Vấn đề Chăm hôm nay 04: Tranh luận – cãi cọ – chửi bới

Những tưởng đầu đường thương xó chợ

Ai ngờ xó chợ cũng chơi nhau…

Bùi Giáng

Inrajaya04

* Buồn và lo wá chị nhỉ! Photo Inrajaya.

1. Thân phận Chăm chúng ta dù sống đâu bất kì, dù có làm tới ông này bà nọ, dù tiếng tăm lừng lẫy tới đâu vẫn là thân phận… “đầu đường xó chợ”.  Hiểu như thế không phải để mặc cảm, mà để nhìn đúng sự thể như nó là thế. Như đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, chúng cần yêu thương nhau, đùm bọc nhau để tự vệ. Để sống đàng hoàng hơn, từ đó hi vọng vươn cao hơn.

Nhưng không. Chúng không biết yêu thương nhau, không biết đùm bọc nhau. Đã đành!

Chúng oánh nhau, oánh tan tành xí quách. Oánh nhau rất vô cớ (bằng giả bằng thiệt). Có khi do một nguyên cớ rất ư vụn vặt (về thay đổi vài nét trong akhar thrah). Cả mấy đứa em biết thân biết phận tránh xa cũng bị lôi vào oánh (6 năm nay, Inrasara không can dự cũng bị đòn).

Còn đỡ, chúng lại oánh ở cấp cao nhất: Anh Hai với anh Ba. Thế hỏi gia đình bảy anh chị em mồ côi mồ cút kia, năm đứa em còn lại làm gì? – Bất khả. Bi đát chính là chỗ đó.

 

2. Tranh luận, – hay lắm, cần thiết nữa.

Nhưng khi những người tham gia tranh luận đã sẵn định kiến, thì ôi thôi. Kết luận đã có sẵn, ta mang đến tranh luận, thì chắc chắn ta sẽ cãi chày cãi cối cố lấy được. Tranh thắng về phần mình, về phe mình. Từ đó, chân lí trốn biệt vô tăm tích lúc nào không hay.

Tranh thắng không được, ta từ bỏ ngay các luận điểm khai mào cuộc tranh luận, bắt đầu giở trò bới móc đời từ nhau ra, đời tư từ mấy đời tám hoánh. Ta bỏ bóng đá người.

Nếu dừng ở đó thôi thì còn may lắm! Ta bắt đầu réo cả tên cha mẹ, giòng họ nội ngoại người ta ra, mà chửi. Ta đổ lên đầu nhau bao nhiêu là “ngôn từ Đan Mạch”. Thảm!

Tệ hại hơn nữa, thời gian gần đây, có dấu hiệu vài đứa em manh tâm học tập “gương sáng” anh Hai anh Ba kia.

Vài đàn anh đàn chị mồ côi mồ cút Chăm đã hành xử với nhau như thế, mấy năm qua.

Những tưởng đầu đường thương xó chợ

Ai ngờ xó chợ cũng chơi nhau…

Mấy đứa em còn lại nên làm gì? Các bạn đã từng tham gia cãi cọ, các bạn đã từng góp ý, đã từng lên tiếng can ngăn. Tiếng nhẹ có, nặng có… Nhưng đâu lại vào đấy. – Vậy, bỏ nhà đi thôi, đó là lối thoát duy nhất. Coi như mình đã mất anh chị (mồ côi lần thứ hai), coi như anh chị không có. Như Alan Paton, chúng ta hãy khóc: Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu…

Một lần, chỉ một lần thôi, và không bao giờ nữa…

 

Kì 5. Vấn đề Chăm hôm nay 05: Sự kiện nổi bật trong năm

4 thoughts on “Vấn đề Chăm hôm nay 04: Tranh luận – cãi cọ – chửi bới

  1. Đọc mấy câu đầu, hơi bị dội. Nhưng chỉ vài câu sau, chúng ta đã thấy rõ thực thể Chăm thật đáng thương mà trong bộn bề cuộc sống, những đứa con Chăm quên mất mình: là anh em mồ côi cha mẹ.
    Tôi thật sự cảm động với câu Cả mấy đứa em biết thân biết phận tránh xa cũng bị lôi vào oánh khi liên tưởng đến trường hợp của “đứa em” cô độc Thành Thanh Dải, cho dù một số việc làm (theo cá nhân tôi) của anh ấy tôi cũng chưa đồng tình cho lắm.

  2. Không bằng cấp nên ghen người có bằng cấp.
    Để thể hiện ta đây giỏi, nên hay chê bai người khác. Chê bai hết bài thì chưởi. Chủ yếu là vậy.
    Tránh xa họ như tránh hủi. Không đọc, không bàn. Họ sẽ lơ cơ thôi. Có khờ mới đi nhào vô.

  3. Hát có người xem mới dzui.
    Gánh hát này vẫn còn có nhiều người xem. Tui đoán mò như thế đấy, bà con à. Do đó họ vẫn còn hát. Tui nghe kể thôi mà cũng muốn ói luôn đó. Bỏ thì giờ đi uống rượu với cha thằng Klủn dzui hơn. Cháu đồng ý với cei Sara đó…

  4. Cei Sara ơi! hãy gợi ý thế nào là tranh luận?, thế nào là chửi bới?… để cho một số thông. Tội nghiệp một số đó quá, tự “sắm” cho mình “cây gậy lớn” để xưng bá “xó chợ”, đụng đâu “oánh” đó mà trúng toàn là lưng mình ” đây là trận liên hoàn “gậy ông đập lưng ông”. Sao họ không biết đau vậy? có lẽ chờ ngày trúng đầu mới biết chăng? cháu chắc là trước sau cũng trúng đầu vỡ sọ thôi.
    Thôi thì, cháu cũng mạo muội nhắc họ: Quen “oánh” rồi thì cho dù có cầm cái gì đi chăng nữa cũng đừng tự cao, tự đại,… và hung hăng, hãy tuyệt đối bình tĩnh, tu luyện … trở thành cao thủ “oánh” cho trúng người ta.
    Ước gì thầy Nguyễn Văn Tỷ ra tiếp “Thói hư tật xấu người Chăm” nhiều hơn nữa, chú nhỉ? thèm đọc quá, chú ơi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *