THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIER-AWAL 22.

Chuyện ngoại biên. Nêu “nhất” và “đầu tiên”, tại sao?

Trong đời sống, hẹp hơn, trong văn học, thao tác so sánh là cần, bên cạnh không ít so sánh không cần thiết. So sánh, dù vô tình hay cố ý, dễ làm vẩn đục không khí tương giao, thậm chí gây thù chuốc oán vô ích.
Sinh hoạt văn học đương đại, bản thân tôi từng bị. Cụm từ các loại như “nhà thơ hàng đầu”, “cây bút phê bình lỗi lạc” hay “ý đồ chủ soái văn đàn” gây phiền tôi không ít.
Ở Cham, một cộng đồng nhỏ, bó mình trong không gian chật hẹp hơn thì sự so sánh càng thêm phiền toái. Như khi bà con [vô ý] phát biểu: “Sara chả học hành gì cả mà làm được bao nhiêu thứ, trong khi mấy ông khoa bảng Cham…”. Nói thế tôi không mập thêm lên xíu nào, mà còn gây khó chịu cho người bị ám chỉ. Vô tình tạo thế khó xử cho nhau.
Tôi đã từng nói và viết đại khái như thế ở bài “Nỗi phiền toái của so sánh”. Vậy hà cớ hôm nay cứ đem cái “nhất”, cái “đầu tiên” của palei này, người kia ra mà so đọ?
Ở đây, khi kêu tên nó lên, tôi không ngán: có nguyên do của nó.

1. Chủ nghĩa khác yếu tố
Khi một trào lưu văn chương nào đó ở Tây phương được kẻ viết văn Việt Nam vận dụng, thế nào cũng có nhà phê bình nào đó hô lên rằng, mới nỗi gì cái món siêu thực với tượng trưng ấy, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã làm từ khuya rồi.
Không sai! Ở Truyện Kiều có thể nói: có tất. Trước nữa: Tô Đông Pha, hay Lý Bạch. Nhưng đó chỉ là yếu tố. Còn chủ nghĩa [Siêu thực, hay Tượng trưng] thì khác. Ở đây có tuyên ngôn, có thuyết lí, có sáng tạo, có phê bình, có cả nhóm người xiển dương và bảo vệ.

2. Trở lại Sân Đa Năng Chakleng 2017.
Năm 1970, Chakleng từng xây hai sân dành cho đám tang, có mua sắm dụng cụ này khác. Khi đó, vài palei Cham lân cận cũng có. Sau 75, palei Cham đây đó triển khai vài mô hình để giải quyết trì trệ cũ. Nhưng chỉ có Sân Đa Năng Chakleng là “đầu tiên”, chưa đâu có, cả Panrang, Kraung, Parik, Pajai.
Nó không còn là [vài yếu tố] manh mún nữa, mà là một CỤM.
– Nó phát sinh từ ý tưởng mang tính chiến lược: Sân Đám không chỉ là sân đám tang, mà bao gồm cả khu Thổ mộ (Tanưh Paywa), chỗ Thiêu (Libik Cuh), và có thể tiến tới Lò thiêu ở tương lai.
– Riêng Sân Đa Năng, nó mang tính tổng thể: Sân đám chính, các khu phụ như Danauk Hơng, Aduk Ong Taha, nơi Chức sắc nghỉ ngơi, nhà Bếp, nhà Kho, Toilet, Toàn bộ khung giàn và cả Dụng cụ phục vụ đám. Có thể nói, Sân Đa Năng chu toàn hết 90% phần cơ sở vật chất thay cho chủ gia.
– Tầm vóc đó cần đến kinh phí tương đối, một Ban Tổ chức uy tín, cố kết, nhiệt tình, công tâm và nhất là – kiên trì, là thứ Cham hay bị hao hụt; cuối cùng, điều không thể thiếu: sự đồng lòng của bà con Chakleng.

3. Tất cả gom lại, tôi mới kêu ĐẦU TIÊN.
Nhưng “đầu tiên” để làm gì, nếu ý tưởng và hành động đó không tác động đến xung quanh? Nêu nó ra, xiển dương nó trên không gian mạng, trong cộng đồng không gì hơn một khích tướng các palei khác, nhân vật khác cùng học tập [nó & khác] làm nên những cải cách, để Cham Ahier Awal… tồn tại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *