Gru Urang, hay còn gọi là Gru Adam, Gru Kalơng (thường gọi là Thầy Bhūt – Thầy Ma), tùy nơi gọi mỗi khác.