[cùng Inrasara, tác giả chụp năm 1998]
1. Trong nỗi ngây thơ của tuổi trẻ, thế hệ học sinh chúng tôi có bốn thần tượng. Bốn thần tượng với tính cách người khá dị biệt: nếu Thành Phú Bá đầm tính mà chân chất, Nguyễn Văn Tỷ trực tính mà thông minh hay Lưu Quang Sang sắc sảo và uyển chuyển thì, chúng tôi cũng có Đàng Năng Quạ đặc Cham mà vẫn tràn đầy nghệ sĩ tính. Lạ! Bốn cái dị biệt ấy gặp nhau ở một điểm: tất cả đều ưu tư cho sự trưởng thành của thế hệ trẻ và, cho lợi ích của cộng đồng. Chính nó làm nên điều trân quý ở các ông – những thần tượng một thời của chúng tôi. Chính nó làm cho khả năng và đóng góp của các ông đáng cho xã hội Cham hôm nay và mai sau trân trọng.
Đàng Năng Quạ sinh ngày 23-9-1932 tại palei Hamu Crauk Bàu Trúc, An Phước, tỉnh Ninh Thuận, và mất ngày 28-10-2007 tại quê vợ palei Hamu Tanran.
Năm 1957, ông học Trường Quốc gia Sư phạm Sài Gòn; năm 1960 ra trường dạy ở Quảng Nam đến năm 1966 về Trường Trung Học An Phước sau này đổi tên là Trường Trung học Pô Klong cho tới ngày đất nước thống nhất. Đàng Năng Quạ thuộc thế hệ đầu tiên làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm, đến năm 1985 mới về dạy tại Trường Trung học Cơ sở Phước Hữu đến năm về hưu 1997.
Có thể nói cả đời Đàng Năng Quạ gắn bó với sự nghiệp giáo dục, thế nên việc ông được Huy chương Vì Sự nghiệp Giáo dục là lẽ đương nhiên. Ông còn tham gia sưu tầm và nghiên cứu dân ca Cham với nhạc sĩ Trường Đình Quang.
2. Đàng Năng Quạ đã làm được gì cho cộng đồng Cham?
Nhiều! Ông là một trong vài nhân vật công lớn trong xây dựng Trường Pô Klong. Thầy Quạ là một trong ba trụ cột đầu tiên đặt nền móng xây dựng trường, người Cham kể như vậy, hai người còn lại là Thành Phú Bá và Quảng Đại Đủ (Po Dharma). Quảng Đại Đủ có mặt ở trường một thời gian ngắn nhưng đã tạo nề nếp rất tốt cho nội quy trường. Tôi không học ở trường này nhưng nghe kể học trò ông cũng đã dành cho ông sự tôn trọng đáng kể. Còn nhân cách và công lớn hơn cả phải nói là Thành Phú Bá. Chính thầy Thành Phú Bá đã có mặt từ ngày đầu tiên đến khi chuyển giao cho Lưu Quang Sang rồi tiếp tục ở với học trò đến ngày cuối cùng. Dĩ nhiên sau những kẻ đặt nền, cũng có người xây dựng. Ông Lưu Quang Sang rồi Nguyễn Văn Tỷ là những con người có công làm cho trường này vững tiến.
Riêng Đàng Năng Quạ, có thể nói hầu hết phong trào văn nghệ thể thao trường đều do tay ông dựng nên, và luôn luôn đạt thành tích xuất sắc.
3. Bài hát đầu tiên ông dạy chúng tôi là “Mưrat bac” (Gắng học) lúc Trường đang ở Bauh Dơng. Xuống thị xã Phan Rang, giờ cơm thay vì “Cơm canh chia rồi…” như mấy năm đầu thế hệ đàn anh đàn chị hát, ông sáng tác ca khúc tiếng Cham: “Lithei ia tơl anak…”. Đàng Năng Quạ tiêu biểu một tinh thần Cham đầy mặc cảm. Tự ti lẫn tự tôn. Lên sân khấu, dù yêu cầu đến mấy, ông ít chịu hát bài thứ hai. Ra miền Trung, bao nhiêu là người hâm mộ vây quanh, ông tìm trốn.
Con người đầy cá tính nhưng lạ, ít ai ghét bỏ ông.
Tôi không hạp thầy Quạ, khi ông dạy Sử lớp chúng tôi, cả sau này khi ông đồng nghiệp với tôi ở Ban Biên soạn, mãi ông về hưu, chúng tôi mới chơi thân với nhau. Và tôi cảm thấy mình mắc nợ, nếu không làm được cái gì đó cho nhân vật này.
Đêm nhạc Đàng Năng Quạ dự định tổ chức vào năm 1999, để trả cái ơn đó.
Câu chuyện. Tôi giúp tập hợp tất cả sáng tác của ông, biên tập (có sự đồng ý của nhạc sĩ), chuyển dịch sang tiếng Việt, đóng thành tập bản thảo và chịu bỏ tiền in. Kế đến, Hợp tác xã Hữu Đức lúc đó do anh Thuận Tài làm chủ nhiệm đứng ra tổ chức đêm nhạc, chi phí tổ chức bên Hợp tác xã chịu, chương trình đã được lên cụ thể với các bài sẽ được trình diễn, các ca sĩ chuyên và không chuyên từ các nơi về phục vụ, các phát biểu của bạn ông (ông Nguyễn Văn Tỷ và Lương Đức Thắng) và hai học trò cũ của ông (anh Thiết Ngọc Đỗ và chị Quảng Thị Toán), mục gia đình ông phát biểu và tặng quà. Còn số tiền bán tập nhạc (không bán vé vào cổng) thu được sẽ được Ban tổ chức giao cho gia đình nhạc sĩ được xem như quà tặng.
Có thể nói hầu hết Cham đồng lòng. Chỉ có việc địa điểm tổ chức là Hữu Đức hay Bầu Trúc là còn lấn cấn, nhưng cuối cùng mọi người đồng tình làm ở Hữu Đức, quê vợ ông. Cũng có thể tổ chức sơ bộ trước ở Phan Rang (ông là Hội viên Hội văn nghệ Dân gian Ninh Thuận) giống như ra mắt tác phẩm vậy. Nhà nghiên cứu Hải Liên cũng đồng ý như thế. Đàng Năng Quạ nhã ý mời và ông Liên đã viết Lời giới thiệu cho tập nhạc, nhà thơ Inrasara được anh em phân công viết lời bạt. Nghĩa là chương trình đâu vào đấy. Thế rồi, cuối cùng trời đã không chiều lòng người.
Tappa truh tathik jơl di danaw Ra khỏi biển sâu vướng ao nước cạn.
Bản thảo gồm 15 ca khúc tiếng Cham kèm theo bản dịch của tôi đưa lên Sở Văn hóa duyệt, một tháng sau đó tập nhạc bị duyệt bỏ 7 bài (hãy tưởng tượng cả đời viết nhạc nhưng lại bị cắt một nửa thì còn gì là nhạc!). Mọi chuyện đổ bể từ đó. Đêm nhạc Đàng Năng Quạ đành dang dở. Dang dở mãi đến 10 năm sau, 2008, tập ca khúc Bhum Adei của Đàng Năng Quạ mới được nhà xuất bản Thanh niên cho ra mắt.
4. Dẫu sao nhắc đến Đàng Năng Quạ không thể không nói đến các ca khúc của ông, và có thể nói ông để lại cho đời chính ở lĩnh vực mang tính tiên phong này.
Đề tài sáng tác của Đàng Năng Quạ không thể nói là phong phú, âu cũng là định mệnh cộng đồng quy định. Chính định mệnh ấy đã đóng khung sinh mệnh nghệ thuật ông, phong cách sáng tác của ông. Tình yêu Cham – Bini bị chia cách, tấm lòng dành cho quê hương và, nhất là tình đoàn kết cộng đồng luôn trở đi trở lại trong các ca khúc chưa có gì là nhiều của ông. Nhưng ngần ấy đề tài được ông phổ vào các giai điệu êm dịu và nhẹ nhàng, cũng đủ chinh phục trái tim của bao lứa tuổi, vài thế hệ. Họ đến với ông, yêu nhạc ông, thuộc lòng và truyền khẩu các ca khúc của ông. 40 năm qua!
Điều nữa cần ghi nhận: Đàng Năng Quạ chỉ sáng tác bằng tiếng Cham, thứ tiếng Cham mộc mạc, chân chất, rất gần gũi với quần chúng. Giai điệu nhẹ nhàng ấy, ca từ giản dị ấy luôn được thể hiện bằng giọng hát mượt mà ngân vang trên các sân khấu miền quê hãy còn khá yên ắng những năm sáu mươi, đã có một sức quyến rũ và cuốn hút không cùng. Chúng đồng hành với cộng đồng Cham bao tháng năm qua.
Bhum Adei giữa lòng Cham
(Bình ca khúc hay: Bhum Adei của Đàng Năng Quạ)
Một đạo sĩ đúng nghĩa, miệt mài tu hành cả đời để chờ đợi nguồn sáng đốn ngộ một lần; đánh đổi đời mình cho chân lí, dù chân lí đó sẵn sàng quăng ném mình vào cõi không hư tịch mịch biệt vô âm tín, bất kì lúc nào. Cũng vậy, một nghệ sĩ lớn có nghĩa là kẻ dám mang cuộc sống mình ra đặt cược cho trò chơi nghệ thuật: “cho trăm năm vào chết một ngày” (Trịnh Công Sơn). Hay như Xuân Diệu:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt biến
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Để biến “sát-na thành thường trụ”, biến cái đẹp thoáng chốc của mảnh đời thành tác phẩm nghệ thuật tồn tại vĩnh cửu. Sát-na ấy có thể là đường cong của Vũ nữ Chàm – Trà Kiệu, cũng có thể là nụ cười huyền ẩn của Mona Lisa hay ngôn ngữ thơ đẹp huyền bí và dữ dội của Une Saison en Enfer hoặc sự “thanh thản bản nguyên của kẻ ở trên trận chiến” (chữ của J. Sullivan) của Tứ tấu khúc cuối cùng… Ở phạm vi hẹp và mức độ thấp hơn: Bhum Adei của Đàng Năng Quạ – với Cham.
Là nghệ sĩ có nghĩa là luôn bị ám ảnh bởi nỗi bất tử. Không phải bản thân cái tôi nghệ sĩ bất tử, mà là tác phẩm nghệ thuật bất tử. Vượt không gian – thời gian. Bằng chất liệu nghệ thuật của thời đại ấy, trong không gian văn hóa ấy, dưới áp lực của sinh hoạt tinh thần cộng đồng dân tộc ấy, ông tạo lập được cái đẹp cho dân tộc ông và cho nhân loại, của hôm nay và cho muôn đời.
Có thể nói, Bhum Adei của Đàng Năng Quạ là ca khúc sống trọn vẹn giữa lòng Cham. Nó được hát nhiều hơn cả trong các bài hát bằng tiếng Cham, cả sáng tác dân gian lẫn sáng tác có tác giả. Trên sân khấu đơn sơ của trường trung học hay dưới trăm ngọn đèn màu sang trọng tại các nhà hát thành phố, góc ruộng nương quê nghèo hay trên màn hình tivi, được trình diễn hoành tráng trước đám đông hay chỉ hát thì thầm một mình trên bước đường cô độc, hát cho người yêu hay hát ru em,… Từ lúc ra đời vào giữa thập niên 60 của thế kỉ trước, đã hơn bốn thế hệ Cham hát nó. Và họ còn tiếp tục hát, có lẽ.
Bằng sự mộc mạc của ca từ: habei bhong/khoai lang, tamkai/dưa hấu, ia tanưh ghul/nước uống miền đất cát… với hình ảnh sinh hoạt rất đời thường của miền quê nghèo: adei đwa padơng cang/ em đội (nước) đứng chờ, tuk ka ai bbơng/ luộc đãi anh, sang taik/ nhà rách, rup liwang/ thân gầy… hay qua tâm tư, lối suy nghĩ bình dị: kathaut – mưda/ nghèo – giàu, Cam – Bini/ Cham – Bàni, ngap jalan tagok – trun/ mở ngõ lên – xuống… cả lối tổ chức giai điệu, tiết tấu khá đơn giản của ca khúc nữa, nhưng với giai điệu nhẹ nhàng, êm mượt người nghệ sĩ đã ban hồn vía vào Bhum Adei, tạo cho nó một sức lôi cuốn kì lạ.
Chớ lầm tưởng rằng bởi Cham có quá ít sáng tác nên, họ cứ bổn cũ hát lại. Không! Cùng thời điểm đó, có vài nghệ sĩ nghiệp dư sáng tác bài hát trực tiếp bằng tiếng Cham hay chuyển dịch các ca khúc Việt thịnh hành sang Cham ngữ, nhưng Bhum Adei cứ lừng lững có mặt, chiếm lĩnh vị trí hàng đầu.
Biến “sát-na” một mảnh đời sống Cham hơn nửa thế kỉ qua thành cái đẹp “thường trụ” tồn tại đến hôm nay, Đàng Năng Quạ đã hoàn thành chức phận của một nghệ sĩ sáng tạo đúng nghĩa. Nên, cho dù thời đại ngày nay đã khác, tư tưởng phân biệt Cham – Bàni đã lui vào quá vãng, cuộc sống Cham đã bớt nghèo đi thấy rõ, và cho dẫu nhạc Pop, Rap đang tràn lan sân khấu tận miền quê, nhưng: “Mai rawơng palei adei…” vẫn chưa thôi vang vọng trong các nẻo thôn, góc ruộng quê hương Cham.
Cám ơn người nhạc sĩ đã ban tặng cho chúng ta Bhum Adei bất tử giữa lòng Cham.