Xã hội Chăm hôm nay & Tương lai cộng đồng (3/4)

Vấn đề5. Tình trạng nghệ nhân Chăm tản mác các nơi phục vụ ca-múa-nhạc.

Các nghệ nhân ca múa nhạc Chăm đang tràn đi khắp nơi “biểu diễn”. Có thể phân làm các loại sau:
– Hoạt động chuyên hay bán chuyên nghiệp.
– Đi các cơ quan hay tổ chức làm thuê (xin hiểu nghĩa tốt): chỉ gồm hai ba người, như tại Mĩ Sơn, vài Nhà văn hóa Quận ở Sàigòn,…
– Hát múa (kèm với dệt thổ cẩm) tại các tụ điểm, khu vui chơi giải trí tư nhân: ở Mũi Né, sân khấu ngoài trời ở Sàigòn, Một thoáng Việt Nam,…
– Phục vụ cho vài Làng ẩm thực,…
Và biết đâu, một ngày không xa, vài cháu con còn hăng hái phục dịch cả trong các nơi chốn thiếu lành mạnh nữa!

Nhìn chung, các chương trình âm nhạc Chăm đều thu hút khách xem, nên lương được trả kha khá. Các khu tư nhân thì thiếu ổn định, anh chị em có thể mất việc lúc nào không biết, tùy vào thu nhập của quán hay tâm tính thiếu chuyên nghiệp của anh chị em Chăm mình nữa! Chương trình phục vụ thường là các điệu dân ca quen thuộc, tiết mục biểu diễn trống Ginang, Baranưng với Xaranai, múa cổ truyền và cả “múa Apsara” nữa. Ngoài hai Đoàn chuyên nghiệp được đào tạo có bài bản, còn lại các tiết mục mà anh chị em ta phục vụ ở các tụ điểm rất tùy hứng và không được đầu tư nâng cao hay biến tấu đúng mức.
Chưa có thống kê đầy đủ có bao nhiêu người đang hành nghề, bởi cũng có vài nhân vật vừa nằm trong biên chế Đoàn vừa tranh thủ thời gian rỗi đi ca múa tại các tụ điểm hay Khu vực tư nhân. Đó là chuyện tự nhiên: kiếm thêm chút đỉnh thu nhập. Có bác nông dân, sau một chuyến đi biểu diễn cũng rủng rỉnh tiền xài, giải quyết được ngặt gia đình giai đoạn ngắn, cũng là chuyện đáng khuyến khích.

Có nên lo lắng về hiện tượng này không? Theo tôi hoàn toàn không. Tốt nữa là đằng khác. Chớ nghĩ rằng họ đang bán văn hóa.
Chăm có năng khiếu nghệ thuật. Tại sao không phát triển năng khiếu đó? Hãy biến ca-múa-nhạc thành một nghề. Hãy biến sáng tạo văn học thành nghề của Chăm. Và nhiều thứ khác nữa. Hãy học tập người khác, học tập cha ông mình, nâng cao chúng. Biến chúng thành nghề chuyên nghiệp. Chứ đừng hái trái non: hành nghề một cách vội vã, tùy tiện hay cảm tính.

Vậy phải làm thế nào, để hướng hiện tượng này đi vào thực tế: vừa không rời xa văn hóa dân tộc vừa phát triển mang tính thực tiễn phục vụ đời sống? Ai sẽ làm chương trình này? Và làm như thế nào?

*
Vấn đề6. Nạn ăn cắp vặt và vấn đề an ninh trật tự thôn làng.

Ăn cắp từ dây điện [gây chết người] đến nồi niêu xoong chảo, từ ôm cỏ trồng (lúc đó cỏ và rơm cho trâu bò rất đắt) cho đến mấy chục con gà đẻ, các vụ chặn đường xin đểu… Tình trạng và mức độ ngày càng gia tăng. Ăn cắp, và có khi …ăn cướp. Giữa ban mặt ban ngày, bạn tôi bị lùa mất ba chục con gà thịt trong một trưa sơ ý. Hôm khác, mới chạng vạng tối, từ nhà cơm chiều về, nguyên mái ngói bị bóc mất: chuồng đã trống huơ trống hoác!
Ai mà còn hứng chí làm ăn nữa!?
Đối tượng có thể bị “chấm” hay chưa, nhưng rất hiếm kẻ phạm tội bị trừng phạt hay giáo dục, răn đe. Được nước, chúng cứ làm tới. Trước, có lực lượng du kích được Hợp tác xã cấp phát ruộng hay ăn công điểm còn lo chuyện này. Từ khi đất nước mở cửa, nhân dân làm ăn theo cơ chế thị trường, ví làng có bị cướp cũng không tìm đâu người đánh kiểng báo động! Hỏi chủ nhiêm Hợp tác xã, các anh bảo: ngay chúng tôi cũng không có đồng lương nữa là! Ôi, vậy phó mặc sao?

Các chuyện tưởng chả có gì to tát, nhưng hậu quả thì không ai lường trước được. Ví dụ: Cuối năm 2005, Caklaing bị mất cắp liên tục 6 chiếc xe đạp xịn. Mất cắp ngay trưa ngày, tại giữa làng nơi họp chợ. Mới lạ! Ban quản lí thôn bất lực. Thế là nhóm thanh niên rủ nhau theo dõi, bày binh bố trận chặn bắt cướp. Hai cha con người Kinh làng xa bị bắt quả tang và bị dồn đến giữa đường đồng, và được cho ăn đòn bè hội đồng tơi tả. Cả hai bị vất vào nằm nhà thương hai ngày đêm rồi trốn tịt. Thiết nghĩ: nếu có án mạng thì điều gì xảy ra? Lại kéo nhau làng này dây nhợ qua làng kia, oán thù cộng oán thù vô cùng tận…

Vụ nữa đau lòng và rất đáng quan tâm khác: loại máy gặt đa năng giá 150-200triệu/chiếc, có thể vừa gặt vừa làm sạch, mỗi ngày năng suất 10ha lúa, với 3triệu tiền công. Rẻ không ngờ. Qua một vụ, người đầu tư có thể thu hồi vốn. Hai bên cùng có lợi. Nó có khả năng làm cuộc cách mạng nhỏ ở nông thôn. Một người đã sáng kiến nhập về, nhưng đến mẫu thứ 20 thì – tắc. Các thợ gặt lén cắm cây sắt vào đám ruộng, thế là dao chặt bị gẫy, và tiêu đời cả trăm triệu vốn đầu tư!
Ai có lỗi trong vụ này? Và đâu là hướng giải quyết?

Tại sao không đặt vấn đề tổ an ninh làng xóm? Tổ dân quân này do dân và chính quyên hỗ trợ góp tiền trả lương. Trong vụ Kiều Minh Vũ, tôi đã nêu vấn đề này lên các cấp chính quyền: vẫn nín lặng. Các bạn có kế nào không? Hay cứ để bà con nghèo ta sống chết mặc bây?

*
Vấn đề7. Nạn hiếp dâm tại Ninh Phước giai đoạn qua!

Chuyện xảy ra liên tục. Hồ sơ vụ án hình sự loại này đầy ra và ngày càng dày thêm. Nghiêm trọng, bởi tính chất của nó: cha/con, hiếp dâm tập thế, hiếp dâm vị thành niên,…Tôi không muốn nêu cụ thể ra đây bởi chắc chắn nó gây tổn thương cho cha mẹ đối tượng và làm xót xa tất cả chúng ta. Đấy là tệ nạn mà nông thôn Chăm [sống xen cư với các làng Kinh] ngày trước tìm đỏ con mắt cũng không có. Nay, gần như không còn là chuyện hiếm hoi nữa.

Tại sao? Có thể đổ lỗi cho phim ảnh bạo lực, khiêu dâm. Cũng có thể nguyên nhân từ cơ cấu xã hội nông nghiệp bị phá vỡ và, vỡ quá nhanh khiến cộng đồng không ứng phó kịp, như tôi đã phân tích ở mục trước. Nguyên nhân còn ở trình độ nhận thức của bản thân người phạm tội nữa: họ không ý thức hết hậu quả họ phải chịu, nhất là trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Có ai giáo dục họ đâu. Giáo dục công dân chỉ mới được đưa vào nhà trường, trong khi giáo dục truyền thống gia đình thì bỏ trống. Vài chục năm qua, có ông cha bà mẹ Chăm nào còn giảng giải Muk Thruh Palei hay Ariya Patauw Adat cho con cháu?
Tôi đã được hỏi ý kiến về vấn đề này. Câu trả lời của tôi là: bế tắc!
Thê thảm vậy đó! Bà con và anh chị em có cao kiến nào không?

*
Vấn đề8. Bùng nổ người tàn tật và neo đơn: ai giúp họ?

7 năm qua, Hani có khoảng mươi chuyến làm từ thiện ở: Bal Riya, Cauk, Caklaing, Thon, … 2 lần tham gia công tác mổ đục thủy tinh thể ở Ninh Phước: 125 ca tất cả. Qua đó biết rằng, Chăm có rất nhiều người tàn tật. Chưa nói đến neo đơn: con số mới liếc qua cũng đủ kinh.
Chăm lâu nay sống quây quần, người lớn lo cho trẻ nhỏ hay ngược lại, khi người già mất sức. Cả người không ruột thịt, con cháu cũng thay phiên nhau lo chăm nuôi. Nay, khi cơ cấu nông thôn bị phá vỡ, cánh trẻ đổ hút vào phố, làng xóm thì chưa tổ chức như xã hội văn minh: nhà dưỡng lão, nên tình trạng đơn côi là rất phổ biến, ngày càng tăng. Cả trường hợp gia đình có con cháu thuộc thành phần ăn nên làm ra.
Vừa qua, về quê, tôi tiến hành khảo sát và sơ bộ chụp ảnh, lập hồ sơ người đồng tộc gặp cảnh tật nguyền tại 2 làng, mới hay là có nhiều hoàn cảnh rất thương tâm.
Các con số thống kê và sự tiêu pha hàng ngày của đối tượng nói lên tất cả. Ở đây, tôi không có gì hơn là: xin Mik wa saung adei xa-ai hãy quan tâm và yêu thương người đồng tộc mình. Yêu thương và giúp đỡ.

Nam Cao có truyện ngắn rất hay. Tôi không kể nó ở đây mà chỉ muốn dẫn câu kết của ông: “Khi đặt môi mình lên môi người con gái, anh hãy nghĩ đến chuyện bỏ cái gì vào mồm đó trước đã”. Đó không phải chuyện vật chất hay tinh thần có trước mà là: Yêu cũng phải thực tế! Hai vợ chồng tôi đã cố gắng rất nhiều để mang nguồn lợi cho làng mạc, quà cáp đến tay người tàn tật và neo đơn, bằng nhiều hình thức khác nhau.

Câu chuyện & Kinh nghiệm:
Katê 2003, Hani xin được 200 phần quà cho một làng. Phép nước và danh sách đã xong đâu đấy, nhưng không hiểu thông báo sao, mới 8giờ sáng mà bà con đã tụ tập đông đủ. Để đến 10giờ, Ban quản lí thôn cho giải tán hết. Đơn giản: xe xuất phát từ Sàigòn, đến Phanrang sớm lắm cũng 12 giờ trưa. Khi xe tới, BQL thôn không cho gọi bà con đến nữa, bắt bẻ là trễ rồi. Nói sao cũng không được. Tội vậy đó! Thế là phần quà được chuyển qua 2 làng khác.
Năm 2005, đang phát quà ở một làng, bất ngờ có ông già xông tới la lối om xòm: tui cũng bị cụt tay này, sao tui không có phần? Các người bất công,…! Tội: danh sách do BQL đưa, bởi chính họ hiểu hơn ai hết ai là đối tượng trong làng cần cấp phát. Thế là Hani phải năn nỉ sớt phần người khác cho ông. Chúng ta có nên giận họ không? Không! Càng yêu thương họ hơn, ngay cả BQL làng kia cũng vậy, bởi nề nếp và nhận thức bà con ta đến đó.
Chuyện khác: 2002, con gái Hani có 50 xuất mổ đục thủy tinh thể cho Chăm Ninh Phước. Hani xin UBND Huyện thêm 25 xuất nữa. Qua 2 tháng gửi thông báo đến các Trạm xá lên danh sách, chỉ có 22 người! Nên, tính chuyện điền người Kinh vào (xin hiểu: ở đây không phải chỗ phân biệt Kinh/Chăm). Tình cờ, trong cuộc nhậu, bạn Báo Mang Xoai mới cho tôi hay: ngay Văn Lâm thôi cũng đã hơn 20 trường hợp cần mổ rồi! Thế là tôi phone gấp cho chàng rể ở Sàigòn: tạm ngưng lại, cần bổ sung danh sách. Lí do rất đơn giản: không hiểu ai đã muốn Tờ đơn xin thay từ “dành cho” bằng “ưu tiên cho Chăm”. Hani cũng chịu thay đổi ngôn từ. Vì khi đi vào thực tế, có đến hơn trăm người nằm trong đối tượng. Cũng chưa xong, Hani và con gái không được trực tiếp đứng tên mà phải chuyển qua Hội người nghèo thành phố làm! Dù tiền là tiền riêng của mình. May, nó không thất thoát.
Vậy đó, làm từ thiện cũng phải chịu đựng bao nhiêu khốn đốn, và phải thông minh trong ứng xử, mới nên chuyện. Tôi không dính dáng gì cũng bị mang tiếng là “tay Sara này chỉ lo cho Chăm ông ta thôi”.

Tâm lí chung: đa số không ưa kẻ nào thành công. Tâm lí khác: ai nói về mình là kẻ đó thiếu khiêm tốn. Nhất là nói về việc tốt của mình. Đây là lối nghĩ lạc hậu (xin lỗi: quý cô bác nào không nằm trong trường hợp này, xin tự trừ mình ra giùm tôi nhé). Thế giới văn minh không suy nghĩ như thế. Câu hỏi đặt ra: kẻ đó vị kỉ hay có ý hướng làm lợi ích cộng đồng? Kẻ nói về mình cốt khoe khoang hay muốn nêu cái tốt, điều hay để khích lệ mọi người thi triển?
Những điều tốt trong xã hội, con người tốt trong cộng đồng cần được tin cho mọi người biết. Chỉ như vậy ta mới có thể khích lệ người tài năng có cống hiến thiết thực cho cộng đồng.
Hãy học yêu thương một cách thực tiễn. Đừng nghĩ chuyện cao xa, hãy nhìn vào thực tế cuộc sống còn nghèo khổ của bà con, tìm cách giúp bà con một cách thiết thực nhất và, hãy luyện bộ thần kinh mình cho vững, để có thể chịu đựng được mọi áp lực không đáng có.

__________
Chối bỏ hay quay lưng lại với một hiện tượng xã hội thì không gì dễ hơn là đi vào lòng xã hội để tìm hiểu hiện tượng đó.
Nỗ lực làm ra tác phẩm nghệ thuật thì khó vạn lần hơn phát ngôn chê bai tác phẩm nghệ thuật.
Vạch lá tìm sâu để phê phán công trình khoa học thì không gì dễ hơn bỏ công xây dựng một công trình khoa học.
Và cuối cùng, ném ra trăm tiếng hận thù thì dễ triệu lần hơn nói một lời yêu thương
.
Inrasara.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *