Báo Thể thao & Văn hóa cuối tuần, ngày 23-5-2014, Văn Bảy hỏi:
– “Xin anh thử cắt nghĩa vì sao người Việt lại có tâm lý sợ, hay lơ là biển đến như vậy?” Tôi nói: – Lơ là thì không khó nhận ra. Người Việt quen nhìn bề mặt (ở đây chỉ nhấn về tinh thần phiêu lưu ở lĩnh vực khoa học kĩ thuật) mà không hướng bề sâu, bề sau. Bề mặt núi ta thấy núi có củi, có gỗ, có trái cây, có muông thú, vân vân; còn bề mặt biển thì chỉ có mênh mông… sóng. Bề sâu núi, ở tầng cạn hay thậm chí lộ thiên, trước mắt ta bao nhiêu là mỏ, cứ cúi xuống nhặt hay cần vài nhát cuốc đào là dùng ngay được; ngược lại dưới đáy biển thì mù mịt tăm hơi!
Còn sợ, có mấy yếu tố khiến người Việt sợ biển. Văn minh lúa nước gia cố tâm thế làng xã, quanh đi quẩn lại bà con láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau; cho nên tinh thần phiêu lưu ở người Việt rất yếu. Cùng lắm, có “đi khơi về lộng” ta vẫn mang tâm lí hợp quần. Mà lộng đâu chỉ có 3 cây số, và khơi đến 7 cây số là cùng. Còn tinh thần phiêu lưu cần đến cá nhân có cá tính mạnh, ham làm giàu hay thậm chí chỉ cần đi để thỏa mãn chí tang bồng hay sự hiểu biết. Nghĩa là ở đó, cá nhân thường trực đối mặt với cô đơn, hiểm nguy và cái chết.
Viễn dương thì không thể không tính đến yếu tố khoa học kĩ thuật, như kĩ thuật đóng tàu lớn có sức chịu đựng đường dài và dài hạn. Rồi trong các hành trình xuyên đại dương kia, hàng loạt vấn đề cấp thiết đặt ra đòi hỏi tri thức rộng về thiên văn học, y học, ngôn ngữ… Theo tôi, trong quá khứ, cụ thể hơn – đầu thế kỉ XIX trở về trước, người Việt không tỏ ra có ưu thế về khoa học kĩ thuật; còn học hỏi, tổ tiên người Việt chỉ biết “đi bộ” qua Trung Quốc tiếp nhận văn hóa Tàu, và chỉ giỏi mỗi… tiếng Hán!
Cham ngược lại, họ chẳng những không sợ biển mà còn say mê biển. Cham đích thị cư dân biển, thậm chí là “cướp biển hung hãn và gan dạ” (chữ của Lê Thành Khôi – sẽ bàn sau), qua đó họ đã dựng nên nền văn hóa biển đa dạng và độc đáo. Từ giếng vuông Chàm đến Mắm Cham, từ Ghur (nghĩa trang) của người Cham Bà-ni cho đến tục thờ Cá Ông, vân vân.
Ra khơi, điều không thể thiếu là lễ hạ thủy tàu thuyền với những lễ vật và bài phù chú đặc thù. Cham đa thần và sống quan hệ mật thiết với biển, cho nên trong đời sống tâm linh họ thờ Thần Sóng (Po Riyak), Thần Biển (Yang Tathik) là điều không lạ. Những lúc lên rừng xuống biển gặp bao bất trắc hiểm nguy, Cham luôn cậy đến Thần Biển phò trợ độ trì. Chú ý, Thần Biển chứ không phải Thổ Thần, cho dù đây cũng là vị thần có vị thế đáng kể trong đời sống tâm linh Cham, nhưng chính Thần Biển mới có vai trò lớn.
Ở Ninh Thuận hiện vẫn còn tồn tại các thầy cúng chuyên hành nghề này.
Ông Bộ 80 tuổi ở Chakleng quê tôi bỏ nửa đời vào hành nghề tận Phan Thiết. Ông Bá Đến 66 tuổi dân Pabblap được các ngư dân Việt từ Bình Định, Vũng Tàu mời đến làm lễ Hạ thủy Tàu thuyền (Patrun gilai). Lạ, tại sao đa số ngư dân Việt tin các ông thầy Cham đọc kinh lễ tẩy trần, mới linh? Và, tại sao ông bà Cham nửa thế kỉ trước thôi muốn làm nhà chuẩn và sang thì phải vời cho bằng được thợ mộc Bình Định vào mới đặng? Câu hỏi động chạm vào nhiều vấn đề quan yếu của lịch sử và văn hóa.
Lễ Hạ thủy Tàu thuyền có hai dạng: thuyền cũ cho mùa mới, hay thuyền hoàn toàn mới để lần đầu tiên ra khơi. Dạng thứ nhất, lễ vật có một con gà nướng, một chén xôi, một chén chè, 2 trứng gà luộc, bánh 5 miếng, trầu têm 5 miếng. Ở dạng thuyền mới, lễ vật cần thêm: lưới, thúng thóc; trên thúng thóc là cây nến với nải chuối.
Con thuyền được đặt trên cạn trước mặt sóng biển mênh mông, ông Thầy đứng ngay đầu thuyền hành lễ. Tuần tự: ông Trình về bản thân (Akhan ka drei); sau đó làm lễ Mời Thần (Da-a Yang), từ thần Tháp cho đến 37 vị Thánh, có cả Thần người Việt; cuối cùng là Đọc kinh Lễ (Ricauw) với Thần chú Tẩy uế (Mưroy). Có 7 Kinh lễ cả thảy. Tạm trích đoạn:
Kuw nau bitơl haluw janưk kuw ricauw kuw patalơh
Kuw apah di kauk gilai blauh kuw tanra di atara
Kuw patalơh di ngauk adơrha ala tanưh riya
Kuw patalơh di patuw di kayuw
Kuw patalơh di glai pamưtai rimaung
Kuw patalơh di kraung pamưtai pataw ikan
Kuw patalơh di tơng pamưtai biya
Kuw Po jallidi…
Ta đi xuống tận đáy sân si, ta tẩy trần mọi uế tạp
Ta vỗ lên đầu thuyền, ta gạt ngang khoảng không gian
Ta tẩy rửa mọi uế tạp trên trời dưới đất
Ta tẩy rửa trên đá tảng, trong tàn lá
Tẩy rửa trên rừng ngàn, ta hạ thủ chúa sơn lâm
Tẩy rửa dưới sông rộng, ta giết chết loài kình ngư
Tẩy rửa trong vịnh sâu, ta đuổi tiệt loài sấu
Chúa tể đại dương là ta…
Ta đã là chúa tể Đại dương, ta tự tin và dũng mãnh lên thuyền đi ra biển lớn.