Trà Chay Pyang: Ca ngợi Đàng Năng Quạ

* Bài này đã đăng ở Chamyouth.com, 2004, nay xin phép tác giả đăng lại.

1- Đêm nhạc Đàng Năng Quạ dự định được các học trò cũ và bạn bè ông tổ chức vào năm 1999, không may đã không thành. Đây là mục đích và dự tính tốt đẹp mà thế hệ sau dành cho người con rất xứng đáng của dân tộc. Chuyện như thế này: Một là: nhà thơ Inrasara giúp tập hợp tất cả sáng tác của ông, biên tập (có sự đồng ý của nhạc sĩ), chuyển dịch sang tiếng Việt, đóng thành tập bản thảo và chịu bỏ tiền in. Thứ hai: là Hợp tác xã Hữu Đức lúc đó do anh Thuận Tài làm chủ nhiệm đứng ra tổ chức đêm nhạc, chi phí tổ chức bên  Hợp tác xã chịu, chương trình đã được lên cụ thể với các bài sẽ được trình diễn, các ca sĩ chuyên và không chuyên từ các nơi về phục vụ, các phát biểu của bạn ông (ông Nguyễn Văn Tỷ và Lương Đức Thắng) và hai học trò cũ của ông (anh Thiết Ngọc Đỗ và chị Đàng Thị Giỏi), mục gia đình ông phát biểu và tặng quà. Thứ ba: là tất cả tiền bán tập nhạc (không bán vé vào cổng) thu được sẽ được Ban tổ chức giao cho gia đình nhạc sĩ được xem như quà tặng.

Có thể nói hầu hết mọi người đều nhất trí với chương trình. Chỉ có việc địa điểm tổ chức là Hữu Đức hay Bầu Trúc là còn lấn cấn, nhưng cuối cùng mọi người đồng tình làm ở Hữu Đức, quê vợ ông. Cũng có thể tổ chức sơ bộ trước ở Phan Rang (ông là Hội viên Hội văn nghệ Dân gian Ninh Thuận) giống như ra mắt tác phẩm vậy. Nhà nghiên cứu Hải Liên cũng đồng ý như thế. Đàng Năng Quạ nhã ý mời và ông Liên đã viết Lời giới thiệu cho tập nhạc, nhà thơ Inrasara được anh em phân công viết lời bạt. Nghĩa là chương trình đã ổn định đâu vào đấy. Thế mà cuối cùng trời đã không chiều lòng người.

 

Khi tập bản thảo (gồm 15 bài bằng tiếng Chăm kèm theo bản dịch của nhà thơ Inrasara) đưa lên Sở Văn hóa duyệt, một tháng sau đó tập nhạc bị duyệt bỏ 7 bài (hãy tưởng tượng cả đời viết nhạc nhưng lại bị cắt một nửa thì còn gì là nhạc!). Mọi chuyện đổ bể từ đó. Đêm nhạc Đàng Năng Quạ đành dang dở.

Dù chương trình thất bại, nhắc chuyện này tôi muốn ghi nhận một điều rất quan trọng là người Chăm còn biết trân trọng tài năng của nhau, học trò Chăm vẫn biết tôn sư trọng đạo, biết quý trọng đóng góp của người đi trước, và hơn nữa sáng tác nhạc của Đàng Năng Quạ vẫn sống trong lòng quần chúng Chăm.

 

2 – Nội dung âm nhạc Đàng Năng Quạ thường viết xung quanh đề tài tình yêu quê hương (làng Hamu Trok, Cuah Patih, Krong,… và quê hương Cham nói chung), tình yêu trai gái Chăm Bàni bị chia rẽ, nỗi đói khổ của đồng bào Chăm, tinh thần đoàn kết thân ái giữa người Chăm với nhau. Nghĩa là nội dung luôn nói về cuộc sống và tình cảm Chăm. Được thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ.

Các nội dung này luôn được kết hợp với âm điệu nhẹ nhàng êm mượt, du dương. Nhưng không vì vậy mà nhạc của ông sến. Thật bình dân nhưng không sến, đó là nét đặc sắc nhất của nhạc Đàng Năng Quạ. Trong đó nổi bật hơn cả là các bài: Bhum Aday, Palay Dahlak, Karay Jalan. Còn các bài mang tinh thần đoàn kết dân tộc như Dom Sa ai, Khik Bhum Pasai, Ngok Bôn Jua (xin lỗi tôi ghi tên bài nhạc bằng các từ đầu tiên vì không nhớ hết cái tít nhạc) được đại đa số học trò và dân gian Chăm thuộc lòng và hát đến tận ngày nay.

Muốn tìm các bản nhạc của ông Đàng Năng Quạ, có thể hỏi trực tiếp ông cho mượn tập bản thảo (tôi không biết nhà thơ Inrasara có còn giữ bản mang xin phép in hay không); cũng có thể tìm được ba bài nhạc ông trong Tagalau 1-3, hay các bài lẻ được in rải rác. Điều này càng khiến cho người yêu ông tiếc rẻ về đêm nhạc Đàng Năng Quạ bất thành.

 

Đây tôi xin nói rõ về chế độ kiểm duyệt ở trong nước, bởi có người vô tình hay cố ý không hiểu nên cho là Tagalau quá lệ thuộc. Không lệ thuộc sao được vì ngay bài Palay Dahlak ông Đàng Năng Quạ chỉ nói về cái đói nghèo của làng Bầu Trúc thôi mà cũng bị loại ra, rồi Tagalau2 suýt nữa bị đình chỉ phát hành nguyên do từ một bài của Trà Vigia. Bài này đã khiến nhà thơ Inrasara khốn đốn chạy lên chạy xuống trình bày. Sau đó không nhà xuất bản nào chịu in Tagalau nên nó bị ách mất hai năm. Không phải chỉ có Chăm mới chịu kiểm duyệt như vậy, ngay một số nhà văn Việt cũng không được phép in, hay đã cho in rồi bị cấm lưu hành. Như cuốn Thời Của Những Tiên Tri Giả của nhà văn Nguyễn Viện, được nhà xuất bản Công an nhân dân in, sau đó vài ngày bị đình phát hành. Nhà nước bảo vì an ninh quốc gia nên thế.

Nhập gia thì phải tùy tục, chúng tôi ở trong đất nước VN, thì phải tuân thủ pháp luật nhà nước VN chớ. Nhưng lẽ nào vì lí do đó mà Chăm không nên làm gì cả?

 

3 – Đàng Năng Quạ đã làm được gì thêm cho Chăm? Nhiều! Chúng ta chỉ cần biết thêm việc ông đã có công rất lớn trong xây dựng phong trào cho Trường Pô Klong. Ông Đàng Năng Quạ là một trong ba trụ cột đầu tiên đặt nền móng xây dựng trường, người Chăm kể như vậy, hai người còn lại là Thành Phú Bá và Quảng Đại Đủ (tức tiến sĩ Pô Dharma ngày nay). Quảng Đại Đủ có mặt ở trường một thời gian ngắn nhưng đã tạo nề nếp rất tốt cho nội quy trường. Tôi không học ở trường này nhưng nghe kể học trò ông cũng đã dành cho ông sự tôn trọng đáng kể. Còn nhân cách và công lớn hơn cả phải nói là Thành Phú Bá. Chính ông Thành Phú Bá đã có mặt từ ngày đầu tiên đến khi chuyển giao cho Lưu Quang Sang rồi tiếp tục ở với học trò đến ngày cuối cùng. Ông là con người rất khiêm tốn, trung thực và đầy uy tín với học trò và phụ huynh học sinh. Đi đâu đâu tôi cũng nghe lời trân trọng của đồng bào mình về ông. Trà Vigia cho ông là nhân vật hiếm có trong cộng đồng Chăm mình.

Riêng ông Đàng Năng Quạ thì phong trào văn nghệ thể thao trường đều do tay ông dựng nên, và luôn luôn đạt thành tích xuất sắc. Dĩ nhiên sau những kẻ đặt nền, cũng có người xây dựng. Ông Lưu Quang Sang rồi Nguyễn Văn Tỷ là những con người có công làm cho trường này vững tiến.

 

4 – Chúng ta đang nói về Đàng Năng Quạ nên không thể nhiều lời về những vị khác. Thuở còn bé, người ta giới thiệu một thầy giáo trẻ người Chăm từ Phan Rang ra đất Quảng hát cho bà con nghe. Bà con háo hức đến đầy sân bãi. Ôi tuyệt vời, ông hát bài Về Miền Trung sao mà ấm áp và truyền cảm lạ kì. Giọng trời cho! Tất cả thính giả nín thở nghe, nhất là bà com Chăm đất Quảng. Tôi còn quá bé, nhưng tôi biết chú bác đã rất hãnh diện về ông và tôi cũng hãnh diện lây.

Sau đó khi tên Chế Linh nổi lên tôi cứ tưởng đó là ông thầy Quạ ngày xưa, nhưng không phải, mà là người khác. Vậy Chăm có nhiều người tài vậy ư? Tôi cứ mơ màng hỏi mình như vậy. Thế thì tại sao ông Đàng Năng Quạ không nổi tiếng như Chế Linh ngày xưa hay Amư Nhân ngày nay? Vài người bảo do ông mặc cảm hay kiêu hãnh, nhưng cũng có người nghĩ bởi ông không chịu luồn cúi. Thế ai dám bảo Chế Linh luồn cúi, vậy mà Chế Linh vẫn nổi tiếng như thường. Điều này chỉ có ông nhạc sĩ yêu quý của chúng ta mới trả lời được.

 

Theo tôi thành công hay thất bại ở đời tùy thuộc nhiều vào tính tình, vào môi trường và vào thiên thời nữa. Thầy (nhạc sĩ) Đàng Năng Quạ đã thất bại trong đời sáng tác, ngay giai đoạn cuối với Đêm nhạc Đàng Năng Quạ sắp thành đến 90% mà cũng thất bại. Âu cũng bởi trời, và cả bởi thân phận Chăm nữa. Vì biết bao tài năng Chăm đã vùi lấp trong quá khứ và ngày nay. Nhưng ông đã thành công, thành công lớn trong lòng người Chăm. Đó là phần thưởng cao quý nhất ông giành được cho mình trong cuộc đời quá cam go này. Cám ơn ông nhạc sĩ nhân dân Chăm!

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *