Xã hội Chăm hôm nay & Tương lai cộng đồng (1/4)

* Chối bỏ một hiện tượng xã hội không gì dễ hơn đi vào lòng xã hội để tìm hiểu hiện tượng đó.
* Nỗ lực làm ra tác phẩm nghệ thuật thì khó vạn lần hơn phát ngôn chê bai tác phẩm nghệ thuật.
* Vạch lá tìm sâu để phê phán công trình khoa học thì không gì dễ hơn bỏ công xây dựng một công trình khoa học.
* Và cuối cùng, ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương
.
Inrasara.

__________________

Vào đề…

Tôi đang làm cuộc khảo sát mang tính toàn cục xã hội Chăm và các vấn đề của nó. Các vấn đề nổi cộm và nóng nhất của cộng đồng trong xu hướng toàn cầu hóa, khi Việt Nam hội nhập WTO và nhất là, khi cơ cấu xã hội nông thôn Chăm bị phá vỡ. Các vấn đề đặt ra cho hôm nay và hướng mở đến tương xa gần và xa. Đó là:
– Khủng hoảng kinh tế nông thôn: đâu là lối thoát? Và hiện tượng một số hộ làng Bauh Dơng lên núi ở.
– Tình trạng nghệ nhân Cham tản mác các nơi phục vụ ca-múa-nhạc.
– Hàng chục ngàn thiếu nữ Cham bỏ làng đi vào thành phố kiếm việc làm: cuộc sống của họ đang và sẽ ra sao?
– Các nhóm thanh niên lêu lổng kéo phe đánh nhau: Cham/Kinh, Cham/Cham, thử tìm nguyên nhân và hướng giải quyết.
– Nạn ăn cắp vặt và vấn đề an ninh trật tự thôn làng.
– Bệnh thế kỉ HIV đang ngấp nghé vào trong xã hội Chăm; vấn đề giáo dục y tế cộng đồng.
– Nạn hiếp dâm ở mức nghiêm trọng tại Ninh Phước (cả Kinh lẫn Chăm) giai đoạn qua!
– Tên Trường Pô-Klong, tại sao phải giữ? Vấn đề trường tư thục của/cho Chăm.
– Bùng nổ người tàn tật và neo đơn: ai giúp họ?

Vừa qua về quê, tôi có hỏi một sinh viên mới tốt nghiệp đi nghỉ Tết: nạn mất gà của làng ta đã bớt chưa? Anh cười cười: cháu cũng chả biết nữa chú Sara ạ! Tôi hỏi cô sinh viên khác, vẫn cái cười đó, nhưng cô hỏi lại tôi: tại sao nhà văn như chú lại quan tâm chuyện mất gà? Tôi bảo: không gì thuộc về con người lại xa lạ với nhà văn; hắn phải tìm hiểu tất cả những gì xảy ra quanh mình. Chú còn biết nạn trộm xoong chảo tận vài làng xa xôi khác nữa là!

Một hiện tượng xã hội nào bất kì, là một sự phát triển tự nhiên. Nó xảy ra theo quy luật nào đó hay chẳng theo một quy luật nào cả. Có thể nó làm cho chúng ta phiền muộn, sợ hãi hay vui thích. Nhưng thái độ cần thiết nhất là: phải học chấp nhận nó. Chấp nhận và tìm cách lí giải và hỗ trợ giải quyết, chứ không tố cáo nó sai lầm hay lên án nó, nhân danh khoa học hoặc hệ thống luân lí đạo đức nào bất kì. Nhơ thế sẽ không đi tới đâu cả!
Trong hoàn cảnh ấy, nó xảy ra như thế và, phát triển hay thoái trào như vậy. Bổn phận trí thức là tìm hiểu nó, dàn xếp nó và đưa nó vào chiều hướng có lợi cho cộng đồng.

Tôi đã có 200 trang tư liệu về các hiện tượng trên, trong xã hội Chăm 5 năm qua. Tôi nói với các sinh viên Chăm: tại sao các cháu mải mê với quá khứ, với “văn hóa” mà không chịu lăn xả vào xã hội hôm nay, tìm hiểu nó, say sưa với sự hiểu biết ấy? Nguyên tư liệu về xã hội của Sara thôi cũng đủ cho các bạn khai thác làm nên 3 luận án tiến sĩ! Tại sao chúng ta không đặt vấn đề nghiên cứu xã hội hôm nay, các vấn đề nóng nhất, tác động trực tiếp đến tồn vong của cộng đồng, mà cứ quanh đi quẩn lại với chuyện “văn hóa” xa vời, cao cả?

Năm ngoái, tôi đã đưa hàng loạt vấn đề này trên Ilimochampa.org, nhưng chưa nhận được phản hồi đúng mức. Nay xin trở lại. Tôi chỉ nêu một cách ngắn gọn. Và rất mong sự cộng tác của quý bà con anh chị em Chăm khắp nơi hỗ trợ. Chúng ta cần từ bỏ sớm chừng nào hay chừng nấy những cãi cọ quanh vấn đề “văn hóa” mà hãy trở lại với thực tế đời thường của cộng đồng. Chỉ vậy thôi chúng ta mới có cơ hội cứu thoát cộng đồng ra khỏi cuộc khủng hoảng toàn diện hôm nay.
Đây là chương trình lớn, ở cấp độ quốc gia; nếu tốt, bà con Chăm mình có thể đệ trình lên chính phủ giúp giải quyết cho cộng đồng. Nên, rất mong các bạn trẻ cộng tác.

Vấn đề1. Khủng hoảng kinh tế nông nghiệp: đâu là lối thoát?
– Đất ruộng ngày càng bị thu hẹp, số được cấp phát bị bán hay nhượng lại cho các hộ giàu, nên số hộ không còn đất canh tác tăng theo cấp số nhân.
– Một số người đặt hi vọng vào đất rẫy, nhưng đến nay nó hoàn toàn không cho thu nhập: rừng đầu nguồn không còn thì lấy đâu nước! Vậy là đất phì nhiêu mênh mông với cây trái mấy mùa bị thất bát liên tục! Hai ông bạn Sara đang chịu đựng thảm trạng này.
– Giá cừu ảo: từ 4triệu/con vào năm 2004 nay xuống còn 500.000đồng mà bán không ai mua; giá bò đực từ 8triệu rơi tự do xuống 4triệu, sau 2 năm nuôi! Gia đình tôi cũng bị. Có vài làng chịu thiệt hại rất nặng.
Nhìn chung, nông thôn Chăm thu nhập rất thấp. Đâu là lối thoát kinh tế nông thôn? Nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình của mỗi người.

Thử phân tích một hiện tượng: một số hộ làng Bauh Dơng lên núi làm ăn và ở:
Hơn 10 năm nay, bà con dân làng Bauh Dơng, rủ nhau sống trên vùng “kinh tế mới” cách làng 20km. Lên một cách tự phát. Trước tiên chỉ vài gia đình làm chòi tạm canh rẫy bắp, khoai,… Nhưng đến lúc này đã có hơn 100 hộ chuyển lên đó ở hẳn. Chính quyền địa phương chiều lòng dân, cũng đang lo trường học, trạm xá… cho con em.
Năm 2004, tôi nói với ông chú ruột cũng đang làm ăn trên ấy: 10 năm sau thôi, bà con ta lại đói mất! Hệt vậy, năm nay mới tháng Giêng thôi, ông chú đã bỏ núi về rồi: chú bảo trên ấy đang bị hạn nặng!

Đi tìm nguyên nhân:
– Thiếu vốn làm ăn: Chăm nghèo thì ai cũng biết. Dùng tiền bán đất tốt để làm nhà, phần còn lại đầu tư nuôi con học, làm ruộng, hay sắm một cặp bò là đẹp lòng rồi.
– Tâm lí cộng đồng Chăm lâu nay: cứ về hướng núi mà sống, chứ ít hướng chợ.
– Không thích sống gần người Kinh vì rất ngại có sự va chạm.
– Không quen buôn bán, nên nếu có đất cạnh đường cũng chưa biết khai thác.
Nhưng theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất và lớn nhất: là chúng ta chưa được trang bị TINH THẦN MỚI thích ứng với hoàn cảnh mới của phát triển xã hội. Nói to hơn là chưa sẵn sàng tinh thần và điều kiện cho kinh tế tri thức.

Chăm mình yếu nhất là ở VỐN. Chăm nghèo là chuyện xưa rồi, ai cũng vậy, than mãi cũng thừa. Nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa học biết tích vốn. Chăm mình có lòng tốt, biết lo xa. Những năm gần đây, không ít Chăm làm ăn hay làm việc có rủng rỉnh tiền, nhưng vì chưa có hướng phát triển lớn nên ta tiêu pha bất hợp lí. Còn bà con Chăm kiều, nếu gửi tiền giúp vốn cho gia đình mình làm ăn thì hay biết bao. Không phải giúp ăn tiêu hay xây nhà mà rất cụ thể: LÀM ĂN. Đừng nghĩ chuyện xã hội xa xôi: giúp cho gia đình mình thôi là đã giúp xã hội rồi.
Thay đổi lối nghĩ: đừng ỷ lại vào đất!
Làng Phú Nhuận, tại sao chúng ta không khuếch trương kinh doanh, thay đổi lề lối làm ăn. Vì ruộng đâu càng ngày càng bị thu hẹp, lên núi đất cũng không nhiều. Nếu cứ tập trung vào làm nông, chúng ta rất ít cơ may phát triển. Lệ thuộc quá nhiều vào khí hậu khắc nghiệt của Ninh Thuận, đủ ăn là may. Nếu có VỐN, Chăm có thể mở tiệm tạp hóa, xưởng may, tiệm Internet, đại lí phân bón ngay tại Phú Nhuận, và …. nhiều thứ khác có thể khai thác được. Bớt cơ cực và hạn chế tối đa rủi ro. Phục vụ cho cả Chăm mấy làng (5 làng là ít), và cả người Kinh nữa, nếu mình làm tốt. Từ đó nâng cấp làng mình thành cái thị trấn nhỏ.
Có bạn trẻ nào nghĩ chuyện đó chưa nhỉ?!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *