URANG CHAM 3. QUA THỊ HỒNG LOAN – CHẾ MINH MINH

HongLoan-Qminh03
[photo Kiều Maily]
Lần đầu tiên nghe Hồng Loan hát dân ca trong chương trình về văn hóa Cham trên VTV1 năm 1984, tôi rùng mình. Đây chính là giọng trời sinh riêng dành cho dân ca, dân ca Cham. Từ đó, tôi mãi ám ảnh về chất giọng đó. Nhưng phải mãi mười năm sau, tôi mới có dịp làm quen với chị. Và chỉnh giúp chị hát đúng lời Cham hơn. May quá, chị không cãi lại. Chứ hát sai lời dù chỉ vài từ như trước thì uổng cho cả hai: giai điệu và chất giọng.
Đúng mười năm sau, Katê 2004, tôi dẫn giáo sư Thái Lan Thawi tạt qua Kraung nghe chị hát. Ngài giáo sư gần như lịm người mà nghe. Chất giọng vẫn như xưa!
Chị Hồng Loan vẫn cứ như xưa: nhiệt tình, tháo vát, quyết đoán và đầy nhân ái. Cùng anh chồng Chế Quốc Minh, chị vượt phận nữ nhi thường tình, xin ở Quỹ Terre des Hommes làm hệ thống nước sạch cho hai làng: Paplom – Cham và Phan Dũng – Raglai. Rất oách! Chị còn khoe mình vừa dẫn phái đoàn trung ương giới thiệu văn hóa Cham cho họ nữa.
– Vậy à? – tôi hỏi. Chị nói:
– Có gì đâu, mình đọc nát tám số Tagalau với cuốn Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại của Sara, rồi mang ra nói là không sợ trật.

Qua Thị Hồng Loan sinh ngày 24-5-1954 tại palei Cawait – Lạc Trị, Bình Thuận. Học Trung học Công lập Tuy Phong, sau đó ra Phan Rang học Trường Trung học Đệ Nhị cấp Duy Tân, đậu Tú tài Bán năm 1972. Sau đó học Cán sự Điều dưỡng – Huế được hai năm thì giải phóng.
Ngày 22-11-1976 lên núi làm Fulro, xuống núi đầu thú 24-3-1977, học tập cải tạo nửa tháng tại Lạc Trị cùng với chị Yến, chị Hòa. Câu chuyện vui: Lúc xuống núi, ba chị ném bỏ giày, ca và thay váy xong thì đụng ngay mấy chú bộ đội tại giếng nước suối làng Cao Hậu cũ (palei Mưnưng Kroc) mà mấy chú không hay, cứ tưởng mấy chị nhà quê Cham đi ruộng. Mãi khi vào trình diện ở UBND Xã, họ mới ngớ người ra.
Hồng Loan tiếp tục học Trung học Y tế Thuận Hải, tốt nghiệp khóa 1983-1985, về làm Trưởng trạm Y tế Phú Lạc cho đến về hưu năm 2009.
Cuộc đời người nữ Cham như thế, là khá sôi động. Sôi động hơn chính là sự nghiệp ca hát của chị. Từ lớp Ba, Hồng Loan đã bắt đầu lên sân khấu, từ đó tất tần tật phong trào văn nghệ ở các trường chị theo học chị đều tham gia. Từ đó huy chương đồng, bạc, vàng thôi thì cấp tập rinh về treo đầy tường nhà. Cấp tỉnh có, cấp trung ương cũng không chừa.
Hưu, chị còn sắm vai Chủ tịch Hội Khuyến học xã Phú Lạc, Tuy Phong.

Nhưng có thể nói, khi chị Hồng Loan gặp anh Chế Quốc Minh năm 1980, cặp đôi này như được chắp thêm đôi cánh để lượn bay trong bầu trời nông thôn Cham tràn nắng gió. Đã lỡ sinh ra làm con người xã hội thì đâu cũng là quê nhà, cũng xăng xái dự cuộc. Có đánh chết nết cũng không chừa.

Chế Quốc Minh sinh năm 1952 tại palei Paplom – Tuy Tịnh. Học Trung học Tư thục Phan Lí Chàm, sau đó học Trung học Nông lâm súc Bảo Lộc. Năm 1974: Trường School of Nursing Sài Gòn Adventist Hospital.
Sau khi đất nước thống nhất, anh là Ủy viên Thường trực UBND xã Lạc Trị, kiêm Bí thư Xã đoàn, rồi là Ủy viên BCH Huyện đoàn huyện Bắc Bình, Ủy viên BCH Hội Liên hiệp Thanh niên Trung ương. Giữ vai trò này, anh từng đấu tranh cho quyền lợi các chức sắc Ahier (lúc đó không được bán vải trắng, còn dầu lửa thì mỗi tháng chỉ được một xị). May, anh nói đâu được đấy. Đảng viên Dự bị, cuộc đời tưởng lên như diều, ai dè vợ chồng rủ nhau lên núi. Lên, để rồi chiêu hồi học tập cải tạo ở Phan Rang một tháng ròng (1-7-1977 – 30-7-1977). Về quê, đèn sách học tiếp, rồi làm đủ thứ nghệ để sinh nhai.
Và hỗ trợ bà vợ công tác xã hội…
Từ Quỹ Terre des Hommes, vợ chồng:
Làm Hệ thống nước sạch cho palei Paplom năm 1994 và Phan Dũng năm 1996;
Phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ em xã Phú Lạc, Phong Phú, Phan Dũng trong 3 năm;
Tổ chức dạy tiếng Chăm căn bản thầy Qua Đình Lang, cô Bích Thị Triệu, Mai Duy Linh và Kinh Duy Trịnh đứng lớp 3 lớp trong 3 tháng, 2 năm: 2002-2003;
Vay giúp cho phụ nữ Nông thôn: 100 triệu 1995, xây Trạm Y tế Phú Lạc 1996: 120 triệu, tu sửa đình làng Lạc Trị 120 triệu.
Cạnh đó, Hồng Loan còn thủ vai: Trưởng AKELA Ấu đoàn Sa Paran, huấn luyện kĩ năng sống, vui chơi cho 24 cháu thiếu niên dân tộc.
Anh chồng Chế Quốc Minh là: Thiếu trưởng Thiếu đoàn Sa Paran lên Liên Đoàn trưởng Liên đoàn Sa Paran thuộc Đạo Văn Lang Sài Gòn, Huy hiệu Rừng Ngành Tráng 2014, Huy hiệu Rừng ngành Thiếu 2015.

Không đáng đồng tiền bát gạo sao!?
________

Phụ lục thành tích của Qua Thị Hồng Loan:
1976 huy chương Bạc đơn ca, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Thuận Hải.
1979 Huy chương Vàng, và Bạc đơn ca Hội diễn Nghệ thuật quần chúng toàn quốc tại Thuận Hải.
1985 Huy chương Bạc đơn ca Nghệ thuật Lực lượng vũ trang tại Đà Nẵng.
Giải C Liên hoan Tiếng hát Dân ca Việt Nam 2005.
Hát trong phim tài liệu Người Chăm Việt Nam 1982; hát trong phim [và dàn dựng trẻ em] Tiếng hát bên nôi – Huy chương Bạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc – Khánh Hòa.
Dàn dựng chương trình văn nghệ, tổ chức thi dân ca, các lễ hội Po Dam, lễ hội Katê ở địa phương.

Truyện ngắn Hồng Loan
GIẤC MƠ XUÂN
(Tagalau 3)
Jakan, tay chắp sau lưng, lững thững đi theo đàn bò. Chiếc nón vải rộng vành, che lấp khuôn mặt và đôi mắt vốn dĩ thông minh của nó. Thỉnh thoảng nó xoay vòng vòng chiếc roi trên tay, miệng hát vu vơ những bài hát không đầu, không đuôi mà nó đã học lóm được từ cassette của nhà hàng xóm. Ngày ngày, nó và bà nội thường lùa bò đi qua con đường này, và thả đàn bò ăn ở gần núi Nạng, vì nơi này đồng tương đối trống. Đàn bò khoảng vài chục con, bà nội nó đã lãnh về chăn để có cơm ăn áo mặc cho cả hai bà cháu.
Mẹ Jakan mất khi nó vừa mới lên năm, người ta nói do căn bệnh viêm gan gì đó. Cha nó đi lấy vợ khác, nên hai bà cháu phải dắt díu nhau sống qua ngày. Năm nay Jakan 12 tuổi, trong lúc các bạn cùng lứa đang cắp sách đến trường, được mẹ chăm sóc, cha tưng tiu thì nó đã phải theo bà đi chăn bò. Ngày còn bé nó chỉ lon ton chạy theo bà cho vui bây giờ bà đã già, nó lại là người đứng chính, còn bà đi theo làm phụ tá. Ngoài việc chăn bò, nó còn phải kiếm thêm củi đốt, bắt ốc, hái rau, mò cua để gọi là tăng thu nhập.
Sáng nay, khi đàn bò vừa qua khỏi con đường đá quen thuộc của làng, nó chợt đứng lại và nhìn ngắm người đi đường. Từng tốp, từng tốp đi qua, trong áo quần đủ kiểu đủ màu, giày, dép, mũ nón mới toanh, vài đứa con gái làm duyên còn bôi thêm son, phấn. Thỉnh thoảng vài chiếc xe Honda chạy vụt qua bấm còi inh ỏi, thả lại phía sau đám khói mù mịt. Họ vừa đi vừa nói nói, cười cười. Nó tự nhủ mọi người đi đâu đông vậy nhỉ? Đúng rồi, hôm nay mồng hai Tết thì phải. Vì tối qua, Jahalim người bạn chăn bò đã rủ nó đi Long Hương xem hội chợ. Hai đứa đi xem đu ngựa, bắn súng cao su lấy kẹo, và nhiều trò chơi khác. Bà đã cho nó tiền, nên cũng được tham gia vài trò chơi. Hai đứa đi mãi 10 giờ khuya mới về khiến bà lo lắm.
Đối với Jakan, ngày tháng chẳng có ý nghĩa gì cả. Thời gian của nó là ông mặt trời, mặt trời thức giấc, chuẩn bị mở bò đi ăn, mặt trời đứng bóng thì nó tìm bóng mát nghỉ trưa, và khi ông mặt trời gần đi ngủ là lúc nó lại theo bò về chuồng. Điểm mốc để tính là mùa gặt lúa, mùa bẻ bắp. Nó thích nhất mùa gặt lúa, nhưng vì phải ngó bò trên đồng ruộng mới cắt lúa, nên nó không được chạy chơi thoải mái với bạn bè. Ngày ngày lao động cực khổ, đêm nó phải tới lớp học “tình thương”. Tuy vất vả nhưng nó vẫn vui, vì được dịp mặc áo lành, được biết chữ biết những điều hay mới lạ qua sách vở. Nó sáng dạ, chỉ vài tháng đã biết đọc, biết viết nên thầy cô rất thương. Nó ráng học để khỏi phụ lòng bà mà còn mong đọc được thư từ, sách báo, và biết đâu sau này học được nghề thuốc chữa bệnh cho bà con nữa.
Mãi suy nghĩ mông lung và ngắm nhìn người qua lại nên khi quay lại thì bà nội đã đuổi đàn bò đi thật xa. Nó cúi xuống lượm cây roi và nhắm hướng chạy theo. Buổi cơm trưa của hai bà cháu là nắm cơm nguội bà vắt từ tối qua và vài con cá trích khô nướng, lọ nước nắm me nhưng nó ăn ngon lành. Ăn xong, nó nằm xuống cạnh bà, hát khe khẽ. Trên cành cây gần đấy, tiếng chim đang hót líu lo “bắt cô trói cột, bắt cô trói cột”. Đàn bò đã tìm bóng mát nằm nhai cỏ, thỉnh thoảng vài con nghé co giò nhảy tung tăng. Gió xuân hiu hiu thổi mát nhẹ, cành cây đu đưa, đu đưa. Nó bảo bà kể chuyện về con chim “Bắt cô trói cột”, nhưng bà chưa kịp nhai xong miếng trầu, thì nó đã thiu thiu ngủ…
Trong giấc mơ, nó thấy mình và Jahalim đi chơi Tết tận chùa Hang. Hai đứa mặc áo mới, quần Jean, áo Pul, đôi giầy Adidas mới đẹp làm sao. Hai đứa đi xe ôm đến chùa, đến nơi nó và Jahalim chạy nhảy khắp nơi. Được ăn nhiều món ngon, bánh kẹo mà hàng ngày nó chẳng nhìn thấy bao giờ. Hai đứa dắt nhau chạy xuống biển, sóng biển vỗ rì rầm vào bờ. Lần đầu tiên xuống biển nên nó rất thích. Biển bát ngát tận chân trời xanh biếc, nó lấy tay vốc thử một ít nước vào miệng… “Úi da mặn quá”. Hai đứa cứ dắt nhau chạy như thế dọc bờ biển không biết mệt, chợt nó vấp phải đám dây rau muống biển và lăn cù, Jahalim cũng lăn theo, hai đứa ôm nhau cười ngặt nghẽo… Giật mình thức giấc, đang nằm cạnh bà nó mới biết là mơ, nó nghe tiêng tiếc, ước gì được nằm mơ thêm chút nữa dù đó chỉ là giấc mơ. Nó mĩm cười vòng tay ôm lưng bà nội. Trên cành cây con chim vẫn hót như mấy ngày, mấy tháng, mấy năm qua; vài cụm mây hoang bay chầm chậm và lẫn trong nắng chiều. Vẫn như xưa. Nhưng hôm nay nó chợt thấy như có mùa Tết thực sự thức dậy trong lòng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *