Vấn đề Chăm hôm nay 03. Quảng Đại Tuyên: Giới trẻ Chăm và các vấn đề nảy sinh trong thảo luận và tranh luận

Inrajaya03

* Photo Inrajaya03.

Trong một xã hội văn minh, những thảo luận/ tranh luận trên các diễn đàn truyền thông là một hình thức trao đổi ý kiển, thể hiện quan điểm diễn ra thường xuyên và không thể thiếu được. Việc này xảy ra hàng ngày, hàng giờ ở hầu hết dân tộc, các nước trên thế giới. Tuy nhiên, tinh thần thảo luận/ tranh luận ở mức độ cởi mở và nghiêm túc lại có sự khác nhau rõ ràng. Những cuộc thảo luận/ tranh luận của người Chăm cũng không phải là ngoại lệ.

Một vòng quanh các trang websites, diễn đàn của người Chăm… có thể nhận thấy người Chăm rất quan tâm đến các vấn đề văn hóa và xã hội của dân tộc. Với tôi đó là một sự tự hào rất lớn. Tuy nhiên có nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình tranh luận trong diễn đàn, điều này đôi lúc làm rạn nứt mối quan hệ giữa những thành viên trong diễn đàn, làm cho diễn đàn bị rối đi, và cuối cùng là làm sai lệch đi mục đích mà các websites, diễn đàn Chăm hướng đến. Mục đích của bài viết này mong muốn giới trẻ Chăm chúng ta chú ý hơn trong các trao đổi trong các diễn đàn khác nhau và hãy hiểu hơn về các phương pháp thảo luận hay tranh luận để cho diễn đàn có những nội dung mang tinh thần đóng góp ý kiến tích cực vì mục tiêu chung trong việc giữ gìn văn hóa truyền thống Chăm mình.

 

Những lỗi mòn lịch sử

(Xin các vị tiền bối thứ lỗi nếu như những điểm này đụng chạm đến cá nhân ai đó. Vì mục đích muốn cho giới trẻ có những hướng nhìn thoáng và tinh thần đóng góp hơn, tôi xin lược qua một vài khuyết điểm mà những cuộc thảo luận/ tranh luận trước đây đã mắc phải).

Gần đây, một bộ phận tiền bối của người Chăm chúng ta đã và đang xảy ra một vài cuộc tranh luận rất kịch liệt. Những tranh luận này vừa có cả những lý luận, luận cứ nhưng cũng có cả những ngôn từ hạ nhục, phỉ báng, bôi nhọ nhau. Các bên tranh luận không thể hiện tinh thần thiện chí, không chịu mở lòng để hiểu quan điểm của nhau và thật sự bảo thủ. Hệ quả là xã hội Chăm nhỏ bé bị xáo trộn. Ví dụ điển hình là những tranh luận từ thời website Chamyouth còn hoạt động, các email mà Champaka.info gửi cho group và những phản hồi qua lại giữa các thành viên… Ở khía cạnh tác động nhỏ hơn, giới trẻ Chăm chính là người bị ảnh hưởng đáng kể nhất, bởi họ hoang mang, bối rối không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho dân tộc, và đâu là hình mẫu đáng cho họ học tập.

 

Lối mòn hiện tại

Mặc dù, trong các cuộc thảo luận/tranh luận hiện nay của giới trẻ Chăm chúng ta đã một vài điểm tích cực như:

1. Thể hiện tinh thần dân tộc và sự quan tâm đến các vấn đề xã hội Chăm. Đây là điểm cực sáng để cho chúng ta có thể duy trì cho cuộc thảo hay tranh luận.

2.  Một bộ phận nhỏ đã và đang thể hiện được tinh thần cởi mở trong trao đổi ý kiến để đi đến sự hiểu biết tốt nhất và đi đến việc giải quyết vấn đề tốt nhất có thể.

3. Một bộ phận nhỏ cũng hiểu được vấn đề mình đang thảo luận/ tranh luận.

Tuy nhiên, đó chỉ là những chấm sáng nhỏ trong các cuộc thảo luận và tranh luận của giới trẻ chúng ta. Một bộ phận không nhỏ giới trẻ chúng ta đang đi theo lối mòn/ vết xe đổ của các tiền bối. Thử điểm lại một số điểm chính trong các thảo luận/tranh luận của giới trẻ chúng ta nhé.

  1. Chưa hiểu được khái niệm thảo luận và tranh luận trên diễn đàn.
  2. Chưa thực sự hiểu rõ/ chưa chịu ngẫm nghĩ nội dung của các vấn đề đang trao đổi hay tranh luận. Điều này dẫn đến sự hiểu lầm giữa những người trao đổi với nhau. Thỉnh thoảng, sự chưa hiểu rõ vấn đề đang trao đổi đã dẫn đến việc các bạn đi “lạc đề” hoặc lái sang vấn đề khác. Hệ quả, các vấn đề mới nảy sinh, trong khi những vấn đề tranh luận cũ vẫn còn tồn tại, chưa giải quyết xong. Cuối cùng, những thành viên này lại lao vào một cuộc “cãi chiến” mới mà không biết hồi kết của nó.
  3. Những thảo luận/ tranh luận thể hiện những ngôn từ không hay. Cụ thể, nhiều người chửi bới, miệt thị, chê bai, khích bác những người đang thảo luận/ tranh luận với mình. Những cá nhân bị khích bác, bôi nhọ phản ứng lại những gì bị gán cho họ. Cuối cùng, vấn đề đang tranh luận bị gạt một bên nhường chỗ cho cái được gọi là “cãi lộn/ luận” lên ngôi.
  4. Các lập luận mang nhiều cảm tính cá nhân, không sử dụng những luận cứ, chứng minh cho quan điểm của mình. Chẳng hạn, trong một cuộc thảo luận về vai trò của Champaka.info trong cộng đồng Chăm, có những người đánh giá cao vai trò của Champaka trong việc đưa những bài viết khoa học về lịch sử, văn hóa Chăm đến với cộng đồng. Một số khác cũng cho rằng, bên cạnh những đóng góp tích cực ấy, CPK có khuyết điểm là phê phán, bôi nhọ, chụp mũ những người trái quan điểm của mình. Cuộc trao đổi này tiếp diễn để có những ý kiến tích cực cho việc CPK hoàn thiện hơn thì lại có những thành viên chen vào vụ BBSSCC và ngôn ngữ Chăm. Rốt cuộc, mọi người bị hướng đến một chủ đề mới trong khi chủ đề cũ kia bị bỏ đi, sau đó là lại những lời khích bác nhau giữa các thành viên trái quan điểm nhau.
  5. Tinh thần bảo thủ, quyết bảo vệ quan điểm của mình tới cùng mà không chấp nhận những ý kiến khác: Cái tôi quá lớn, không chịu chấp nhận sự khác biệt, không chịu bỏ qua cái tôi để hiểu và chấp nhận những quan điểm khác nhau. Ý kiến của mình phải luôn đúng và chiến thắng. Xa hơn nữa là tinh thần dân tộc cực đoan, thái quá. Điều này cản trở rất lớn cho các trao đổi với tinh thần mở.
  6. A dua: Một bộ phận nhỏ chúng ta không hiểu vấn đề, nhưng lại hùa theo những ý kiến của những đối tượng khác nhau. Ở đây, chính kiến của họ không được đưa ra. Nhiều tranh luận bị rối bởi một bộ phận này.

Trên đây là một vài điểm mà tôi thấy được trong các diễn đàn tranh luận của giới trẻ Chăm chúng ta hiện nay. Như vậy, chúng ta có nên đi theo lối mòn của các vị tiền bối hay không? Nếu đi trên con đường đó thì hãy nhìn lại những gì đã và đang diễn ra trong cộng đồng chúng ta hiện nay. Hồi kết của những tranh luận này chưa biết bao giờ khép lại. Đó là bài học xương máu dành cho thế hệ trẻ Chăm chúng ta.

  1. 1.    Vậy chúng ta nên làm gì?

Nên hiểu thế nào là một cuộc thảo luận hay tranh luận trên các diễn đàn. Phần này tôi chỉ nêu khái niệm ngắn gọn dưới sự hiểu biết cá nhân.

Thảo luận: Hành động hay quá trình diễn đạt ý kiến về một vấn đề nào đó để hướng tới mục đích là đạt được một quyết định hoặc để trao đổi những ý tưởng hay giải đáp những câu hỏi quan tâm. Như vậy, mục đích của thảo luận không mang tính thắng thua, mà chỉ nhằm tìm hiểu hay giải quyết các vấn đề nào đó.

Tranh luận: Sự tranh luận là một loạt kết nối ý kiến được hỗ trợ bởi những lập luận, luận cứ rõ ràng và thuyết phục nhất để chứng minh cho quan điểm của mình. Theo đó, những ý kiến trái ngược nhau vẫn được tôn trọng, không bị bài trừ, và những quan điểm thuyết phục nhất sẽ được chấp nhận.

Ở Mỹ và môi trường học thuật của xã hội ở đây cho tôi thấy rằng, những quan điểm trong các tranh luận mặc dù rất trái ngược nhau, có khi có cả những khẩu chiến kịch liệt để bảo vệ quan điểm của mình những họ vẫn tôn trọng quan điểm của đối phương chứ không bao giờ bài trừ quan điểm đó cả. Đặc biệt, họ không bao giờ khích bác nhau hoặc bới móc đời tư của nhau. Sau những cuộc tranh luận nảy lửa, họ vẫn bắt tay nhau một cách bình thường. Giữa tranh luận khoa học và đời tư không dính dáng gì đến nhau đối với họ. Đó là sự tách bạch rõ ràng. Bởi vì tinh thần trao đổi của họ là nhằm tìm ra được những hiểu biết tốt nhất và những quan điểm thuyết phục nhất cho các vấn đề đang bàn bạc.

 

  1. 2.    Vậy tinh thần trao đổi cho giới trẻ Chăm chúng ta là gì?

Câu trả lời của tôi là sự thiện chí và nghiêm túc.

Nhưng thế nào là tranh luận thiện chí?Một cách cụ thể, mới mục đích tìm hiểu hay giải quyết các vấn đề quan tâm, bạn hãy thể hiện tinh thần cởi mở của mình để tiếp nhận những luồng ý kiến khác nhau, những giải pháp khác nhau mà những người đang trao đổi với bạn đang cùng thảo luận. Quan trọng nhất trong tinh thần thiện chí là thể hiện sự tôn trọng: Tôn trọng đối phương, tôn trong ý kiến trái chiều, và tôn trọng diễn đàn hay không gian đang thảo luận.

Thảo luận hay tranh luận nghiêm túc là việc chúng ta tuân thủ một cách nghiêm túc các qui định mà diễn đàn đó đưa ra. Chẳng hạn như, những quy định mà diễn đàn không cho phép như phê phán, bôi nhọ đời tư của nhau, tránh dùng ngôn từ kích động, vân vân. Một điểm chú ý là trên cơ sở qui định chung và căn bản của diễn đàn, các thành viên tham gia chỉ được phép dùng những lập luận logic, với thái độ thành thật và cởi mở, chứ không phát biểu theo cảm tính, thờ ơ, hay biểu hiện một sự thiển cận, đầu óc hẹp hòi (tinh thần dân tộc cực đoan).

 

Chúng ta đang muốn xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh. Vậy hãy bắt đầu từ điểm thảo luận và trao đổi với tinh thần thiện chí và nghiêm túc để hiểu thêm và tìm được những giải pháp cuối cùng cho các vấn đề. Chẳng có mấy ai muốn những thảo luận hay tranh luận trong diễn đàn trở thành một nơi để bút chiến, hay các cuộc đụng độ giữa các thành viên tham gia, những cuộc chửi bới, chẳng có lí luận của người tranh luận. Vì vậy, hãy xây dựng cho diễn đàn Chăm chúng ta một không gian văn hóa thảo luận/tranh luận tích cực. Điều này, tôi nghĩ chúng ta làm được nêu như chúng ta tôn trọng những điểm cần thiết cho thảo luận/ tranh luận.
Tiểu kết: Hầu hết các diễn đàn tranh luận của Chăm chúng ta đều muốn hướng đến việc tìm hiểu hay giải quyết các vấn đề văn hóa – xã hội. Những người tham gia diễn đàn trao đỏi đều là những có tinh thần dân tộc, quan tâm đến những vấn đề văn hóa xã hội nảy sinh trong cộng đồng mình. Chính vì vậy, theo tôi mục tiêu chung nên tập trung vào việc tìm sự thật hơn là khẳng định mình đúng, phải sẵn sàng chấp nhận và tôn trọng những quan điểm trái chiều. Bên canh đó, các tranh luận nên tập trung vào vấn đề đang bàn bạc chứ không nên xoáy sang các vấn đề khác và đi lạc đề. Điểm cuối cùng, cần có sự tôn trọng nhất định về đời tư của những người tranh luận với mình. Hãy hướng đến một văn hóa thảo luận/tranh luận đẹp, tích cực trong các diễn đàn Chăm. Không ai muốn hình ảnh dân tộc mình bị xấu trong mắt các bạn cộng đồng khác. Chúng ta yêu con người Chăm, yêu văn hóa Chăm và quan tâm cho Chăm, thế thì bắt đầu từ những điểm này chính là việc chúng ta đang làm cho chúng ta, cho bạn, cho tôi, và cho cả hình ảnh của tuổi trẻ Chăm nữa.

 

__________________

(Những điểm trên có vài điểm trùng lặp với nhau nên một số ví dụ trên đó có thể cũng lặp đi lặp lại, chúng không tách rời nhau được,  nhưng với mục đích cho mọi người cùng thấy vấn đề mâu thuẫn trong trao đổi của chúng ta, xin mọi người bỏ qua những điểm lặp đi lặp lại ấy)

 

 

5 thoughts on “Vấn đề Chăm hôm nay 03. Quảng Đại Tuyên: Giới trẻ Chăm và các vấn đề nảy sinh trong thảo luận và tranh luận

  1. Cảm ơn Quảng Tuyên về một bài phản biện xã hội về hiện tượng xã hội Chăm đương đại. Nhưng khi đọc xong bài viết của QT không động một chút gì cho tôi cả, ngoài một màu xám xịt. Xin trích nguyên văn của tg: “giới trẻ Chăm chính là người bị ảnh hưởng đáng kể nhất, bởi họ hoang mang, bối rối không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho dân tộc, và đâu là hình mẫu đáng cho họ học tập..”. QT bi quan quá, giới trẻ Chăm đủ minh mẫn để phán xét đâu là chân lý. Thế QT có bao giờ nghĩ “Tại sao trong lịch sử orang Champa lại thờ đa phần thần Shiva mà không phải Brahma hay Vishnu nhỉ?”.

  2. Gui Amaklinh@ Cam on anh/chu da gop y va phan bien. Xin thua voi anh/chu rang, noi dung tren cung bat nguon tu nhung trao doi voi cac ban tre. Toi may man duoc nghe rat rat nhieu suy nghi va tam su cua ho. Do la ly do tai sao toi muon dua phan do de cho moi nguoi thay rang Su hoang mang ho co la co that. Khong phai toan bo cac ban tre co the tu xet duoc dau la chan ly. Mot diem nua, muc dich bai nay huong toi mot moi truong tranh luan dep, trong sang vi tinh than dan toc hon la nhung cuoc cai va von co. Mot bo phan gioi tre da va dang thuc hien duoc dieu do, ho cung nhan ra duoc dau la chan ly. Theo toi nghi, do la huong nhin tich cuc va k phai la mot mau xam xit. Thuc hien duoc tinh than trao doi trong sang, Cham va gioi tre Cham se co mot moi truong trao doi huu ich nhat thay vi nhung tranh cai khong dang co.

  3. Giới trẻ nghĩ như bạn Tuyên là đáng hoan nghênh.
    Hãy dẹp mấy ông “truy sát” này nọ đi, đưa đời tư nhau ra, rồi tố cáo nhau với thế giới. KHÔNG đọc họ là hay nhất
    cảm ơn Tuyên.

  4. Theo ý kiến của tôi, nhà thơ Inrasara nên đưa bài này vào mục Vấn đề Chăm hôm nay, để thành series dễ theo dõi luôn.
    Đwa karun

  5. Nếu chúng ta cứ mãi tìm một hình mẫu để hướng tới thì chỉ thêm thất vọng mà thôi! Hãy nhìn vào những gì mà các bậc tiền bối đã làm……..rồi chúng ta hành động như một người Chăm, tất cả vì lợi ích cộng đồng và dân tộc Chăm. Quan trọng hơn là dành ít thời gian cho việc theo dõi thông tin trên các trang mạng vì thông tin đó chỉ gợi mở vấn đề chứ không giúp ta hiểu bản chất vấn đề. Có thời gian rãnh rỗi hãy tìm hiểu cuộc sống của bà con Chăm ở quê nhà thế nào? Còn thật sự quan tâm đến Chăm mình thì hãy đọc sách về Văn hóa – Xã hội Chăm đã được xuất bản. Hiểu về Chăm mình thì trong lúc tranh luận sẽ không xảy ra những hiện tựơng đáng tiếc mà QĐT đã đề cập. Chúc mọi người sức khỏe và thành công!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *