HIỂU THÌ CÀNG YÊU HƠN 09. Tinh thần phiêu lưu Cham 1. Tư duy biển lớn

Đời sống Cham xưa và nay gắn chặt với biển, làm nên nền hải sử và văn hóa biển Cham.
Ngay ở đầu thế kỉ thứ V, sử sách ghi nhận, vua Champa là Gangaraja đã vượt đại dương sang bờ sông Hằng. Thế kỉ thứ VII, người Cham đã có những giao lưu quan trọng với Nhật Bản. Câu chuyện vua Chế Mân lấy công chúa Java là Tapasi cuối thế kỉ XIII, hay chuyện Po Rome (1627-1651) lấy công chúa Kelantan – Malaysia, hoặc trường ca cổ Cham kể về Po Tang Akauk sinh ra, sống và chết đi với biển, là một mảnh huyền sử về văn hóa biển đáng giá.
Sử gia Maspéro kể thêm rằng, vào đầu thế kỉ thứ X, Po Klun Pilih Rajadvara – vị quan phục vụ 4 đời vua đã 2 lần đi đến kinh đô Java “để học khoa học thần bí”, rồi “chuyện hoàng hậu Daravati (mất năm 1448), em ruột vua Champa, là vợ một vua xứ Madjjapahit ở Java, và chính bà đã đưa đạo Hồi vào xứ này…”
Từ những cuộc đi viễn dương đó, người Cham đã dựng nên nền hải sử dài và sâu, bổ khuyết vào nền hải sử còn rất thiếu khuyết của Việt Nam.
Chính tinh thần phiêu lưu này làm nên – theo cách gọi của Tạ Chí Đại Trường – “tư duy biển lớn” của người Cham.

“Cũng chính bàn tay người Pháp với lực lượng hải quân lớn đã đẩy xa biên giới phía đông đến quần đảo Trường Sa nơi các tên Itu-Aba, Spratley… Triều đình Việt xuất thân từ “miền Dưới” như Trần, vẫn chỉ chú ý nhiều đến các đảo ven bờ như Vân Đồn, cho đến khi chúa Nguyễn kế tục phần đất Chiêm Thành mới mon men ra ngoài Hoàng Sa để đất được ghi vào bản đồ của người Âu, thế mà cũng phải đợi đến triều Nguyễn mới có dấu hiệu chiếm lĩnh. Ý thức đại dương / biển lớn đến muộn trong đầu óc người Việt…” (Tạ Chí Đại Trường, Sơ Thảo: Bài Sử Khác Cho Việt Nam, Damau.org, 8-1-2009).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *