Jaya Bahasa: THÁNG RAMƯWAN CỦA NGƯỜI CHĂM BÀ NI Ở NINH THUẬN

Tan phong chuc sac [Tấn phong chức sắc]
Từ ngày 16-18 tháng 6 cộng đồng người Chăm Bà Ni ở tỉnh Ninh Thuận bước vào mùa Ramưwan tháng chay tịnh. Những nghi lễ quan trọng mà các tín đồ Chăm Bà Ni đều tiến hành là đi tảo mộ, dâng cơm cho tổ tiên, nghi lễ tẩy thể và nghi lễ chay tịnh diễn ra tại các thánh đường Hồi giáo (Sang Mâgik).

Nghi lễ tảo mộ

Vào tháng Ramưwan, các gia đình người Chăm Bà Ni tổ chức đi tảo mộ ở các nghĩa trang của dòng tộc. Lễ vật mang đi cúng tảo mộ gồm có trầu cau, trái cây, bánh ngọt, thuốc lá và nước trà.v.v. Sau một thời gian dài những nấm mộ đất không được chăm sóc, cỏ mọc đầy, trời mưa và nắng gió làm san lấp bề mặt của ngôi mộ nằm sát liền kề nhau. Do đó, khi đến tảo mộ công việc đầu tiên là làm sạch cỏ, vun cát cao lên thành từng dãy hàng mộ ngay thẳng. Chức sắc Po Acar đổ nước thánh tẩy lên từng viên đá trên hàng mộ. Những người đàn ông đã qua nghi lễ Aia karak ngồi trước hàng mộ đọc kinh cầu nguyện, thỉnh mời ông bà, tổ tiên đã khuất về nhà để con cháu cúng kính. Những người phụ nữ khi đi tảo mộ đều mặc áo dài trắng, quắn khăn Brăm trắng trên đầu, con cháu trong tộc họ nằm lạy ông bà tổ tiên khấn nguyện cầu an. Một gia đình có thể đi tảo mộ ở nhiều nghĩa trang khác nhau, có nơi rất xa với khu vực làng đang sinh sống hiện tại. Nhưng, họ vẫn phải cố gắng đi thăm viếng hết các nghĩa trang của dòng tộc. Đó là một ứng xử văn hoá của người Chăm, một nghĩa cử cao đẹp tưởng nhớ về tổ tiên trong tháng Ramưwan.

Nghi lễ dâng cơm

Trong mỗi gia đình người Chăm Bà Ni vào tháng Ramưwan đều có bố trí một không gian thiêng liêng dùng làm nơi nghỉ ngơi cho tổ tiên. Thông thường, người ta chuẩn bị một tấm phảng trên đó có đặt cái gối, cơi trầu, ấm nước trà, trái cây và bánh ngọt .v.v.
Trước khi dâng cơm một người đàn ông lớn tuổi thay mặt cho gia đình cúng gia tiên, rót rượu khấn mời ông bà tổ tiên về nhà. Lễ vật cúng gia tiên rất đơn giản chỉ có gỏi, thịt gà luộc, rượu, trầu cau, bánh trái. Nghi lễ dâng cơm do chức sắc Po Acar hoặc một người đàn ông trong dòng họ đã qua lễ Aia karak thực hiện. Các món ăn dâng lên cho tổ tiên gồm có hai phần lễ vật mâm chay và mâm mặn.
– Mâm chay: có chè, sôi, chuối, bánh tét và bánh sakaya.
– Mâm mặn: có cơm canh, thịt gà luộc.
Lần lượt người ta thỉnh mời từng vị tổ tiên đến nhận lễ vật. Những đại gia đình nào có đông tổ tiên thì việc dâng cơm kéo dài rất nhiều thời gian. Vì, người ta sẽ phải thỉnh mời từng vị một và mỗi lần dâng lễ gồm có 1 món ăn chay và 1 món ăn mặn. Lúc dâng cơm thì người phụ nữ, con cháu chấp tay lên đầu cầu nguyện tổ tiên về sum họp, xin tổ tiên hãy phù hộ độ trì cho gia đình luôn luôn khoẻ mạnh, làm ăn phát tài, gia đình đoàn kết, có được cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Khi đã thỉnh mời và dâng cơm xong, người ta đốt trầm hương và đọc kinh chúc phúc kết thúc buổi lễ dâng cơm.

Nghi thức tẩy thể

Người Chăm rất đề cao sự tinh khiết của cơ thể, trong suốt một năm con người có thể không giữ được sự thanh sạch của thân thể và tâm hồn. Do đó, trước khi vào Thánh đường (Sang Mâgik). Tất cả, các tín đồ người Chăm Bà Ni đều phải làm nghi thức tẩy thể để rủ bỏ những thứ ô uế, rủi ro, bệnh tật trong năm cũ nhằm mục đích “tống cựu nghinh tân” cầu mong một năm mới nhiều may mắn sẽ đến.
Nghi thức tẩy thể do một người lớn tuổi thực hiện cho các thành viên trong gia đình. Vào buổi chiều của ngày đầu tiên các chức sắc Po Acar vào Thánh đường thực hành chay tịnh khi nghe một hồi trống báo hiệu các tín đồ đồng loạt làm nghi thức tẩy thể. Người ta dùng một thùng nước trong đó có pha cát lồi hoặc trầm hương, lần lượt từng người một từ người cao tuổi đến em bé lấy nước rửa mặt 3 lần làm thanh sạch cơ thể. Khi đã thực hiện nghi thức tẩy thể các tín đồ mới được phép đi đến các Thánh đường để dâng lễ vật và cầu nguyện.

Nghi thức chay tịnh của các chức sắc Po Acar.

Hồi giáo Bà Ni là một tín ngưỡng-tôn giáo bản địa đặc trưng của người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Song song, với việc tôn thờ đấng tối cao Allah, người Chăm Bà Ni còn thờ phượng tổ tiên. Vì vậy, các nghi thức chay tịnh của cộng đồng người Chăm có nhiều chi tiết khác biệt so với Islam giáo ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Nếu như các tín đồ Islam giáo thế giới phải thực hành chay tịnh suốt tháng Ramadan (người Chăm gọi tháng Ramưwan) thì đối với cộng đồng người Chăm nghĩa vụ thực hành chay tịnh chỉ dành cho các bậc chức sắc tôn giáo. Thậm chí, các chức sắc Chăm Bà Ni cũng chỉ thực hành chay tịnh vào ba ngày đầu. Những ngày còn lại của tháng chay tịnh có thể ăn uống bình thường. Đây là một nét độc đảo thể hiện tàn dư của lớp văn hoá bản địa trong ứng xử với đức tin mới của Islam giáo.
Trong 15 ngày đầu thực hành chay tịnh, gia đình của các chức sắc không được phép sát sinh, giữ hoà khí trong lời ăn tiếng nói. Bước sang ngày thứ 16, thì nhịp sống của các gia đình mới trở lại bình thường. Trong suốt thời gian tháng chay tịnh, các gia đình phân công nhau luân phiên dâng cơm và lễ vật cho các chức sắc. Những tín đồ khắp nơi đến thăm viếng nhau, khi đi họ mang theo trầu cau dâng cúng cho Thánh đường. Nhân dịp này, các chức sắc cũng được các tín đồ cúng dường bằng hình thức dâng gạo hoặc biếu lễ bằng tiền mặt.
Tháng Ramưwan của cộng đồng Chăm Bà Ni là một nét sinh hoạt tín ngưỡng-tôn giáo. Các tín đồ dâng cơm cho tổ tiên, các chức sắc thì thực hành chay tịnh, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn, mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra tại Thánh đường trong suốt một tháng chay tịnh. Ngoài việc giúp đỡ các tín đồ dâng lễ vật, các chức sắc gặp nhau bàn bạc về kinh kệ, tìm hiểu và truyền thụ giáo lý. Khi kết thúc tháng Ramưwan chủ trì của Thánh đường sẽ tấn phong cho các chức sắc lên các bậc hàng giáo phẩm cao hơn. Qua mùa lễ hội Ramưwan, người Chăm bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc như trang phục lễ hội, ẩm thực, ứng xử cộng đồng. Đồng thời giáo dục thế hệ trẻ “sống tốt đời đẹp đạo”, phấn đấu trong học tập và lao động góp phần xây dựng Nông thôn mới ngày một khởi sắc ở các làng Chăm./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *