HỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIER-AWAL 21.

Các câu hỏi chưa có lời đáp

Trăm năm sống xen cư và cộng cư, hôn nhân Cham Việt xảy ra, là điều bình thường; không bình thường là ở chuyện chết. Mà văn hóa Cham, như tôi từng nói, có một sức mạnh nội tại khó bị đánh đổ hay đồng hóa trong một sớm một chiều.
Vấn đề nảy sinh từ đó.

1. Sinh linh Cham mất, khi chôn người Cham không dùng đến quan tài…
Cham [bên A] lấy vợ Việt [bên B] sống xa quê (atah palei karei angan), mất, thi hài lưu tại quê xa 3 ngày sau mới chở về palei. Ở đây 3 trường hợp xảy ra:
– Thầy Kalơng tháo quan tài để làm lễ tẩy uế: thi hài bung ra – dù rất khó coi, với [bên A] thì không sao; còn [bên B] – hiểu, và chấp nhận nhưng vẫn thấy rất đau.
(Ta có thể tẩy uế ngay trên quan tài, mà không cần mở áo hòm, có được không?)

– [Bên A] không cho [bên B] đóng nắp quan tài; khi quan tài được đưa về palei, do chết “không lành” nên lễ tẩy uế được thực hiện ngoài trời và ngoài làng. [Bên B] không được chuẩn bị trước về tinh thần để biết tập quán [bên A], cảm thấy sốc và, vấn đề xảy ra.

– [Bên B] khá hiểu phong tục [bên A] nhưng quyết làm căng, không cho tháo quan tài mà buộc [bên A] phải chôn cả khối. Chồng tôi, bố tôi tôi có quyền, họ hàng không được xen vào đây.
Chồng tôi, bố tôi tôi có quyền… – Đúng! Nhưng chỉ đúng với ai [cả với pháp luật] thì được, còn với Cham thì khác cơ. Tục ngữ Cham nói: Athơl bha urang, talang bha drei/ gơp: Phần thịt về người (vợ con), phần xương về họ hàng (Sống, dùng sức lực phụng sự người ngoài, chết – mang thi hài về cho gia đình mình, họ hàng mình).
Nữa, không cho tháo quan tài, thì đến bao giờ thần Đất mới tiêu “thịt” cho hết, để cải táng làm đám thiêu đây?

Làm thế nào? Biết trước, ngừa trước để đả thông tư tưởng là rất quan trọng.
“Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, – Bạn phải nói cho bà xã tương lai biết rõ Cham là thế, được thì ta sống với nhau, không thì thôi nhé, em đi đường em tôi đường tôi. Sau đó, bạn phải biết “dạy con từ thuở còn thơ” nữa, để chúng nó hiểu mà chấp nhận.

2. Trường hợp khác. Nếu bạn đã “dạy” và [bên B] đã thuộc bài… thì đây:
– Vợ và con cái bạn xin được chôn bạn ở quê xa, hẹn dăm mười năm sau “em sẽ trả lại phần xương về” để họ hàng làm đám thiêu vô Kut. Nhưng rồi đúng hẹn, [bên B] bội tín, không cho về: Hốt hết đi thì còn đâu dấu vết chồng, bố tôi cho tôi giỗ tháng, giỗ năm! Trong khi ở quê nhà tối tối bạn cứ về đòi ăn, khiến người họ hàng điên đảo.
Lẽ nào lôi nhau ra tòa. Mà tòa nào có thể xử? Xử sao cho phải nhẽ! Nếu làm căng quá, [bên B] thắng là cái chắc.

– Bạn biết mình sắp gần trời xa đất, bạn làm cái tờ di chúc:
Tôi tên là… Cả đời tôi đã cống hiến hết phần “thịt” cho sự nghiệp vợ con… Nay… khi tôi vừa nhắm mắt, vợ con tôi hãy trả “xương” tôi về ngay quê nhà, để thân tôi tạm gửi thần Đất, sau đó tôi được lên giàn lửa… Đây là khoản tôi gửi tiết kiệm đủ xài… Chớ ngâm tôi lâu ngày hòng kiếm chác từ người thuộc cấp hay làm khổ bạn bè, bà con mà chi…
Thế là họ hàng cầm tờ di chúc kia hối hả lên xe đi ôm khối vàng (kaya amưh) kia về mà lễ, mà đám theo kiểu mình. Không tiện và thỏa cả đôi đường sao!

[Lưu ý. Vài ví đụ đưa ra đây có thể trùng hợp với trường hợp cụ thể nào đó, xin nhớ cho là, ở đây tôi nêu lên thực thế để tìm cách giải quyết vấn đề, chứ không ý định chê bai hay phê phán – Karun!]

*
Qua đời, ngoại trừ giới chức sắc tôn giáo, hầu hết sinh linh Cham được chôn cất không xài đến quan tài…

1. Về giới chức sắc Ahier, người ta rơk lanaung (đục cho cái hòm), và sau khi tắm rửa sạch sẽ, thi hài được đặt vào và đậy nắp lại. Tuyệt đối không cho bộ áo quàn người mất thuộc đẳng cấp này chạm đất.
Còn lại tất tần tật sinh linh Cham thì, tùy nghi và ngày càng tùy tiện.
Xưa, khi chưa có phong trào Đam Thu (đám khô) do Chakleng khởi động từ 1990, gặp trường hợp đặc biệt, người mất được dựng rạp để cả tháng đợi ngày lành mới làm lễ thiêu. Còn thì tất cả đều được dành 3 ngày rưỡi: Thứ Tư đến hết sáng thứ Bảy là xong, khi lễ hỏa thiêu hoàn tất; hoặc đám lên vào Chủ Nhật, để sáng thứ Tư thiêu. Cũng có trường hợp thời gian bị rút gọn còn 2 ngày, miễn là đủ lễ!
Chuẩn và đại trà là vậy, còn cá biệt cũng nhiều vô số.
Riêng Đam Thu, thời gian từ sinh linh Cham tắt thở đến lúc mang đi nhờ Thần Đất giữ tạm không quá 24 tiếng đồng hồ.
Chính ở đây, Chủ nghĩa Tùy tiện Cham phát huy tối đa đặc tính của nó.

2. Người Việt quan niệm ngày chết là quan trọng nhất (?), thế nên từ khi ông/ bà mất đến lúc đưa quan tài xuống mộ, là thời gian bà con họ hàng, bạn bè gần xa đến thăm viếng, bên cạnh phúng điếu, để chủ gia “gom tiền” [xin hiểu cả nghĩa tốt và xấu].
Còn Cham Ahier, khoản này ở thời gian làm Đám Thiêu.
Vậy thì làm thế nào để quan lớn Cham “gom tiền” bà con hay thuộc cấp Việt, khi quan niệm khác nhau thế? Đã xảy ra cuộc phá lệ: Tang gia quyết cất thi hài lâu hơn trong nhà! Dù tục Cham không chịu, nhưng ông là quan to, có nói cũng chả tới đâu.
Có quyền làm thế không?

3. Cham với Cham là vậy, còn Cham lấy Việt, khi [bên B] chấp nhận cho bên [A] về quê ngay thì sao? Chôn ngay trong 24 tiếng đồng hồ như tục Cham, hay phải ngâm 2-3 ngày theo lệ Việt? Bố/ chồng mình vừa nhìn thấy đó, vài tiếng sau đã nằm dưới đất sâu, ai mà chẳng đau! Vậy, làm thế nào?
Rồi cả chuyện tắm rửa thi hài nữa?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *