Hồ sơ Biên bản so sánh. Bài 14: VÔ CẢM ĐỜI VÔ CẢM THƠ

1. Hai nữ sinh đánh nhau dưới góc phố, nhóm bạn đứng quanh hò hét cổ vũ, ta đi ngang qua thấy, đứng lại nhìn, rồi thản nhiên bước đi. Chuyện nhỏ!
Anh kế toán chạy xe từ ngân hàng mang bọc tiền lương đến cơ quan, ngang ngã tư thì bị va quẹt, cái bọc rách làm đám tiền bay tán loạn, cả khối người xô tới “lượm”, đút túi, rồi đi; ta đi xe ngược chiều thấy, cho xe chậm lại, nhìn, rồi rồ ga chạy đi. Chuyện không liên can gì đến ta.
Vô cảm nhỏ tới vô cảm to. Lấn ở ải Nam Quan, xây đảo nhân tạo ở Biển Đông; chủ quyền đất nước bị xâm phạm ư? – Đã có Đảng và Nhà nước lo. Dự án Điện Hạt nhân Ninh Thuận ảnh hưởng cả khu vực ư? – Nỗi ấy còn xa vời lắm. Xung đột ở Tu viện Bát Nhã chỉ là vấn đề nội bộ tôn giáo. Còn vụ vi phạm tự do ngôn luận chỉ liên quan riêng cá nhân nhà văn Nguyễn Quang Lập…
Ngày qua ngày, ta cứ thái độ vô cảm, như không có gì xảy ra ở đó. Riết thành quen.

Nguyễn Quang Lập “đồng nghiệp” sớm tối ngó mặt nhau mà ta đã vô cảm, huống chi nữ nhà thơ trẻ Nadia Anjuman ở tận đất nước Afghanistan xa xôi. Không một nhà thơ Việt Nam nào khóc.

Nữ thi sĩ Nadia Anjuman, người Afghanistan bị chồng và mẹ chồng đánh cho đến chết. Hai kẻ phạm tội và gia trưởng kia đã bị bắt. Liên Hiệp Quốc khóc lóc trước hành vi bạo lực này.
Tại Việt Nam thì khác, có nhiều nhà thơ đã chết ngay trong lúc sống, nhưng không ai biết, ngay cả bản thân hắn. Đa phần các nhà thơ khác bị ngược đãi, nhưng không ai thèm nhìn. Liên Hiệp Quốc quá chán ngán nên không thèm lên tiếng
.(1)

2. Một sinh linh đơn lẻ giữa bao la vũ trụ, ta có thể sa-pa, thế sự vụ to như Tây Tạng, sao cứ không là lay động nổi trái tim ta? Tây Tạng đang nóng, đau và rất buồn. Nơi ấy hiện “có vô số người tu hành vừa ăn dùi cui và ngửi lựu đạn cay cảnh sát” (“Ở nơi ấy, có…”, Tienve.org). Nơi ấy một dân tộc sắp chết, một nền văn hóa sắp chết, sau rất nhiều cái chết của thường dân, của tu sĩ và cả thi sĩ. Ai, kẻ thi sĩ Việt Nam đã khóc?

Inrasara
KHÓC TÂY TẠNG

Tây tạng
tang tậy
tẩy tan
tan đàn xẻ nghé
nghé con
bê con
bê thui
bia hơi
nhậu nhẹt
có ai nhớ tây tạng không
còn ai thương em gái tây tạng không

Lạt ma
ma lạc
dân ông lạc xứ ấn
ông lạc trời tây
tây tạng
lạt ma
ma hời
hời ơi
có ai khóc tây tạng không
còn ai khóc tây tạng không

Điểm nóng vừa dời qua bàn khác.

[Ngoại bản:
Thề rồi, một buổi chiều… Trong cuộc lai lai ồn ào tại quán nhậu bình dân ở quận Tư, một bạn văn nhắc đến Tây Tạng. Nhắc, lơ đãng vậy thôi. Tôi mới kể: – Tối qua có cô bé Tây Tạng trong phim tư liệu giống cháu mình lạ. Cô bé đang ngồi lớp học tạm được dựng tạm bợ gần biên giới Ấn. Đôi mắt tròn ngây thơ thiên thần.
– Khuôn mặt thiên thần kia sẽ bị thời cuộc vùi dập thế nào, ai biết? – Tôi nói. Có lẽ giọng tôi lúc đó khá sến, thế chăng nó khiến anh nhà báo động lòng.
– Cái Đức Lạt Ma dát gan, gặp tay ông, ông chỉ có mỗi xách ngón khủng bố ra mà xài. Cho tanh bành cái đế quốc ba Tàu đỏ. Giọng anh ồm ồm đến các nhậu sĩ mấy bàn bên quay lại.
– Có chuyện gì ở Tây Tạng thế nhỉ? – Bạn thơ bên cạnh ngơ ngác, hỏi. Nghĩa là anh bạn đã không hay không biết có chuyện gì, ở nơi ấy. Rồi thì bạn văn phẩy tay:
– Thôi, chuyện Tây Tạng tang tậy đã có Liên hiệp quốc lo. Dzô đã mới tin…
Một nhậu sĩ bàn bên kia ngoắc: – Dời qua đây đi cha nội. Có mấy em xinh xẻo lượn lờ đây chả phục vụ mà đi lo chuyện đại sự chính trị chính chú, tây tạng với tẩy tan.
Thế là tôi chộp bắt ngay chữ đầu tiên để sớm mai “Khóc Tây Tạng” cất tiếng o oe chào đời](2).

3. Thế mà Văn Cao chết, ta khóc. Khóc ròng. Khóc không ngăn được.
Được đi, lớn như Văn Cao thì không thể không khóc. Rất đáng. Ta khóc từ lúc “anh Văn” còn nằm giường bệnh, cả mươi, hai mươi năm sau khi anh đã yên mồ. Hãy nghĩ đến các vụ văn thơ ăn theo báo Tết được nhà văn ta cảm tác từ mùa hè năm ngoái! Tuần chay nào cũng có nước mắt, kịp thời vụ và, đúng bài. Anh “ra đi để một khoảng trống lớn trên văn đàn”, “không gì bù lấp được”, “niềm tiếc thương vô hạn”, “thơ văn anh sống mãi trong lòng người đọc”, vân vân…
Hòa vào nỗi thương tiếc chung, Bùi Chát cũng tham gia khóc…

khóc văn cao

anh văn ơi!
hu hu hu…

3/1978

Hãy tưởng tượng trong đám tang một nhà “lớn” nọ, nhiều người ghé vào than khóc. Ruột rà thì không nói rồi. Bà con lối xóm tối lửa tắt đèn nữa. Thêm: bạn bè chia ngọt xẻ bùi, cho qua. Cả kẻ khóc mướn, không vấn đề gì cả, xã hội nào cũng có và, nên có. Kẹt cái là nơi ấy có bao nhiêu là tiếng khóc giả.
Khóc giả, họ biết thế, làng trên xóm dưới biết thế, nhưng phiền hơn cả là họ đòi hỏi người thiên hạ đóng triện công nhận họ khóc thiệt! Lâu nay, thiên hạ dễ tính, cứ thế mà tin làm. Họ thành kính lắng nghe (sự sợ hãi hay phép lịch sự lắng nghe?). Bất chợt, một tay ăn mặc nhếch nhác, mặt mũi ngó tàm tạm, to lớn, lù lù thò mặt ra, khóc:
anh (…) ơi
hu… hu… hu…
Một sáng tác phẩm ngẫu hứng như thế thừa sức biến bao nhiêu bài điếu tang muôn thuở kia trở thành lố bịch! Là cách hạ bệ thơ, một loại thơ giả mạo cứ muốn làm bất tử.
“Khóc Văn Cao” không phải khóc cho Văn Cao, mà khóc cho những người khóc Văn cao. Bài thơ đánh thức sự phản tỉnh nơi tâm thức người đọc, buộc kẻ viết nhìn ra sự giả của tình cảm và cái nhảm của thơ ca lâu nay như nó từng.
Môi trường xã hội này, đúng theo phong cách hậu hiện đại, người đọc có thể tùy nghi vận dụng “bài thơ” cho nhiều đối tượng khác, như là một phụ tùng thay thế: thay Văn Cao bằng Trịnh, Bùi… mà chẳng vấn đề gì cả!
Nữa, “chú thích” (ví dụ, tác giả sinh tháng 10 năm 1979, bài thơ đã làm xong 7 tháng trước đó) không chỉ để làm rõ nghĩa mà còn là một phần không thể tách rời của bài thơ, cũng là một thủ pháp hậu hiện đại.

[Ngoại bản.
Trong một buổi nói chuyện với sinh viên, tôi hỏi các bạn trẻ:
– Văn Cao mất, Văn Cao thì vĩ đại rồi, không lạ khi có khá nhiều bài thơ khóc con người tài hoa này, hỏi các bạn có ai thuộc bài nào không?
Im lặng. Tôi tiếp:
– Tôi đọc cho các bạn nghe một bài, và các bạn thuộc ngay luôn nhé: “anh văn ơi/ hu… hu… hu…”.
Đấy, một bài thơ hay là bài thơ găm vào tâm hồn ta ngay ở lần tiếp xúc đầu tiên, – tôi đùa.
Buổi nói chuyện khác ở một Hội VH-NT thành phố nọ, tôi đọc bài này, và cho đây không chỉ là bài thơ hay, mà là một bài thơ lớn. Mọi người rúc rích cười, tưởng tôi đùa. Tôi nói: không đùa đâu. Không thấy hay, không phải lỗi ở các bạn, càng không phải lỗi ở nhà thơ, mà là ở… nhà trường. Nền giáo dục [cả giáo dục ĐH] không dạy cái mới. Các trào lưu mới của nền văn học tiên tiến [lí thuyết, tác phẩm, phê bình] không được phổ cập trong nhà trường, thì làm sao sinh viên có thể làm quen, hiểu biết để mà chọn lựa và thưởng thức được một tác phẩm [có lối viết theo hệ mĩ học] lạ, khi bắt gặp chúng ở ngoài đời.
Hiểu, thưởng thức được chỉ là vài trường hợp cá biệt.
Liên quan đến bài thơ này, năm 2006, hai bạn thơ trẻ Sài Gòn mời tôi cà phê và phê phán tôi quyết liệt khi đọc bài bình luận của tôi.
– “anh văn ơi/ hu… hu… hu…” mà hay nỗi gì. Tui cũng có thể làm: “anh Sara ơi/ hu… hu… hu…” vậy.
Đúng lắm! Nhưng Bùi Chát đã làm trước rồi còn gì! Và thi sĩ này cũng đâu cấm các bạn làm thế. Dù gì thì gì, – tôi nói – các bạn cứ tạm chấp nhân lối viết khác mình đi, rồi lịch sử sẽ xét sau nhé.]

_______

(1) Trích bài thơ “Một nhà thơ bị đánh chết” của Lý Đợi, Tienve.org. Bông hoa màu đỏ sẫm: tên tập thơ đầu tay của Nadia Anjuman, chết bí ẩn vào ngày 5-11-2005. “Tôi sinh ra thật vô ích” là câu thơ trong tập thơ trên (báo Văn nghệ trẻ, số 46, 18-11-2007, và nadia.afghawrite.org).
(2) Inrasara, “Khóc Tây Tạng: Xuất xứ, đại ý, cảm tưởng… và cảm tạ”, Tienve.org, 2009.
(3) Nguyên văn “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát:
khóc văn cao

anh văn ơi!
hu hu hu…

3/1978
————————–
biện giải:
không hiểu sao tôi phải khóc văn cao, vì bổn thân không dính dáng hoặc liên quan gì. cõ lẽ là hùa theo đám tiểu tử kên kên múa lửa lắc vòng, vo ve vãn hồi cương toả

chú [cháu]:
có thể thay văn cao bằng bất cứ ai cũng đều [khóc] hạp lí cả, vì bài thơ được xây dựng như một công thức, nếu ứng dụng vào sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghệ thì càng tốt [những ai có ý định sở hữu công thức này xin liên hệ gấp qua trung gian lydoi cellphone: 0903.695.983 để biết thêm chi tiết, ưu tiên cho người đến trước. đặc biệt giảm giá từ 10–20% cho học sinh sinh viên khá giỏi có hoàn cảnh khó khăn, nếu là nữ-lại xinh đẹp thì 40% trở lên]

cuối cùng:
bài thơ này được viết vào năm 1978 như đã ghi ở cuối bài thơ. đây là cách mà các nhà thơ ‘nhớn’ ở ta gần đây hay dùng nhằm tăng tuổi đời cho tác phẩm mình [cũng có thể là một chiêu để tiếp thị đồ cổ?]. mốt này đang phát triển rầm rộ & trở thành một phong trào lớn mạnh trên các web chuyên đăng tải sáng tác hiện nay. riêng bài thơ ‘khóc văn cao’ thì đúng là được viết vào tháng 3 năm 1978, không phải tôi cố tình lừa dối độc giả & lừa dối mình… nhưng tôi biết rõ & tin chắc bài thơ này được sáng tác vào năm 78. dù lúc đó tôi chưa bị ra [đời] & văn cao thì chưa được chết.

thêm thắt:
bài này [quan trọng đấy, lời tiếp thị], nếu phải ra giá zip code cho bản in đầu tiên thì sẽ là 87/3 dollar. ở việt nam hay bất cứ đâu, đều có thể gọi cellphone(*); còn thằng nào có ý cướp bóc thì tốn thời gian dối trá cho việc lập kế hoạch và 1 tờ a4 để in ráng chịu đựng nhé.

lưu ý:
(*) nếu dùng hoa ngữ thì chỉ tiếp giọng bắc kinh hoặc quảng đông. [còn nam nguyệt(1) hay quảng ít thì miễn tiếp]

phụ tử:
(1)bắc kinh thì phải nam nguyệt
tự dưng bại liệt thì cũng thế thôi
chưa kể những đứa ô-môi
vậy tôi với hắn(i) cùng chơi năm mười(ii).

tiếp tục:
(i)chỉ văn cao. cường dương bổ thận nhiên liệu hồn ma cà bông bí vàng khè …
(ii)là trốn tìm í mà. đứa nào thua sẽ bị lấp đít ở tận vườn mít thuộc biên hoà đồng nai để gọi là lai rai vậy

 [còn nữa] 

(Bùi Chát, cai lon bo di, NXB Giấy vụn, Sài Gòn, 2004)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *