Xã hội Chăm hôm nay & Tương lai cộng đồng (2/4)

Vấn đề2. Bệnh thế kỉ HIV trong Chăm & vấn đề giáo dục sức khỏe cộng đồng.

Đây là căn bệnh xã hội, lây lan và tác hại khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng và tương lai nòi giống. Pháp luật Việt Nam không cho phép công khai thông tin về lí lịch bệnh nhân, nhưng trong xã hội Chăm mẫu hệ đầy nề nếp của chúng ta, căn bệnh này đã bị lây lan vào rồi. Không thể tránh!
Và nó sẽ không chừa trừ ra một ai cả, đủ thành phần, mọi lứa tuổi.
Thanh niên mới lớn chơi bời qua đường, dù chỉ một lần, cũng có thể mang họa. Và người yêu của anh chàng, đâu ngờ, nếu chiều chàng – chắc chắn sẽ bị vạ lây. Ai sẽ trách nhiệm giáo dục tình dục cho họ? Trong khi truyền thống chúng ta chưa được trang bị kiến thức tối thiểu này.
Tình dục trước/sau hôn nhân – Trung quốc mới ra bộ luật về bắt buộc 2 người trước khi thành hôn, phải qua cuộc kiểm tra an toàn HIV. Còn Việt Nam, bao giờ?

Tháng 12.2006 về quê, tôi có thông tin cho các trí thức trong làng về vấn đề này. Họ trố mắt ngạc nhiên, như thể là căn bệnh miễn dịch cho Chăm vậy. Nhưng không! Chúng ta phải hành động ngay bây giờ, hoặc không bao giờ nữa.
Tôi có anh bạn bác sĩ, vừa đi tập huấn về HIV tại Thái Lan; nhưng mấy tháng qua chưa thấy triển khai gì cả. Tại sao? Lâu nay ta hay có tâm lí đợi chính quyền, cả những việc cấp bách nhất! Hãy hành động đi thôi, vì cộng đồng chúng ta. Ngăn chặn HIV như ngăn cháy nhà từ đường vậy.

Sara lấy ví dụ: vào năm 1990, trong 8 tháng làm thư kí Hội Bảo thọ Mĩ Nghiệp (mới 33 tuổi đầu mà đã làm Bảo thọ, đúng là già háp!), chúng tôi đã làm bao việc có ích. Châu Văn Mỗ làm Hội trưởng, giai đoạn khó khăn đó, tôi đã có 2 cuộc nói chuyện trước 30 trí thức Chăm (từ 4 làng) về ngôn ngữ Chăm, ông Quảng Đại Hồng nói về “Đam thu” Chăm Ahier (từ đó Chăm mới phá lệ làm “Đam that”), và quan trọng hơn cả là Hội tổ chức cuộc họp các chức sắc Chăm Ahier từ các nơi về bàn thống nhất lịch (Chức sắc nhất trí, trí thức soạn thảo chương trình vào Parik, Kraung làm nhiệm vụ thuyết giáo, lịch Chăm cơ bản thống nhất từ đó, chỉ qua một cuộc họp rất tự phát). Mà đấy chỉ là một sinh hoạt của hội nhí của địa phương: Hội Bảo thọ Caklaing!
Khi chúng ta làm việc bằng nhiệt tâm và tinh thần trong sáng vô tư, không trở ngại nào mà không thể vượt.
Các bạn trẻ có tin vậy không!?

*
Vấn đề3. Thanh niên lêu lổng kéo phe đánh nhau: Chăm/Kinh, Chăm/Chăm.

Hiện tượng: Về vụ Kiều Minh Vũ ở Thành Tín năm 2006, tôi được các bạn Chăm ở Thành Tín thông tin cập nhật từng sự biến nên nắm rất vững. Tôi đã có 7 bài viết trên Ilimochampa.org, phân tích khá kĩ nguyên nhân và cách giải quyết. Tôi gợi ý anh em trí thức Chăm các nơi cùng tham gia bàn thảo, để tìm giải pháp thỏa đáng. Nhưng hầu như chưa có phản hồi đáng kể.
Một vụ lớn, hậu quả nghiêm trọng và lâu dài. Chuyện chắc chắn sẽ kết thúc ở tòa án, nhưng cái đuôi của nó vẫn còn lại. Hậu quả lâu dài nguy cơ kéo theo nhiều vụ khác, là điều không thể tránh. Sự thể đã xảy ra đúng như thế!
Ngày 4.02.2007 vừa qua, một vụ tương tự lại bột phát giữa nhóm thanh niên Chăm Tuấn Tú và Kinh An Thạnh. Lại kéo phe nhóm, có đến 60 người nhập cuộc. May lực lượng an ninh đến kịp, giải tán và giải quyết. Nếu không, nó sẽ dẫn đến đâu thì không ma nào biết được! Đó là Chăm với Kinh.
Cũng cách đây vài tháng, thanh niên Bauh Bini uống rượu đánh nhau dẫn đến án mạng; hai họ kéo nhau làm dữ nhưng rồi chuyện êm thấm. Đó là Chăm với nhau!
Liên tục như vậy. Và còn tiếp diễn…

Tôi rất mong trí thức Chăm cùng các nhà chức trách các cấp thật lòng ngồi lại với nhau, thảo luận vấn đề tới nơi tới chốn. Chứ đừng qua loa, như trước đó đã từng. Chỉ vậy thôi, chúng ta mới hóa giải được mối quan hệ phức tạp này, từ đó mang yên lành đến với cuộc sống bà con ta.
Riêng có việc vài vị Chăm có học, khi gặp sự cố, vội lặn đâu mất tăm, ngay cả góp vào một tiếng nói cũng không dám; nhưng sau đó, khi sự việc đã qua họ mới đưa lời phê phán hay chỉ trích này nọ. Thái độ vô trách nhiệm ấy thật không đáng cho bọn trẻ con cười!

Nguyên nhân:
Giáo dục nề nếp văn hoá dân tộc không có, chỉ thu hẹp trong phạm vi gia đình, ở rất ít gia đình. Gần nửa thế kỉ qua, không còn gia đình Chăm nào dạy Ariya Patauw Adat hay Muk Thruh Palei cho con cháu nữa. Trường học bây giờ thì chỉ cung cấp kiến thức, ngoài ra không gì cả. Mô hình Trường Pô-Klong tuyệt vời khi xưa cũng không còn!
Các làng Phước Nhơn, An Nhơn, Thành Tín,…cha mẹ đi các tỉnh xa bán thuốc nam tìm sinh nhai; tiền thì có về, nhưng người lắm lúc phải 3-4 tháng mới quy hồi cố hương một lần. Hoàn cảnh sống buộc bà con mình như thế, vậy ai trách nhiệm giáo dục, kiểm soát con cháu mới lớn, hàng ngày? Trong lúc xung quanh bao nhiêu là tệ nạn dễ lôi cuốn thế hệ trẻ lao vào…
Rồi gần mươi năm qua, thanh niên Chăm túa vào các thành phố lớn làm trong các công ty, xí nghiệp. Có tiền, họ về quê, ngoài giúp đỡ gia đình với cái hay cái đẹp học được ở xứ người, cạnh đó có vài điều không hay đi theo họ về miền quê thanh bình, ai sẽ kiểm soát? Tuổi thanh niên lại là tuổi đua đòi, háo thắng và muốn thể hiện mình bằng các hành vi “anh hùng”…Hậu quả thì không thể lường được!

Xung đột mang tính cá thể giữa thanh niên lêu lổng, nếu Chăm với nhau thì không sao, nhưng khi là khác tộc, sự vụ được đẩy sang xung đột sắc tộc nhuốm màu sắc chính trị. Chuyện Kiều Minh Vũ là ví dụ điển hình, gây đau lòng cho gia đình và bức xúc cho mọi trí thức Chăm. Còn bao vụ khác nữa!
Cách nay 12 năm, tôi đã nhìn thấy việc đó và cảnh giác:
“Còn hiện tại, hai tộc Kinh – Chăm sống xen cư và cộng cư trong một vùng hay một plây thì xung đột ngày thường chắc không thể tránh khỏi. Đó là các mâu thuẫn mang tính cá thể, và không nên mặc màu áo chính trị cho nó trong bất kỳ tình huống nào. Sự thành tâm và bình tâm của cả hai bên cũng như tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương sẽ nhanh chóng giải quyết thỏa đáng vấn đề” (trong Các vấn đề văn hóa-xã hội Chăm).

Cách giải quyết:
– Giáo dục phải được đặt lên hàng đầu: trước đây thời bao cấp còn có sinh hoạt Đoàn, nay thì mục này gần như bỏ trống.
– Học tập pháp luật, ngay yếu tố này cũng còn khoảng rỗng tai hại: lứa tuổi thanh niên nông thôn cả Kinh lẫn Chăm hầu như không ai ý thức về pháp luật là gì cả!
– Chính quyền địa phương cần phản ứng kịp thời, nhưng điều thiết yếu hơn cả là thái độ vô tư khách quan, công bằng trong xử lí tình huống. Sau đó mọi kết luận cần thông báo cho bàn dân thiên hạ biết, tránh che giấu thông tin gây ấm ức cho cả hai phía. Chính điều cuối cùng này tôi đã nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại với cơ quan các cấp.
Nếu chính quyền không kịp thời, không vô tư khách quan và công bằng trong xử lí tình huống thì hậu quả không thể lường được. Thiệt thòi cho bà con và thiệt hại cho đất nước.

*
Vấn đề4. Hàng chục ngàn thiếu nữ Chăm rời xa làng đi vào thành phố làm nghề: họ đang và sẽ ra sao?

Chăm thuộc chế độ mẫu hệ. Có thể có vài điều chưa hợp lí ở chế độ gia đình này, nhưng chính nó đã giữ cho xã hội Chăm tránh bị đổ vỡ, trong suốt thế kỉ XX đầy biến động. Chưa hề có chuyện đĩ điếm hay ăn xin với các thứ tiêu cực khác. Nếu chẳng may có hiện tượng đó, chính dòng họ mẹ Kut hay Ghur của cô/chị sẽ đi tìm về, sẵn sàng nuôi nấng phục dịch cô/chị nếu họ bị tật nguyền, neo đơn.
Đó là chuyện ngày xưa. Nhưng khi môi trường xã hội nông thôn bị phá vỡ, tất cả đã/sẽ đổi khác. Và thay đổi rất nhanh. Nó không chừa bất kì khía cạnh nào, đối tượng nào.

– Trước kia, rời xa làng ra đi học/kiếm sống là thanh niên, đàn ông; nay ngược lại. Chị em, dù tâm lí không muốn rời nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng vì sinh kế, họ phải đi xa. Làm ở công ty, 70% là công nhân nữ. Caklaing được cho là làng nền nếp có hạng, nhưng hiện nay tìm thợ dệt thổ cẩm rất khó khăn. Năm 2005, riêng xã Phước Nam cho biết: 800 thanh niên xin tạm vắng (đó là chưa kể những người không xin phép), năm nay con số lên đến 1.200 người! Thành Tín thì khỏi nói rồi: anh chị em ta vào Đồng Nai từ gần 10 năm nay.
– Thành quả mang lại thấy rõ: chị em có tiền gởi về quê giúp em đi học, đỡ ngặt cha mẹ già yếu, tăng thu nhập gia đình. Cuộc sống thay đổi thấy rõ. Và nhất là thanh niên Chăm đã trui luyện ở môi trường thành phố, biết tự lập và khôn lớn hơn rất nhiều. Đây là điều rất đáng mừng và khuyến khích.
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng xảy ra vài trắc trở cũng từ chính môi trường mới đó. Ví dụ nhạy cảm hơn cả là: tình yêu khác tộc xảy ra giữa thiếu nữ Chăm và thanh niên Kinh. (Xin mở dấu ngoặc: đây không phải là vi phạm quyền cá nhân hay phân biệt Chăm/Kinh, mà là nêu hiện tượng và phân tích mang tính xã hội). Lâu nay, người nam Chăm yêu và thành lập gia đình với nữ Kinh là chuyện bình thường – không vấn đề gì cả. Nhưng hôm nay, không ít hiện tượng ngược lại. Như thế, các gia đình, họ hàng, bà con lối xóm Chăm đã chuẩn bị tâm lí đón nhận trường hợp này chưa? Chưa gì cả!
Do đó, không kể trường hợp yêu qua đường, gần 20% khi vấn đề hôn nhân được đặt ra, bị cha mẹ bên Kinh (cả bên Chăm) ngăn cấm, số còn lại rất ít mới được đi đến hôn nhân. Nhưng các cuộc hôn nhân này sẽ đi về đâu? Chuyện nghe mà rơi nước mắt: cô gái lầm lỡ kia mang bầu về quê, ngày nhập viện sinh em bé, điện thoại cho anh chàng người yêu biết, anh chàng trả lời tỉnh bơ: có bầu thì đẻ chớ, báo cho tui biết làm chi!?

Bản thân thiếu nữ Chăm cũng chưa được chuẩn bị tinh thần cho vấn nạn đó. Họ sẽ trôi về đâu? Tôi đã đặt ra câu hỏi này vào năm 2003, trong bài “Người Chăm Panduranga tại thành phố Hồ Chí Minh”:
“Thay đổi xảy ra quá nhanh, gần như vượt thoát khỏi tưởng tượng hay tầm với đến nỗi chúng ta như bị đột ngột đẩy vào một lộ trình xa lạ, bất trắc. Đến hôm nay, thực sự chúng ta chưa trang bị đầy đủ tinh thần để chịu thử thách đó. Đi vào Sài Gòn tự phát và chủ yếu trông vào may rủi.
Từ đó nguy cơ thất bại là rất lớn. Ngay cả khi thành công, cám dỗ vật chất cũng dễ lôi kéo chúng ta sa vào lối sống tiêu cực tai hại. Đã có vài hiện tượng một, hai cô gái Chăm quê mùa đứng quán bia vài năm qua, ai biết điều gì sẽ xảy ra với họ. Hậu quả nguy hại khác rất dễ xảy tới là chúng ta mang lối sống mới tiếp nhận chưa được tiêu hóa từ vùng đất lạ, văn hóa lạ nhập địa phương, từ đó mâu thuẫn, va chạm xảy ra là tất yếu.”

Nhưng cũng có lối thoát nhỏ: Chăm biết đăng kí lao động ở nước ngoài. Riêng Caklaing đã có 6 người hiện làm việc tại Mã Lai, năm nay sắp đi 5 người nữa! Cực, nhưng đã thấy le lói chút ánh sáng.
Đó chỉ là một giải pháp trước mắt; lâu dài thì thế nào?

__________
Chối bỏ hay quay lưng lại với một hiện tượng xã hội thì không gì dễ hơn là đi vào lòng xã hội để tìm hiểu hiện tượng đó.
Nỗ lực làm ra tác phẩm nghệ thuật thì khó vạn lần hơn phát ngôn chê bai tác phẩm nghệ thuật.
Vạch lá tìm sâu để phê phán công trình khoa học thì không gì dễ hơn bỏ công xây dựng một công trình khoa học.
Và cuối cùng, ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương
.
Inrasara.

__________

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *