THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIER-AWAL

Chuyện ngoại vi. Học kinh nghiệm nào từ Chakleng? 02

Thế hệ nào Chakleng cũng sở hữu Mạnh thường quân của mình. không tiền nhiều thì tiền ít, không có của thì góp công.
1. Ông Hà Văn Đậy dân Hamu Tanran lấy vợ Chakleng kể, Sân Bóng đá Chakleng năm 1958 mới kì công. Chỉ sau tiếng hô hào, Bà Huỳnh, bà Kwah rồi bà Nhơn hiến đất rẫy; tất tần tật người Chkleng có sức ra công, để có được sân bóng hoành tráng đầu tiên của Cham Panrang thời ấy.
– Có phải đầu tiên không? – Tôi hỏi.
– Đầu tiên, – chú khẳng định.
Có mới, ta không nới cũ. Hệ thống nước sạch, hay Hệ thống điện trước đó, Chakleng sở hữu Mạnh thường quân kiểu khác, để làng có điện nước đầu tiên.
Danauk Po Riyak, Chakleng có vài Mạnh thường quân, dân làng đóng góp một ít.
Thang Po Nai ở núi Chà Bang ta lại nảy ra một Mạnh thường quân không chỉ cho Chakleng mà cho Cham cả khu vực.
Hôm nay Sân Đa Năng, ta cũng không thiếu Mạnh thường quân chơi đẹp.
Và thành công lớn.

2. Dẫu sao, không phải gì Chakleng cũng ngon! Xin kê khai 2 vụ thất bại to.
Vụ Nhà Văn hóa Thôn Mỹ Nghiệp năm 2000 được Nhà nước đầu tư [có thể cũng là một trong vài làng đầu tiên của Cham; như Hợp Tác xã Nông nghiệp, bên cạnh Phước Nhơn – Chakleng được Nhà nước chọn là một trong hai HTX thí điểm], Và đầu tư lớn.
Thế nhưng, do Chakleng không làm chủ đồng tiền kia, nên “âm thanh, ánh sáng” chở về chỉ toàn đồ dỏm, second hand, chưa đầy năm dùng đã nát bấy.

Trước đó một năm: 1999, vụ Hệ thống nước sạch & Nhà Mẫu giáo làng lại thảm hơn.
Tiền là do bà xã tôi Inrahani xin Sứ quán Canada được 350 triệu. Món tiền kia thời ấy, chớ đùa! Qua bao nhiêu gập ghềnh, tiền mới chuyển vòng sang Hội Phụ nữ Tỉnh.
Về Hệ thống nước sạch, Chakleng “nối mạng” với hệ thống nước từ Phú Quý xuống, thì ổn. Chớ Nhà Mẫu giáo mới buồn [cười!].
35 triệu được sớt qua khoản này. Tôi mách Hani kêu: Ai cầm tiền cũng được, ai thầu cũng xong, miễn phải có 2 con dân Chakleng giám sát. Có thế mà “trên” không chịu, cứ làm. Nhà thì tạm, còn cầu tuột, xích đu, với cái bập bênh thì toàn lòon xèeng đồng nát đâu mang đến. Các cháu Chakleng chơi nửa năm rồi vứt.

Hai thất bại này là lỗi từ đẩu đâu, chớ không phải do dân Chakleng!
Vụ này tôi có kể ở tiểu thuyết Hàng Mã Kí Ức, 2011 xin trích hầu bà con:

“Nhưng vụ nước sạch Chakleng mới hãi. Từ buổi chiều Hè năm 1995 Hani dẫn ông Tây Mc Murdo đi dọc đường mương Nhật về làng tâm sự nỗi “dân quê Chăm đang dùng thứ nước này vừa để tắm rửa, nấu ăn và cả uống” khiến ông Tây kinh hoàng, đến bức Thư trả lời của Phó Chủ tịch Tỉnh gởi ông Jeff Mc Murdo ngày 7-12-1996, sang thư Giới thiệu đơn vị quản lí dự án viện trợ của Canada tại thôn Mỹ Nghiệp do Chủ tịch Tỉnh kí ngày 20-1-1997, để đến ngày cuối cùng khi dự án hoàn thành là cả câu chuyện li kì gay cấn.
Hani từ Sài Gòn đón xe về quê nghe Ban quản lí thôn kể khổ để xin dự án, anh Trưởng thôn mang cả bản Báo cáo [đẹp và sướng] từ cuối năm ngoái ra đọc trước đại diện Sứ quán Canada. Cái ông Murdo này chả hiểu mô tê gì, quay sang hỏi Hani, Hani cũng không hiểu quý quan cấp thấp nhất tổ chức hành chính này đang họp hành gì nữa. Cuộc hành hạ nhau kéo dài gần tiếng đồng hồ mới chịu kết thúc để Hani giao hồ sơ dự án.
Hồ sơ đó được gởi đến Hội Phụ nữ tỉnh rồi tiếp tục số phận nằm phủ bụi. Thời hạn ông Murdo làm việc tại Việt Nam sắp mãn, mà dự án vẫn cứ bị ngâm. Anh Ngư Thanh Hướng vừa được ngồi ghế Trưởng thôn. Hani lần thứ chín về làng quyết làm cuộc đốc thúc cuối, bởi tôi bảo:
– Thôi em thả nổi nó đi, cực quá đỗi mà chả tới đâu.
Hani một mực cương tới cùng, kéo luôn anh Dương Tấn Ngọc anh họ tôi đương Trưởng Trạm Thủy nông Huyện vào cuộc.
Sau Tết 1998, ông Murdo hẹn chia tay tôi tại một quán nước ở đường Đồng Khởi – Sài Gòn, để quy hồi cố hương. Râu quai nón rậm, đẹp trai với đôi mắt buồn.
– Perhaps one day I can make a visit to My Nghiep and hopefully see a Canadian contribution to the village. I hope so. – Ông nói.
Thế mới biết danh dự của Tây. Ông vẫn thư liên tục cho tôi và Hani, cho đến khi tôi chụp vội mấy tấm ảnh công trình Nhà Mẫu giáo với mấy vòi nước sạch gởi nhanh cho ông vào tháng 7-1999, ông mới Thank you. Tôi nghe rõ ông vừa buông một tiếng thở dài!”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *