Jaya Bahasa: Điểm luận một số công trình nghiên cứu về tộc người Raglai ở Việt Nam

Raglai-PhuocThang12-12.2* Người Raglai – Phước Thắng, Bác Ái – Ninh Thuận. Photo Kiều Maily.  

Tộc người Raglai đã sinh sống lâu đời trên lãnh thổ Việt Nam. Địa bàn cư trú của người Raglai tập trung chủ yếu ở các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận và Lâm Đồng. Về mặt ngôn ngữ, các nhà khoa học đã xếp tộc người Raglai vào trong nhóm gia đình ngôn ngữ Malayo-Polynesian cùng với tộc người Chăm, Churu, Kaho, Randaiy và Jarai. Trong những năm gần đây, vấn đề văn hoá-xã hội của người Raglai đang thu hút nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu đến và bước đầu đã thu hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận về nhiều khía cạnh, lĩnh vực góp phần làm rõ diện mạo người Raglai ở Việt Nam.

Trước hết, là Viện Dân tộc học với công trình  Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Nam) do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành vào năm 1984. Trong đó, có giới thiệu về tộc người Raglai từ trang 266-276. Nội dung mà tác phẩm đề cập là những lược khảo về người Raglai như địa bàn phân bố, hoạt động kinh tế, tổ chức gia đình, cấu trúc xã hội, nghi lễ và phong tục tập quán.

Sau đó, tác giả Nguyễn Tuấn Triết với công trình khảo cứu Người Raglai ở Việt Nam  do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành vào năm 1991. Nội dung chính của tác phẩm gồm có 151 trang chia làm 3 chương. Tác giả đã làm nổi bật lên đặc điểm môi trường sinh sống và sự hình thành nên khu vực cư trú đặc trưng của người Raglai. Nêu lên những đặc điểm các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hoá truyền thống. Đặc biệt, là những phân tích các biến đổi của xã hội Raglai giai đoạn từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến những năm đầu thực hiện công cuộc Đổi mới đất nước. Từ đó, thấy được mối quan hệ giữa tộc người Raglai với các tộc người láng giềng cùng xu hướng phát triển của người Raglai ở Việt Nam.

Tiếp đến, là công trình Văn hoá và xã hội người Raglai ở Việt Nam của tập thể tác giả Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện và Nguyễn Văn Huệ thực hiện do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành vào năm 1998. Nội dung chính của công trình gồm có 346 trang, được chia ra làm 6 chương. Trên cơ sở tổng hợp những thành quả nghiên cứu về người Raglai trong nước và trên thế giới kết hợp với nguồn tài liệu điều tra, nghiên cứu điền dã, các tác giả hệ thống hoá và làm rõ lịch sử phát triển tộc người Raglai, các loại hình kinh tế, đời sống văn  hoá vật chất và tinh thần cùng với cấu trúc xã hội truyền thống của người Raglai. Đây là một trong những công trình nghiên khoa học có tính khái quát nhất về tộc người Raglai .

Tiếp nữa, tác giả Phan Quốc Anh với công trình Văn hoá Raglai những gì còn lại do Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc phát hành vào 2007. Nội dung chính của tác phẩm gồm có 2 phần (Văn hoá truyền thống và Văn hoá đương đại) chia làm 12 chương. Trong phần Văn hoá truyền thống, tác giả đã trình bày, giới thiếu khái quát về quá trình phát triển tộc người Raglai, văn hoá làng, tộc họ và gia đình, lễ hội, văn học dân gian, âm nhạc, trò chơi dân gian, ẩm thực, trang phục, nhà ở, nhà mồ và nghề thủ công truyền thống. Trong phần Văn hoá đương đại, tác giả trình bày về giáo dục của người Raglai từ bậc tiểu học đến đại học và công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở cùng kết quả của nó.

Ba năm sau, tác giả tiếp tục cho ra đời công trình Văn hoá Raglai do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành vào năm 2010, gồm có 341 trang được chia thành 10 chuyên đề tương đương với 10 chương. Để hoàn thành công trình nghiên cứu của mình, tác giả Phan Quốc Anh đã hợp tác cùng với một số nhà nghiên cứu ở địa phương (Ninh Thuận)  như Nguyễn Hải Liên, Đình Hy, Sử Văn Ngọc, Thập Liên Trưởng, Văn Món, Lê Xuân Lợi, Nguyễn Tuấn Triết, Phú Văn Hẳn. Với một lực lượng nghiên cứu có nhiều uy tín, công trình “Văn hoá Raglai” đã khái quát được lịch sử hình thành và phát triển tộc người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận. Đặc biệt, công trình đã đề cập chuyên sâu vào văn hoá làng, tộc họ, gia đình, lễ nghi, văn học, âm nhạc, ẩm thực, trang phục, tang ma và nghề thủ công truyền thống. Tác phẩm đã góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu về người Raglai mang tính hệ thống.

Riêng tác giả Hải Liên đã cho công bố hàng loạt các công trình khảo tả và giới thiệu về người Raglai như Trang phục cổ truyền Raglai do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành vào năm 2001. Nội dung chính của quyển sách gồm có 255 trang, chia làm 2 phần. Tác giả đã tái diện lại quá trình đi sưu tầm, nghiên cứu trang phục của người Raglai từ bước đi điền dã, thuê hoạ sĩ vẽ thiết kế, rồi trưng cầu dân ý, đưa sản phẩm ứng dụng vào trong thực tiễn đời sống cho đến việc tổ chức cuộc hội thảo khoa học để thu nhận ý của giới chuyên môn đánh giá về trang phục cổ truyền của người Raglai. Cuối cùng, tác giả đưa ra những ý kiến nhận xét, đánh giá về trang phụ nữ giới và nam giới.  Quá trình sưu tầm, điền dã, cho thấy áo truyền thống của người Raglai có nhiều nét giống với trang phục của người Chăm. Điểm khác nhau cơ bản ở chỗ phối màu, đối với màu áo của phụ nữ Chăm màu tay áo thường cùng màu với phần thân áo (Áo trước ngực). Còn áo của phụ nữ Raglai 2 ống tay áo thường có 3 khoảnh gam màu đen-trắng-đen hoặc đậm-nhạt-đậm. Nhưng đặc điểm chung của áo truyền thống Raglai và Chăm đều mặc theo kiểu chuôi qua đầu. Tuy nhiên, trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả Hải Liên chưa tìm ra và chưa chứng minh được người Raglai có khung dệt hay không ? Bởi rằng, mỗi một loại khung dệt có một kiểu dệt khác nhau thể hiện tính độc đáo của từng tộc người. Hay trang phục cổ truyền của phụ nữ Raglai chỉ bắt nguồn từ Aw Kuang của  phụ nữ Chăm có cách điệu vài chi tiết về màu sắc và thiết kế !.

Tác giả Hải Liên và Hoài Sơn với công trình Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai cực Nam Trung bộ do Nhà xuất bản Thế giới phát hành vào năm 2009. Nội dung chính của tác phẩm gồm có 211 trang, chia làm 4 chương. Các tác giả đã trình bày, phân tích và so sánh về  đặc điểm dân cư, khí hậu, văn hoá phi vật thể hình thành nên 2 nhánh Raglai Bắc và Raglai Nam. Sau đó, giới thiệu về các loại nhạc cụ dân gian của người Raglai. Đặc biệt, làm nổi bật lên giá trị của nhạc cụ Mã La với biên chế từng bộ ở từng làng và những bài tiết tấu của nó. Từ đó, khẳng định vị trí, vai trò của nhạc cụ Chhar trong đời sống cộng đồng Raglai.

Tác giả Hải Liên và Sử Văn Ngọc với tác phẩm Hát kể truyện cổ Raglai do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành vào năm 2010. Nội dung chính của quyển sách gồm có 390 trang, nói về 2 truyện kể “Anai Pung Njruk và Cei Suk Cei Lak” được chuyển tải bằng tiếng Raglai và tiếng Việt. Giá trị của truyện kể Raglai là nó bao hàm, chứa đựng nhiều quan điểm về nhân sinh quan, cách ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của con người trong những buổi đầu của lịch sử phát triển tộc người.

Tác giả Hải Liên với công trình Lễ tang của người Raglai cực Nam Trung bộ do Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc phát hành vào năm 2010. Nội dung chính của tác phẩm gồm có 142 trang, chia ra làm 3 chương. Tác giả đã khái quát về người Raglai ở Việt Nam sinh sống ở cực Nam Trung bộ. Qua đó, đi vào trình bày những tiến trình, lễ nghi của tang ma người Raglai. Cuối cùng, tác giả đưa ra những lời nhận xét về nghi lễ tang ma. Đồng thời, đánh giá về những giá trị văn hoá và những tồn tại trong việc tổ chức đám tang. Giá trị lớn của tác phẩm là tác giả có sự so sánh điểm giống nhau và khác nhau giữa nhánh Raglai Bắc và Raglai Nam về văn hoá phi vật thể. Đặc biệt, là so sánh tiến trình diễn biến tang ma từ khi có người chết cho đến khi làm lễ bỏ mả kết thúc một chu kỳ vòng đời người.

Cũng trong năm 2010, tác giả Hải Liên cho ra mắt công trình Po Anai Tang di tích, lễ hội của người Raglai do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành. Nội dung chính của quyển sách gồm có 163 trang, chia làm 2 chương. Trong công trình này, tác giả mô tả về di tích Po Anai Tang và trình bày về sự giao thoa văn hoá giữa người Chăm và Raglai. Tác phẩm là một sự khám phá mới nhằm chứng minh mối quan hệ văn hoá và lịch sử lâu đời giữa hai cộng đồng tộc người qua việc phối hợp thực hiện một lễ tục chung.

Một năm sau đó, tác giả Hải Liên tiếp tục hoàn thành công trình Văn hoá gia tộc Raglai gốc nhìn từ nghệ nhân do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành. Nội dung chính của tác phẩm gồm có 323 trang được chia làm 2 chương. Tác giả trình bày về địa bàn cư trú của nhánh Raglai Bắc và Raglai Nam cùng với sự tan rã của văn hoá làng. Từ gốc nhìn của văn hoá gia tộc, tác giả giới thiệu về 5 gia tộc lớn ở tỉnh Ninh Thuận là Pinăng, Katơr, Taing, Chamaleăq, Tathiăq. Thông qua văn hoá gia tộc giúp độc giả hình dung được phần nào di sản văn hoá tộc người Raglai hiện nay đang còn được bảo tồn.

Tác giả Trần Kiêm Hoàng và Chamaliag Rija Tiẻng với công trình nghiên cứu Yếu tố biển trầm tích trong văn hoá Ralai do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành vào năm 2010. Nội dung của tác phẩm gồm có 295 trang, chia làm 3 chương. Sau khi, trình bày tổng quan về văn hoá Raglai, các tác giả phân tích các yếu tố biển có trong văn hoá Raglai qua sử thi, truyện cổ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca, và yếu tố biển trong các thành tố khác như tang ma, kiến trúc nhà ở, nhà mồ, trang phục, phong tục tập quán, lễ nghi cho đến hệ thống các thần linh.

Tập thể tác giả Lê Khắc Cường, Phan Văn Dốp, Nguyễn Văn Huệ, Phan Xuân Viện với công trình Truyện cổ Raglai do Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc ấn hành vào năm 2011. Nội dung chính của tác phẩm gồm có 263 trang, có tất cả 60 truyện kể. Đặc điểm của truyện kể Raglai thường mượn hình ảnh con vật thông qua đó giáo dục đạo đức con người trong ứng nhân xử thế. Và thường phản ánh mối quan giữa con người với nhau, mối quan hệ gia đình và xã hội.

Tác giả Phan Đăng Nhật và Nguyễn Thế Sang với công trình Luật tục Chăm và luật tục Raglai do Nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc phát hành vào năm 2012. Nội dung chính của quyển sách gồm có 771 trang. Trong đó, có phần viết về luật tục Raglai từ trang 343-709, chia làm 2 phần: Trình bày về văn hoá-xã hội và luật tục Raglai. Trong phần 1, giới thiệu sơ lược về văn hoá-xã hội Raglai, những nội dung cơ bản và việc thi hành luật tục, luật tục Raglai với việc phát triển xã hội nay. Phần 2, các tác giả trình bày chuyên sâu vào vấn đề của luật tục như những quy ước chung, quan hệ gia đình, tục cưới và cưới phạt, quan hệ vợ chồng, quan hệ xã hội, tội về tình dục, loạn luân, về của cải tài sản, trộm cắp, lừa gạt, chiếm đoạt của cải, đối với trâu bò, vật nuôi, về quản lý ruộng rẫy núi rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ  thú rừng.

Trong nghiên cứu sử thi Raglai, theo tác giả Ngô Đức Thịnh có khoảng trên 30 tác phẩm đã được điều tra và sưu tầm ở tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tiêu biểu như các tác phẩm: Udai-Udac, Che Tili, Dăm Mutui, Ama Dăm Chi Lăng.v.v. Sử thi của Raglai phản ánh nhiều về lịch sử và xã hội liên quan đến người Chăm, quốc gia Champa và xa hơn là với Ấn Độ. Sử thi góp phần không nhỏ trong việc giải thích được mối quan hệ nguồn gốc và lịch sử giữa người Chăm và Raglai trong quá khứ.

Tóm lại, nghiên cứu người Raglai đã được đặt ra rất sớm. Mặc dù, còn khá khiêm tốn chỉ dừng lại ở khía cạnh, lĩnh vực văn hoá-xã hội là chủ yếu. Việc giới thiệu một số công trình nghiên cứu về người Raglai ở Việt Nam sau năm 1975 đã xuất bản thành sách chưa phải là bảng thống kê đầy đủ về bức tranh toàn diện những thành quả nghiên cứu đã thu hái được mà chỉ giúp độc giả thấy được những mảnh ghép của bức tranh. Có thể nói rằng, đó là những công trình tiêu biểu, khi nghiên cứu về tộc người Raglai không thể bỏ qua được. Qua đó, minh chứng một điều là những vấn đề văn hoá-xã hội người Raglai đang là đề tài hấp dẫn thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Phan Quốc Anh. 2007. Văn hoá Raglai những gì còn lại. Hà Nội: Nxb.Văn hoá Dân tộc.

2. Phan Quốc Anh. 2010. Văn hoá Raglai. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

3. Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Võ Công Nguyện, Nguyễn Văn Huệ. 1998. Văn hoá và xã hội người Raglai ở Việt Nam. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Khoa học Xã hội.

4. Lê Khắc Cường, Phan Văn Dốp, Nguyễn Văn Huệ, Phan Xuân Viện. 2011. Truyện cổ Raglai. Hà Nội: Nxb.Văn hoá Dân tộc.

5. Trần Kiêm Hoàng, Chamaliaq Rija Tiẻng. 2010. Yếu tố biển trầm tích trong văn hoá Ralai Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Hải Liên. 2001. Trang phục cổ truyền Raglai. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. Hải Liên, Hoài Sơn. 2009. Nhạc cụ tiêu biểu của người Raglai cực Nam Trung bộ. Hà Nội: Nxb. Thế giới.

8. Hải Liên, Sử Văn Ngọc. 2010. Hát kể truyện cổ Raglai. Hà Nội: Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

9. Hải Liên. 2010. Lễ tang của người Raglai cực Nam Trung bộ. Hà Nội: Nxb. Văn hoá Dân tộc.

10. Hải Liên. 2010. Po Anai Tang di tích, lễ hội của người Raglai. Hà Nội: Nxb. Dân trí.

11. Hải Liên. 2011. Văn hoá gia tộc Raglai gốc nhìn từ nghệ nhân. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

12. Phan Đăng Nhật, Nguyễn Thế Sang. 2012. Luật tục Chăm và luật tục Raglai. Hà Nội: Nxb. Văn hoá Dân tộc.

13. Nguyễn Tuấn Triết. 1991. Người Raglai ở Việt Nam. Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Khoa học Xã hội.

14. Viện Dân tộc học. 1984. Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh phía Nam). Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.

 

 

 

 

 

One thought on “Jaya Bahasa: Điểm luận một số công trình nghiên cứu về tộc người Raglai ở Việt Nam

  1. Chào Chú! Cháu là người Raglai.
    Chú có cuốn Truyện cổ Raglai không?
    Bản Scan ấy. Nếu chú có thì send cháu với. Cháu muốn nghe truyện cổ lâu rồi nhưng ở chưa có dịp.
    Cảm ơn Chú!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *