Inrasara: ĐỂ TRÁNH NGỤY BIỆN TRONG TRANH LUẬN

[1. “Sự thật lịch sử” chỉ là hi[s-]story – 2. Để tránh ngụy biện trong tranh luận]

Xung quanh bài viết của Ysa Cosiem ngày 26-9-2015, bài đáp lại của Po Dharma 29-9-2015 và vài phản hồi.

I. “Sự thật lịch sử” chỉ là hi[s-]story
1. Người làm lịch sử & người viết sử
Xưa, người Tàu có chức “Sử quan”. Sử được định nghĩa, “là ghi chép một cách kiên trì và công chính”. Yêu cầu đối với Sử quan là cần phải “ghi lại lịch sử một cách chân thực”, “không thiên vị”. Thêm nữa, thời cổ còn có quy định “nhà vua không được phép xem sách sử của triều đại đương thời”.
Ở đây ta thấy rõ: người làm lịch sử (Nhà vua và các bộ phận dưới trướng) và người viết sử (Sử quan) có vị thế khác nhau, cả hai tuyệt đối không can thiệp vào việc làm của nhau.
Đó là chính sử. Thế mà ngay chính sử cũng đầy bất toàn, huống hồ. Cho nên điều mà chúng ta hay gọi là “sự thật lịch sử” chỉ là một sự thật bất toàn, lắm lúc bị bóp mép.

2. Người làm lịch sử lại là người viết sử
Sử quan chép sử đã thế, nếu người làm lịch sử lại đi viết sử thì xảy ra vô số thiếu khuyết, bóp méo.
Cuốn Hàng mã Kí ức (NXB Hội Nhà văn, 2011) tôi kể người thật việc thật, nhưng tôi gọi tác phẩm này là “tiểu thuyết” là vậy. Đó là CÂU CHUYỆN CỦA TÔI qua tiếp xúc với con người Cham và văn hóa Cham, tôi cố gắng kể thật nhất có thể, nhưng:
– về 1 sự kiện [ví dụ: Trường Trung học An Phước bị pháo kích lạc năm 1970, nơi tôi là kẻ trong cuộc], tôi không thể THẤY hết các mặt thực của nó. Tôi thấy nó qua nhìn thấy thực của tôi, từ nghe kể của tôi, và qua hiểu biết của tôi lúc đó.
– 40 năm sau, cái thấy của tôi bị lổ hổng rất nhiều qua sự bào mòn bởi trí NHỚ, cho dù khi ấy tôi có ghi nhật kí.
– rồi khi KỂ lại, tôi sẽ giấu đi những cái có hại cho tôi, kể theo lợi ích của cá nhân tôi, của cộng đồng tôi, tôn giáo tôi, phe phái tôi; ngoài ra tôi còn giải thích chúng sao cho có lợi cho tôi nhất…
– cuối cùng, tôi kể nó bằng thứ NGÔN NGỮ bất toàn của tôi.
Do đó, tôi gọi nó là “hàng mã”. Hàng giả là hàng không thật nhưng người làm cố tình đánh lừa người dùng rằng nó là hàng thật. Ngược lại, hàng mã là hàng không thật, cả hai bên [bên làm và bên dùng] đều nhận như thế, nhưng họ vẫn làm và mua để dùng cho một mục đích nào đó.
Mục đích của tiểu thuyết Hàng mã Kí ức là: tham khảo, gợi mở và giải trí.

3. Liên hệ với chuyện Po Dharma viết sử Fulro
Xin nói ngay, ở đây tôi không bàn cái đúng sai hay nhận định về cá nhân Po Dharma hay phong trào Fulro, mà là nêu LÍ THUYẾT về chuyện viết sử.
PD tham gia làm Fulro, rồi sau này viết các câu chuyện về Fulro. Thời gian cách quãng từ làm đến viết cũng trên dưới 40 năm.
Ví dụ về vụ “giết trâu”, dù anh là chỉ huy, nhưng anh không thể THẤY hết sự thật. 40 năm sau, trí NHỚ anh cũng bị hao mòn. Anh KỂ nó cũng theo lợi ích của anh (giấu chi tiết có hại cho anh, thêm thắt chi tiết và giải thích chúng sao có lợi cho anh). Cuối cùng anh kể nó bằng NGÔN NGỮ của anh (ví dụ dễ hiểu nhất, chữ “văn hóa”, “hi sinh cho dân tộc” hai người Cham ở hai thế hệ, hai nền giáo dục khác nhau hiểu khác nhau).
Do đó, ta chỉ nên xem “sự thật lịch sử” của Po Dharma về phong trào Fulro như là câu chuyện CỦA anh: Hi[s-]story on Fulro, chứ không phải là lịch sử Fulro.
Câu chuyện của PD về Fulro là tài liệu tham khảo cần thiết [như rất nhiều tài liệu khác mà tôi/ các bạn có] để viết Lịch sử Fulro chính thống.

4. Nhắc nhở anh Po Dharma & Ysa Cosiem
+ Ysa Cosiem:
Trước hết tôi xin phê bình anh Ysa Cosiem về chuyện anh đưa bài viết được gửi qua email đến nhiều địa chỉ của Người Tử Tế lên FB của mình vào sáng 2-10-2015. Một nickname anh không biết lai lịch, dù viết đúng tới đâu ta cũng không nên cho công khai. Vì nó sẽ dẫn sự việc đến đâu mình không lường được.

+ Về Po Dharma
Đây là nhắc nhở chân thành của người thuộc thế hệ sau anh. Về Fulro, anh cần cố gắng kể thật nhất có thể. Bởi rất nhiều người biết chuyện, cả người trong cuộc và ngoài cuộc, cả những người ngoại quốc đang tìm hiểu về Fulro. Qua đó, độc giả mới tin anh, và có thể sử dụng nó làm tư liệu tham khảo giá trị.
Ví dụ chuyện mới nhất là chuyện anh về Việt Nam mà ai cũng biết, anh viết:
“tôi từ chối về Việt Nam để hợp tác với chế độ hay trở về thăm quê cha đất tổ của mình, mặc dù ông cụ đã qua đời nhưng tôi không có mặt trong đám tang và bà cụ tuổi đã hơn 99 còn sống, nhưng tôi chưa gặp mặt”.
– nếu anh viết cụ thể là từ sau năm 1994, thì đúng; còn viết chung chung như vậy là sai.
– từ 1992-94, theo tôi biết [vì tôi có gặp] ít nhất anh về Việt Nam 4 lần. Riêng về chuyên môn, anh có đọc tham luận ở Đại học Mở, thuyết trình tại Viện Khoa học Xã hội, họp mặt về từ điển ở Trung tâm VN-ĐNÁ, cả ba lần ở Sài Gòn, và Hội nghị Góp ý Từ điển ở Phan Rang. 4 THỜI ĐIỂM KHÁC NHAU. Tất cả đều có biên bản. Còn chuyện anh về quê thăm gia đình hay làm việc với các cơ quan khác, chắc chắn bà con Cham biết, và các cơ quan kia đều có ghi chép hay thu âm.

[THÊM: Tôi quan tâm đến Cham từ nhỏ, nên chú ý nhiều khía cạnh hoạt động cộng đồng. Riêng về Fulro, tôi có rất nhiều tài liệu, đã hay chưa công bố:
– sách của Nguyễn Trắc Dĩ, và nhiều tài liệu khác đã in.
– nhiều tin đồn tôi nghe kể [và ghi] lúc tôi học ở Pô-Klong.
– Huỳnh Ngọc Sắng là thầy dạy tôi Tiểu học, năm 73-74 mấy tháng và nhiều lần ông về Phan Rang ăn ở tại nhà chị Sỷ (chị tôi), ông kể rất nhiều chuyện về Fulro. Chú ý: ông có cảm tình với PD, nhưng không phải vì thế mà không có các chi tiết tiêu cực về PD. Ông Sắng không trực chiến cùng Fulro ở Campuchia, tôi biết, còn thế hệ trẻ chúng tôi lúc đó coi ông Giáo, ông Sắng, Po Dharma, ô Quyên… như những anh hùng.
– Sau 75, tôi gặp không ít vị từ Fulro trở về kể rất chi tiết về hoạt động phong trào này ở Campuchia, trong đó có vụ “ra lệnh giết trâu và sau đó ra lệnh đi xẻ thịt trâu” khiến một số người bị giết, vụ cướp làng Khmer, vụ chỉ huy ra lệnh đứng nguyên tại chỗ khi giáp mặt Việt cộng mà chỉ nhờ Padot, nhiều sinh mạng mới thoát chết. Vân vân.
– từ 1992 vào Sài Gòn, tôi còn thu lượm được nhiều tài liệu và chuyện kể nữa…]

II. Để tránh ngụy biện trong tranh luận(*)

Bài viết của Po Dharma và các phản hồi đã phạm vào mấy lỗi ngụy biện. Chú ý, tôi chỉ phân tích sự việc mang tính lí thuyết, chứ không phê phán.

1. Ngụy biện trần tình (argumentum ad misericordiam) là lối ngụy biện đánh vào xúc cảm thuần túy, để chiếm cảm tình của độc giả. Khi Po Dharma viết:
“Tôi là đứa con Champa mất nước.
… hàng ngàn chiến sĩ của chúng tôi phải chấp nhận hy sinh xương máu trên bãi chiến trường, bỏ thân xác trên mồ hoang không còn ai nhắc đến, nhưng chúng tôi không bao giờ than van hay oán trách ai cả.”
Ở đây hai anh đang bàn chuyện có hay không, đúng hay sai về một sự kiện lịch sử xảy ra, vậy hãy đưa bằng chứng sao cho đủ thuyết phục độc giả, chứ nó không liên quan đến việc “hi sinh xương máu”. Một chú bộ đội từng nhiều lần bị thương ngoài chiến trường, một giáo sư cộng sản có công lớn trong việc thống nhất đất nước không liên quan gì đến việc anh ta kể/ nhận định đúng sai về một sự kiện lịch sử, một chi tiết khoa học [xã hội…] nào đó.

2. Ngụy biện áp chế (argumentum ad baculum) là thủ thuật viện dẫn quyền lực nhằm “áp chế” đối phương, đưa người tranh luận với mình vào thế yếu.
Po Dharma viết:
“bài viết của Ysa Cosiem lên án tôi và tổ chức Fulro không phải là ý kiến cá nhân của Ysa Cosiem, mà là có sự chỉ đạo trực tiếp hay gián tiếm từ nhóm công an Việt Nam”
– PD đồng hóa mình với phong trào Fulro, rồi suy luận rằng Ysa Cosiem chống cá nhân PD tức là chống Fulro. Trong khi YC viết rất rõ rằng:
“tôi đưa bài này lên đây hy vọng có người biết và nêu tên NHÂN VẬT NÀY. Vì theo trong bài viết thì nhân vật này rỏ ràng là có tội với dân tộc vì ngang bướng không nghe lời can gián mà vô tình làm chết đồng đội của mình”(1).
Ở đây nếu Ysa Cosiem có ám chỉ hay lên án là ám chỉ, lên án cá nhân Po Dharma, chứ không ám chỉ, lên án “chúng tôi”, hay Fulro.
– Ngụy biện áp chế ở đây còn thể hiện ở chỗ vì Ysa Cosiem chống Po Dharma, nên Ysa Cosiem “làm theo chỉ thị của cộng sản VN”. Nghĩa là đẩy đối thủ về phía lép về hoàn toàn.

3. Ngụy biện biệt danh (argumentum ad verecundiam) là cách đánh đồng uy tín với bằng chứng cụ thể. Wa Praong viết ở phần phản hồi:
“So với Po Dharma, wa [Ysa Cosiem] chưa đủ tư cách. Về đấu tranh cho dân tộc, wa chưa đủ tư cách để lên án Po Dharma và các chiến sĩ FULRO(2). Vì ông ấy đã hy sinh rất nhiều. Về học vấn thì wa tự nhìn bản thân mình lại mà so sánh.”
Trong thế giới dân chủ, ngoại trừ đề tài chuyên sâu đòi hỏi khả năng chuyên môn cao như toán học cao cấp, ngôn ngữ chuyên ngành… còn thì ai cũng có đủ tư cách tham gia tranh luận. Từ người có bằng cấp thấp cho đến đứa em út trong gia đình, từ người có dự cuộc cho đến người ngoài cuộc… đều có đủ tư cách phát biểu, miễn là anh/ chị ta phát biểu đúng. Ở đây là các câu hỏi xung quanh: tại sao sự kiện lịch sử kia anh không kể ra, anh kể thế nào? là các câu hỏi ai cũng có thể đặt ra được.
Ngụy biện biệt danh áp chế người đối thoại bằng uy tín: bằng cấp, công trạng, thế đứng… Ví dụ có người còm ở FB tôi: “Anh có làm được như Inrasara không mà đòi trao đổi với Inrasara?”. Hỏi vậy là sai, là rơi vào ngụy biện áp chế. Tôi xóa đi.
Tốt hơn Wa Praong nên tìm đủ bằng chứng để bác bỏ luận điểm của Ysa Cosiem hơn là viện đến uy tín cá nhân Po Dharma.

4. Ngụy biện xúc xiểm (argumentation ad hominem) là thay vì bàn vào trọng tâm vấn đề, loại ngụy biện này quay sang công kích cá nhân.
Loại ngụy biện này xuất hiện ở phản hồi của Musa Porome, khi anh viết:
“Wa Praong ơi, thằng này lấy vợ Yuon, bị vợ chê bai là thằng Chà, nay tìm tới cộng đồng Chăm Châu Đốc bị họ ruồng bỏ, phải kiếm nhóm Chàm gian đở đạn, viết bừa nói bậy về Fulro một cách khốn nạn vô ý thức. Tôn giáo của nó nó còn bỏ huống chi bôi nhọ phong trào đấu tranh cho Champa là chuyện nhỏ. Đúng là tên bán nước hại dân.”
Tấn công cá nhân như thế, là hình thức ngụy biện thuộc dạng thấp nhất nên dễ nhận ra nhất.

________

Chú thích:
(*) Theo Xanh Mêlan, Talawas, 14-10-2012
(1) Theo tôi ở điểm này Ysa Cosiem nhận định sai: Sai của Po Dharma ở đây là cái sai của cấp chỉ huy, sai là do năng lực nhận định tình hình của ông ta kém [là chuyện thưởng xảy ra ngoài mặt trận], chứ không phải “nhân vật này rỏ ràng là CÓ TỘI VỚI DÂN TỘC vì ngang bướng không nghe lời can gián mà vô tình làm chết đồng đội của mình”.
(2) Wa Praong đọc kĩ lại nhé: Đọc cả bài tôi KHÔNG thấy có câu nào Ysa Cosiem “lên án các chiến sĩ FULRO” cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *