Vào ngày 1 và 2 tháng 10 năm 2015, người Chăm tỉnh Bình Thuận tổ chức nghi lễ Paralao Kasah tại cửa biển ở xã Phước Thể, huyện Tuy Phong.
Nghi lễ Paralao Kasah là một nghi lễ lớn và quan trọng của người Chăm Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận). Tính chất đặc biệt của nghi lễ Paralao Kasah là tổ chức tại các cửa biển, có sự hiện diện của chức sắc Ahiér và Awal, có sự tham gia của nhiều giáo phái như Po Basaih, Kadhar, Maduen, Po Acar và Ka-ing. Nhằm mục đích cầu đảo, cầu an, mong cho mưa thuận gió hoà, cây trồng và vật nuôi sinh sôi, phát triển tốt, con người có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
[ảnh tác giả]
Nghi lễ Paralao Kasah diễn ra vào 2 ngày chính, mỗi giáo phái dựng lên một nhà lễ (Kajang) làm không gian hành lễ.
– Giáo phái Po Basaih thực hành nghi lễ thánh tẩy đất đai, không gian hành lễ, xướng kinh (Bac agal praong), tế thần lửa (Cuh yang apuei).
– Giáo phái Kadhar thực hành nghi lễ Thrua.
– Giáo phái Maduen tiến hành nghi lễ Rija Dayep.
– Giáo phái Ka-ing tiến hành nghi lễ Rija Harei.
– Giáo phái Po Acar tái hiện không gian thánh đường (Sang magik) ở ngoài trời, có nghi thức rước Agai bhong.
Đối với người Chăm sinh sống ở huyện Tuy Phong (vùng Kraong) tỉnh Bình Thuận thì nghi lễ Paralao Kasah là nghi lễ thực hiện 7 năm một lần để trả nợ cho thần linh và cầu mong thần linh sự che chở, ban cho những điều tốt lành trong cuộc sống. Ở tỉnh Ninh Thuận trước năm 1975, cũng thường xuyên tiến hành nghi lễ Paralao Kasah theo chu kỳ để cầu mưa, cầu sự bình an trong cuộc sống.
– Địa hạt đền tháp Po Klaong Giray tổ chức tại cửa biển Ninh Chử.
– Địa hạt đền thờ Po Inâ Nâgar tổ chức tại cửa biển Phú Thọ.
– Địa hạt đền tháp Po Ramé tổ chức tại cửa biển Cà Ná.
Trong khi người Chăm tỉnh Bình Thuận tổ chức thành công nghi lễ Paralao Kasah theo chu kỳ để bảo tồn bản sắc các nghi lễ truyền thống thì người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận chỉ biết về nghi lễ Paralao Kasah qua lời kể.
Đây là vấn đề đáng phải suy nghĩ về công tác bảo tồn và phát huy những di sản lễ hội truyền thống của người Chăm. Người Chăm tỉnh Bình Thuận không giàu có gì hơn so với người Chăm tỉnh Ninh Thuận nhưng họ vẫn tổ chức thành công nghi lễ Paralao Kasah. Ngược lại, từ sau năm 1975 đến nay, người Chăm tỉnh Ninh Thuận không bao giờ được nhìn thấy nghi lễ Paralao Kasah diễn ra như thế nào ? Nếu có thấy chăng, người ta chỉ thấy người Chăm làng Bỉnh Nghĩa (Palei Bal Riya) tổ chức Paralao Kasah ở cửa biển Mỹ Tường. Nhưng, nghi lễ này giống như nghi lễ Rija Nâgar chỉ mang tính chất địa phương không phải ánh đầy đủ tính chất của nghi lễ Paralao Kasah.
Hiện nay, khi cả nước đang hướng về biển đông thì việc tái diễn lại, làm sống lại nghi lễ Paralao Kasah tại các cửa biển ở tỉnh Ninh Thuận càng mang nhiều ý nghĩa thiết thực để giáo dục về văn hoá biển đảo. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hoá phi vật thể của người Chăm, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ biển đảo quê hương./.