Một cộng đồng, hay lớn hơn: một dân tộc chia sẻ chung kí ức: kí ức được ghi chép, và cả kí ức truyền khẩu. Dẫu xa cách về mặt địa lí, tôn giáo hay ý thức hệ, khi kí ức được chia sẻ càng sâu đậm thì tính cố kết cộng đồng/ dân tộc càng cao, bền.
Kí ức xa như kí ức lịch sử, như kí ức về Po, Cei, Bia được xướng tên trong các lễ Rija; kí ức gần như các sự kiện xã hội ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng, những nhân vật được nhiều người trong cộng đồng biết đến, ít hay nhiều tạo thành lối nghĩ của bộ phận người trong cộng đồng ấy.
Kí ức không được nhắc lại thường bị lãng quên, mờ nhòe đi, hay bị thay đổi, bẻ cong – thậm chí, bị mất. Do đó, chúng cần được kể lại, được nhiều người trong cộng đồng kể lại càng tốt. Có thể khác biệt ở tiểu tiết, nhưng nhất quán ở tinh thần chung. Nhân vật Po Rome chẳng hạn, mỗi Rija được Ong Mưdwơn kể mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, nhưng cốt tủy câu chuyện về con người Ngài vẫn không đổi.
URANG CHAM cũng là một cách kể lại.
Kể lại qua tiếp cận của tôi, kí ức của tôi, ngôn ngữ của tôi. Thế nên, mỗi bài được thể hiện mỗi cách, mỗi văn phong khác nhau. Có vị xuất hiện trong một bài ghi thân thế và sự nghiệp, có người được nhớ như những mảnh ghép của các phân mảnh rời, có nhân vật có mặt chỉ ở một vài khoảng sáng nào đó của đời người, và cũng có tên tuổi được ghi thoáng qua trong sẻ chia chung kỉ niệm với người kể…
Nghĩa là tùy hứng và linh hoạt, cho dù hồ sơ cá nhân của họ được tôi sưu tầm và ghi chép đủ đầy. Nhưng kể, thì hoàn toàn khác.
Các nhân vật đã được giới thiệu: 1. Bố Xuân Hổ – 2. Ja Mrang – 3. Qua Thị Hồng Loan & Chế Quốc Minh – 5. Đàng Năng Quạ – 6. Fatimah – 7. Lưu Quý Tân – 8. Châu Văn Mỗ – 9. Đàng Năng Thọ – 10. Amư J’Klủn – 11. Chế Linh – 12. Nại Thành Viết, Huyền Hoa, Jalau & Panrang – 15. Phú Thị Mở – 16. Nguyễn Văn Tỷ – 17. Qua Đình Lang – 18. Sử Văn Ngọc – 19. Lưu Quang Sang – 20. Phú Thị Mận – 21. Ngụy Văn Nhuận – 22. Inrahani Thuận Thị Trụ – 23. Lâm Nài, Nguyễn Ngọc Đảo, Quảng Đại Hồng, Bạch Thanh Chạy – 27. Amư Nhân – 28. Tantu
Sẽ còn tiếp vào những ngày tới.