THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIÊR-AWAL 52.

Thái độ trí thức. Học gì từ tinh thần Gru Dương Kế – ô Klơng Thân
[& cái TẦM nhìn của ô Châu Văn Mỗ]?

Đây là hai tinh thần mà trí thức Cham ngày mai cần trang bị cho mình. Hai vị chức không TO, học không CAO, ít QUYỀN HẠN, mà đã làm được rất nhiều điều cho cộng đồng. Và quan trọng hơn: ta học được gì từ cái TẦM nhìn của ô Châu Văn Mỗ?

1. Tôi cho Pô Gru Dương Kế là nhà cải cách tôn giáo [Awal] lớn của Cham ở cuối thế kỉ XX. Điểm lại vài cải cách của Pô Gru: Làm 2-3 Kajāng (rạp đám) một lúc trong làng; Ở Harei Ikak tất cả tín đồ Bà-ni khi mất đi, không phân biệt lành dữ, đều được hưởng tập tục như nhau; Với lễ Karơh, đề nghị nghi thức Karơh Chrōk của ông, hay việc dựng Nhà vệ sinh ngay trong khuôn viên Thāng Mưgīk, là cải cách quan trọng…
Cải cách của ông gây tiếng vang và ảnh hưởng lan rộng đến các palei Cham Awal khác. Nó nói lên điều gì? – Giải trừ tinh thần phân biệt đối xử giữa Bini HaratBini khác [Parat], giữa chết “lành” và chết “không lành”, vân vân.
Ông nói: Tục lệ do con người lập nên, và khi nó không còn hợp thời nữa, con người cũng có quyền thay đổi, là quan điểm cực kì hiện đại.

2. Ưu tư và dấn thân hết mình cho cộng đồng, là ông Klơng Phú Thân. Thành tích của ông thì vô số, không chỉ gói gọn trong palei Chakleng, mà tác động đến cả cộng đồng Cham quận An Phước thuở ấy.
Hai sự kiện tiêu biểu. Trong khi các quan lớn Cham lúc đó lánh mặt, chỉ có ông đi lên dâng Thỉnh nguyện thư lên Nguyễn Cao Kỳ, để sau đó bị câu lưu cả đêm ở Sở Cảnh sát. Dám đấu tranh với Tỉnh về chuyện thu “thuế” đường, để sau đó [gián tiếp] chịu bị phạt.

Chuyện vui. Klơng Thân là ông họ tôi, ông Lý đã về vườn, còn Châu Văn Mỗ là ông chú lấy dì tôi [về hưu là bạn vong niên của tôi] khi ấy đương quan to. Cả hai đều là con người xã hội theo nghĩa đẹp nhất của từ này [về ô Mỗ, xem Urang Cham 07 ở Inrasara.com].
Do nghĩ khác nhau về chuyện đắp đường: Ông Mỗ không chịu góp công cho con lộ từ Chakleng lên Phú Quý, vì ông muốn mở đường hướng Phan Rang (ý kiến dân Chakleng không thuận), nên khi đường xong, ông Klơng Thân cấm xe ông Mỗ đi. Ai làm thế không, vậy mà ông Klơng Thân dám [“Tôi đã tuyên bố trước đó rồi mà”]! Phải cậy đến ông Sư “già làng” nói, ông mới nhân nhượng.
[Sau này, ô Mỗ kể chuyện này với tôi, đã cười trừ: Chỉ có Ông Klơng của Trạm mới dám chơi chú như thế! Xã hội Cham rất cần đến những con người chính trực ấy].

KẾT. Đáng nể…
Pô Gru Dương Kế: Tuổi cao mà vẫn biết lắng nghe, dám cải cách điều khó thay đổi nhất, là tôn giáo tín ngưỡng Cham.
Ông Klơng Thân: Dám làm và, dám chịu, là một dũng cảm hiếm có.
Attention! Nhân vật phụ, lại đáng suy nghĩ nhất ở câu chuyện này, chính là Châu Văn Mỗ. Điểm mờ trong câu chuyện nên ít ai nhận ra, nhưng nó là Quan Trọng nhất. Ông Mỗ kính nể người đã từng “chống mình”, từng cấm mình! Chỉ có người tâm lành, có tầm nhìn xa mới có lối nghĩ, lối nói đó.
Trí thức Cham hôm nay, có ai làm được?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *