Thư cho TM: Vì ta không tranh với thế gian…

Sài Gòn, tháng 10-2010
Bạn TM. thân mến!

Lão Tử: Vì ta không tranh với thế gian, nên thế gian không ai tranh nổi với ta.

Mào đầu thư, cứ trích đại lão gia thế, để lấy trớn. Cả tuần nay, tôi lại rục rịch chuyển nhà. Vậy là phải xa sách vở dăm tháng. Thời gian rỗng, lục vài thư cũ đọc. Thư bạn ngắn, chân thành, và sát rạt, nên nó ám mình như ma. Tạm tóm ý như vầy:
– Sara bảo không tranh với thế gian, nhất là không tranh với Chăm, có thật thế không?
– Nếu đúng, điều đó có cần thiết không, trong thời đại đầy dãy đấu tranh sống còn này?
– Nếu mọi người đều đứng ngoài vòng cuộc tranh đấu cho sự tồn vong, cho tiến bộ, hỏi cộng đồng Chăm sẽ đi tới đâu?

Đời là trường tranh đấu, câu nói thành châm ngôn. Một châm ngôn được mọi mọi kẻ kẻ chấp nhận khó mà cãi. Nhưng Lão Tử, và… Inrasara nghĩ khác. Sống và làm mà không liếc sang người bên cạnh đã “lên” tới đâu, nổi tiếng ra sao, giàu có thế nào, đi xế hộp đời mới của hãng nào? Vân vân… 53 năm sợt qua đầu, thử đếm tuổi và tự kiểm: Tôi có đấu đá với ai không? Về cái gì không, dù là cạnh tranh được coi là lành mạnh nhất? – Có. Thuở học trò. Thi chạy lấy điểm, bóng đá chẳng hạn. Rồi giai đoạn ngồi lớp, hẳn rồi. Còn sau đó – KHÔNG!

1. Mùa lạnh 1990, khi đưa cả gia đình lang bạt miền Tây về, tôi gần như trắng tay. Lúc đó Thủ đang quán tạp hóa ở Palau quê ngoại, tôi hay ghé. Quán yut đang ăn nên làm ra. Thi thoảng Ngạt từ Sài Gòn tạt qua, ngủ nhờ. Thủ bảo: Sao yut không thuê chợ Caklaing đang bỏ không để làm như mình đi. Tôi nói: – Ờ, sao không nhỉ? Ơ hờ vậy thôi. Ngạt và Thủ là hai dân chiến đúng nghĩa. Khác tôi, nòi mơ mộng.
Về, tôi hót câu chuyện với Hani. Hani tuyên: Dứt khoát phải thuê. Hani cũng dân chiến. Tôi vốn ngán món kinh doanh kèn cựa. Ngán, nhưng vẫn ỡm ờ: – Ừ, thì buôn bán. Thế là tính thuê cái chợ còn trơ gan từ thời ông Thiệu xây cho dân quê hiện Hợp tác xã quản lí. Ngay từ khởi đầu đấu giá đã ra mòi cạnh tranh rồi. May đó từng là quán ế, nên Hani trúng thầu. Rẻ, như cho không.
Tôi, tính trời cho, chiều vợ, lăn xả vào. Đứng trụ như nhân vật chính. Và nên cơm nên cháo. Với dân quê, còn được coi là thành công lớn. Nhưng hỏi ở đó có dấu hiệu của cạnh tranh không, thì câu trả lời gọn như bẻ cây đũa là – không. Vì tầm này ở quê không có ai để cạnh tranh đã đành, nhất là tôi làm theo kiểu cá biệt, nên tinh thần này chả có lối xen vô.
“Không biết nói dối không buôn bán được”, ai nói thế? Tôi ngược lại: Chớ dại đi nói dối khách hàng. Thử trích Hàng mã kí ức:

Căn nhà cũ đã bán, giàn nho hay đám rau muống không còn. Hani liều bốc thăm làm hợp đồng thuê khu chợ cũ đầu làng bán cà phê 30.000 đồng/ tháng. Có thế thôi mà ba chủ thuê cũ đã sập tiệm sau hơn năm kinh doanh. Nhà quê mà. Ông thầy cũ dọa: Chăm chuyên gia ăn chịu, Trạm có nước giở quán chạy làng thôi. Nghe, tôi chả ngán. Tôi đón xe vào Sài Gòn ôm về cả đống sách dạy kinh doanh, cắm đầu “nghiên cứu”, rồi tóm gọn trăm trang cho vợ con “học tập”. Đó là mùa xuân 1991. Như thần, sau năm rưỡi mở tiệm, bán từ cái vặt vãnh nhất như xà bông, bánh kẹo cho đến giải khát cà phê, bia rượu cả tơ sợi, phân bón. Tất tần tật nhu yếu phẩm nhà quê. Chúng tôi gần như thâu tóm mọi mối bỏ sỉ và bán lẻ cả một vùng rộng lớn quanh Caklaing.
Bà S nói: – Thím quen rồi, cháu à, khó bỏ người ta quá đi. Tôi thuyết: – Thím mua sỉ 400 đồng chai Phú Thọ rồi bán lẻ có đá 550 nè, trong khi cháu bỏ cho thím có 370. Nếu mai này Trụ bán lẻ 450 thì thím buôn với bán làm sao. Thôi thím cứ thử đi. Chần chừ đi tính toán lại, cuối cùng tôi quy tập được bà S.
Quyết toán mỗi tháng quán thằng Trạm lãi ròng có khi đến năm triệu quy ra hơn hai cây vàng. Nhưng tôi vẫn chiếc xe đạp cũ xuôi ngược nắng gió Phan Rang. Chỉ đến tháng 8-1992, nhận giấy mời vào Sài Gòn, tôi alê hấp, cắt. Tôi mua nguyên lô đất khu chợ, thừa hai chục triệu mang vào Sài Gòn, đốt sổ nợ gấp hai lần con số đó. Hai tháng sau, Hani về quê lục kiếm cuốn sổ, tôi nói: – Anh đốt rồi. – Ông điên, Hani kêu lên. Tôi giở bài Socrate: – Để mỗi lần về quê mình còn biết họ là bà con lối xóm, chứ không như những con nợ nặng nề, Ok? Nàng chỉ có nước cười trừ
”.

Tôi bán rẻ nhất có thể. Rẻ và nhiều. Mua tận gốc bán tận ngọn. Làm chơi chơi vậy thôi. Xong, thì xé cành cà cành é bái bai.

Katê 2009, Nhà nước đầu tư Mỹ Nghiệp xây dựng sân vận động, Nhà thổ cẩm… khá “hoành tráng”. Dân Caklaing giàu lên như bắt được, không ít người ảo tưởng thế. Hani bảo: – Mình cũng phải cải tạo Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani đón cơ hội chứ, anh? Tôi nói như vôi quệt tường: – Không, muk nó à. Làm, đồng ý. Tôn tạo để làm đẹp mắt mình, thêm đẹp mặt làng, thì được. Còn mơ lãi từ quê mang đi xài ở thành phố thì chớ hòng. Không xu nào đâu. Mình sẽ vậy, ngay Caklaing cũng chả hơn gì. Trời có thương, thì hãy dành cho bà con nhờ. Nhưng chả đổi đời đâu, hãy sống mà nhớ lấy! Đoán mò mà trúng phóc: Katê sang Katê, Nhà Trưng bày Inrahani thì lâu lâu Chăm với lèo tèo khách vào xem miễn phí, còn Nhà Thổ cẩm Caklaing thì… kín bưng.

2. Kinh doanh đã vậy, nói chi các món khác. Phú Văn Hẳn ra trường phân khoa Ngôn ngữ, khoái quá, một chiều ngồi quán nước mía bến xe Phan Rang, tôi nói với Hẳn nếu thích, em cứ lấy hết tư liệu ngôn ngữ của anh đi. Sau đó, khi Lưu Văn Đảo ra tù: – Yut làm văn học Chăm nhé, yut năng khiếu đó, mình giao hết các tư liệu. Cho tất, để chuyên về sáng tác văn học và triết học. Bởi tôi biết, hai món này chẳng có Chăm nào màng tới. Và sẽ không có ma nào trong thời gian dài sau nữa.
Rủi ro cho tôi, cả hai từ chối. Nên tôi đã phải nai lưng ra “gánh vác” ôi là nặng trịch.
Mười năm chẳn qua ba cơ quan đủ cấp, đố bà con tìm ra đơn xin việc của “thằng Trạm mát”. Kế toán trưởng HTX Mỹ Nghiệp, nghiên cứu ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm – Phan Rang, rồi sau đó là Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Đại học Tổng hợp TPHCM, là người của cơ quan mang giấy đến tận nhà mời. Sau đó, nếu muốn, tôi còn làm vài cơ quan cấp to nữa. Nhưng thôi, tam cố thảo lư! Dạ đủ rồi thưa anh Hai, cho em tự do.
Tôi thổi bay mọi bóng mây dấu vết của xin xỏ, chạy vạy, cạnh tranh, khi nó sợt qua hồn mình.

3. Khôn ngoan đối đáp người ngoài… Ông bà ta khuyên vậy. Với tôi, nó hơi bị thừa.
Với Kinh, Tày, Thái… tôi không cạnh tranh đã đành, với Chăm thì càng.
Một bận, ở nhà bác sĩ Truyền, Trầm Ngọc Lan nói Sara khôn, có lẽ khôn [ngoan] nhất Chăm. Lại nhất nữa, mèng ôi! Tôi nghe lạ. Không hiểu ông bạn nổi hứng ban tặng tôi cái chữ nghĩa “khôn” theo hướng nghĩa nào.
– Thì năm ngoái một nhà văn Ywơn cũng đã kêu đích thị mình khôn là gì!
– Vậy là chính xác rồi, có sai đâu. Chê Sara dại mới đáng tội chớ.
– Đồng ý! Nhưng bồ có bao giờ thấy ngài Sara vận dụng ngón khôn kia để hại con nhái nào không? Hay để tư lợi tư túi xu hào? Chăm, nếu có khôn ngoan là để được sống sót qua cuộc trần bụi bặm và tạm bợ này thôi, bạn à. Chấm hết nhé.

Tôi vào Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam là do Phú Văn Hẳn dắt tay. Đó là năm 1993, Hẳn dẫn một lô anh chị em Chăm vào. Tôi mù tịt về Hội này. Thấy mọi người vào thì vào. Hẳn làm to, có sao đâu. Vậy mà có vị đùng đùng nổi lên chống Hẳn, còn tố cáo anh “làm aw kanhik” nữa. Tội! Hội Nhà văn Việt Nam, tôi không nhớ mình có làm đơn hay không nữa. Chỉ biết Nông Quốc Chấn giới thiệu. Sau đó, là vài Hội khác, cũng chả đơn từ.
Tháng 8-2010, cùng Trà qua gặp Hẳn tại Hội Mĩ thuật đường Pasteur. Có bốn nghiên cứu sinh cùng ngồi. Hẳn bảo anh em ở Hội DTTS ở thành phố muốn Hẳn làm lãnh đạo. – Anh Sara ủng hộ em nhé?! Mình nói: 100%. Mọi người kéo nhau sang quán khác. Thêm hai bạn dân tộc khác đang vai trò gì đó trong Hội. Tôi lặp lại nguyên văn câu nói ban chiều. Quay sang Hẳn: – Nhiệm kì tới, anh thôi BCH Hội DTTS TW. Chú ngồi ghế đó nhé. H cứ tưởng tôi bỡn. – Đại hội vừa qua chú không thấy anh chối bai bải ư? Do khờ khạo không kịp phản ứng nên đã dính đòn! Rút kinh nghiệm, tại Đại hội Nhà văn, tôi tính đường lủi sớm. Và thoát!

Có tên trong danh sách hay không, tôi còn chẳng quan tâm nữa là. Đại hội DTTS năm 2000, ông Chấn không thấy tên Inrasara, mới phone về Sài Gòn:
– Sao tôi không thấy tên cậu?
– Em không biết, bác ạ.
– Cậu chạy qua bác Nghị Đoàn đi, tôi vừa nói chuyện với ông điền gấp tên cậu vào. Cậu cần vào Ban chấp hành nhiệm kì này.
– Em mới điện cho bác ấy, bác bảo danh sách do Chi hội bên Chăm lo.
– Vậy cậu cứ ra đi, hai ngày nữa là Đại hội rồi.
– Nhưng ra sao được, tên em không có trong danh sách.
Những ngày văn hóa dân tộc Chăm tháng 8-2004 tại Hà Nội, nhà văn duy nhất của dân tộc không có mặt, khiến bà con một phen trố mắt. Tôi, chả vấn đề gì cả. Tôi nghĩ: Hãy dành ghế cho kẻ thích ngồi vào.

Còn Giải thưởng? Cũng khấm khá, nhưng tôi chưa nửa lần gởi tác phẩm nào bất cứ để dự giải thưởng nào bất kì. Nhà xuất bản, tổ chức hay cá nhân gởi nó đi. Và được. Có bạn văn cho Sara ăn may. Ừ, thì ăn may. Tôi từng trả lời phỏng vấn: “Tôi là người gặp may” mà. Người thì do tôi được châm chế hay ưu ái gì gì đó. Chuyện đùa! Lại có kẻ dạy đời nên chối quách cái giải đó đi, bởi nó không xứng với tầm Sara. To chuyện vậy cà? Chúng đến như gió thoảng, đi tựa mây trôi, tự nhiên như nhiên thế thôi.

4. Về đặc san Chăm.
Năm 1977, anh em sinh viên Sài Gòn rủ nhau ra đặc san Vijaya. Tôi có bài thơ dài “Jalan tơl Vijaya” rất oách, oách đến nỗi nó được các bạn dùng làm tựa. Tôi chưa nhìn thấy mặt mũi nó, bởi lúc đó tôi bỏ học với nổi hứng cạo đầu ra Nha Trang tu rồi.
Gần 20 năm sau, năm 1995, tại nhà Thành Phần ở quận Tư, trước mặt mươi trí thức Chăm, tôi đề nghị làm đặc san cho Chăm. Thành Phần đứng chủ biên, tôi chạy bài vở. – Tìm kinh phí hơi khó đấy, – Thành Phần nói. Tôi bảo: – Không vấn đề. Mọi người có vẻ nhất trí. Sau đó tôi hai bận nhắc vở, nhưng ý tưởng kia chìm.
Năm 1996, sau tháng hè dự Trại sáng tác ở Đại Lải, về, tôi kêu anh chị em Chăm hùn hạp bài vở làm số đặc biệt về Chăm trên Văn nghệ Dân tộc & Miền núi. Báo ra ngó rất sộp. Đăng Bẩy thay mặt báo Văn nghệ vào Phan Rang phát hành. Cả ngàn tờ báo bán hết vèo trong một buổi trên tháp! Năm sau, gợi ý Văn nghệ Ninh Thuận bị từ chối, tôi mới chuyển qua Văn nghệ Bình Thuận. Năm 2008, nguyên mẫu đặc san xuất hiện trên tạp chí Văn hóa các Dân tộc. Ba kì liên tù tì như thế Tagalau số đầu tiên mới cất tiếng khóc chào đời vào Katê 2000.
Huỡn đã! Năm 1998, Thành Phần nhân chuyến về quê gặp tôi và nói về đặc san nghiên cứu cho Chăm. Khởi động với 6-7 người thôi – anh nói, nơi sảnh khách sạn Ninh Thuận đầu cầu Ông Cọp. Cẩn chần chừ, tôi đồng ý không suy tính. Vào Sài Gòn, anh em hẹn gặp ở nhà Thành Phần. Tôi đến đúng giờ nghĩa là trước tiên, sau đó là hai bạn nữa. Ba anh vắng mặt. Rồi là bàn bạc, có tiết mục nhãn và đá chanh. Tôi lại là kẻ đầu tiên nộp quỹ 100.000 đồng. Sau đó, sự vụ không nhúc nhích gì thêm. Chả hiểu bởi nỗi gì.

Nhưng lẽ nào cả mớ Chăm không làm nổi đặc san? Vài bận tôi nhắc Trà Vigia và Trầm Ngọc Lan. Hứa, và hẹn. Thế là tôi hú hai yut vào. Họ chấp hành nghiêm. Lên xe đò, còn xách theo cặp gà vườn nữa. Tôi lệnh: – Một tuần, mỗi yut phải nộp cho mình 2 truyện ngắn, 10 bài thơ. Xong mới được về. Cơm nước, bia bọt, cà phê cà pháo thì miễn phí. Chơi vậy mà nên việc. Tagalau 1 phát hành ngon lành. Ngon lành thế, nhưng tôi không cho đó là đặc san “của” Chăm, “đại diện cho” Chăm. Chọn cái tên “Tagalau” thôi cũng đã rất nhỏ con đầy khiêm tốn rồi. Người đứng chịu trách nhiệm lại là ông Tày: Nông Quốc Chấn. Nhớ là Tày, chứ không phải Chăm! Mãi khi ông này về trời, thêm sự cố “Mĩ Sơn đường về” ở Tagalau 2, không nhà xuất bản chịu cấp phép nếu kẻ có tóc nào đó không đứng ra làm đầu têu cho họ dễ nắm, khi đó tôi mới mang thân ra “chủ biên”. Làm Tagalau, tôi mời tất tần tật không chừa ai, từ dân tập tò viết đến các anh đã đút túi học vị học hàm, từ Ninh Thuận cho đến An Giang, trong nước lẫn hải ngoại, nhập cuộc. Vô phân biệt. Ai vui vẻ thì – mại dzô!
Ứng xử với anh em cũng hệt. Năm 2005, Phú Văn Hắn làm cuốn Đời sống văn hóa và xã hội của người Chăm TP Hồ Chí Minh, kêu tôi góp vốn, ngay hôm sau tôi nộp hai bài, không đặt tí tẹo điều kiện cho nhọc lòng con cuốc cuốc.

15 năm cuộc chữ nghĩa, tôi có tranh với thế gian không? – Không, và có. Không, về kèn cựa giành giật danh tiếng cao thấp, nhỏ to. Có, về mấy vụ tranh đúng sai. Non mươi bài [trao đổi/ đính chính], Kinh lẫn Chăm. Đa phần là để giải minh cho người thiên hạ, cả cho đối tượng. Giúp họ nhận ra sự thể, tránh ngộ nhận gây đau bao tử, tội. Ở tuổi 50, tôi té ngửa ra, và tự hứa: Sẽ không bao giờ nữa.
Nhưng có thể được không? – Bạn đã hỏi thế. Khi sự đúng sai đó dây mơ đến cuộc đời kẻ sống quanh ta, những sinh thể thấp cổ bé họng, thiếu khả năng tự vệ. Tiếng nói của tôi phần nào giúp giải oan cho họ, hay ít ra – tạo sự đồng cảm, xoa dịu. Tôi đã thử làm như thế, với một đơn thư cáo giác anh em trong một cơ quan, đơn thư chẳng những làm mất mặt bầu cua họ thôi mà còn có thể nguy hại cả sinh mệnh họ nữa. Tôi cũng đã lên tiếng về các vấn đề cộng đồng, nơi tôi sống. Nhưng nó sẽ dẫn đến đâu?

Có thể chúng không dẫn tới đâu cả. Vậy thì – hãy nói và bỏ đi. Như Lão Tử, như Rilke… Cứ học đòi đại thế.
Dù gì đi nữa vẫn luôn luôn giữ phong thái của kẻ sắp lên đường, như chúng ta sống mà vẫn luôn luôn từ biệt”.

Vui bạn nhé! Thân mến
Inrasara

2 thoughts on “Thư cho TM: Vì ta không tranh với thế gian…

  1. Inrasara viet:
    Chăm, nếu có khôn ngoan là để được sống sót qua cuộc trần bụi bặm và tạm bợ này thôi, bạn à. Chấm hết nhé.

  2. “Rủi ro cho tôi, cả hai từ chối. Nên tôi đã phải nai lưng ra “gánh vác” ôi là nặng trịch”. Inra nói thế, là Inra đang nói chuyện nghiên cứu văn học và ngôn ngữ. Sau đó không ai làm tạp san nên Inra phải “nai lưng” ra làm Tagalau. Tôi hiểu Inra đam mê và thật lòng muốn dồn sức cho sáng tạo. Nhưng tôi cũng không thể làm nghiên cứu thay Inra.
    Rồi thì chuyện nhiễm mặn đất rẫy làng Hiếu Thiện, chuyện Katê khác lạ, hay chuyện “bất an” của bà con… không ai nói, Inra “nai lưng” ra nói. Tôi cũng hèn, không dám nói, không có khả năng nói. Nếu có nói cũng chẳng có ai nghe tiếng nói không lấy gì làm quan trọng của mình. Đành phải ngậm ngùi nhìn tháng ngày qua thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *